slider

CHIẾC ĐÀI BÁN DẪN ZENITH Ở NHÀ H67

04 Tháng 11 Năm 2009 / 4994 lượt xem
 Nguyễn Thị Thu
Phòng Sưu tầm- Kiểm kê- Tư liệu
 
       Trên chiếc bàn mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường làm việc và họp với Bộ Chính trị được kê ở ngôi nhà H67 trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch đang lưu giữ, trưng bày một chiếc đài bán dẫn hiệu Zenith. Chiếc đài bán dẫn hiệu Zenith này là chiến lợi phẩm quân giải phóng miền Nam thu được trong trận đánh đêm 17 rạng sáng ngày 18-9-1961 ở Phước Vĩnh, tỉnh Phước Thành, sau thuộc tỉnh Sông Bé và nay thuộc tỉnh Bình Dương gửi ra kính biếu Bác Hồ.
  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng chiếc đài này. Sau ngày Người qua đời, chiếc đài đã được ghi chép vào sổ kiểm kê bước đầu, đánh số kiểm kê là BTHCM 1042/ KL-36 và được xây dựng hồ sơ năm 1995. Theo hồ sơ khoa học thì chiếc đài được chế tạo tại Mỹ (mặt sau của đài còn có dòng chữ: ZENITH TRANS-OCEANIC FM-AM MULTIBAND ROYAL ‘3000’ MADE IN U.S.A. Đài chủ yếu được làm bằng kim loại, hình chữ nhật, có quai xách màu đen, nửa mặt trên phía trước màu trắng, hai bên có nắp. Chiều rộng của đài là 11,5 cm; chiều dài là 31,8 cm; chiều cao là 20cm.
Theo hồ sơ khoa học, nguồn gốc của chiếc đài này như sau: Thị xã Phước Vĩnh thuộc tỉnh Phước Thành trong những năm 60 trước giải phóng miền Nam là một cứ điểm trọng yếu của Mỹ Diệm tại miền Đông Nam Bộ, cách Sài Gòn 50 km. Đứng đầu chính quyền tay sai Mỹ Diệm ở đây là tên thiếu tá tỉnh trưởng khét tiếng gian ác Nguyễn Minh Mẫn. Tên Mẫn nắm trong tay hơn một tiểu đoàn quân phần lớn là bọn biệt kích cực kỳ hung ác, có cơ giới và pháo binh đóng trong thị xã liên tiếp tổ chức các cuộc hành quân càn quét, khủng bố và cướp bóc nhân dân trong tỉnh và các vùng lân cận thuộc các tỉnh Biên Hoà và Thủ Dầu Một. Bọn tay sai Mỹ Diệm còn thẳng tay khủng bố tàn sát đuổi làng cướp đất, gom dân, bắt lính. Ngày nào chúng cũng gây lên các vụ chém giết, phá hoại mùa màng, vườn tược, nhà cửa của đồng bào. Nhà lao thị xã Phước Vĩnh thường xuyên chật ních vì những người yêu nước bị giam cầm. Riêng tên Mẫn cứ vài ngày lại bắn chết 4-5 người dân vô tội và chỉ trong năm 1960, hắn đã giết hại tới trên 100 người.
      Nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân, tự vệ của tỉnh Phước Thành đã hết sức phẫn nộ trước chính sách đàn áp, khủng bố của bộ máy chính quyền Mỹ Diệm và đặc biệt là với tên Mẫn. Để phá vỡ địa ngục trần gian này, đêm 17 rạng sáng ngày 18-9-1961, các lực lượng vũ trang nhân dân, tự vệ tỉnh Phước Thành đã nổi dậy, đột nhập thị xã Phước Vĩnh, tiêu diệt đại bộ phận các đơn vị biệt kích và ác ôn Mỹ Diệm đóng tại đây, trong đó có tỉnh trưởng, tỉnh phó, thiếu tá chỉ huy chiến dịch hương thôn… bắt sống nhiều tên khác. Cũng trong đêm ấy các lực lượng vũ trang nhân dân tự vệ đã hoàn toàn làm chủ thị xã Phước Vĩnh trong nhiều giờ. Một đơn vị biệt kích Mỹ từ ngoài đánh vào thị xã hòng bao vây các lực lượng vũ trang nhân dân, tự vệ cũng bị chặn đánh tan rã. Nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân, tự vệ của tỉnh Phước Thành đã thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của các đơn vị quân đội Mỹ Diệm đóng trong thị xã Phước Vĩnh. Tổng số gồm hơn 400 khẩu súng các loại, trong đó có đại bác 105 ly, 5 đại liên, 20 trung liên, hàng tấn đạn dược, thuốc viện trợ Mỹ, xe thiết giáp… 300 đồng bào yêu nước bị giam giữ tại đây, trong đó có 5 đồng bào yêu nước đã bị tên Mẫn quyết định sẽ xử tử, đã được giải phóng. Các lực lượng vũ trang nhân dân, tự vệ tỉnh Phước Thành đã băng bó chu đáo số thương binh trong quân đội Mỹ Diệm và thả hết trên 100 tên đã bị bắt sống cùng với số thương binh nói trên sau khi đã giáo dục họ.
      Theo lời kể của các đồng chí Sáu Phát – nguyên thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Biên Hoà, nguyên Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Sông Bé, người trực tiếp tham gia trận đánh và ông Nguyễn Hữu Xuyền (còn gọi là Tám Kiến Quốc) - chỉ huy trưởng trận đánh Phước Thành, nguyên chỉ huy trưởng Quân khu miền Đông, thường vụ Khu uỷ, được ghi lại trong hồ sơ thì khi tấn công vào nhà riêng tên thiếu tá Mẫn, các ông đã thu được chiếc đài bán dẫn hiệu Zenith. Trong niềm vui thắng trận, những người con anh dũng của thành đồng Tổ quốc đã nhớ đến Bác Hồ kính yêu, người cha luôn có hình ảnh miền Nam trong trái tim mình. Các đồng chí muốn báo ngay với Bác tin thắng trận, muốn thưa với Bác: Miền Nam còn nhiều gian khổ, còn nhiều đau thương nhưng miền Nam đang tiến hành những trận đánh. Chiến thắng như trận đánh đêm nay, quân dân miền Nam xin kính dâng Người tấm lòng trung hiếu của những đứa con ở phương xa; mong Bác qua chiếc đài này sớm nhận được những tin thắng trận, Bác sẽ vui, sẽ khoẻ hơn để cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mau chóng thành công; để ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam sớm đến, quân dân miền Nam sẽ được gặp Bác Hồ… Với niềm mong mỏi đó, chiếc đài được đưa lên Trung ương Cục miền Nam để gửi ra miền Bắc kính biếu Bác Hồ. Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu – Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần đầu tiên ra thăm miền Bắc tháng 10-1962 đã đem theo chiếc đài này để kính dâng lên Bác.
      Ra đến Hà Nội, do đoàn đi thăm một số nước XHCN ngay, chưa được gặp Bác Hồ nên đồng chí Nguyễn Văn Hiếu đã thông qua đồng chí Phạm Hùng lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhờ chuyển chiếc đài tới Bác. Đồng chí Phạm Hùng đã tự tay mang chiếc đài đến kính dâng Bác Hồ. Biết tính Bác có tặng phẩm gì thường bảo anh em phục vụ trả lại Văn phòng hoặc đưa cho các đồng chí khác sử dụng nên khi đưa chiếc đài này dâng Bác, đồng chí Phạm Hùng phải nói rõ với Bác rằng đó là chiến lợi phẩm quân giải phóng thu được trong trận đánh ở Phước Thành ngày 18-9-1961, rằng các cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh muốn báo cáo với Bác thắng lợi của mình, muốn Bác theo dõi được tin thắng trận của quân dân miền Nam qua chiếc đài này… để Bác vui vẻ nhận.
      Theo lời kể của các đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, đồng chí Cù Văn Chước lúc đó là trưởng phòng Hành Chính- Quản trị Văn phòng Phủ Chủ tịch, đồng chí Lê Văn Nhương (tức Lê Cần) lúc đó là cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, đồng chí Trần Văn Vượng lúc đó là cán bộ phòng Hành chính- Quản trị Văn phòng Phủ Chủ tịch còn lưu lại trong hồ sơ, tuy chiếc đài được đưa lên kính biếu Bác từ cuối năm 1962 nhưng Bác đã để cho anh em phục vụ sử dụng, còn Bác vẫn dùng chiếc đài bán dẫn hiệu Gruzia của bà con Việt kiều Thái Lan gửi tặng. Đến giữa năm 1967, để bảo đảm an toàn hơn cho Bác, Bộ Chính trị quyết định xây căn nhà có tường dày 60cm như một căn hầm nổi, ở đó kê giường để Bác nghỉ, bàn ghế phục vụ Bác làm việc và họp với Bộ Chính trị thì chiếc đài Zenith nói trên mới được đưa xuống đây để Bác theo dõi tin tức. Theo lời kể của ông Lưu Quang Lập (cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch), từ năm 1962 chiếc đài thường được để ở nhà Bác Hồ tiếp cán bộ, ký các Sắc lệnh và ở phòng họp Bộ Chính trị nên Bác không sử dụng thường xuyên. Thời kỳ này ngoài chiếc đài Gruzia ở nhà sàn, ở phòng ăn nhà 54 trước thì có chiếc đài Sony của Nhật, sau có chiếc đài do lưu học sinh Việt Nam học tại Hunggari tự lắp ráp gửi về kính biếu Bác Hồ. Mỗi khi Bác đi công tác xa, anh em bảo vệ cũng đem theo chiếc đài Zenith này nhưng chủ yếu vẫn là anh em sử dụng, còn Bác sử dụng chiếc đài Sony của Nhật.
Cũng trong hồ sơ khoa học, theo lời kể của các nhân chứng thì năm 1964 quân giải phóng miền Nam cũng chuyển từ chiến trường ra một chiếc đài bán dẫn có nhãn hiểu Zenith là chiến lợi phẩm trong trận Đường Long (Khu 7) ngày 28-3-1964 tiêu diệt Tiểu đoàn Cọp đen. Đồng chí Lê Quang Đạo lúc đó là Tổng Cục phó phụ trách thường trực của Tổng cục Chính trị đã nhận tặng phẩm này và chuyển đến Văn phòng Trung ương. Ở văn phòng Trung ương lúc đó đồng chí Phạm Chung phụ trách đã nhận và chuyển đến Văn phòng Phủ Chủ tịch. Đồng chí Vượng đã nhận và ghi vào sổ thống kê tặng phẩm năm 1962-1964. Kèm theo tặng phẩm này còn có cả thư của đồng chí Lê Quang Đạo gửi đồng chí Phạm Chung đề cập đến chiếc đài này. Lá thư của đồng chí Lê Quang Đạo cũng được sao chụp lại trong hồ sơ khoa học.
Ngoài ra còn có một chiếc đài Zenith được thống kê trong sổ tặng phẩm năm 1966 với nội dung “ngày 31-10-1966 Tổng thống CuBa Dor Ticos tặng Bác Hồ nhân dịp sang thăm Việt Nam”. Cả hai chiếc đài Bác không dùng nên đều đưa vào kho để bảo quản.
Theo các đồng chí Trần Văn Vượng và Lưu Quang Lập, cuối năm 1966 là thời kỳ đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc nước ta. Để động viên các chiến sĩ bám trụ ở những nơi đầu sóng ngọn gió, Bác Hồ đã nói với các đồng chí phục vụ xem trong kho còn tặng phẩm nào của Bác đem gửi tặng các chiến sĩ bộ đội ở hải đảo vì những nơi đó gian khổ, xa đất liền cần phải có đài để theo dõi tin tức. Chấp hành ý kiến của Bác, ngày 21-12-1966 đồng chí Vũ Kỳ đã thay mặt Bác chuyển giao 4 chiếc đài bán dẫn, trong đó có 2 chiếc đài Zenith tặng phẩm trên, cho đồng chí Lê Quang Đạo. Đồng chí Lê Quang Đạo thay mặt Tổng cục Chính trị đã nhận đủ số đài này và đã có ghi biên bản (trong hồ sơ khoa học có sao chụp được tờ biên bản này). Được biết 2 chiếc đài hiệu Zenith được gửi cho chiến sĩ ở đảo Cồn Cỏ và Bạch Long Vỹ. Sau giải phóng chúng được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Quân khu IV và V.
Qua hồ sơ khoa học và những tư liệu thu thập được, chúng ta càng hiểu rõ hơn tình cảm của Bác Hồ đối với các lực lượng vũ trang nhân dân. Chiếc đài bán dẫn hiệu Zenith có kiểm kê là BTHCM1042/ KL-36 là một trong những hiện vật minh chứng cho tấm lòng son sắt của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu. Món quà của chiến sĩ, đồng bào miền Nam cũng được Bác trân trọng đặt ngay tại nơi làm việc của mình. Qua chiếc đài này, Người thường xuyên theo dõi tin tức của thế giới, trong nước qua làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam và tình hình chiến sự miền Nam qua làn sóng của Đài phát thanh giải phóng. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, mặc dù phải trải qua những cơn đau tim dữ dội, Bác vẫn luôn hỏi thăm tin chiến thắng mới nhất của đồng bào, chiến sĩ miềm Nam.
      Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa đã 40 năm, chiếc đài Zenith vẫn được đặt ở vị trí vốn có của nó như khi sinh thời Người. Khách tham quan, nhất là các đoàn đến từ miền Nam, được vào thăm căn phòng có trưng bày chiếc đài bán dẫn hiệu Zenith này trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch, được nghe giới thiệu về nó, càng thêm thấu hiểu tình cảm của quân dân miền Nam đối với Bác Hồ, ý chí của sự quyết tâm và lòng dũng cảm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, tình cảm của Bác Hồ đối với miền Nam yêu dấu, miền Nam luôn luôn ở trong trái tim của Bác Hồ kính yêu.
       

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)