slider

“700.000 KM TRONG VŨ TRỤ”- MỘT CUỐN SÁCH QUÝ ĐANG TRƯNG BÀY Ở DI TÍCH NHÀ SÀN

24 Tháng 09 Năm 2013 / 2604 lượt xem
                                                                          Nguyễn Thị Thu
Phòng ST-KK-TL
Trong khối sách- kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang trưng bày, phát huy tác dụng tại Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có nhiều cuốn sách của nhiều tác giả trên thế giới kính tặng Người. Trong số những cuốn sách đó có cuốn “700.000 km trong vũ trụ”của tác giả Giéc man Titốp - thiếu tá phi công vũ trụ Liên Xô, anh hùng Liên Xô, trực tiếp kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang được trưng bày ở chồng đầu tiên, ngăn giữa trên giá sách tại tầng 2 ngôi nhà sàn.
Cuốn sách 700.000 km trong vũ trụdo Nhà xuất bản Sự Thật Liên Xô phát hành năm 1961 tại thủ đô Moskva. Sách viết bằng tiếng Nga, dày 140 trang, kích thước 13,5 x 21 cm. Bìa sách được làm bằng giấy cứng, có in hình tên lửa đang từ mặt đất hướng bay lên vũ trụ màu trắng. Phần đầu tên lửa có in dòng chữ “Восточный” (Phương Đông 2) - hàm ý rằng con tầu này đã đưa tác giả German Titốp lên vũ trụ. Bên ngoài bìa cứng lại được bọc một lớp vỏ giấy màu đen, trên nền màu đen có in hình quả đất và được bọc một vòng tròn màu trắng xung quanh, phía trên, bên phải là tên tác giả, phía dưới là tên tiêu đề cuốn sách, chữ màu hồng nhạt. Ở trang 2 cuốn sách có lời đề tặng bằng tiếng Nga, viết bằng bút dạ, màu đen của tác giả dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tạm dịch là:
            "Kính tặng Bác Hồ với lòng biết ơn"
                         Dưới ký tên:      G. Titốp
                                            Ngày 24-1-1962
Giéc man Titốp là một công dân Liên Xô đã thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ sau chuyến bay thành công của nhà du hành vũ trụ Liên Xô Gagarin- người đầu tiên bay vào vũ trụ trên con tàu Phương Đông I (ngày 12/4/1961). 4 tháng sau, Liên Xô lại phóng thành công tàu vũ trụ Phương Đông II do Ghecman Titốp (G. Titốp) điều khiển (6- 7/8/1961). Tàu vũ trụ Phương Đông II sau 25 giờ 11 phút đã bay được 17 vòng trái đất với hơn 703 nghìn cây số trong vũ trụ. Đây là một thành tựu vĩ đại của Liên Xô trên con đường nghiên cứu vũ trụ trước khi đi đến những thành công cực kỳ to lớn mà các nhà du hành vũ trụ Liên Xô đã lập được kỷ lục là sống 237 ngày đêm trong vũ trụ sau này. Sau ngày thực hiện thành công trong chuyến bay vào vũ trụ ngày 9/8/1961, G.Titốp đã viết cuốn sách “700.000 km trong vũ trụ”.
Trong cuốn sách “700.000 km trong vũ trụ” tác giả G.Titốp kể lại: để trở thành một phi công vũ trụ thì bản thân ông đã phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện trong điều kiện hết sức khắc nghiệt ở những môi trường khác nhau. Và ông cũng chứng minh rằng con người có khả năng sống và làm việc được một thời gian dài (237 ngày đêm) trong tình trạng không trọng lượng ở trong vũ trụ. G.Titốp là người đầu tiên thực hiện việc điều khiển con tàu bằng tay trong mọi chế độ và cũng là người đầu tiên trên thế giới chụp ảnh bề mặt trái đất, bầu trời và mặt trăng… Theo tác giả, thành công của chuyến bay vào vũ trụ lần này không chỉ thể hiện được thành tựu khoa học kỹ thuật cao của Liên Xô mà còn khẳng định sức mạnh của chế độ Xôviết và khả năng lao động, sáng tạo của những nhà khoa học vũ trụ, những kỹ sư, công nhân đã làm nên con tàu “Phương Đông 2” với tên lửa đẩy cực mạnh để bay vào vũ trụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui mừng trước thành công của con tàu vũ trụ Phương Đông II và nhà du hành vũ trụ Tiốp, ngày 7-8-1961, Người đã gửi điện chúc mừng tới đồng chí Khơrútsốp - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô và khẳng định: “Đối với thắng lợi của Liên Xô, nhân dân Việt Nam chúng tôi rất sung sướng và rất tự hào, vì đó là thắng lợi chung của phe xã hội chủ nghĩa và của toàn thể loài người”(1). Và trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên Đài phát thanh Mátxcơva tại Hà Nội, Người nói: “Tôi thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi những lời chúc mừng nhân dịp Liên Xô phóng con tàu vũ trụ Phương Đông 2 chở theo 2 người, và chuyển lời chào nhiệt liệt tới nhà du hành vũ trụ Liên Xô Titốp”(2). Người còn tìm đọc những bài viết về sự kiện đặc biệt này: “Thành tựu to lớn chưa từng thấy”, “25 giờ bay trong vũ trụ” và “Người vũ trụ thứ hai là ai?” được in trong cuốn Tạp chí Thời mới bằng tiếng Pháp, số 33, phát hành ngày 16/8/1961 và để lại nhưng dòng bút tích. Và trong trang bản thảo Người viết tay bài diễn văn đọc tại buổi chiêu đãi Titốp, ngày 21-1-1962 tại Hà Nội, có số kiểm kê TP.278, có đoạn: “Cách đây hơn 90 năm, Mác đã đoán trước được rằng giai cấp vô sản sẽ tấn công lên trời. Cho nên thành công của đồng chí Titốp và đồng chí Gagarin là thành công của chủ nghĩa Mác Lênin vĩ đại. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản chẳng những làm chủ thế giới mà còn sẽ chinh phục và làm chủ cả vũ trụ”. Ngoài ra, để ca ngợi những thành tựu đó và để mỗi người dân Việt Nam hiểu và cùng chia vui với nhân dân Liên Xô, dưới bút danh TL, Người còn viết các bài báo “Vượt hơn 1428 lần” đăng báo Nhân dân số ra ngày 10/8/1961,“Hai chế độ, hai kết quả” đăng báo Nhân dân số ra ngày 16/8/1961. Đặc biệt Người đã mời nhà du hành vũ trụ Titốp sang thăm Việt Nam.
Nhận lời mời của Trung ương Đảng, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và của Bác Hồ, tháng 1 năm 1962, Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô - Thiếu tá G. Titốp đã sang thăm Việt Nam. Ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp thân mật với những tình cảm chân thành nhất. Thời gian đó tuy bận rất nhiều công việc, Bác Hồ vẫn dành thời gian đón tiếp và nói chuyện với G. Titốp. Người coi G. Titốp là khách quí của nhân dân Việt Nam và của Người. Bản thân đồng chí G. Titốp cũng không ngờ được vị Chủ tịch của Việt Nam dành cho sự quan tâm đặc biệt. Thay mặt Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Anh hùng Lao động Việt Nam cho G. Titốp (Lệnh số 4 - LCT do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20/1/1962). Tối ngày 21/1/1962, tại buổi chiêu đãi Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô, trong lời phát biểu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ý nghĩa, niềm tự hào của nhân dân thế giới trong đó có nhân dân Việt Nam trước “kỳ công của người phi công anh hùng Liên Xô” G. Titốp. Vui mừng đón tiếp đồng chí Titốp, Người mong mọi người “cần học tập nơi đồng chí Titốp những đức tính cao quí, như trí tuệ dồi dào, tinh thần anh dũng, đức tính kiêm tốn, chí khí kiên quyết, vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ”(3).
Trong thời gian G. Titốp sang thăm Việt Nam, tuy bận nhiều công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cùng G. Titốp đi thăm một số địa phương ở miền Bắc, trong đó có chuyến đi thăm Hồng Quảng (nay là Quảng Ninh). Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo khu Hồng Quảng, sáng ngày 22/1/1962, Bác Hồ và Anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô đi thăm Vịnh Hạ Long trên chiếc tàu Hải quân. Và cũng chính vào ngày đó, một hòn đảo nhỏ của vịnh Hạ Long đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là đảo Titốp. Đồng chí Titốp cảm ơn và nói: “Đó thật là một vinh dự lớn lao cho cháu”. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng G. Titốp đã về thăm thành phố Hải Phòng. Tại buổi mít tinh chào mừng Anh hùng vũ trụ Titốp đến thăm Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đồng chí Titốp sang đây mang theo tình đoàn kết anh em của nhân dân Liên Xô, đồng thời cũng mang theo kinh nghiệm thi đua hoàn thành kế hoạch nhà nước do Đảng và Chính phủ Liên Xô đề ra”(4). Người kêu gọi nhân dân Hải Phòng thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm và hứa: Đơn vị nào, xí nghiệp nào, tổ nào hoàn thành vượt mức kế hoạch, Người sẽ đề nghị với đồng chí Titốp tặng cho danh hiệu “Titốp”. Đáp lại sự đón tiếp nồng hậu của hơn hai vạn nhân dân và các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc làm việc tại Hải Phòng, Anh hùng vũ trụ Titốp đã nói: “Chính vì để duy trì hòa bình, để cho mọi người được hưởng giấc ngủ ngon lành, để mỗi buổi sớm mai ngủ dậy được nhìn thấy bầu trời trong sáng, mà những nhà du hành vũ trụ Liên Xô đã thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ”(5). Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Anh hùng vũ trụ G.Titốp còn gặp gỡ các nhà làm công tác khoa học và giảng dạy Việt Nam, liên hoan với thanh niên thủ đô, thăm bảo tàng Cách mạng Việt Nam và dự mít tinh của nhân dân thủ đô chào mừng Anh hùng vũ trụ Titốp. Có thể nói, đây là cuộc đón tiếp đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Anh hùng vũ trụ G. Titốp. Chính vì vậy, trong buổi tiệc Bác Hồ chiêu đãi chia tay đồng chí G. Titốp được tổ chức tại Phủ Chủ tịch, với sự trân trọng và xúc động trước tình cảm nồng thắm của nhân dân Việt Nam và đặc biệt là của Bác Hồ kính yêu, anh hùng G. Titốp đã kính tặng Bác Hồ cuốn sách700.000 km trong vũ trụ và kèm theo tấm ảnh chân dung của mình in trên giấy dầy theo kiểu bưu thiếp có kích thước 9,6 x 14,5cm. Trên trang đầu cuốn sánh là lưu bút của tác giả với lời để tặng: “Kính tặng Bác Hồ với lòng biết ơn", phía dưới có chữ ký tay của G.Titốp đề ngày trùng với ngày tặng sách 24/01/1962.
Cuốn sách “700.000 km trong vũ trụ” là món quà đầy kỷ niệm của Anh hùng vũ trụ Liên Xô G.Titốp kính tặng Bác Hồ khi nhận được tình cảm quí mến và trân trọng của Đảng, của nhân dân Việt Nam và đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đảng, Chính phủ và các nhà khoa học Liên Xô trong đó có cá nhân G. Titốp. Cuốn sách đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón nhận và gìn giữ nó ngay nơi ở và làm việc của mình cho tới lúc Người đi xa.
Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với khoa học vũ trụ cũng như các nhà khoa học vũ trụ Liên Xô còn thể hiện ở một việc làm giàu ý nghĩa khác. Cạnh bờ ao cá, phía trước lối đi vào nhà sàn, Người đã cho trồng hai cây Y lan (Cây vũ trụ) để ghi nhớ sự kiện trọng đại vào tháng 6 năm 1963, hai con tàu vũ trụ Phương Đông V và Phương Đông VI do nhà du hành vũ trụ Bưcôpxki Valeri và nữ du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Valentina Têrêscôva điều khiển được phóng thành công vào vũ trụ. Người mong muốn nhân dân Việt Nam sau này sẽ phấn đấu thực hiện bằng được việc chinh phục vũ trụ. Những mong muốn của Người, về sau đã được Đảng, Chính phủ rất quan tâm và dần trở thành hiện thực. Ngày 27/12/1979, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 454/CP thành lập “Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam” và giao cho Ủy ban thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị nội dung khoa học cho “Chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam”. Từ 23 đến 31/07/1980, chuyến bay hợp tác Xô - Việt đã được thực hiện thành công. Anh hùng Phạm Tuân - phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đã cùng bay với nhà du hành vũ trụ Nga - V.V Gorbatco và thực hiện một số thí nghiệm khoa học trong vũ trụ. Ngày 14/06/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 137/2006/QĐ/TTg  phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Việt Nam, trong đó, giao Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện. Chương trình đã được thực hiện thử nghiệm thành công và tạo ra một số sản phẩm công nghệ cao, một số nghiên cứu cơ bản, ứng dụng có hiệu quả trong phát triển bền vững kinh tế- xã hôi và an ninh quốc phòng. Ngày 19/9/2012, dự án xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam chính thức khởi công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam trong 35 năm qua. "Theo dự kiến, vào năm 2020, Việt Nam sẽ có Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á", tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm vệ tinh nhấn mạnh. Dự kiến tháng 1/2017, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh viễn thám công nghệ radar đầu tiên và năm 2020 sẽ phóng vệ tinh thứ hai.
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trong thời gian đồng chí G. Titốp giữ cương vị Chủ tịch Hội hữu nghị Xô-Việt trước đây và Hội hữu nghị Nga- Việt, ông đã có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển tình đoàn kết hữu nghị bền vững giữa hai dân tộc Việt Nam- Liên bang Nga. Đặc biệt, trong dịp ông sang thăm Việt Nam, được đến thăm nơi ở và làm việc của Người và được tận mắt nhìn thấy cuốn sách của mình đang trưng bày phát huy tác dụng nơi đây, G.Titốp rất xúc động và càng giúp ông có thêm động lực tích cực trong mọi mặt công tác của mình, nhất là hoạt động để góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc anh em.
Với giá trị và ý nghĩa lịch sử, cuốn sách “700.000 km trong vũ trụ” không chỉ là kỷ vật vô giá, góp phần vào việc nghiên cứu về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà nó giúp chúng ta hiểu hơn tình cảm chân thành và sâu sắc của G. Titốp dành cho nhân dân Việt Nam và cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho nhân dân Liên Nga và G. Titốp. Đồng thời cuốn sách còn minh chứng của tình hữu nghị Việt Nam- Liên Xô trước đây và Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay đời đời bền vững. Vì vậy, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cuốn sách này đã đư­ợc đưa vào l­ưu giữ và bảo quản lâu dài tại kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh, với số ký hiệu kiểm kê: BTHCM 886/ G700. Thay vào vị trí vốn có của nó là cuốn sách làm lại một cách khoa học và chính xác để phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào trong n­­ước, bạn bè quốc tế và đặc biệt là với du khách nước Nga mỗi khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người khu di tích Phủ Chủ tịch.
 
Chú thích:
Ảnh:
- Bìa cuốn sách “700.000 km trong vũ trụ”
- Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản thảo Quyết định tặng Huân chương Anh hùng Lao động Việt Nam  cho G. Titốp
1, Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb CTQG, Hà Nội, tập XIII, tr.177
3, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập XIII, tr.111  
4, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập XIII, tr.324
5, Báo Nhân dân, ngày 23/1/1962
2, Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử (2008), Nxb.CTQG, Hà Nội, t.8, tr.114,115

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)