slider

CHIẾC BỂ CÁ CẢNH Ở NHÀ SÀN BÁC HỒ

29 Tháng 11 Năm 2010 / 6186 lượt xem
                                                                                                                         Nguyễn Thị Thu
Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu
 
Ở tầng một ngôi nhà sàn trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, bên góc phải hành lang phía trước có một chiếc bể kính nuôi cá cảnh. Có chiếc bể này ở đây là theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo tư liệu của Khu di tích Phủ Chủ tịch, “trước khi thiết kế ngôi nhà sàn gỗ của Bác tại Phủ Chủ tịch (tầng trên có hai phòng, một phòng Bác dùng làm việc, một phòng nghỉ. Còn tầng dưới là nơi Bác họp và tiếp khách). Bác có ý kiến:
- Khách của Bác có nhiều, có lúc Bác phải tiếp đông các cháu, vì vậy các chú thiết kế cho Bác một bệ xi măng bao quanh.
Vâng lời Bác, các đồng chí được giao nhiệm vụ đã thiết kế hàng ghế đó. Mỗi lần các cháu đến đều quầy quần bên Bác và được Bác chia bánh kẹo. Rồi Người còn nói với đồng chí giúp việc: “Chú xem, khách “tí hon” của Bác khá nhiều, để các cháu vui thì phải có cảnh cho các cháu xem, chú gắng kiếm một cái bể về nuôi cá vàng làm cảnh cho các cháu”(1). Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác cũng kể: “Ở dưới nhà sàn, Bác cho làm thêm những bệ xi măng trên có lát ván như những chiếc ghế để khi các cháu vào gặp Bác có chỗ ngồi. Bác còn đặt bể cá vàng cạnh nhà để tiếp các “vị khách tý hon”(2).
Thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Cù Văn Chước - lúc đó là Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Văn phòng Phủ Chủ tịch đã cùng đồng chí Ninh (là cán bộ bảo vệ của Văn phòng Phủ Chủ tịch, có biệt danh là Ninh “già”) đã đi mua bể về nuôi cá cảnh. Lúc đầu hai đồng chí ra chợ Đồng Xuân để mua nhưng thấy giá đắt quá (250 đồng tiền thời đó), nên đã không mua mà về gửi yêu cầu ra Văn phòng Phủ Thủ tướng để Văn phòng Phủ Thủ tướng đặt làm. Vì sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh mọi nhu cầu về văn phòng phẩm, các đồ dùng cần cho sinh hoạt và công tác của Văn phòng Phủ Chủ tịch (Văn phòng Bác) đều do Văn phòng Phủ Thủ tướng cung cấp. Trước yêu cầu của Văn phòng Phủ Chủ tịch, Văn phòng Phủ Thủ tướng đã đặt làm bể cá cảnh tại nhà ông Cát Xương ở 69B phố Hàng Thiếc - Hà Nội. Bể làm xong, Văn phòng Phủ Thủ tướng lấy về rồi mới giao lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch.
Khi bể đưa về,đồng chí Cù Văn Chước đã đi nhận 3 con cá vàng ở Công ty Công viên về thả. Theo đồng chí Chước, cá vàng lúc đó do công ty Công viên đi tham quan triển lãm ở Trung Quốc đưa về nhân giống mà có (3). Bể cá được đặt ở góc phải phía trước nhà sàn, trên một chiếc bàn gỗ. Theo đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, nguyên là cán bộ bảo vệ Bác Hồ, nguyên Trưởng ban di tích Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, nguyên Đảng ủy viên Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch nay đang nghỉ hưu tại Khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh phố Vạn Bảo, Hà Nội kể ngày 2/12/2009: Chiếc bàn để kê bể cá cảnh là do ông Dưỡng - thợ mộc của Văn phòng Phủ Thủ tướng đóng. Ông Dưỡng cũng là người đóng chiếc hộp gỗ chắn gió cho cá (hiện đã qua đời).
Bể nuôi cá cảnh có hình chữ nhật, được ghép bằng 5 tấm kính trong suốt. Khối kính này được đặt trong khung sắt để bảo vệ. Tiết diện sắt làm khung là 2,5cm. Các đường nối của các tấm kính được bả ma tít vừa để gắn kết các tấm kính, vừa để nước trong bể không bị rò rỉ ra ngoài. Riêng tấm kính làm đáy bể có láng xi măng. Bể cá có chiều dài 82,8 cm, rộng 25cm và chiều cao 36,1cm (đo cả khung).
Cùng với chiếc bể nuôi cá cảnh này còn có một hộp gỗ chắn gió. Hộp gỗ này làm bằng gỗ dán, hình khối hộp chữ nhật, có 5 mặt và có thể tích 86 x 29 x 38cm. Mặt trên có 6 lỗ tròn để thông hơi. Chiều cao của hộp đủ để treo một bóng đèn tròn để sưởi cho cá trong những ngày rét đậm. Hộp gỗ để chắn gió và bóng đèn để sưởi cho cá đều được làm và chuẩn bị sẵn theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho các cháu thiếu niên và nhi đồng. Với Người, thiếu niên, nhi đồng là mầm non của Tổ quốc, là "búp trên cành", là “mùa xuân của xã hội”, cả xã hội phải nâng niu, che chở, chăm sóc để chúng được nở hoa, kết trái, toả hương cho đời. Hết lòng thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu nhi, Bác Hồ rất tin tưởng xác định trách nhiệm trọng đại của thiếu nhi đối với tương lai đất nước. Trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đã viết: “…Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu...”(4). Ngày 1/6/1969, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi, Người đã có bài báo cuối cùng cho các cháu đăng báo Nhân Dân với nhan đề “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” ký bút danh C.B, trong đó Người khẳng định: “chăm sóc và giáo dục các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”, và kêu gọi “Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc, giáo dục các cháu bé cho tốt”.Trong bản Di chúc để lại trước lúc đi xa, Người không quên gửi lại “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên, nhi đồng”.
Trong những ngày sống và làm việc tại Khu Phủ tịch (1954 – 1969), mặc dù bận rộn với biết bao công việc nhưng vào những ngày Tết trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết nguyên đán Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đón các cháu thiếu niên và nhi đồng vào vui chơi, cắm trại. Người nói: “Sau này khi đất nước có điều kiện, có nơi tiếp khách đoàng hoàng thì Phủ Chủ tịch sẽ là nơi vui chơi của các cháu”.
Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng là thế nên từ khi có chiếc bể được thả ba chú cá vàng, “hàng ngày, sau giờ làm việc, Bác thường cho cá vàngăn. Người để dành những mẩu bánh mỳ làm thức ăn cho cá. Được Người chăm sóc, ba con cá vàng ngày một lớn và phát triển(5). Mỗi khi đón các cháu vào vui chơi, thấy các cháu xúm xít xem cá trong bể tung tăng bơi lội, Bác Hồ rất vui. Mùa đông, trời lạnh, Người cho “Cá cũng như người, mùa đông phải giữ nhiệt độ đủ ấm cho cá, nên làm một chiếc nắp đậy bể cá để bảo đảm độ ấm cho cá”(6). Vì vậy, các đồng chí cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch đã làm hộp gỗ che chắn gió cho cá trong những ngày đêm đông gió lạnh. Những ngày rét đậm, trên hộp gỗ còn được treo đèn để sưởi cho cá ấm.
Trong dịp tổ chức gặp gỡ các dũng sĩ diệt Mỹ đã được gặp Bác Hồ tại Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Chị Hồ Thị Thu đã kể: “Chị đã có ba lần được vào gặp Bác nhưng hai lần đầu chị cùng các dũng sĩ diệt Mỹ khác như anh Ngô Nết, anh Võ Hường, anh Nguyễn Văn Hòa (tức Cu Theo)… chỉ mải ngắm Bác, nghe Bác nói. Nhiều khi quên cả trả lời những câu hỏi của Bác, nên không chú ý lắm đến bể cá hoặc xem cá cảnh. Chỉ đến lần thứ 3 ngày 13/2/1969, được vào Phủ Chủ tịch để cùng Bác đón tiếp đoàn đại biểu Hội hữu nghị Cu Ba - Việt Nam do bà Menba Hécnanđê - Chủ tịch Ủy ban đoàn kết với Việt Nam đẫn đầu sang thăm Việt Nam và do được vào chỗ Bác sớm, Đoàn đại biểu Cu Ba lại vào muộn nên có nhiều thì giờ, cả đoàn đi chơi khắp nơi ở của Bác, lần ấy mới có dịp xúm quanh bể cá ở tầng một nhà sàn để chơi, ngắm 3 con cá vàng rất đẹp bơi lặn trong bể”. (Hiện chị Thu đang ở tại số nhà 36 phố Nguyễn Tri Phương, Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng).
Chiếc bể nuôi cá cảnh là một hiện vật minh chứng cho tấm lòng yêu thương sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Tấm lòng đó còn được minh chứng bằng nhiều hiện vật khác hiện đang trưng bày ở nhà sàn như những cuốn sách Việc nhỏ nghĩa lớn” do Người trực tiếp chỉ đạo thực hiện từ việc tìm bài, biên tập, xuất bản. Người cho rằng những việc nhỏ như biết yêu thương giúp bạn, vượt khó trong học tập, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, dũng cảm cứu bạn khi gặp nạn, giúp đỡ người già cả… là những việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn lao. Người nói: “Xã hội ta văn minh chính từ những việc làm của các cháu bé như thế”.
Từ năm 1958 đến năm 1969, chiếc bể nuôi cá cảnh đã được tu sửa đôi lần do bong ma tít, kính bị nứt… Mỗi lần như vậy, đồng chí Cù Văn Chước thường đem ra nhà ông Cát Xương để sửa (Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông Cát Xương cũng vinh dự được làm hòm kính bảo vệ thi hài Người để mọi người đến viếng ở Hội trường Ba Đình hay bảo quản ở K9. Cho đến nay dù ông Cát Xương đã qua đời nhưng con cháu ông vẫn tiếp tục nhiệm vụ tu sửa bể cá cảnh khi cần). Còn cá vàng trong quá trình nuôi có vấn đề gì cũng vẫn do Công ty Công viên chịu trách nhiệm.
Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chiếc bể nuôi cá cảnh đã được ghi chép vào sổ kiểm kê và đánh số kiểm kê BTHCM 1009/S-20. Chiếc bể cá cảnh gốc đã được đưa vào bảo quản trong kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thay vào vị trí vốn có của nó là chiếc bể cá làm lại khoa học, chính xác  và cá cảnh được Khu di tích Phủ Chủ tịch mua về thả thay thế để phục vụ nhiệm vụ chính trị giữ gìn Khu di tích như khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần tuyên truyền giáo dục về Khu di tích và về Bác Hồ kính yêu. Qua bài viết này chúng tôi cũng xin đề nghị nêu lại ý kiến về việc bảo quản trưng bày chiếc bể cá hiện nay: Bể cá đã quá cũ kỹ, phần khung sắt đã gỉ và bong sơn quá nhiều. Nên sơn lại và nên chọn loại cá chịu được môi trường của bể cá như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, để trên bể không cần đặt máy sục khí, vì việc đặt máy này đã làm cho nhiều nhà chuyên môn có ý kiến trái chiều.
Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ đi xa, nhưng khách tham quan, nhất là các cháu thiếu niên nhi đồng mỗi khi được đến thăm ngôi nhà sàn vẫn thấy một chiếc bể thả cá cảnh, được nghe giới thiệu về nó, càng thấu hiểu hơn tấm lòng yêu thương vô bờ bến của Người dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Những tình cảm đó vẫn luôn và mãi mãi đọng lại trong lòng thiếu niên nhi đồng cả nước, là di sản văn hóa tinh thần vô giá mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ nước ta. Các thế hệ thiếu nhi Việt Nam vẫn luôn cất cao lời hát: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh /Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng...”.
 
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu bể cá vàng ở nhà sàn cho đồng chí Mukhít Đinốp và đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô (12/9/1960).
 

(1) KDTPCT- Mỗi câu chuyện nhỏ, một bài học lớn. Nxb. CTQG. H.2010. Tr.177
(2) Thư ký Bác Hồ kể chuyện. NXBCTQG.H. 2005, Tr. 461
(3) Theo lời kể của ông Cù Văn Chước – nguyên trưởng phòng HC- TH, nguyên Giám đốc BTHCM kể ngày 14-6-1986
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG. H.1999, t.4,tr 32-33.
(5) KDTPCT- Mỗi câu chuyện nhỏ, một bài học lớn. Nxb. CTQG. H.2010. Tr 177.178
(6) KDTPCT- Mỗi câu chuyện nhỏ, một bài học lớn. Nxb. CTQG. H.2010. Tr.178
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)