slider

GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN VẬN

02 Tháng 11 Năm 2011 / 17205 lượt xem
Nguyễn Thị Thu Thuỷ
Phòng BQDT
 
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác rất vẻ vang. Trong tư tưởng của Người vấn đề dân vận được đặc biệt quan tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng quần chúng nhân dân là chủ thể của cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trên con đường tiến lên CNXH. Nhưng để nhân dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình thì Đảng phải tiến hành công tác tuyên truyền, vận động để người dân giác ngộ, tự nguyện làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình. Đó chính là công tác dân vận của Đảng.
Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm "Đường cách mệnh", Nguyễn Ái Quốc đã giải thích vì sao phải làm công tác dân vận. Theo Người, "cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”(1).
Theo Hồ Chí Minh, khi Đảng đã cầm quyền thì tất cả các cán bộ, các tổ chức trong hệ thống chính trị mà trước hết là cán bộ, công chức của chính quyền đều phải làm công tác dân vận. Người nói: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh v.v…) đều phải phụ trách dân vận”. "Dân vận" theo Hồ Chí Minh, được hiểu theo cả chiều rộng và chiều sâu. Theo chiều rộng "Dân vận" là vận động tất cả mọi người dân, không để sót một người nào, nhằm tập hợp, đoàn kết lực lượng toàn dân, thực hiện những công việc chung, những công việc nên làm. Hiểu theo chiều sâu, "Dân vận" là phải hiểu rõ năng lực, tâm tư, nguyện vọng hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng để có hình thức vận động cho phù hợp. Hồ Chí Minh luôn quán triệt: Cách mạng tức là đổi xã hội cũ thành xã hội mới, đó là một công việc lâu dài, khó khăn gian khổ,đòi hỏi phải có sự đồng tâm, hợp lực, nhất trí của toàn dân tộc, không phân biệt giai cấp, tầng lớp; không phân biệt già, trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo...
Hồ Chí Minh cho rằng “địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” và “trong bầu trời không có gì quí bằng nhân dân”. Do đó mà phải thực hiện “mọi lợi ích là vì dân, mọi quyền hành là của dân, và mọi công việc là do dân”. Của dân tức là chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân bầu ra, nuôi dưỡng kiểm soát: toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức gánh vác công việc nước nhà. Do dân là nhân dân tự phát huy quyền làm chủ của mình trong mọi lĩnh vực, nhà nước chỉ can thiệp khi quyền lợi của dân hay pháp luật bị vi phạm, đây chính là tính xã hội hóa rất cao của khái niệm dân chủ vì nhân dân được phát huy hết khả năng và tự chịu trách nhiệm với hành động của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của nhân dân. Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra, đoàn thể từ xã đến Trung ương do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2). Vì dân là mọi qui định pháp luật phải xuất phát từ lợi của nhân dân, bảo vệ những lợi ích chính đáng và tạo điều kiện sống thuận lợi cho nhân dân, bộ máy nhà nước không được chiếm đặc quyền đặc lợi gì, chỉ có một mục tiêu là phục vụ nhân dân: “Phải chú ý giải quyết hết những vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề có quan hệ tới đời sống của nhân dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý. Muốn được dân yêu mến, muốn được lòng dân trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy, phải có tinh thần chí công vô tư”(3).
Để tập hợp mọi tầng lớp xã hội, mọi người dân thành một lực lượng hướng đến một mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, chúng ta phải luôn đi sâu, đi sát quần chúng, đi vào từng người, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và ý thức tự giác của từng người dân để huy động tối đa sức lực, trí lực, tài lực của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn rằng: “Việc kiến thiết nước nhà phải làm dần dần, không thể một tháng một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải làm theo đúng phương châm: Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì thì dân mới yêu ta, kính ta”(4).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm sâu sắc trong bài báo Sự thật số 120 ngày 15/10/1949:” Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (5). Xuất phát từ quan điểm "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận và đánh giá đúng lực lượng to lớn của dân. Người cho rằng, dù là việc lớn hay việc nhỏ đều phải bàn bạc, lấy ý kiến của nhân dân, rồi vận động nhân dân thực hiện, có như thế thì công việc mới thành công “ Trong mọi việc đều phải dựa vào quần chúng… Lấy sức quần chúng mà vượt khó khăn…”. Trong lúc thi hành phải luôn luôn theo dõi, đôn đốc, đồng thời nắm bắt các vấn đề phát sinh để có cách khắc phục kịp thời, không được làm theo kiểu "đánh trống bỏ dùi" dễ gây bất mãn trong quần chúng; khi công việc hoàn thành phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm những việc làm được và chưa làm được để đề ra giải pháp khắc phục; phải có sự động viên, khuyến khích kịp thời bằng các hình thức khen thưởng, đồng thời phê bình các biểu hiện chưa tốt.
Theo Hồ Chí Minh, dân vận không chỉ tuyên truyền suông bằng sách báo, mít tinh, khẩu hiệu, mà phải bằng hành động cụ thể, thiết thực vì "nói chung thì các dân tộc Phương đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"(6 ). Do đó, lúc sinh thời, Người rất quan tâm đến việc xây dựng những điển hình tốt, những tấm gương tốt. Người cũng đã trực tiếp viết thư khen ngợi, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu và đề nghị có mục "gương người tốt, việc tốt" trên báo để động viên mọi người noi theo. Người thường nói, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài văn tuyên truyền, mà cả cuộc đời Người là một tấm gương sáng. Người đến với dân gần gũi và chân tình không có sự cách biệt, Người sẵn sàng lội xuống ruộng cầm dây gầu tát nước, đạp guồng nước cùng dân… đến thăm một cơ sở nào Người đều không chỉ dừng lại ở phòng khách hay hội trường mà thường xem tận nơi nhà bếp, giếng nước… đêm nằm nghe tiếng chổi tre quét đường nghĩ đến nỗi vất vả của người lao động. Người đến với dân để động viên phong trào, biểu dương thành tích và cố gắng của đồng bào và bao giờ cũng nghiêm khắc phê bình những khuyết điểm cần sửa chữa. Suốt cuộc đời Người hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Người đã dành trọn cho cuộc đời để làm việc cho nước cho dân.
Người luôn quán triệt: Công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác của Đảng, nếu thiếu hoặc làm không tốt Đảng sẽ không tập hợp được quần chúng làm cách mạng. Theo Người, nếu có quần chúng mà không có Đảng thì mọi phong trào của quần chúng chỉ là phong trào tự phát. Làm cách mạng đòi hỏi phải huy động sức mạnh của toàn dân tộc bởi "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân"(7). Nếu không làm tốt công tác dân vận, thì không những không phát huy được sức mạnh của toàn dân mà còn bị kẻ thù chống phá, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đến lúc ấy dù việc nhỏ đến mấy thì cũng không thành công.
Người cũng chỉ ra rằng chỉ có làm tốt công tác dân vận thì mới huy động được sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân. Người nói: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"(8). Do đó cách mạng muốn thành công, đạt được nhiều thành tựu lớn lao thì phải xây dựng nền tảng từ nhân dân:"Gốc có vững, cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân"(9).
Hồ Chí Minh đã kết luận: "kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong"(10). Do đó, cần phải nhận thức rõ công tác vận động, giác ngộ quần chúng là công tác quan trọng quyết định thành bại của cách mạng. Với nhận định ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vị trí của nhân dân lên hàng tối thượng, khẳng định sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân trong lịch sử cách mạng Việt nam.  
2.  Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là một tài sản vô giá. Đó là sự kế thừa tư tưởng "trọng dân", "tin dân", "dựa vào dân" của ông cha ta, những giá trị văn hóa, nhân văn, nhân bản của phương Đông, phương Tây, mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác – Lê nin.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm thống nhất lý luận với thực tiễn, gắn lý luận thực tiễn là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lê nin. Lý luận hoá thực tiễn từ sự nghiên cứu, tổng kết thực tiễn một cách khoa học, và thực tiễn hoá lý luận từ sự vận dụng và phát triển lý luận trong thực tiễn một cách sáng tạo. Đó là nét nổi bật thuộc về tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung cũng như tư tưởng của Người về công tác dân vận nói riêng.
Tư tưởng lớn bao trùm và xuyên suốt của Người về dân vận là “bao nhiêu lợi ích đều vì dân... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Ðây thật sự là cẩm nang cho Ðảng và Nhà nước ta trong tiến trình lãnh đạo, tổ chức toàn dân tiến hành sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhất là từ Ðại hội Ðảng lần thứ VIII, Ðảng ta đã khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân, trong đó phát huy nguồn lực con người, phát huy nội lực là nhân tố quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu bật vai trò nhân dân trong đổi mới và xây dựng đất nước mà trong Di chúc Người đã căn dặn Ðảng ta, trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những hư hỏng, nghèo nàn, lạc hậu để xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi thì phải dựa vào nhân dân, giáo dục và tổ chức toàn dân. Làm những việc đó chính là để nhân dân tự giác thực hiện trách nhiệm của mình, có những đóng góp nhiều nhất vào quá trình tiến hành đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, Đảng ta luôn xác định đúng đắn vị trí, vai trò quan trọng của nhân dân, của công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng, coi công tác dân vận là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng. Nhờ đó, Đảng đã tập hợp được đông đảo quần chúng, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, đánh thắng hai đế quốc  Pháp và Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, nhờ làm tốt công tác dân vận, Đảng ta đã và đang thực hiện thành công đường lối đổi mới, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Nhân dân ta ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ, vào tương lai của công cuộc đổi mới, một lòng một dạ theo Đảng, sẵn sàng mang hết tài năng thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng những tư tưởng của Người về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân vẫn còn nguyên giá trị. Giá trị trường tồn của những luận điểm đó không chỉ soi sáng mà còn là sự tiếp sức để quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta vững tin trong tiến trình xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một bộ máy quản lý gọn nhẹ, năng động, "một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ ra sức làm việc" đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân, nhằm thực hiện mục tiêu, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: phải “thật sự phát huy dân chủ đi đôi với giữ gìn kỷ luật, kỷ cương; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng”. Thấu suốt quan điểm của Đảng: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” (11). “ Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và củng cố tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang”(12).
Hơn 80 năm qua, ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2010) bên cạnh nhưng thành tích, tiến bộ, công tác dân vận còn bộc lộ những mặt khuyết điểm, còn tồn tại đặc biệt là vấn đề rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, tình trạng quan liêu, tham nhũng; một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đầy đủ đối với công tác dân vận, còn xem nhẹ công tác vận động quần chúng; chưa thật sự đầu tư thỏa đáng cho công tác dân vận; chưa cử được nhiều cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt để làm công tác dân vận; chậm đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng trong tình hình mới; chưa thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.Thực trạng đó đặt công tác dân vận của Đảng trước những khó khăn, thách thức và cần có phương hướng, nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt hơn, có chất lượng, hiệu quả  là: tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận phù hợp với tình hình mới. Đó là xây dựng mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Để công tác dân vận đạt được những kết quả cao trong thời kỳ mới, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, nhằm tập hợp, xây dựng được khối đại đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn dân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới do Đại hội XI của Đảng đề ra. Là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trong công cuộc đổi mới, nhằm phục vụ công tác quản lý, Đảng, Nhà nước đã chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và dần từng bước hình thành quy chế dân chủ ở cơ sở “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Các chủ trương này dần đi vào cuộc sống, phát huy được ý nghĩa và hiệu quả. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Trong giai đoạn hiện nay cần tuyên truyền sâu rộng việc “làm theo” tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bởi tư tưởng đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt nam, là sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một trong những nội dung để thực hiện làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là triển khai sâu rộng nhiệm vụ xây dựng đạo đức đối với các tầng lớp nhân dân. Việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức và thực hiện các chuẩn mực đạo đức ấy trong lối sống, lối làm việc của cán bộ, đảng viên, nhân dân là một yêu cầu cấp thiết. Trong vấn đề này, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên có một ý nghĩa đặc biệt, làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh gắn bó với thực tiễn, được tiếp thêm sức sống mới của các thế hệ nối tiếp để trở thành ánh sáng định hướng, soi đường cho cách mạng Việt nam tiếp tục tiến lên.
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thực hiện có hiệu quả góp phần làm sáng rõ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận: Phải xây dựng cho được những tấm gương sáng từ trên xuống dưới để cho toàn Đảng toàn dân noi theo và để lấy lại lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước như Bác Hồ đã nói: “Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Mỗi cán bộ, đảng viên, để thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, thiết nghĩ tự mỗi người cần thường xuyên học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Những quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nền tảng tư tưởng, lý luận đã được Đảng ta tiếp thu và vận dụng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng và là phương hướng phấn đấu của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
 
Chú thích:
(1)   HCM toàn tập, Nhà Xb Chính trị quốc gia, H 2000, T2; tr262
(2)   Sđd, tập 5, tr.648
(3)   Sđd, tập 4, tr.48
(4)   Sđd, tập 4, tr.57
(5)   Sđd, tập 5, tr.700
(6)   Sdd, tập 2, tr.263.
(7)   Sđd, tập 10, tr.197.
(8)   Sđd, tập 8, tr.276.
(9)   Sđd, tập 5, tr.410.
(10) Sđd, tập 5, tr.295
(11) Nghị quyết TƯ 8B/NQ/HNTW, ngày 27-3-1990.”Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”
 (12) “ Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” theo Quyết định số 290-QĐ/TƯ, ngày 25-2-2010.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)