slider

Cuốn sách “Năm nhân vật và nước Pháp” trưng bày tại nhà sàn

02 Tháng 11 Năm 2011 / 2326 lượt xem
Cù Thị Ban
Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Trong hành trình tìm đường cứu nước, bôn ba khắp năm châu, bốn biển vì sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua rất nhiều nước và đã để lại nhiều dấu ấn của Người với bạn bè quốc tế, với các nhà báo, nhà văn ở các châu lục khác nhau. Nhà báo Giănglacuture đã từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Ông cũng đã gặp và phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng khác ở các nước thuộc địa Pháp. Kết quả của các cuộc gặp gỡ đó là cuốn sách mang tên “Năm nhân vật và nước Pháp”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc cuốn sách này và để trên giá sách phòng làm việc tầng 2 nhà sàn trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Sách do nhà xuất bản Éditions Du Seuil ở số 27 đường Giai Cốp, Pari VI, Cộng hòa Pháp in năm 1961 bằng tiếng Pháp. Sách có khổ 20,5 x 14cm, gồm 376 trang kể cả trang bìa lót. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cuốn sách đã được các cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh ghi chép vào sổ kiểm kê bước đầu mang số hiệu kiểm kê BTHCM 854/G-668. Hiện nay hồ sơ khoa học của cuốn sách đang được lưu giữ tại kho tư liệu của Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Bìa sách là loại bìa mềm, mặt ngoài bìa trước in chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Habib Bourguiba (Tuynidi), Mohammed V (Marốc) Pherhat Abbas (Angiêri) và Sekou Ture (Ghinê). Những ảnh này màu đen trắng, mỗi ảnh in trong khung hình chữ nhật cỡ 4 x 2,5cm xen giữa tên sách. Mặt ngoài bìa sau cuốn sách in chân dung của tác giả, tóm tắt nội dung sách và sơ lược tiểu sử tác giả.
Qua nghiên cứu bản dịch và hồ sơ khoa học của hiện vật, chúng tôi xin thông tin về cuốn sách như sau:
Tác giả Giănglacuture là một nhà báo người Pháp, sinh năm 1921 tại Boocđô, từng đi theo quân đội viễn chinh Pháp năm 1946. Tác giả đã từng là thành viên của Báo thông tin, là phóng viên của tờ báo “Nước Pháp buổi chiều”, chủ bút báo Thế giới và sau cùng là đặc phái viên của báo Thế giới…
Cuốn sách nói về những mối quan hệ và những quan điểm chính trị của 5 nhân vật tiêu biểu ở 5 nước thuộc địa Pháp trước kia đối với chế độ thực dân Pháp và nhân dân Pháp. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam, Habib Bourguiba ở Tuynidi, Mohammed V ở Ma rốc, Pherhat Abbas ở Angiêri và Sekou Ture ở Ghinê. Theo tác giả, cả 5 nhân vật này đều chống lại chế độ thực dân Pháp ở thuộc địa Pháp nhưng cũng rất muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp đối với nước Pháp. Cuốn sách được viết dựa trên vào những tư liệu ở cơ quan mật thám Pháp, những lời kể của những người đã từng tiếp xúc với 5 nhân vật này như: Ác Nu (Chánh mật thám Pháp ở Đông Dương), Xanhteny với hồi ký “Một nền hòa bình hụt”, Nữ đảng viên Đảng cộng sản Đức là Rútphêxơ với cuốn sách “Từ Lênin đến Mao Trạch Đông”, lời kể của một người Nhật là Kyôkômaxsu đã nhiều năm là bạn bè của Nguyễn Ái Quốc ở Pari… Tác giả cho rằng “Nước Pháp đã bồi dưỡng cho họ những kiến thức mà không có những kiến thức ấy thì họ không thể đấu tranh một cách mạnh mẽ như vậy chống nước Pháp…”.
Nội dung cụ thể của cuốn sách được sắp xếp theo thứ tự như sau: Trang 5-7 là lời nói đầu của nhà xuất bản. Trang 8-9 là bảng thống kê về một số sự kiện chính trong cuộc đời hoạt động chính trị của 5 nhân vật kể trên có liên quan đến nước Pháp trong thời gian từ năm 1920 đến năm 1961. Theo bản thống kê trong sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh năm 1892, Habib Bourguiba sinh năm 1903, Mohammed V sinh năm 1910 mất năm 1961, Sekou Ture sinh năm 1922, Pherhat Abbas sinh năm 1899.
Trong phần viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả đã đăng nguyên văn bức thư của Người gửi cho Xanhteny ngày 24/1/1947 khi mà hai nước Việt Nam và Pháp đã xảy ra chiến tranh sau gần 1 năm hòa bình hữu nghị Pháp Việt. Trong bức thư có đoạn:
Bạn thân mến!
Tôi mới biết bạn sắp về nước Pháp. Xin gửi đến bạn và bà Xanhteny lời chúc sức khỏe và một cuộc hành trình tốt đẹp. Tôi tin rằng, cũng như tôi, bạn lấy làm tiếc hết sức là việc chung sức của chúng ta để xây dựng cho hòa bình bị chiến tranh huynh đệ tương tàn phá vỡ. Tôi hiểu bạn hết sức để nói rằng bạn không chịu trách nhiệm về thái độ chính trị, sức mạnh và bị tái xâm lược này. Vì vậy cho nên, mặc cho những gì đã qua, bạn và tôi, chúng ta vẫn là bạn bè với nhau. Tôi có thể khẳng định với bạn là hai dân tộc chúng ta cũng vẫn là bạn với nhau.
Đã có rất nhiều người chết và cảnh đổ nát điêu tàn. Bây giờ chúng ta phải làm gì, bạn với tôi? Miễn là nước Pháp công nhận quyền độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam thì tức khắc những cuộc xung đột sẽ không còn, hòa bình tin cậy lẫn nhau khôi phục trở lại và chúng tôi có thể bắt tay vào việc thiết lập lại quyền lợi chung của hai nước…
Viết về Habib Bourguiba (Tuynidi), tác giả cho rằng quan điểm chính trị của ông là: “Vừa cải lương vừa cách mạng vô thần”. Tác giả đã trích câu nói của ông khi đến Pháp sau những ngày bị tù rằng: “Không một ai trong những nhà lãnh đạo chúng tôi muốn chống lại nước Pháp. Nhưng những kẻ cướp biển núp sau lưng bộ máy cai trị chống lại dân tộc chúng tôi, giữa bọn ấy và chúng tôi, đó là sức mạnh, sự chiến đấu và cần thiết”, “tôi xin đảm bảo rằng không khi nào tôi có ý định dùng sức mạnh để đánh đổ chế độ hoặc bộ máy của nhà nước bảo hộ… tôi tin rằng, Tuynidi luôn luôn cần đến nước Pháp bởi lý do địa lý và sức mạnh của hai bên.”
Viết về Mohammed V (Marốc) - một ông vua và 3 chế độ cộng hòa, tác giả cho rằng, quan điểm của ông vua và giáo chủ đạo Hồi ở Marốc này là: Marốc không thể tiến lên mà không có sự giúp đỡ của người Pháp.
Viết về Pherhat Abbas (Angiêri), theo tác giả, ông “công kích gay gắt chế độ thuộc địa” của Pháp ở Châu Phi; ông viết nhiều sách để tuyên truyền cho việc đó: “Từ thôn quê đến thành thị”, “Nếu tôi tìm ra được một nước Angiêri, tôi sẽ là người Angiêri theo chủ nghĩa quốc gia và tôi không thấy làm hổ thẹn”, “bất kỳ giá nào chúng ta hãy tránh cho đổ máu xẩy ra” (tháng 11/1954)
Viết về Sekou Ture (Ghinê), tác giả đã dẫn lời ông như sau: “Không bao giờ chúng tôi có ý muốn làm tổn hại đến nước Pháp”, “Nếu có phải lựa chọn, không có gì phải do dự, chúng tôi do dự đó là nước Pháp”.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc cuốn sách này và Người đã để lại rất nhiều bút tích ở nhiều trang sách. Đó là nét gạch xiên ngắn “/”, nét sổ ngắn “|” xen kẽ giữa các từ trong một câu hoặc những đoạn văn mà Người quan tâm, đánh dấu bằng bút bi màu đỏ và bút chì màu đỏ, cụ thể như sau:
Chúng tôi đã thống kê được phần viết về Hồ Chí Minh có 92 dấu bút tích của Người ở 40 trang là: 8, 35, 39, 41, 47, 57, 59, 61, 62, 66, 67, 68, 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 84, 85, 86, 87, 88, 89, 90, 91, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98 và 104. Trong số bút tích ở phần này, đặc biệt là Người đã sửa con số 1892 là năm theo tác giả là năm sinh của Người thành số 1890. Người đã khoanh tròn số “2” thành số “0” viết bằng bút bi đỏ. Nghiên cứu những bút tích này, có thể thấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tới những thông tin đề cập tới chuyến sang Pháp của Người năm 1946. Chúng tôi xin lược dịch một số đoạn cụ thể: “Ngày 30-5-1946 dưới trời mưa, khoác chiếc áo varơi màu nâu xám, cụ Hồ lên máy bay đi Pari. Người ta chú ý rằng, tướng Xalăng, một trong những người kiến trúc Hiệp định 6-3 ngồi bên cạnh Hồ Chủ tịch và cử chỉ ấy xem như là một sự nhắc nhở khéo léo đến tinh thần 6-3” (trang 69); “Ngày 22-6 vị Chủ tịch Chính phủ Việt Nam và Xanhtơni rời Biarit đi Pari, ở đó vừa mới thành lập chính phủ Biđôn. Xanhtơni kể lại rằng; lúc 16 giờ chúng tôi bay trên bầu trời Pari, sân bay Bourget đen kịt những người Marius Moutet” (trang 70), “Người ta đưa cụ Hồ ở khách sạn Royal-mônceau. Cụ tổ chức như một sứ quán, đón tiếp nhiều khách. Hôm nay cụ tiếp Pherhat Abbas , người luôn bận rộn lo lắng đảm bảo giải phóng cho những người bị áp bức toàn thế giới” (trang 71), “Với “người bạn đường” của những người cộng sản Raymông Ôbrắc, cựu uỷ viên cộng hoà tại thành phố Mácxây , vợ là đại biểu quốc hội. Cụ Hồ Chí Minh có những mối quan hệ mật thiết, gặp họ trong một cuộc đón tiếp, biết họ ở nông thôn, cụ Hồ tỏ ý muốn về nông thôn ở với họ vì ở thành phố bụi bặm, đông đúc quá. Sau đó cụ về ở biệt thự Aubrac cùng với 11 đồng sự từ giữa tháng 8 cho đến ngày Hồ Chủ tịch ra về ngày 15-9” (trang 74), “Dạy từ sáng sớm lúc rạng đông Hồ Chủ Tịch đọc báo Paris trong 3 giờ liền, ngồi kiểu Việt Nam trên 1 hòn đá, sau đó Hồ Chủ Tịch tiếp khách trước khi đi Paris. Trong khi đó thì hội nghị Phontainebleau ngày 6-7 Pháp- Việt thất bại” (trang 75)… Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại những bút tích trong phần viết về tình hình căng thẳng trước khi cuộc kháng chiến bùng nổ: “…Ngày 18 tình hình nghiêm trọng hơn. Người Việt Nam dựng chướng ngại vật đào giao thông hào, người Pháp phá và lấp, những cuộc bắn phá lẫn nhau” (trang 84), “Sự kiện ngày 19-12 không làm cho mọi người ngạc nhiên. Chiều ngày 18 không có giờ nào mà bộ tham mưu của tướng Moóclie hoặc văn phòng Xanhtơnuy không nhận được tin về diện hoạt động rộng lớn của tự vệ” (trang 85).
Phần viết về Habip Buốc ghini có 44 dấu bút tích ở 24 trang sau: 122, 124, 125, 128, 129, 130, 132, 141, 142, 153, 154, 156, 157, 161, 164, 165, 167, 168, 169, 170, 171, 171, 173 và 174. Phần viết về Mohammed V có 21 dấu bút tích trong 17 trang sau: 195, 196, 197, 201, 203, 208, 209, 210, 211, 213, 215, 216, 217, 218, 230, 245, 248. Phần viết về Pherhat Abbas không có bút tích của Người. Phần viết về Sekou Ture có 19 dấu bút tích ở 10 trang sau: 330, 332, 334, 335, 341, 359, 361, 363, 364 và 367.
Kẹp trong cuốn sách này có một trang in quảng cáo bằng tiếng Pháp kích thước 17x11cm.Trong tờ quảng cáo này nhà xuất bản Éditions Du Seuil giới thiệu một số đầu sách cùng với giá cả của nó mà nhà xuất bản đã in ở châu Phi và các nước Ảrập. Khi đọc cuốn sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng tờ quảng cáo này ghi lại một số vấn đề theo lối viết tắt bằng chữ Pháp, chữ Hán và những con số. Cụ thể như sau: “whohffique, emaseula, litote... caeoch aval feremnite, 4/10/57”. Lối viết tắt theo kiểu riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nên ý nghĩa của những dòng chữ của Người trên tờ quảng cáo này còn là một ẩn số, cần có thời gian nghiên cứu tiếp.
Cuốn sách “Năm nhân vật và nước Pháp” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và đặt trên giá sách phòng không làm việc tầng hai nhà sàn cho đến ngày Người đi xa. Sau khi Người qua đời, năm 1970 Văn phòng Phủ chủ tịch đã chuyển giao cho Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay cuốn sách vẫn được lưu giữ, bảo quản trong kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh thay vào vị trí vốn có của nó tại nhà Sàn là cuốn sách được làm lại khoa học, chính xác.
Cuốn sách này là hiện vật quí, có giá trị nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, về cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng ở các nước thuộc địa Pháp, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về Bác Hồ và về Khu di tích Phủ chủ tịch. Trong các số sau chúng tôi sẽ giới thiệu tiếp tới bạn đọc những trang sách có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu lại trong cuốn sách này./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)