slider

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CÔNG TRÌNH THỦY NÔNG BẮC - HƯNG - HẢI

24 Tháng 09 Năm 2013 / 3569 lượt xem
Nguyễn Thị Lệ Thủy
Phòng TT - GD
Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải là công trình mang dấu ấn lịch sử không chỉ tiêu biểu cho ngành thuỷ lợi của miền Bắc, mà còn là của cả đất nước. Đây là một hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê điều nhằm phục vụ việc tưới tiêu và thoát úng nước cho một vùng tứ giác có diện tích tự nhiên gần 214.932 ha được giới hạn bởi sông Hồng ở phía Tây, sông Đuống ở phía Bắc, sông Thái Bình ở phía Đông, và sông Luộc ở phía Nam. Các tỉnh Bắc NinhHưng Yên và Hải Dương đều có một phần địa bàn rộng lớn trong tứ giác đó, vì thế hệ thống thủy nông này được đặt tên là Bắc Hưng Hải. Công trình được xây dựng đào đắp từ cuối năm 1958 với tổng chiều dài hơn 200 km. Đây là công trình trị thủy đầu tiên của miền Bắc nước ta, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Trong quá trình chuẩn bị và xây dựng hệ thống thủy lợi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần trực tiếp đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên cán bộ và dân công làm việc trên công trường.
Ngày 20 tháng 9 năm 1958, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm khu vực chuẩn bị thi công cống Xuân Quan - đây là cụm đầu mối của Công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải, là nơi sẽ dẫn nguồn nước có lượng phù sa quý giá từ sông Hồng vào tưới tiêu cho đồng ruộng của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Người đã xuống sát chân đê Xuân Quan thăm hỏi và nói chuyện với cán bộ, công nhân và dân công đang gấp rút công tác chuẩn bị thi công công trình. Hàng ngàn người vây quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ áo nâu sẫm mầu giản dị và mái tóc bạc phơ, để lắng nghe tiếng nói ấm áp của Người.
Tại buổi nói chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngày trước, dưới chế độ thực dân và phong kiến, ba tỉnh Bắc - Hưng - Hải mười nǎm chín hạn. Nǎm nào cũng đói kém. Nhân dân cực khổ nghèo nàn. Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, cải cách ruộng đất thành công, đời sống đồng bào ba tỉnh đã được cải thiện ít nhiều. Nhưng mỗi nǎm mỗi tỉnh vẫn phải tốn từ 1 triệu rưởi đến 3 triệu ngày công vào việc khơi mương, đào giếng, tát nước, chống hạn. Tốn nhiều công sức, nhưng vẫn còn nhiều ruộng thiếu nước cấy và thu hoạch vẫn bấp bênh. Nay Đảng và Chính phủ quyết định cùng nhân dân xây dựng công trình thuỷ lợi Bắc - Hưng - Hải để đưa nước vào ruộng cho đồng bào”. Người ân cần động viên: “Cán bộ và đồng bào quyết tâm vượt mọi khó khăn, làm cho nhanh, cho tốt... Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm. Cán bộ cần phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn thể nhân dân”1). 
Người đề nghị phải tổ chức thật tốt, phải lãnh đạo thật tốt, dân công cũng như quân đội phải có kỷ luật chặt chẽ và dụng cụ phải sẵn sàng đầy đủ. Riêng đối với cán bộ, Người yêu cầu: “Phải đồng cam cộng khổ với nhân dân, phải khuyến khích và giúp đỡ nhân dân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất.”2)
Hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thay mặt Đảng, Chính Phủ và toàn thể nhân dân cảm ơn người dân 2 làng Xuân Quan và Cửu Cao (thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), đã hy sinh hàng trăm tấn lúa đến ngày trổ bông vì quyền lợi của hơn hai triệu nhân dân Bắc Hưng Hải; bà con Bát Tràng chấp nhận rời bỏ cơ đồ tổ tiên cả nghìn năm sang làng mới cũng vì vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi tất cả mọi người phải biết ơn bà con các làng chịu phần thiệt thòi và động viên nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương hết lòng hết sức làm thật tốt để đúng ngày 6 tháng 1 năm 1959 mở được nước sông Hồng vào đồng.
Kết thúc bài nói chuyện, Người đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của công trình thuỷ lợi này đối với việc chống hạn: “Công trình thuỷ lợi Bắc - Hưng - Hải là một chiến dịch chống giặc hạn. Rất mong đồng bào và cán bộ ba tỉnh cố gắng phát triển truyền thống vẻ vang ấy, tìm tòi mọi sáng kiến, khắc phục mọi khó khǎn, để hoàn thành thắng lợi công trình Bắc - Hưng - Hải”3)
Ngày 1 tháng 10 năm 1958 lịch sử, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng cống Xuân Quan, mở ra đại công trường Bắc Hưng Hải, mở ra cuộc đời mới cho hàng triệu con người. Ban chỉ huy công trường là đồng chí Hà Kế Tấn, lúc đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy Sư đoàn 350 bảo vệ Thủ đô được chính Bác Hồ giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban, cùng với sự giúp đỡ tích cực của đoàn chuyên gia Trung Quốc, các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật Việt Nam trên công trường đã đề ra các phương án thiết kế, biện pháp thi công tối ưu, cường độ làm việc khẩn trương và quyết liệt như chỉ huy chiến dịch.
Vâng lời Bác Hồ, hàng vạn bộ đội, dân công, học sinh mang theo cơm nắm muối vừng  nô nức lên công trường, ra quân với khí thế quyết thắng. Cả một vùng châu thổ trùng trùng dân công từ  Gia Lương, Thuận Thành, Bắc Ninh sang, từ  Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện lên, từ Khoái Châu, Kim Động, Văn Giang... kéo về như ngày hội lớn. Các xã xung quanh công trường huy động thanh thiếu niên phát quang đường sá, dọn vệ sinh nhà cửa, vét giếng, sửa cầu náo nức đón tiếp dân công. Các cửa hàng lương thực, thực phẩm, cửa hàng bách hoá trên địa phận Bắc Hưng Hải hoạt động nhộn nhịp. Phong trào đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải ở các vùng quê trên địa bàn xây dựng luôn trong không khí hồ hởi, quyết tâm và hăng say hết mực. Ngày đó, dọc theo ven đê Bát Tràng, Xuân Quan khẩu hiệu giăng kín, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, tiếng loa truyền thanh vang lên suốt đêm ngày. Các đơn vị thi công khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ thi công cho kịp tiến độ. Trên công trường đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải lúc cao điểm nhất có khoảng 27.000 cán bộ, chuyên gia, công nhân, bộ đội và dân công các địa phương Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương tham gia.
Ngày 16 tháng 10 năm 1958,Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công trường thuỷ lợi Bắc - Hưng - Hải lần thứ hai. Trở lại đoạn đê Xuân Quan, Người xuống tận chân công trình thăm anh chị em dân công đang đào kênh dẫn phía ngoài cống Xuân Quan. Nói chuyện với gần 3 vạn dân công, công nhân, cán bộ trên công trường qua loa phóng thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc xây dựng công trình Bắc - Hưng - Hải là một chiến dịch. Trong chiến dịch này, ta phải có tinh thần quyết chiến quyết thắng. Các đảng viên, đoàn viên, thanh niên, công nhân, cán bộ phải làm gương mẫu. Phải cố gắng làm thế nào đảm bảo có đủ nước cho vụ chiêm sắp tới được thắng lợi, đem lại ấm no cho đồng bào”4).
Khi đi đến đoạn cống sông Đình Dù (xã Đình Dù, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thân mật nói chuyện với đông đảo cán bộ và dân công, Người khen ngợi những đơn vị, cá nhân có thành tích trong lao động; cảm ơn các cụ và đồng bào địa phương đã tận tình giúp đỡ nơi ăn, chốn ở, lại thường xuyên đến thăm hỏi động viên dân công. Sau đó, Người thưởng Huy hiệu của Người cho các đơn vị và cá nhân có thành tích và gửi lại một số Huy hiệu dành cho các đợt sơ kết thi đua cuối tháng. (Từ sau khi hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải được khai thủy, nhân dân của làng Đình Dù gọi đây là: nguồn nước Bác Hồ).
Mặc dù bận nhiều việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công trình Bắc - Hưng - Hải,Người thường xuyên dõi theo tin tức từ công trường. Có lần tờ tin Bắc Hưng Hải, đặc san của công trường đăng tin dân công và bộ đội gánh đất một lúc 4 sọt, có người gánh 6 sọt, theo tiêu chuẩn chỉ 2 sọt tổng cộng 35 kg. Bác cho triệu chỉ huy công trường Hà Kế Tấn và nghiêm khắc phê bình: “Chú cầm quân đánh giặc lâu năm mà không biết dưỡng quân! Gắng quá sức dễ ốm, không bền”. Lập tức đồng chí Trưởng ban chỉ huy công trường hạ lệnh cho cán bộ tại hiện trường là cấm gánh 6 sọt, riêng phụ nữ chỉ được gánh 2 sọt, ngày kiêng kị hàng tháng nếu không tìm được việc nhẹ thì chị em được nghỉ mà vẫn tính công. Mỗi khi nhận được tin công trường gặp sự cố, bao giờ Bác cũng kịp thời quan tâm đến việc xử lý sự cố...
Cuối tháng 11 năm 1958 Trưởng ban chỉ huy công trường Bắc Hưng Hải - đồng chí Hà Kế Tấn đã lên báo cáo với Bác Hồ là ngày 6 tháng 1 năm1959 công trường dẫn nước vào tưới vụ chiêm, hứa với Bác là ngày 1 tháng 5 năm 1959 công trình sẽ hoàn thành, đê cống Xuân Quan sẽ vững chắc hơn bất cứ đoạn đê nào trên sông Hồng.
Những ngày cuối tháng 12 trời giá rét và mưa nhiều, nhưng trên toàn công trường mọi người vẫn hăng say làm việc, tích cực thi đua đạt năng xuất cao nhất để kịp đúng tiến độ đã đề ra. Tuy nhiên, một sự cố ngoài ý muốn đã xẩy ra.Lúc bấy giờ, cống Xuân Quan đang được đào tới độ sâu gần 20 mét thì gặp liền 3 - 4 mạch nước phun lên tràn ngập, dân công và bộ đội được lệnh dùng đất đá ném xuống vít mạch. Hàng trăm khối đất đá cũng chẳng vít được mạch nước. Rồi hàng chục máy bơm nước được đưa tới để bơm hút nước… nhưng nước vẫn không cạn, mà ngày một mạnh như thủy triều lên. Tình hình vô cùng nguy cấp, sức người không giải quyết được mấy lỗ mạch, công trường phải ngừng và không hẹn ngày tiếp tục thi công được nữa. Ban chỉ huy đã báo cáo tình hình công trường với Trung ương. Các chuyên gia thủy lợi của Việt Nam và nước bạn đến công trường để tìm nguyên và phát hiện ra mạch thông với sông Hồng, tình hình vô cùng gay go. Trong khi toàn công trường hết sức lo lắng, thì có tin Bác Hồ đến kiểm tra. Đó là ngày 25 tháng 12 năm 1958, lần thứ ba Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải. Bác xuống thăm công trường cống Xuân Quan và khu vực đào kênh ngoài. Bác đến trong lúc mưa phùn và giá rét, cán bộ và dân công, bộ đội trên công trường vẫn đang hăng hái lao động với quyết tâm rất cao. Người đề nghị Trưởng Ban chỉ huy dẫn đi thăm công trường. Ngại Bác vất vả nên đồng chí Hà Kế Tấn xin khất Bác lần khác vì hôm nay trời mưa rét và đường quá trơn. Nghe đến đó Bác bảo: “Dân công, bộ đội làm việc ngoài mưa rét được! Bác chỉ ra tận nơi thăm hỏi sao lại không được?”. Người đã lên tận nơi anh em công nhân đổ bê tông ca 3 đang tìm cách xử lý mạch nước ở cống Xuân Quan.
Toàn tuyến công trường dài hàng chục cây số bỗng bừng lên rộn rã. Cả công trường sốt ruột chờ đợi, có tiếng loa nhắc nhở: “Bác Hồ tới thăm công trường, gặp gỡ chúng ta, mọi người tập trung trật tự để Bác nói chuyện”.“Bác đến! Bác đến!”. Người nọ truyền người kia, thoáng chốc cả làn sóng người trên công trường chuyển động, cả biển người bất chấp bùn đất, mưa phùn, giá rét... đã đến vây quanh Bác. Tiếng nói cười, tiếng vỗ tay mừng như sấm dậy. Sau lời thăm hỏi ân cần, Bác bắt đầu nói chuyện. Người thông cảm với khó khăn mà công trường đang gặp và động viên mọi người bình tĩnh, sáng tạo và cương quyết vô hiệu hóa các lỗ mạch nguy hiểm. Người khen: “anh em công nhân và dân công địa phương đã có nhiều tiến bộ” và nhắc nhở: “cần cố gắng hơn nữa, cần phát huy nhiều sáng kiến, bảo đảm chất lượng công trình, đồng thời đẩy mạnh việc chống lãng phí, tham ô”5). Sau khi thăm cống Xuân Quan, đồng chí Hà Kế Tấn muốn mời Bác nghỉ nhưng Bác gạt đi. Quần xắn cao tới đầu gối dưới làn mưa bụi, chiếc mũ cát trắng của Bác nhấp nhô giữa biển người, kéo một mạch từ Xuân Quan ra Bát Tràng. Chốc chốc Bác lại dừng chân thăm hỏi. Qua những đoạn bùn lầy quá trơn, có người xin cõng nhưng Bác gạt đi, tụt dép cầm tay và cứ thế tiến lên. Tiếng hô: “Hồ Chí Minh muôn năm” vang lên như sấm, hôm đó Bác còn đi thẳng vào làng mới Bát Tràng nơi những hộ di chuyển đến, để thăm hỏi và động viên bà con.
Ngay sau buổi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, Ban chỉ huy công trường đã hội ý và quyết định cho vây lưới xung quanh các lỗ mạch, rồi đổ bê tông trùm kín. Chỉ trong vòng 48 giờ, nước bơm vét khô, cống Xuân Quan được làm móng, dòng sông được tiếp tục đào. Chính sự quan tâm sâu sắc và chỉ bảo ân tình kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo thêm sức mạnh to lớn cho tập thể Ban chỉ huy, cùng công nhân và dân công vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời ấy máy móc rất ít, chỉ có con người chạy đua với thời gian. Mục tiêu là phải hoàn thành công trình trước mùa lũ. Trên công trường bình quân có hơn 2 vạn con người, lúc cao điểm hơn 3 vạn, đủ các thành phần dân công, học sinh, sinh viên, cán bộ Trung ương và địa phương…vv.
Ngày 20 tháng 2 năm 1959, trước khi công trình hoàn thành Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công trường lần thứ tư. Người đến và cũng không cho báo trước, Chủ tịch nước đến thăm công trình mà giản dị như người cha đến thăm con cháu đang lao động với một tình yêu thương sâu sắc và sự chỉ bảo ân cần, giúp đỡ giải quyết những khó khăn cụ thể. Đến cống Xuân Quan, Người xem xét từng hạng mục công trình và nghe Ban chỉ huy công trình báo cáo về tình hình thi công. Người thăm hỏi cán bộ, bà con dân công và động viên mọi người quyết tâm vượt qua mọi trở ngại trước mắt, giữ vững ý chí thi đua lao động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên công trường. Giữ đúng lời hứa với Bác, ngày 1 tháng 5 năm 1959, công việc hoàn thành trước khi mùa lũ đến với khối lượng khổng lồ: xây đúc 7.500 m3 bê tông, xây lát 226.000 m3 đá, đào đắp gần 3.000.000 m3 đất... Hệ thống sông chính dài 200km bảo đảm cấp nước tưới cho gần 120.000 ha diện tích cây trồng, tiêu úng cho hơn 192.000 ha. Công trình hoàn thành, cửa cống Xuân Quan mở toang cho nước sông Hồng tuôn về đồng ruộng, giữa tiếng gieo hò của hàng vạn cán bộ công nhân viên và nhân dân ba tỉnh : Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Đây là hệ thống thủy lợi lớn nhất miền Bắc một thời và từng được gọi là Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Ngay sau khi công trình hoàn thành, cũng năm 1959, bộ phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” được khởi dựng giới thiệu về quá trình xây dựng hệ thống thủy lợi này. Bộ phim đã đoạt giải Giải Bông sen vàng Huy chương vàng tại Liên hoan phim Matxcơva 1959.
Trong mối quan tâm chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng Bắc Hưng Hải “mười năm chín hạn”. Nói đúng thêm còn phải chín úng nữa. Vì hễ năm nào úng là có hạn. Trận lũ lịch sử năm 1969 đã diễn ra trên diện rộng toàn miền Bắc, nước sông Hồng lên cao gần 14m đe dọa sẽ vỡ đê. Nằm trên giường bệnh, trong khi bệnh tình đang rất nặng Người vẫn lo cho nhân dân. Ba ngày trước khi mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gọi thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn (tháng 1 - 1963 ông được Quốc hội bầu cử vào trọng trách Bộ trưởng Bộ Thủy lợi) đến bên giường bệnh dặn dò không được để vỡ đê, phải tìm mọi cách cứu dân. Sau khi đồng chí Phạm Văn Đồng đích thân đi kiểm tra đê và cùng với đồng chí Hà Kế Tấn vào báo cáo Người mới yên lòng. Đến nay đê Xuân Quan vẫn giữ được lời đã hứa với Bác. Cùng với thời gian, Bắc Hưng Hải ngày càng khẳng định vai trò, nhiệm vụ của một “Đại thuỷ nông” đã, đang và sẽ giúp cho hàng triệu nhân dân được hưởng hạnh phúc hàng trăm năm qua nhiều thế hệ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán khi về thăm công trường trước lúc khởi công./.
 
Chú thích:
1). Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 11, tr. 529.
2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 11, tr. 530.
3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 11, tr. 531.
4). Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2009, t. 7, tr. 156.
5). Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2009, t. 7, tr. 191.  

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)