slider

BỘ DỤNG CỤ TẬP THỂ DỤC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐÃ DÙNG Ở DI TÍCH NHÀ SÀN

22 Tháng 11 Năm 2010 / 2754 lượt xem
Trần Thị Thuấn
Phòng Sưu tầm – Kiểm kê – Tư liệu
          Để hoàn thành sự nghiệp kháng chiến kiến quốc và xây dựng đời sống mới, ngay sau ngày nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những mục tiêu cách mạng, trong đó phát triển thể dục thể thao là một trong những mục tiêu quan trọng. Người luôn có ý thức rõ ràng rằng: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công”(1).
Người coi việc “luyện tập thể dục, bồi dưỡng sức khoẻ” là “bổn phận của mỗi một người yêu nước”. Chính vì vậy, ngay sau cách mạng tháng 8- 1945, với cương vị là Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 4 ngày 30-1-1946 thành lập Nha thể dục thể thao Trung ương, trong Bộ Thanh niên với mục đích “để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, đặng giữ gìn và bồi đắp sức khoẻ”.
Nhận rõ tầm quan trọng của thể dục thể thao đối với sức khỏe của mọi người và sự phồn thịnh của đất nước, tháng 3-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ra lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Đó là những văn bản quan trọng mở đầu cho phong trào “khoẻ vì nước”, là nguồn cổ vũ, động viên toàn dân rèn luyện sức khoẻ. Trong bài viết “Sức khoẻ và thể dục” đăng trên báo Cứu quốc số 199, Người nhấn mạnh: “Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào tôi cũng tập” (2). Gửi thư cho các cháu thiếu niên nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người khuyên “phải siêng thể thao cho mình mẩy được nở nang”
Trong việc giữ gìn, rèn luyện, nâng cao sức khoẻ của mình, trước hết Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mục đích là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân được lâu hơn nữa, dài hơn nữa. Về phương pháp và cách thức tiến hành Người luôn sáng tạo, luôn đổi mới phù hợp với hoàn cảnh từng lúc, từng nơi, từng địa bàn, với mọi thời tiết, khí hậu. ý chí quyết tâm thì kiên trì, nhẫn nại, rèn luyện thường xuyên, liên tục, vật chất tuy thiếu thốn nhưng tinh thần không nao núng. Người luôn xác định việc rèn luyện sức khoẻ, nâng cao thể lực là không chỉ cho mình, mà cho cả mọi người xung quanh mình, trở thành phong trào quần chúng. Hơn nữa, là người cộng sản đầu tiên, Người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai to lớn nhất đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc. Cũng vì vậy, sức khoẻ của Người có mối quan hệ mật thiết đối với cách mạng. Hơn ai hết, Người hiểu rõ điều đó và đã phấn đấu kiên trì cho việc gìn giữ, nâng cao sức khoẻ bằng mọi cách, mà phần chủ yếu là tập luyện thể dục thể thao.
Khi chưa có bộ dụng cụ tập thể dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tập thái cực quyền, tập đi bộ, đánh bóng chuyền, dùng những viên đá cuội tập ngón và gân tay… Không chỉ nhân dân Việt Nam mà còn được nhân dân thế giới rất quan tâm việc rèn luyện sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1948, sau chiến thắng Thu Đông (Việt Bắc), phóng viên tờ báo Pháp La Tribune (Diễn đàn) đã phỏng vấn Hồ Chủ tịch, trong đó có nội dung: “Thưa cụ, sức khoẻ của cụ như thế nào?”. Người trả lời: “Cám ơn quý Báo, sức khoẻ của tôi vẫn tốt. Một ngày tôi có thể đi bộ hơn 40 cây số (3).
Trong chuyến đi thăm Ấn Độ năm 1958, Người đến thăm tháp Cutapmina cao 73m, 379 bậc. Người đã leo lên tận đỉnh tháp cầm hoa vẫy chào mọi người trước sự ngạc nhiên của các quan chức ngoại giao nước bạn. Sự kiện đó đã được báo chí ấn Độ đưa tin: “Chưa có vị đứng đầu nhà nước nào cao tuổi như Cụ Hồ có thể leo một mạch lên đỉnh tháp Cutapmina để ngắm Thủ đô New Delhi”(4).
Trong kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch còn lưu giữ được nhiều tấm hình quý ghi lại sự kiện Bác Hồ đánh bóng chuyền; đi bài quyền; Bác Hồ kéo lưới với ngư dân, cũng như những bài thơ về rèn luyện gìn giữ sức khoẻ của Người mà mọi người đều biết và khi đọc ai cũng cảm động.
Có những tình cảm, tư tưởng, ý định của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cả thế giới khâm phục. Đó là tình cảm sâu nặng của Người đối với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam. Người có ý định vào miền Nam thăm đồng chí, đồng bào kể cả phải đi đường bộ, lội suối trèo đèo… Con đường mòn trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch là một minh chứng sinh động cho tình cảm, tư tưởng và ý định “vào miền Nam với đồng bào, đồng chí” của Người.
Từ năm 1967, sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh sút kém. Tuổi cao, sức yếu đã làm cho Người vận động càng chậm chạp, khó khăn. Sức khoẻ của Người là tài sản vô giá của dân tộc, vì vậy Bộ Chính trị đã họp và đề nghị hàng năm Người phải đi chữa bệnh định kỳ ở nước ngoài. Những năm cuối cùng, vào dịp hè, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sang Trung Quốc chữa bệnh. Người thường đi vào dịp 19-5 để tránh việc tổ chức chúc tụng sinh nhật của mình ồn ào, tốn kém.
Năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Trung Quốc sớm hơn mọi năm và cũng ở lại Trung Quốc lâu hơn (Theo đồng chí Vũ Kỳ – nguyên thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đi từ 14-4-1967 đến 1-7-1967 mới về nước). Trong chuyến đi đó có 3 người: Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Vũ Kỳ và bác sĩ Nhữ Thế Bảo. Sau ít ngày bác sĩ Nhữ Thế Bảo về nước trước vì đã có bác sĩ Trung Quốc theo dõi và chăm sóc sức khoẻ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ có đồng chí Vũ Kỳ ở lại cho đến ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước. Cũng trong thời gian này, các đồng chí Trung Quốc đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh bộ đồ tập thể dục gồm: 2 quả tạ bằng gỗ; 4 quả bóng tenis; 1 dây kéo tay bằng kim loại; 1 dây luyện cơ tay, cơ vai, cơ ngực bằng sợi bông; 1 bàn gẩy tay bằng gỗ nhằm kích thích dây thần kinh các ngón tay, giúp các ngón tay hoạt động linh hoạt; 2 cái bóp tay bằng kim loại. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước đồng chí Vũ Kỳ đã mang theo bộ đồ tập thể dục này về. Theo các nhân chứng, bộ đồ tập thể dục gồm các dụng cụ kể trên, khi đến Khu di tích Phủ Chủ tịch (tức sau ngày 1-7-1967) đã được để trên chiếc bàn gỗ đặt ở góc bên phải phía trong tầng 1 nhà sàn để những lúc rỗi Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể tập thường xuyên. Nhười thường dùng các dụng cụ trên tập vào lúc 13 giờ đến 13 giờ 30 chiều hàng ngày. Trong số các dụng cụ đó, Người hay tập nhiều hơn với bóng tenis, dây kéo bằng vải và cái bóp tay bằng kim loại (Theo đồng chí Vũ Kỳ 2 cái bóp tay bằng kim loại là dụng cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tập buổi đầu tiên vào ngày 2/5/1967 dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Trung Quốc).
Về việc tập bóng tenis, các nhân chứng đã cho biết: Trước khi có 4 quả bóng tenis Trung Quốc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có tập bóng tenis (bóng quần vợt): “Bác cất bóng trong ngăn kéo. Bác đặt sọt giấy vụn cách bàn làm việc chừng 5m. Mỗi lúc viết mỏi tay, Bác dừng lại, lấy bóng ra và đứng dậy ném bóng vào sọt; Ném tay trái rồi sang tay phải. Bác cho biết tập như vậy để rèn luyện sự điều khiển của thần kinh và tính chính xác của đôi tay. Hôm nào ném chúng vào sọt nhiều Bác thấy vui lòng. Hôm nào bóng ra ngoài nhiều, Bác có vẻ không vui. Có thầy thuốc trông nom sức khoẻ cho Bác xúc động quá muốn Bác vui nên lén đem sọt giấy lại gần Bác. Bác phát hiện thấy, không chịu và tự tay mình để lại chỗ cũ”(5)
Qua các hiện vật là các vật dụng tập thể thao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang trưng bày trong Khu di tích tại Phủ Chủ tịch góp phần tuyên truyền giáo dục tấm gương tự rèn luyện sức khoẻ của Người để mọi người Việt Nam noi theo và góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực thực hiện chỉ thị 06 của Bộ Chính trị về học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh./
 
(1),(2) Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb CTQG, H.1995, T.4, Tr.212
            (3) Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc chăm sóc sức khoẻ, Nxb CTQG, H.1997, tr.386
            (4) Sđđ, tr.386
            (5) Chủ tịch Hồ Chí Minh nhà văn hoá lớn, Nxb TDTT, H.1995, tr.78

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)