slider

Giới thiệu cuốn sách: “Bác Hồ với Hà Tây”

19 Tháng 09 Năm 2011 / 2936 lượt xem
Th.s Chu Thị Minh Phương
Bảo tàng Hồ Chí Minh
 
   Việc Hà Tây sát nhập với Thủ đô Hà Nội theo nghị quyết của Quốc hội đã không chỉ tạo ra một Thủ đô rộng, phát triển tương xứng với vị trí “trái tim của cả nước” trong bối cảnh đất nước hội nhập, mà còn tạo nên một Hà Nội với rất nhiều những di tích lịch sử gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh và trong những năm nhân dân miền Bắc xây dựng CNXH. Cùng với sự phát triển của đất nước, của Thủ đô Hà Nội mới, chúng ta càng nhớ tới Bác Hồ, nhớ tới tình cảm Người đã dành cho cán bộ, nhân dân Hà Tây, một địa phương có vinh dự nhiều lần được đón Bác Hồ về thăm, về ở và làm việc, được Bác gửi thư khen, tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và những cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời phê bình những việc làm còn chưa tốt. Nhân kỷ 60 năm ngày Toàn quốc kháng chiến và 117 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như để đáp lại công lao to lớn, tình cảm sâu sắc Bác Hồ dành cho Hà Tây, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định biên soạn và xuất bản cuốn sách Bác Hồ với Hà Tây, gồm 280 trang, kích thước 20,5cm, xuất bản năm 2006.
Cuốn sách được chia làm năm phần :
Phần I: Một số tư liệu lịch sử trích trong các văn kiện của đồng chí Nguyễn ái Quốc viết về Hà Đông - Sơn Tây khi Người hoạt động ở nước ngoài như:
          Khác với những cuốn sách cùng đề tài trước đây, cuốn “Bác Hồ với Hà Tây” lần này đã chứng minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến Hà Tây từ khi Người còn hoạt động ở nước ngoài. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, xuất bản lần đầu tiên tại Paris (Pháp), năm 1925, Nguyễn ái Quốc (Bác Hồ) đã tố cáo chính sách ngu dân đối với người An Nam của thực dân Pháp, qua việc viên công sứ tỉnh Sơn Tây đã đẩy số lượng rượu tiêu thụ một năm là 560.000 lít trên số dân thực tế của tỉnh khoảng 200.000 người.
          Trong Báo cáo gửi Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, Người đã lên tiếng đòi quyền tự do nghiệp đoàn, tự do lập hội ái hữu hợp pháp cho những người lao động thuộc các tỉnh: Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định - Hà Đông.  
Phần II: Những lần Bác Hồ về thăm, về ở và làm việc ở Hà Tây (1945 - 1969):
 Một số cuốn sách viết về đề tài Bác Hồ với Hà Tây trước đây chưa thống kê đầy đủ những lần Bác về thăm và làm việc tại Hà Tây, đặc biệt là ở K9 - Đá Chông, Ba Vì. Trong lần xuất bản này, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức công bố đầy đủ hơn số lần Bác Hồ về Hà Tây và sự quan tâm của Người với Hà Tây trong những năm từ năm 1945 đến năm 1969.
 Những lần Bác về thăm Hà Tây được bổ sung trong cuốn sách là: Bác về làng Hậu ái (lần thứ nhất) dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phiên bất thường, tối 5-3-1946, tổ chức tại nhà đồng chí Nguyễn Phan Lễ – Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Đông; Bác về thăm Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, ngày 25/5/1946 và trao lá cờ mang dòng chữ “Trung với nước, hiếu với dân cho nhà trường”; Bác Hồ thăm Trường bổ túc cán bộ trung, cao cấp quân đội đóng quân tại khu vực xã Tùng Thiện vào mùa hè năm 1946 ; Bác Hồ về huyện Chương Mỹ tham dự và chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ, đêm 16-2-1947, bàn việc chuẩn bị di chuyển các cơ quan Trung ương lên chiến khu Việt Bắc; Bác về Phủ Quốc Oai, chủ toạ phiên họp Hội đồng Chính phủ, bàn việc tổ chức rời các cơ quan Chính phủ lên Phú Thọ để chuyển đi Việt Bắc; Bác về Yên Sở thăm đơn vị bộ đội 105, cuối tháng 3-1955; Bác về thăm khu an dưỡng và cán bộ miền Nam tại xã Đông Phù, huyện Thanh Trì, ngày 27-11-1956; Sáng mồng một Tết Đinh Dậu (31-1-1957), Bác về thăm trại Kim Đồng tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, nơi đang nuôi dạy 500 trẻ mồ côi; Ngày 19-5-1957, Bác cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng thăm lại khu chùa Một Mái, nơi 10 năm trước Bác đã ở và làm việc tròn một tháng; Bác về thăm Hội nghị chống hạn do Tỉnh uỷ Hà Đông tổ chức, tại hội trường của Trường C500, ngày 12-1-1958; Bác về thăm công trường Máng 7 ở Chương Mỹ, ngày 12-1-1958; Thăm trường Công an Trung ương, ngày 28-1-1958; Bác thăm khu điều dưỡng của cán bộ miền Nam tập kết ở Thường Tín, ngày 10-5-1958; Thăm Sơn Tây sản xuất vụ mùa và phòng chống lụt bão, ngày 8-7-1958; Thăm nông trường quân đội An Khánh, huyện Hoài Đức, tại đây đã có bút tích của Người trong sổ vàng truyền thống; Ngày 29-8-1959, Bác Hồ đã đến thăm trại chăn nuôi Kiều Thị tại huyện Thường Tín; Ngày 31-10-1959, Bác Hồ thăm nhân dân xã Bình Minh thu hoạch lúa trên cánh đồng Thượng; Sáng 1 tết Canh Tý, tức ngày 28-1-1960, Bác Hồ lên Đá Chông (Công trường 5) thăm nơi ăn ở của anh em công nhân, cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đang làm việc trên công trường; Ngày 13-3-1961, Bác Hồ cùng Đại sứ Trung Quốc Hà Vỹ, bà Đặng Dĩnh Siêu lên thăm khu vực Đá Chông; Ngày 24-1-1962, Bác cùng anh hùng Titốp và đoàn đại biểu quân đội Liên xô lên thăm khu vực Đá Chông; 15-4-1964, Bác về thăm và nói chuyện với Trường Sĩ quan Lục quân và thăm Suối Hai, một công trình thuỷ lợi có sức chứa 49 triệu mét khối nước; 26-8-1965, Bác Hồ về Song Phượng thăm tiểu đoàn 61 bộ đội tên lửa; Ngày 5-2-1966 Bác đến thăm lữ đoàn công binh 239, được giao nhiệm vụ bắc cầu phao Bến Mễ Sở – Hồng Vân trên dòng sông Hồng, sẵn sàng bảo đảm cho bộ đội tên lửa vượt sông Hồng và các sông khác ở Tả ngạn; Ngày 17-4-1966, Bác đã về trường bắn Quốc gia Hoà Lạc, huyện Thạch Thất để kiểm tra cuộc diễn tập trình diễn bắn pháo hoa hoả tiễn cải tiến ĐKB; Ngày 13-7-1966, Bác về chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, làm việc và thăm đơn vị bộ đội thông tin. Tại đây, Người đã ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước khẳng định ý chí, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược “Không có gì quý hơn độc lập tự do” v,v...
          So với những lần xuất bản trước, cuốn sách “Bác Hồ với Hà Tây” lần này đã bổ sung thêm gần 25 sự kiện, 50 bức ảnh tư liệu, ghi lại những lần Bác Hồ về thăm Hà Tây, được khai thác từ bộ Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (10 tập), từ tài liệu lưu trữ Phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo tính uỷ Hà Tây v,v...Cuốn sách thực sự trở thành một tài liệu tra cứu hiệu quả cho những ai muốn nghiên cứu về đề tài này.
Phần III: Thư và những bài viết của Bác Hồ gửi cán bộ và nhân dân tỉnh Hà Tây
          Phần này gồm những bức thư Bác Hồ viết từ năm 1946 đến năm 1968, trong đó Người khen ngợi đồng bào, các cháu thiếu nhi, phụ nữ, nguời cao tuổi, bộ đội, chiến sĩ ...trên địa bàn tỉnh Hà Tây đã có thành tích trong lao động, học tập, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.       
Phần IV: Những phần thưởng Bác Hồ tặng tập thể và cán bộ, nhân dân tỉnh Hà Tây
          Phần này tập hợp danh mục gần 30 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất, giáo dục của tỉnh Hà Tây được Bác Hồ tặng phần thưởng, huy hiệu, từ năm 1947 đến năm 1969 (Nhiều phần thưởng có ảnh chụp kèm theo)
Phần V: K-9 -Đá Chông, nơi bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác Hồ
          Phần đặc biệt nhất của cuốn sách dành để giới thiệu về K9 - Đá Chông, nơi bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác Hồ.
          K9 được xây dựng trên khu vực đồi Đá Chông, có độ cao 250m so với mực nước biển, trong quần thể núi Ba Vì ở huyện Bất Bạt, có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, nằm bên sông Đà cuộn chảy. Từ năm 1957, Bác Hồ đã hai lần về khảo sát ở Đá Chông, lần đầu là mùa hè năm 1957 và sau đó là ngày 23-2-1958. Từ giữa năm 1958, khu làm việc của Trung ương tại Đá Chông được khởi công xây dựng (với tên gọi là Công trường 5). Công trình gồm có ba khu: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách, Khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo, khu C dành cho anh em bảo vệ và phục vụ. Sau hai năm, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với mật danh K9.
Kể từ năm 1957 đến lúc Bác Hồ đi xa năm 2/9/1969, Người đã nhiều lần lên K9 - Đá Chông để nghỉ ngơi, làm việc. Khi Người ra đi, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta mong muốn được bảo vệ và giữ gìn lâu dài thi hài Người, để sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế được viếng thăm Người. Vì vậy, việc Bộ Chính trị chọn K9 - Đá Chông, huyện Ba Vì làm nơi bảo vệ thi hài Người là một vinh dự đặc biệt đối với đảng bộ và nhân dân  Hà Tây. Chính vì vậy, khu Di tích K9 - Đá Chông không chỉ trở thành một di tích lịch sử của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tây, mà còn trở thành một di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia.
Với nội dung phong phú, nguồn tư liệu có độ tin cậy cao, cuốn sách “Bác Hồ với Hà Tây” do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tây biên soạn và xuất bản thực sự là một tài liệu quý, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Tây và bạn đọc gần xa thêm một nguồn tư liệu tương đối đầy đủ để góp phần nghiên cứu, hiểu sâu sắc hơn về sự quan tâm của Bác Hồ với Hà Tây, Hà Tây với Bác Hồ. Hy vọng rằng, từ những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tây nói riêng, cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nói chung, một Thủ đô Hà Nội mới sẽ được xây dựng và ngày càng phát triển, xứng đáng với vị thế một nước Việt Nam trên đường hội nhập ./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)