slider

GIÁ TRỊ THỰC TIỄN CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC

22 Tháng 01 Năm 2013 / 5588 lượt xem
Th.s Nguyễn Anh Minh
          PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
         
            Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là một trong những tư tưởng không chỉ có những đóng góp về mặt lý luận mà còn để lại những giá trị thực tiễn sâu sắc và có một sức sống mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Hồ Chí Minh đã kế thừa tính tích cực và tiến bộ của chính sách thưởng, phạt của các triều đại phong kiến trước đó, tiếp thu tư tưởng của VI Lê nin về công tác thi đua, vận dụng một cách sáng tạo và khoa học vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước và đem lại những thành quả to lớn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, trước yêu cầu đẩy mạnh kháng chiến toàn diện đi đến thắng lợi hoàn toàn, đất nước còn gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế, những tàn dư của chế độ cũ vẫn còn ảnh hướng rất lớn trong xã hội, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm vẫn còn là một vấn nạn đối với đất nước. trong bối cảnh đó, nhằm tạo ra bước chuyển biến lớn trong nhận thức, tư tưởng và hành động cụ thể của mỗi người dân, góp phần vượt qua những khó khăn trước mắt và hướng đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Ngày 27/3/ 1948 theo sáng kiến của Chủ tịch hồ Chí Minh, Trung ương đã ra chỉ thị “Phát động phong trào thi đua ái quốc”. Chỉ thị nêu rõ: “mục đính của thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”(1). Ngày 1/5/ 1948 Chủ tịch hồ Chí Minh ra “lời kêu gọi thi đua yêu nước”. Người viết: “ nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước quật cuờng chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, chúng ta phải đi mau. Vì vậy, …. phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước”(2). Tiếp sau đó, ngày 11/6/ 1948 Chủ tịch hồ Chí Minh ra “lời kêu gọi thi đua ái quốc ” và chính thức phát động phong trào trong cả nước. trong lời kêu gọi Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau….mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị , văn hoá”(3). Mục đích của thi đua ái quốc là nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, toàn dân đủ ăn mặc (diệt giặc đói); toàn dân biết đọc, biết viết (diệt giặc dốt); toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để (diệt giặc ngoại xâm), toàn quốc sẽ (thống nhất hoàn toàn). Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập tự do cho dân, đó là niềm khát vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, phong trào thi đua đã được hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, ngay từ những ngày đầu phát động, phong trào đã diễn ra sôi nổi, lan rộng khắp cả nước, với nhiều phong trào cụ thể như: tăng gia sản xuất và tiết kiệm, giết giặc lập công… Nhiều cá nhân điển hình trong mọi tầng lớp, ở mọi lứa tuổi, từ các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên, nhi đồng; từ công nông, binh đến nhân viên chính phủ đã xuất hiện. Phong trào thi đua ái quốc đã dần thấm sâu vào từng tế bào của xã hội, từng con người cụ thể, nó không chỉ dừng lại ở một cuộc phát động đơn thuần, mà nó có sức sống và sức mạnh lan toả sâu rộng trong nhân dân, tạo ra động lực tinh thần, một khí thế cách mạng mới trong xã hội. Nhờ đó đã đưa nước ta từng bước vượt qua những khó khăn trước mắt, nạn đói, nạn dốt dần được đẩy lùi, bước đầu đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho kháng chiến.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, thi đua không chỉ là hoạt động tích cực và sáng tạo trong hoạt động sản xuất vật chất cho xã hội, mà thi đua còn là một hoạt động mang tầm tư tưởng và tinh thần là biểu hiện sự đoàn kết dân tộc, là môi trường phát triển và tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, đoàn kết tín ngưỡng tôn giáo, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các giới, ngành, các lứa tuổi. thi đua là tinh thần quốc tế, làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới, thi đua là góp sức mình gìn giữ hoà bình và dân chủ thế giới, thi đua góp phần cải tạo con người, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. thi đua còn là biểu hiện cao của lòng yêu nước, của tình cảm đối với quê hương đất nước, nói cách khác, thi đua không chỉ là lao động sáng tạo nên sự gia tăng về số lượng và chất lượng trong hoạt động sản xuất của con người, tạo ra của cải vật chất cho xã hội làm giàu cho đất nước, mà còn là tấm lòng, tình cảm đối với đất nước, phấn đấu cho đất nước được độc lập tự do và phát triển. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “ thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”(4). Quan điểm ấy chính là động lực tinh thần to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Quan điểm thi đua là yêu nước của Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống của lịch sử văn hoá của dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam. Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua. tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước không chỉ thể hiện qua những lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, mà nó còn được thể hiện ở sự quan tâm sâu sát của Người đến phong trào thi đua yêu nước với mong muốn phong trào phải đi sâu vào thực tiễn của đời sống và biến nó thành những hành động cụ thể.
Có thể khẳng định rằng chưa có một phong trào nào mà Người dành sự quan tâm đặc biệt và chuẩn bị một cách chu đáo như phong trào thi đua yêu nước. Cùng với việc ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, ngày 1/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 195-SL về việc thành lập Ban vận động thi đua ái quốc tư và Ban vận động thi đua ái quốc các cấp; sắc lệnh số 196- sl về việc đề cử những cán bộ có uy tín trong Chính phủ, Quốc hội, đoàn thể vào Ban vận động thi đua ái quốc. Cụ Tôn Đức thắng được cử làm Trưởng ban, ông Hoàng Đạo Thuý (một cán bộ có uy tín từ Bộ Quốc phòng sang) Tổng thư ký. Người chỉ đạo Ban vận động thi đua Trung ương phải xây dựng chương trình huấn luyện thiết thực, có ban huấn luyện và có cán bộ được huấn luyện chuyên nghiệp làm nòng cốt cho phong trào thi đua ở các cấp từ địa phương đến trung ương.
Trong quá trình phong trào thi đua ái quốc  được phát động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát từng bước đi của phong trào, Người nhấn mạnh: muốn thực hiện tốt và hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, thì phải có phương hướng đúng và vững, nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng các cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm, nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phải hướng phong trào đi vào thực chất, tránh hình thức và bệnh thành tích, sao cho những cá nhân điển hình xuất sắc được tuyên dương không chỉ là những người đại diện xứng đáng, tiêu biểu, tiên phong trong sản xuất và chiến đấu, mà còn là tấm gương về đạo đức cách mạng. Đồng thời Người cũng chỉ ra rằng: để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao thì phải có sự đánh giá, tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm và đề ra những nội dung phù hợp sát với thực tiễn của phong trào. Người nhấn mạnh: “ Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người) trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi” (5) sau 4 năm tổng kết phong trào, tại hội nghị tuyên dương anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ nhất (năm 1952) Nhà nước đã tuyên dương 7 anh hùng, 150 chiến sĩ thi đua. sau 10 năm, tại hội nghị tuyên dương anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ hai (năm 1958) đã có 95 anh hùng và 42.700 chiến sĩ thi đua.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Người cũng chủ trương đa dạng các hình thức thi đua khen thưởng nhằm biểu dương và nhân rộng nhiều hơn nữa những tấm gương điển hình. Người cho rằng: “ số người và những tập thể được công nhận là anh hùng, chiến sĩ thi đua được tặng Huân chương, Huy chương vẫn chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hàng ngày góp gió thành bão, đang gánh vác mọi việc nước, việc nhà… gọi là người tốt việc tốt”(6). Bên cạnh hình thức tuyên dương anh hùng, chiến sĩ thi đua. Người còn đề xuất hình thức tuyên dương gương người tốt việc tốt, để những việc bình thường nhưng ích nước lợi dân được trân trọng và nhân rộng trong xã hội. Người cũng đề nghị xuất bản sách gương người tốt việc tốt để phổ biến sâu rộng trong nhân dân, qua đó nhân lên nhiều tấm gương điển hình tiên tiến mới.Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giá trị thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước ngày càng được khẳng định và đã đóng góp vô cùng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. trong các tầng lớp nhân dân, các ngành, các giới đều dấy lên nhiều phong trào thi đuathiết thực như: tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, giết giặc lập công…trong kháng chiến chống Pháp. trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ phong trào thi đua yêu nước ngày càng dâng cao, thể hiện sáng ngời chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” ; trong quân đội có “Ba nhất”; trong nông nghiệp có phong trào: “Đại phong”; công nghiệp có “Duyên hải”; thủ công nghiệp có “thành công”; thanh niên có phong trào “Ba sẵn sàng”, phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”; giáo viên và học sinh có phong trào thi đua “hai tốt”, thiếu niên nhi đồng có phong trào “làm nghìn việc tốt”; chung cho các giới có phong trào thi đua đạt danh hiệu tổ đội “lao động xã hội chủ nghĩa”…Cùng với phong trào thi đua, hàng trăm danh hiệu anh hùng, hàng ngàn danh hiệu chiến sĩ thi đua trên mọi lĩnh vực, mọi lứa tuổi được trao tặng cho các cá nhân và tập thể xuất sắc.
Những nhân tố điển hình trong phong trào thi đua yêu nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã góp phần cổ vũ và tạo nên sức mạnh to lớn vượt qua khó khăn để chiến thắng kẻ thù, dành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt đối với những cá nhân, những tập thể có thành tích trong sản xuất, chiến đấu, trong học tập và công tác. Mỗi khi biết tin tập thể và cá nhân đạt những thành tích cao, Người thường gửi thư biểu dương, khen ngợi và động viên kịp thời. Hàng ngàn bức thư của Bác đến với các tập thể, các nhân, từ các cụ già đến các cháu thiếu nhi, từ chiến sĩ ngoài mặt trận đến dân quân du kích… Trở thành phần thưởng tinh thần vô giá đối với mỗi tập thể và cá nhân. Trong bức thư gửi nam, nữ thanh niên và nhi đồng Nam Bộ, Người viết: “Trong phong trào thi đua ái quốc này, Bác mong các cháu sẽ cùng với thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, hăng hái xung phong, các cháu phải dũng cảm tiến lên, làm cho xứng đáng là con cháu của Phù Đổng Thiên Vương, của Trần Quốc Toản, cho xứng đáng là thanh niên nhi đồng của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thống nhất và độc lập” (7). Trong thư khen ngợi anh em du kích Kim Thành, Hải Dương, Người viết: “Tôi được nghe Bộ tổng chỉ huy báo cáo rằng đội du kích Kim Thành đánh giao thông vận tải của địch rất hay và thắng được nhiều trận. Tôi rất vui lòng, thay mặt Chính phủ khen ngợi anh em và khuyên anh em có gắng hơn nữa... trong cuộc thi đua ái quốc này, tôi mong anh em xung phong, lập nhiều chiến công rực rỡ và tôi chờ tin thắng trận của anh em” (8). Trong thư gửi Cụ Nguyễn Văn Đàn, xã Chí Minh, huyện Duyên Hà, Thái Bình, Người lại viết: “Cụ đã có tuổi, mà vẫn chịu khó học, thi đỗ nhất trong giới phụ lão, thế là tốt lắm. Trong cuộc thi đua ái quốc, tôi mong cụ làm kiểu mẫu cho đồng bào trong tỉnh”(9).v.v.. trong phong trào gương người tốt việc tốt, đã có gần 4000 huy hiệu Bác Hồ được Bác tặng cho những cá nhân, những gương người tốt việc tốt. Có thể nói rằng những bức thư và những tấm huy hiệu Bác Hồ là nguồn cổ vũ động viên vô cùng lớn lao đối với mỗi tập thể và cá nhân, đã góp phần động viên khuyến khích và nhân rộng những tập thể và cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị và có sức sống mãnh liệt. Ngày 21/5/ 2004 Bộ Chính trị đã ra chỉ thị 39/CT-TƯ về việc “ tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”. Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã tiếp tục nhấn mạnh: “Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”… Trên khắp đất nước, trong các ngành, các giới các tổ chức chính trị xã hội đã và đang dấy lên các phong trào thi đua lao động sáng tạo sôi nổi rộng khắp và phát triển mạnh mẽ như: phong trào xoá đói giảm nghèo, thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ xung kích; phong trào vì an ninh tổ quốc; rèn đức luyện tài, con cháu thảo hiền; phong trào xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá… qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến trong thời kỳ đổi mới. Có thể khẳng định rằng trải qua hơn 6 thập kỷ, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có giá trị thực tiễn to lớn. Từ những ngày đầu phong trào phát động, được kiểm nghiệm từ thực tiễn của hai cuộc kháng chiến và trong công cuôc đổi mới hiện nay, phong trào thi đua yêu nước đã được sự hưởng ứng và cổ vũ của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo ra động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ vượt qua những thời điểm khó khăn của đất nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững, xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Chú thích:
(1) Văn kiện lịch sử Đảng, Nxb CTQG, t6.tr.83
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, 2002, t5,tr. 419
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, 2002, t5,tr. 444
(4)(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, 2002, t6,tr. 270
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, 2002, t12,tr. 548
(7)(8)(9) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, 2002,
t5,tr. 501, 519,448

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)