slider

Chiếc máy chữ trưng bày ở giá sách phòng làm việc Di tích Nhà sàn

23 Tháng 05 Năm 2020 / 3079 lượt xem

Nguyễn Thị Thu

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Nhà sàn Bác Hồ là một di tích đặc biệt quan trọng trong quần thể Khu di tích Phủ Chủ tịch - là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, suốt 11 năm (từ 19/5/1958 đến 17/8/1969). Tại ngôi nhà này, đã diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước cùng với những đóng góp lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Nơi đây đã gắn bó với cuộc sống đời thường vô cùng giản dị, khiêm tốn của Người trong suốt 11 năm cuối cùng của cuộc đời. Chính vì vậy, các tài liệu hiện vật ở nơi đây về cơ bản vẫn được giữ lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều vật dụng được dùng trong sinh hoạt thường ngày của Người và có một số quà tặng của đồng bào trong và ngoài nước tặng đều có thể khiến khách tham quan, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, tầng lớp nào cũng tìm thấy những bài học quý giá, thiết thực, một tấm gương hiện hữu để noi theo.

Một trong số những hiện vật mà khách tham quan được tận mắt nhìn thấy mỗi khi đến thăm ngôi Nhà sàn là chiếc máy chữ hiệu “HERMES BABY” đặt ở ngăn dưới cùng giá sách phòng làm việc tầng 2 ngôi Nhà sàn. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiếc máy chữ là người bạn gần gũi Người luôn mang bên mình, ngay cả các chuyến đi công tác xa, lúc nghỉ chân giữa đường cần thảo tài liệu Người lấy máy ra kê luôn lên đùi và làm việc.

Chiếc máy chữ được cấu tạo bằng kim loại, máy hình vuông màu xám, có nắp đậy; phía trước máy vát có 2 đinh ốc mầu trắng; phía sau thẳng góc. Mặt trong máy có 4 hàng chữ số mầu trắng in trên mặt nốt đen cần đập: Hai hàng chữ hình vòng cung; mặt trên góc trái in chữ: “HERMES”; Thành sau máy đề chữ : “HERMES MADE IN SWITZERLAND BY PAILLARD S.A”. Đế dưới máy có 4 chân làm bằng đinh ốc, kim loại. Chiều cao: 6,5 cm, mỗi cạnh: 28,5 cm.

Trong quá trình nghiên cứu tài liệu, xây dựng hồ sơ khoa học cho hiện vật này, chúng tôi kết luận đây là chiếc máy chữ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp sử dụng trong 15 năm Người làm việc tại Phủ Chủ tịch. Kết luận như vậy vì chúng tôi căn cứ vào các chứng cứ sau:

Theo như lời kể của các nhân chứng đã từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Cù Văn Chước, Lưu Quang Lập, Trần Văn Vượng, Lê Cần. Các nhân chứng này đều thống nhất thông tin rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên sử dụng chiếc máy chữ này để đánh các công văn, giấy tờ khi cần thiết (kể cả viết nháp) trong thời gian Người sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch. Chiếc máy này luôn được đặt ở góc bên phải tầng dưới cùng của giá sách (đối diện với bàn làm việc của Người) trên phòng làm việc tầng 2 Nhà sàn.

Cũng theo lời kể của ông Đoàn Đỗ (tức Đỗ Uông), đã công tác tại Phủ Chủ tịch ở Việt Bắc từ năm 1946 đến năm 1954: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác cùng Trung ương Đảng về thủ đô Hà Nội, ông Đỗ được điều động từ văn phòng Phủ Chủ tịch sang làm nhiệm vụ đánh máy ở Văn phòng Phủ Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thời gian đó, cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch rất ít người, chưa có người chuyên đánh máy. Mọi tài liệu, công văn giấy tờ đều do cơ quan Văn phòng Phủ Thủ tướng đánh máy, còn các văn bản, tài liệu khác thì ông không làm mà Bác Hồ tự tay đánh máy văn bản của mình bằng chiếc máy chữ hiệu Hermes baby (Người dùng từ năm 1938 khi còn ở Pháp cho đến tận cuối đời năm 1969).

Nữ văn sĩ Pháp Madeleine Riffand trong cuốn Cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh có đoạn viết: “Vào một buổi sáng tinh sương khi vừa dứt báo động, một người phụ nữ tới đánh thức tôi dậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tôi đến ăn sáng, bên cạnh bàn có một cái máy chữ “HERMES” Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để đánh máy những bài báo ngắn, châm biếm mang bí danh thỉnh thoảng đăng trên tờ báo của Đảng (1966).

Theo bài: “Nhìn và đối chiếu với Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 40 năm kháng chiến thắng lợi” của tác giả Mạch Quang Thắng có ghi: “Tại ngôi nhà sàn tọa lạc ở khu khuôn viên rộng của Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Hồ Chí Minh viết một bức thư rất đặc biệt gửi lại cho hậu thế... Cuối bức thư, Hồ Chí Minh đề ngày 15/5/1965. Đây là bản tự tay Hồ Chí Minh đánh máy trên chiếc máy chữ HERMES BABY.”

Bên cạnh đó, có rất nhiều bức ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định chụp lại khi Người đang sử dụng chiếc máy đánh chữ để làm việc tại bàn làm việc Nhà 54, bàn làm việc tầng 2 Nhà sàn... Nhiều tài liệu do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay đánh máy bằng chiếc máy chữ này hiện đang lưu giữ, bảo quản trong kho tư liệu của Khu di tích và kho Bảo tàng Hồ Chí Minh như:

- Bản đánh máy bài viết Cần kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Trần Lực, đăng trên báo Nhân dân, tháng 11/1959.

- Ngày 12/11/1964, mười năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trên báo Nhân dân số 3878, với bút danh “Chiến sĩ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài văn Uy danh lừng lẫy khắp năm châu, trong đó có bốn câu thơ dự báo sự thất bại của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam:

Uy danh lừng lẫy khắp năm châu

Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu

Thành đồng trống thắng lay

Lầu trắng Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu.

- Bản Di chúc ngày 15/5/1965;

- Bài “Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ngày 3/2/1969.

- Bài viết Tết trồng cây đăng trên báo Nhân dân số 5411, ngày 5/2/1969, bút danh Trần Lực bài báo viết gồm 2 trang đánh máy.

Đây là những bản thảo do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay đánh máy theo một kiểu đánh máy riêng của Người, nhiều chữ được sử dụng theo 1 quy luật riêng: Ví dụ: d - 3, Ph - F; Những - Nhg; Z - ~ ; gi - Z; Không - Khg; Người - Ng...

Những sự kiện và thông tin tư liệu trên cho thấy chiếc máy chữ hiệu “HERMES BABY” là một hiện vật có nhiều ý nghĩa, gắn bó với quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm Người sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch. Từ chiếc máy chữ này, Người đã cho ra đời nhiều văn kiện lịch sử có giá trị lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc; các bài viết, văn bản, thư gửi động viên, khen ngợi tới các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác, sản xuất, chiến đấu; điện mừng, lời chia buồn tới nhân dân và bạn bè thế giới.

Đã hơn 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, chiếc máy đánh chữ “HERMES BABY” vẫn được đặt ở vị trí vốn có của nó như khi sinh thời Người. Nó là kỷ vật thiêng liêng có liên quan trực tiếp đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là vật chứng chân thực của lịch sử “chứng kiến” những hoạt động cách mạng có ý nghĩa vô cùng trọng đại và cuộc sống thanh bạch giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua hiện vật này khách tham quan đến thăm Khu di tích hiểu hơn về một con người suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Trong con người Hồ Chí Minh có đầy đủ phẩm chất hội tụ của một lãnh tụ thiên tài, đồng thời Người còn là hiện thân của một lãnh tụ “kiểu mới” của nhân dân: Vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết và gắn bó với quần chúng; hết lòng, hết sức chăm lo cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; mong muốn xây dựng một nước Việt Nam mạnh giàu; nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, khi nói về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một học trò xuất sắc, một cộng sự thân thiết, gần gũi của Người đã viết, đó là “cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh, vô cùng cao thượng, phong phú, vô cùng trong sạch và đẹp đẽ”./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)