slider

“Công an phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân”

22 Tháng 05 Năm 2020 / 493 lượt xem

Trần Ngọc Lan

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Đầu xuân Mậu Tý 1948, trong bức thư trả lời đồng chí Hoàng Mai (lúc đó là Giám đốc Sở Công an Khu XII), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra tư cách người công an cách mệnh là:

“Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ.

Đối với chính phủ phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép

Đối với công việc phải tận tụy

Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”.

Là thư gửi cho đồng chí Giám đốc Sở Công an Khu XII nhưng 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy đã bao hàm huấn thị chung cho toàn lực lượng công an nhân dân, mang tính tư tưởng và tính thực tiễn vô cùng sâu sắc. Người luôn đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của lực lượng công an để thực hiện chuyên chính dân chủ nhân dân, bảo vệ nền chuyên chính của nhân dân đối với các thế lực phản động khác. Từ đó Người thường xuyên quan tâm chỉ bảo lực lượng công an nhân dân, từ phương pháp đánh giá tình hình, các biện pháp công tác công an, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa công an với nhân dân và xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Nhân Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 5 (tháng 01-1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ công an. Mở đầu thư, Người khen: “Năm vừa qua, Công an tiến bộ khá, nhất là Công an ở Thừa Thiên, Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nội đáng khen và có nhiều nhân viên Công an đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Chính phủ sẽ ghi tên những vị anh hùng ấy”. Phần tiếp theo của thư cũng là phần nội dung chính, Bác nhắc nhở lực lượng công an thực hiện cho được 4 điểm, trong đó trước nhất là xây dựng bộ máy công an, “tức là công an phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân”. Đồng thời “phải dựa vào các đoàn thể mà tổ chức giáo dục nhân dân trong công việc phòng gian và trừ gian, để nhân dân thiết thực giúp đỡ công an”. Người còn nhấn mạnh yêu cầu bộ máy công an phải đoàn kết nhất trí: “Đoàn kết chặt chẽ nội bộ, đoàn kết chặt chẽ giữa công an nhân dân vũ trang, đoàn kết chặt chẽ giữa công an và nhân dân. Phát huy dân chủ nội bộ; kiện toàn tổ chức thành một lực lượng thật vững mạnh của nền chuyên chính vô sản”(1).

Ngay từ buổi đầu xây dựng lực lượng công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ nói chung và người lãnh đạo, chỉ huy công an nhân dân nói riêng phải thật gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng rộng lớn của nhân dân để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, không có nhân dân thì công an có đông đến mấy cũng là không đủ. Quần chúng có tin và đi theo Đảng, Nhà nước hay không; Đảng và Nhà nước có hiểu dân hay không, có phát huy được sức mạnh của quần chúng hay không, phụ thuộc rất nhiều vào phong cách lãnh đạo và năng lực của người cán bộ cách mạng. Bởi theo Người, “Lãnh đạo tốt nghĩa là thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân. Phải đi đúng đường lối quần chúng”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công an không thể tách rời nhân dân, nhiệm vụ của công an chỉ khi có sự giúp sức của nhân dân mới có thể giành được thắng lợi. Người chỉ rõ: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(3). Cặn kẽ hơn, Người giải thích 5 vạn công an thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay; công an làm sao phải có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được; muốn như vậy phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Quan điểm dựa vào dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng lý luận có tính định hướng cho lực lượng công an nhân dân trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân sau này: “Vấn đề dựa vào dân, công an phải có thiên la địa võng như trong chiến tranh du kích có thiên la địa võng về quân sự” bởi vì “hàng triệu lỗ tai, con mắt của nhân dân chăng thành những bức “thiên la địa võng” nên lũ mật thám không sao thoát được”(4).

Những lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ xác định rõ sự cần thiết phải xây dựng và thường xuyên vun đắp, gìn giữ mối liên hệ máu thịt giữa công an với nhân dân, mà còn khẳng định mục tiêu, lý tưởng và trách nhiệm của công an đối với nhân dân: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một kho tàng sống động, vô cùng phong phú về công tác bảo mật, công tác an ninh và dựa vào nhân dân. Những kinh nghiệm vô giá ấy được Người đúc kết rồi truyền lại cho lực lượng công an. Bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, tham gia vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bị mật thám theo dõi sát sao, Người đã nhiều lần phải thay đổi tên, thay đổi nghề nghiệp, nhiều lần cải trang để đảm bảo bí mật, an toàn và thuận tiện cho công tác. Cho đến những ngày tháng ở tại Cao Bằng trong thời kỳ mới trở về nước hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ muốn đối phó với địch phải giữ kỷ luật, giữ bí mật và bản thân Người đã thực hiện quy định này rất cẩn thận, nghiêm túc. Tuy cơ quan đông người, nhưng mỗi người mỗi việc không ai biết việc của ai. Mỗi khi cần về một cơ sở nào đó, Người chỉ báo cho đồng chí có trách nhiệm biết. Các đồng chí bảo vệ Bác cũng luôn học hỏi được từ Người nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác bảo vệ an ninh.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng công an nhân dân đã từng bước lớn mạnh, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn căn cứ địa cách mạng, các đồng chí lãnh đạo và cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, các cơ sở kinh tế, quốc phòng; bắt và tiêu diệt hàng trăm toán gián điệp, biệt kích. Lực lượng công an nhân dân đã phát động quần chúng tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản của Nhà nước, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên nhiều chiến thắng vang dội. Đồng chí Vương Văn Long, nguyên Phó trưởng Ty Công an Tuyên Quang bồi hồi nhớ lại, có lần đồng chí được giao nhiệm vụ đi bảo vệ Bác đến thăm một số nơi trong tỉnh. Đi qua vùng dân tộc, thấy người dân kêu ca về cách xây dựng làng kiểu mẫu của tỉnh, Bác căn dặn đồng chí rằng: “Tất cả những vấn đề đó chú phải về báo cáo lại với tỉnh ủy. Còn các chú công an là bạn dân thì phải đi sát dân. Dân có gì bằng lòng với Chính phủ và có gì không bằng lòng, các chú phải báo cáo lại cho tỉnh ủy biết để có biện pháp khắc phục, sửa chữa”. Những lời căn dặn rất ngắn gọn mà rõ ràng của Bác trên chặng đường rừng ngắn ngủi đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với đồng chí Long vì đồng chí đã hiểu thế nào là một người công an cận vệ của Đảng và là đầy tớ của nhân dân.

Cũng trong “Thư gửi Hội nghị Công an toàn quốc” (tháng 01-1950), Người chỉ rõ “cách tổ chức công an phải giản đơn, thiết thực, tránh cái tệ quá hình thức, giấy má”(5). Đồng thời, xây dựng lề lối làm việc dân chủ trong công an nhân dân: “Cấp trên phải thường kiểm tra cấp dưới. Cấp dưới phải phê bình cấp trên. Giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình nhau theo tinh thần thân ái và lập trường cách mệnh”(6).

Là lãnh tụ, nhà giáo dục và là nhà tâm lý học vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn biết khơi dậy nguồn nội lực mạnh mẽ nhất trong mỗi con người, biết khen thưởng, động viên kịp thời đối với những đơn vị, cá nhân công an nhân dân lập chiến công xuất sắc trong chiến đấu và công tác. Nhờ đó mà có sức mạnh to lớn động viên, cổ vũ phong trào thi đua sôi nổi lập công trong toàn lực lượng để được nhận những phần thưởng quý báu của Bác. Những phần thưởng của Bác có khi là một bức thư động viên, khích lệ, một chiếc huy hiệu mang chân dung của Người, là lá cờ luân lưu cho những đơn vị có thành tích xuất sắc hay chỉ là một vật kỷ niệm nho nhỏ như cái kẹo, điếu thuốc, một tấm vải lụa hay một tấm áo bông... Nhưng tất cả là những kỷ vật mà đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ hay mỗi đơn vị công an vinh dự được đón nhận sẽ đi với họ suốt cuộc đời, luôn luôn động viên, khích lệ họ không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc hơn nữa mọi nhiệm vụ được giao. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 4 (tháng 3-1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thanh gươm “Quyết thắng” cùng hai tấm chân dung của Người để làm phần thưởng thi đua cho các đơn vị, cá nhân có thành tích. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 (tháng 1-1950) này, Người cũng trao tặng một bức chân dung của mình cho đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc nhất trong phong trào thi đua “Rèn cán, lập công” và Ty Công an Thừa Thiên đã vinh dự được nhận phần thưởng này. Song Bác cũng yêu cầu công tác thi đua - khen thưởng cần phải được tổ chức chặt chẽ, theo dõi và tổng kết thiết thực, hiệu quả: “Bác sẽ tặng công an một giải thưởng luân lưu. Bộ Công an phải tổ chức, theo dõi và tổng kết thi đua cho tốt”(7)

Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Hội nghị Công an toàn quốc tháng 01-1950 tuy ngắn gọn nhưng đã thể hiện quan điểm thống nhất, toàn diện về xây dựng tổ chức bộ máy công an nhân dân; nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân; về phát huy vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự; về yêu cầu đối với cán bộ, chiến sĩ công an; về công tác thi đua, khen thưởng...

Trong bối cảnh hiện nay, nội dung những lời dạy, huấn thị của Người vẫn mang tính thời sự, còn nguyên giá trị, là bài học quý báu cho lực lượng công an nhân dân nghiên cứu để vận dụng vào quá trình công tác, chiến đấu, rèn luyện, tu dưỡng. Thấm nhuần lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân phải không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, nâng cao chất lượng công tác, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân ngày càng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr457,458

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr312

3.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr270

4.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr53

5.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr126

6.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr312, 313

7.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr458

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)