slider

BỨC PHÙ ĐIÊU CHÂN DUNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH BẰNG ĐỒNG VÀ BỨC ẢNH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH CÙNG PHÁI ĐOÀN VIỆT NAM Ở PHÁP NĂM 1946

22 Tháng 04 Năm 2010 / 4191 lượt xem
Cù Thị Ban
                                                           Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu
 
          Năm 2008, phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu đã tiếp nhận được một số hiện vật có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm bức phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc bằng đồng và bức ảnh đen trắng về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn tuỳ tùng Việt Nam ở Pháp thăm phong cảnh ngoại ô vùng Biarít năm 1946 do bà Trần Thị Sâm (vợ ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên uỷ viên Hội người Việt Nam tại Pháp) tặng.
          Gia đình bà Sâm ở tại số nhà 2 Quai de - 13001 - Marseille. Đối diện là Cảng cũ nơi con tàu Amiran Latútsơ Tơrêvin (Amiral la Touche Tre'ville) cập bến ngày 6-7-1911, đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên đặt chân lên đất Pháp.
          Ngày 13-4-2008, trong dịp về nước, bà Sâm đã đến viếng Lăng Bác và thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Trong hành trình tham quan của mình, bà Sâm còn được vào thăm nhà H67, được nghe đồng chí hướng dẫn viên Khu di tích kể những câu chuyện xúc động về cuộc sống giản dị mà thanh cao của Bác gắn với những kỷ vật thiêng liêng đang được lưu giữ tại nơi ở và làm việc của Người. Bà bày tỏ mong muốn trao lại Khu di tích những kỷ vật thiêng liêng về Bác Hồ kính yêu mà gia đình bà đã trân trọng lưu giữ hơn 60 năm qua.
          Tại buổi bàn giao hiện vật cho Khu di tích mà đại diện là đồng chí Giám đốc Bùi Kim Hồng trực tiếp nhận, bà Sâm kể rằng: Chồng bà là Nguyễn Văn Tiến quê ở xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông là thuỷ thủ sang Pháp làm thuê và định cư tại thành phố Mác xây. Ngay từ những ngày đầu đến Pháp, ông đã tích cực tham gia và trở thành một trong những người giữ trách nhiệm trong phong trào người Việt Nam
          Tháng 6-1946, ông Tiến được cử là một, trong những thành viên đại diện cho cộng đồng người Việt ở Mác xây đến Biarít để gặp phái đoàn ta sang Pháp. Đây là lần đầu, ông Tiến được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc ở Biarít, có người đi theo chụp ảnh nhưng phải một thời gian rất lâu, sau khi Bác Hồ và phái đoàn về nước, một người bạn mới tặng ông Tiến bức ảnh nhỏ: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn tuỳ tùng Việt Nam và Pháp thăm phong cảnh ở ngoại ô Biarít ngày 17-6-1946. Khi đó, những hình ảnh có Bác Hồ đều được coi như là món quà quý giá để nội bộ bà con Kiều bào ở bên đó tặng nhau.
          Theo kế hoạch đã bàn trước, khi Bác cùng phái đoàn đi Paris, các thành viên trong đoàn Mác xây không đi cùng đến Paris mà trở lại địa phương mình ở để chuẩn bị tổ chức các sinh hoạt cộng đồng kiều bào thể hiện tình đoàn kết hướng về Tổ Quốc, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh và phái đoàn ta đi dự Hội nghị Pháp-Việt tại Phôngtennơblô.
          Tháng 9-1946, phái đoàn về nước bằng tàu thuỷ, do vậy phải đến Mác xây. Tối 16-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên đến Mác xây bằng tàu hoả. Bà con Việt kiều đến ga đón Bác rất đông. Sáng ngày 17, Bác đi thăm và nói chuyện với hàng ngàn lính thợ người Việt ở hai trại lính từ Đông Dương sang. Bác nói về việc ký văn bản với ông Mutê (1). Bác dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên kiều bào, cùng với những cuộc gặp gỡ, trao đổi, thoả thuận với đại diện Chính phủ Pháp về binh sĩ Việt Nam ở Pháp muốn trở về Tổ Quốc đã có gần 30 cuộc gặp gỡ, trao đổi công việc giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu các giới kiều bào trong chuyến thăm lịch sử này. Người đã tiếp và nói chuyện với đại biểu các đoàn thể kiều bào: Công nhân, Trí thức, Phụ nữ, Thiếu nhi, đi thăm kiều bào một số nơi trên nước Pháp và đặt vòng hoa trước mộ binh sĩ Đông Dương chết trong chiến tranh thế giới thứ nhất,… Trong các cuộc gặp gỡ ấy, Người cám ơn kiều bào đã ủng hộ Chính phủ đã quyên tiền và thuốc mengửi về Tổ quốc và đánh giá cao việc kiều bào đã biết xử sự như người con của một dân tộc đã có nền văn hóa lâu đời, tranh thủ được sự quý mến và tình cảm của nhân dân Pháp đối với Việt Nam, đồng thời bày tỏ quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ nền độc lập, thống nhất cho đất nước. Người căn dặn kiều bào phải triệt để đoàn kết, giữ gìn sức khỏe, ăn ở có vệ sinh, tranh thủ tình cảm và sự giúp đỡ của nhân dân Pháp, phải ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc, thực hành đời sống mới cần, kiệm, liêm, chính và ra sức học hỏi, mỗi người cần thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho công cuộc xây dựng đất nước. Bác còn dặn dò: Phải giữ gìn tình thân thiện với người Pháp. Trước khi chia tay, phái đoàn đã tặng quà cho những người lính thợ Việt Nam. Đó chính là tấm phù điêu hình tròn, được đúc bằng đồng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian đầu, anh em lính thợ giữ trong trại. Sau đó Chính quyền sở tại thi hành chính sách khủng bố đàn áp người Việt Nam ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh kháng chiến chống trong nước. Anh em đã tin tưởng gửi ông Tiến giữ tấm phù điêu này vì lúc đó ông Tiến đã ở riêng bên ngoài các trại lính nên không bị kiểm soát. Ông Tiến đã cẩn thận, bí mật cất giữ ở nhà mình cho dù đã có lần cảnh sát Pháp tổ chức lục soát nhà và đưa bà Sâm ra đồn thẩm vấn vì họ nghi ngờ Quán cơm Hà Nội của ông có liên lạc với “cộng sản”.
          Trải qua, hai cuộc kháng chiến (1946-1975), ông Tiến đã một lòng hướng về Tổ quốc, vẫn tiếp tục công tác vận động quần chúng và giữ trách nhiệm trong cộng đồng người Việt. Ông vẫn giữ nguyên quốc tịch Việt Nam cho dù điều đó có lúc bị gây khó dễ trong sinh sống và làm ăn của mình. Với những đóng góp cho đất nước, cả hai ông bà đều được thưởng Huân chương Kháng chiến của nhà nước Việt Nam tặng cho những kiều bào có công.
          Từ năm 1963, gia đình ông Tiến mở hàng cơm Việt Nam mang tên Hà Nội. Với nhiệm vụ được giao, quán cơm Hà Nội từ đó trở thành địa điểm liên lạc, đón đưa các đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến công tác ở Mác Xây trong đó có các đồng chí Xuân Thủy, Mai Văn Bộ, Võ Văn Sung, Mai Chí Thọ… đặc biệt, gia đình đã đón đồng chí Vũ Kỳ thư ký của Bác Hồ đến ở và làm việc trong đợt công tác của đồng chí tại Mác Xây…
          Theo ý nguyện của ông Tiến trước khi qua đời, gia đình chuyển những kỷ vật đã được ông Tiến và gia đình gìn giữ trong hơn 60 năm qua về tặng Khu di tích Phủ Chủ tịch. Bà Sâm nói: "Năm 1976, nhà nước ta tổ chức cho chúng tôi được tham gia đoàn Việt kiều về thăm Tổ quốc. Chúng tôi đã đến thăm nhà Sàn Bác Hồ. Sau đó thông qua Ban Việt kiều Trung ương, chúng tôi còn gửi một cây xanh được Ban Quản lý rừng Cúc Phương tặng đoàn để đưa về trồng trong vườn nhà Bác. Mỗi lần về, đến thăm nhà Bác, chúng tôi rất nhớ thương Bác". Tại buổi làm việc, đồng chí Giám đốc Bùi Kim Hồng đã trân trọng cám ơn tình cảm và sự tin cậy mà gia đình đã dành cho cơ quan. Đặc biệt, đồng chí nhắc nhở cán bộ chuyên môn ghi lại đầy đủ những thông tin về hai hiện vật để tạo điều kiện làm tốt công tác nghiên cứu và tuyên truyền về tình cảm của nhân dân đối với Bác Hồ thông qua chính những hiện vật Khu Di tích lưu giữ. Bà Sâm đã xúc động nói khi tiếp nhận bức ảnh và tấm huy hiệu Bác Hồ từ đồng chí Bùi Kim Hồng: quà tặng của đồng chí chúng tôi sẽ đem về Pháp để ở trụ sở Hội quán để mọi người cùng được xem chung.
          Sau khi tiếp nhận hai hiện vật nói trên, phòng Sưu tầm – Kiểm kê – Tư liệu đã tiến hành việc xác minh ghi chép theo quy định. Xin được bước đầu thông tin như sau:
          1. Bức phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc bằng đồng, hình tròn có đường kính 68mm, độ dày 03mm. Mặt trước của phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện từ đỉnh đầu đến ngực, có râu dài, theo góc đứng, nhìn nghiêng, đúc nổi. ở vòng viền của phù điêu trên có khắc dòng chữ nổi: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phía dưới là dòng chữ Hồ Chí Minh. Cả hai đều không có dấu. Khoảng cách giữa hai dòng chữ có khắc nổi hai ngôi sao năm cánh. Mặt sau phù điêu để trơn, không có dấu chạm khắc nào. Đã hơn 60 năm trôi qua, phù điêu vẫn như còn mới nguyên, không hề có vết bị xước hay han gỉ nào. Tác giả của bức phù điêu là họa sĩ – nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm.
          Vũ Cao Đàm sinh năm 1908 tại Việt Nam, mất năm 2000 tại Pháp. Ông là học sinh khóa II trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng là khóa I của ngành Điêu khắc (1926 – 1931). Tốt nghiệp với kết quả xuất sắc, Vũ Cao Đàm được cấp học bổng tiếp tục học nâng cao ở Pháp. Say mê với nền mỹ thuật dân tộc, Vũ Cao Đàm đã tìm cho mình một phong cách thể hiện riêng với sự thể hiện kết hợp nghệ thuật truyền thống phương Đông và hội họa phương Tây. Nhiều sáng tác của ông đã được đánh giá cao ở Pháp và châu Âu. Sinh thời, ông và gia đình đã có nhiều hoạt động ủng hộ và hướng về quê hương. Trong những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn ở Pháp, Vũ Cao Đàm đã tham gia một số hoạt động của đoàn. đặc biệt, ngày 1-7-1946, khi đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vũ Cao Đàm đã xin phép được vẽ và nặn tượng của Người. Bằng tình cảm và lòng ngưỡng mộ cùng sự tài hoa, khéo léo, ông đã sáng tác một số tác phẩm về Bác trong đó có bức tượng bán thân và bức phù điêu: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả hai đều dùng chất liệu đồng. Bản gốc bức tượng đã được gia đình họa sĩ tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội ngày 3-6-1998. Riêng phù điêu được đúc nhiều bản, dùng làm quà tặng chính thức của phái đoàn trong thời gian ở Pháp. Hiện vật vừa tiếp nhận là một trong những bức phù điêu bằng đồng đúc tại Pháp năm 1946.
          2. Ảnh đen trắng chụp cảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn tùy tùng Việt Nam và Pháp thăm phong cảnh ngoại ô vùng Bi a rít ngày 17-6-1946. Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp, ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ Hà Nội lên đường sang thăm Cộng hòa Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Cùng đi với Người từ Việt Nam có ông Đỗ Đình Thiện, làm nhiệm vụ thư ký và ông Vũ Đình Huỳnh làm nhiệm vụ sĩ quan tùy tùng. Sang Pháp, đoàn có bổ sung thêm ông Lê Văn Cưu, bác sĩ riêng và ông Phạm Ngọc Xuân là sĩ quan hải quân Pháp làm sĩ quan tùy tùng.
          Ngày 11-6-1946, phái đoàn nghỉ tại Biarít, một thành phố du lịch nghỉ mát nổi tiếng nằm ở phía Tây Nam gần biên giới Pháp-Tây Ban Nha, theo lời mời của Chính phủ Pháp. Đây là thời gian nước Pháp đang chờ lập lại nội các mới thay quyền nội các vừa bị thay đổi. Ngày 22-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn rời thành phố xinh đẹp này đi Pari-Thủ đô của Cộng hòa Pháp sau hơn 10 ngày dừng chân ở đây.
          Theo các tư liệu ghi chép được: Những ngày ở Biarít, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các đoàn đại biểu, các tổ chức chính trị Pháp đến thăm và chào xã giao, tiếp các đoàn Việt kiều đến chào và chúc mừng Người sang thăm Pháp. Tranh thủ thời gian rảnh, Người cùng đoàn tùy tùng Việt Nam và Pháp đã đi thăm một số phong cảnh đẹp quanh vùng trong đó có các địa danh: Động Luốc giơ, vùng núi Pi rê nê, dự lễ hội của cư dân làng Xa rơ, câu cá với dân chài làng Handay… Bức ảnh vừa tiếp nhận là một trong số các hoạt động nói trên. ảnh có kích thước 20x29cm. Theo bà Sâm cho biết: Đây là bản sao được in từ ảnh gốc năm 1946 có kích thước nhỏ hơn. Trong ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu đội mũ nồi, mặc bộ lễ phục màu sẫm đứng bên đường, đứng bên phải là J. Xanh tơ ni, người phụ nữ là con gái của một kiều bào, người mặc lễ phục màu đen chụp phía sau lưng có thể là ông Phạm Ngọc Xuân, đối diện giữa hai người quay lưng là ông Đỗ Đình Thiện, thư ký Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian thăm nước Cộng hòa Pháp.
          Các hiện vật được sưu tầm trên có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng là những di vật chứng kiến những hoạt động cách mạng của Người tại Pháp năm 1946. Những thông tin mà bà Sâm cho biết đã giúp chúng tôi xây dựng hồ sơ khoa học để các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến vấn đề này có thêm tư liệu để tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.


(1) Bản tạm ước 14 tháng 9 năm 1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp M.Mutê hồi 0h30' sáng ngày 15.9.1946 tại nhà riêng của ông M.Mutê.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)