slider

Cuốn sách “Tình yêu cho Việt Nam” trưng bày tại tầng 1 Di tích Nhà sàn

23 Tháng 05 Năm 2020 / 687 lượt xem

Trần Thị Thuấn

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu  

Trong khối hiện vật sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được trưng bày, phát huy tác dụng tại Khu di tích Phủ Chủ tịch có nhiều cuốn sách của các tác giả trên thế giới gửi đến tặng Người. Một trong số đó là cuốn “Tình yêu cho Việt Nam” của nữ tác giả Edita Morris gửi đến tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được trưng bày ở tầng 1 ngôi nhà sàn.

Cuốn sách “Tình yêu cho Việt Nam” do nhà xuất bản Tạp chí hàng tháng ở New York (Mỹ) xuất bản năm 1968, kích thước 14 x 21cm, gồm 94 trang, tiếng Anh. Bìa sách cứng, bọc vải màu xanh tím than. Lời đề tặng của tác giả được in ở trang một tờ lót bìa trước, viết bằng bút mực màu xanh lơ, tiếng Anh, dịch như sau:

“Tặng Hồ Chí Minh

Với sự cảm phục và lòng biết ơn sâu sắc

Edita Morris

1968”

Bà Edita Morris là người Thuỵ Điển, chồng bà là nhà văn Mỹ Ira Morris. Hai vợ chồng bà đã có nhiều chuyến đi tới nhiều nước trên thế giới, có nhiều hoạt động chính trị nhằm giải trừ vũ khí nguyên tử và chống lại nhiều chính sách của Mỹ trong “chiến tranh lạnh”. Bà là tác giả của nhiều cuốn sách và truyện ngắn được chọn in trong hợp tuyển thi văn từng năm. Trên tờ bọc bìa của cuốn sách “Tình yêu cho Việt Nam” có giới thiệu truyện ngắn nổi tiếng nhất của bà là “Những bông hoa của thành phố Hirosima” đã được dịch ra 24 thứ tiếng và in với số lượng hơn 2 triệu bản.

Cuốn sách “Tình yêu cho Việt Nam” lên án các hành động dã man, tàn bạo của đế quốc đã dùng bom đạn, vũ khí hiện đại tiến hành chiến tranh giết hại nhân loại, nhất là những người dân bình thường hiền lành, đáng yêu như cô gái Việt Nam trong truyện. Cô bị thương bởi bom napan của Mỹ và nhận được sự động viên, an ủi thông qua những bức thư của một chàng trai Nhật Bản bị bỏng vì bom nguyên tử ở thành phố Nagasaki. Năm 1945, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai sắp kết thúc, thành phố Nagadaki cũng đã bị bom nguyên tử như Hirosima, chàng trai (khi đó còn nhỏ) nhờ ở ngoài thành phố nên thoát chết. Anh đã xem những cuốn phim của một người bạn quay về những người dân thường bị bom đạn ở Việt Nam. Từ lời kể của người bạn, anh viết thư nhờ bạn chuyển cho cô gái để an ủi và động viên cô. Khi được sang Việt Nam giúp bạn quay phim, chụp ảnh, anh đã gặp cô gái. Từ thông cảm với nhau vì cùng một hoàn cảnh, một nạn nhân của chiến tranh, chàng thanh niên Nhật đã yêu cô gái Việt Nam. Nội dung tư tưởng của cốt chuyện được thể hiện bằng 23 bức thư của chàng trai Nhật Bản viết từ Nagasaki trong những tháng 2, 3,4 của năm 1967 gửi cho một cô gái Việt Nam có tên là Dan Thanh và 8 bức thư cũng của chàng trai viết từ Việt Nam trong tháng 4 và 5 cho một người bạn tên là “Der MiLe” ở Nhật Bản. Qua những bức thư chàng trai nói lên tình cảm của mình với Việt Nam và phê phán những hành vi vô tình tàn bạo của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Cuốn sách “Tình yêu cho Việt Nam” đã được phát hành tại nhiều nước Châu Âu. Nội dung sách được chia ra làm hai phần:

Phần 1: Những bức thư viết từ Nhật (từ trang 5 đến trang 65).

Phần 2: Những thư viết từ Việt Nam (từ trang 67 đến hết trang 92).

Theo lời kể của các đồng chí từng làm việc, giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc nhiều thể loại sách, báo, tạp chí từ nhiều nguồn khác nhau gửi đến như khi Người đi thăm các địa phương và được tặng, tác giả gửi đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại và Đại sứ gửi qua đường giao thông ngoại giao, tác giả đến thăm và trực tiếp tặng sách cho Người (sách này thường có lời đề tặng của các tác giả), cũng có khi sách được gửi đến Phủ Chủ tịch qua đường bưu điện. Những cuốn sách gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được các đồng chí ở Văn phòng Phủ Chủ tịch kiểm tra cẩn thận trước khi chuyển đến Người. Cuốn sách “Tình yêu cho Việt Nam” được gửi đến Người qua đường giao thông ngoại giao năm 1968.

Tuy trong sách không có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng nội dung cuốn sách “Tình yêu cho Việt Nam” lên án những hành động dã man, tàn bạo của bọn đế quốc, chúng dùng bom đạn, vũ khí hiện đại để tiến hành chiến tranh hòng giết hại nhân loại, đặc biệt là những người dân thường..., là vấn đề thực tiễn của cuộc chiến tranh Việt Nam, là điều mà Người đặc biệt quan tâm hơn tất thảy. Người gửi nhiều thư từ, điện văn tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước các nước anh em và các nước khác, những hội nghị quốc tế, những chiến sĩ hoà bình..., trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo nước ngoài, cảm ơn và kêu gọi sự đồng tình ủng hộ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, đồng thời khẳng định thiện chí hoà bình và quyết tâm chiến đấu cho độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, theo thống kê sơ bộ từ bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 19 bài viết, bài nói chuyện có nội dung đề cập đến vấn đề bom nguyên tử và sức hủy diệt của loại vũ khí nguy hiểm này, nhất là với những hậu quả mà nó đã gây ra ở Nhật Bản và những nguy cơ có thể xảy ra trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Từ năm 1960 đến năm 1969, năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi điện mừng tới Hội nghị quốc tế chống bom nguyên tử, nêu rõ lập trường của nhân dân Việt Nam, hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh đòi cấm phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới đồng thời cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân Nhật đã giành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Bên cạnh đó, một số bài viết, sự kiện tiêu biểu thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới vấn đề này như: Ngày 10/5/1962, bài viết “Đế quốc Mỹ tội ác tày trời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2968, tố cáo việc Mỹ (và Anh) thử lại bom hạt nhân, gây những hậu quả nghiêm trọng cho nhân loại. Người chỉ rõ: “Bọn đế quốc do Mỹ cầm đầu không ngừng đe doạ loài người với một cuộc chiến tranh khủng khiếp. Càng đến gần mạt kiếp, chúng lại càng hung hăng. Chúng càng hung hăng thì nhân dân thế giới yêu chuộng hoà bình càng đoàn kết chống lại chúng... thì chắc đế quốc chủ nghĩa sẽ bị bom hạt nhân tiêu diệt, rồi nhân dân thế giới sẽ vĩnh viễn tiêu diệt bom hạt nhân”.

Ngày 14 và 15/11/1965, bài viết “Nhân dân và dư luận Nhật Bản nhiệt liệt ủng hộ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân dân, số 4241 và 4243. Dưới hình thức một bản báo cáo, dẫn lời và tóm lược bài của các báo Nhật Bản như tin hằng ngày, Triều - Nhật tân văn, Tạp chí Thế giới, Triều - Nhật chu san, ..., bài báo giới thiệu phong trào nhân dân Nhật Bản ủng hộ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Bài báo kết luận: Nhân dân Việt Nam đoàn kết nhất trí kiên quyết kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân tiến bộ Nhật Bản ủng hộ, sẽ nhất định chiến thắng, đế quốc Mỹ nhất định thua.

Ngày 24/11/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc và dự Hội nghị Quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Đế quốc Mỹ. Người rất xúc động khi thấy vết sẹo trên mặt em Hồ Văn Bột - nạn nhân còn sống sót trong vụ máy bay Mỹ ném bom trường Linh Phụng (Bến Tre), ngày 8/7/1964. Bác âu yếm bảo em Bột hãy giữ gìn sức khỏe và tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ ở miền nam cho toàn thế giới biết.

Là một người có nhãn quan chính trị nhạy bén, sắc sảo và một tầm nhìn vượt trước thời gian, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, trên cơ sở am hiểu tường tận lịch sử - văn hóa dân tộc, dịch học phương Đông, phép biện chứng duy vật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những dự báo thiên tài. Người đã nhận thấy từ rất sớm âm mưu đen tối và hành động xâm lược trực tiếp, từng bước leo thang của đế quốc Mỹ đối với cách mạng Việt Nam, nhất là nguy cơ sử dụng vũ khí có sức hủy diệt lớn như vũ khí hạt nhân, bom nguyên tử. Ngày 24/1/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về công tác đấu tranh ngoại giao. Người nhận định: “Mỹ có thể sẽ lại ném bom miền Bắc, thậm chí cả Hà Nội, Hải Phòng. Vì vậy không được chủ quan”. Ngày 2/10/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Bộ Chính trị thảo luận đề án đấu tranh ngoại giao trong thời gian tới. Người lưu ý nếu Mỹ ngừng ném bom nhưng chiến tranh vẫn diễn ra ở miền Nam, Mỹ vẫn có thể ném bom trở lại miền Bắc, nên ta phải chuẩn bị sẵn sàng.

Cuốn sách “Tình yêu cho Việt Nam” của Edita Morris gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh là kỷ niệm quí báu. Tác giả lên án những hành động dã man, tàn bạo của bọn đế quốc, dùng bom đạn, vũ khí hiện đại để tiến hành chiến tranh hòng giết hại nhân loại. Cuốn sách minh chứng cho tình cảm, sự đồng tình và ủng hộ không chỉ của tác giả mà còn của cả nhân dân thế giới đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Những tình cảm tác giả dành cho nhân dân Việt Nam nói chung và cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng đã được Người trân trọng và gìn giữ cuốn sách ngay tại nơi ở và làm việc của Người. Cuốn sách đã góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân thế giới và nhân dân thế giới đối với Người.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)