slider

Giới thiệu cuốn sách: CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CÔNG TÁC TỔ CHỨC, CÁN BỘ

15 Tháng 09 Năm 2011 / 3557 lượt xem
Hương Thảo Nguyên
Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia
Với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào việc nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh, tác giả Bùi Kim Hồng, người có nhiều năm tháng công tác tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã sưu tầm một số lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những bài viết của mình về vấn đề cán bộ, những mẩu chuyện, bài học rút ra từ tư tưởng của Người về công tác tổ chức và cán bộ - nguồn lực quan trọng, nhân tốc làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam - biên soạn thành cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tổ chức, cán bộ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản, với 344 trang, kích thước 20,5 cm, xuất bản năm 2009.
Cuốn sách gồm ba phần: A- Tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức và cán bộ; B- Công tác tổ chức, cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh; C- Những câu chuyện, bài học về tổ chức và cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong phần Tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức và cán bộ, Hồ Chí Minh quan niệm về người cán bộ cách mạng: “Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đày tớ của nhân dân, không phải là vua, là quan như ngày trước mà đè đầu cưỡi cổ nhân dân” (Nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại Yên Châu, Sơn La); “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được” (Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa);…
Về vị trí, vai trò của cán bộ, theo Hồ Chí Minh, “Tướng là kẻ giúp nước. Tướng giỏi (đủ cả: trí, tín, nhân, dũng, nghiêm) thì nước mạnh. Tướng xoàng thì nước hèn” (Phép dùng binh của ông Tôn Tử); “Bất cứ việc gì thiếu cán bộ, khó thực hiện được” (Tại sao hợp tác xã chưa thấy xuất hiện ở thôn quê); “Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn” (Cán bộ tốt và cán bộ xoàng);…
Về đào tạo, huấn luyện cán bộ, theo Hồ Chí Minh, “Riêng về cán bộ, ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy” (Nói về công tác huấn luyện và học tập); “Cán bộ phải ra sức học tập chỉnh huấn, phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân, thực hiện đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng” (Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày độc lập); “Có hai thứ vũ khí rất sắc bén để giúp chúng ta cải tạo, tức là cố gắng học tập gắn liền với thực hành và không e ngại, không che giấu, thật thà tự phê bình và hoan nghênh quần chúng phê bình mình” (Bài nói tại buổi lễ bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức);…
Về tiêu chuẩn người cán bộ, theo Hồ Chí Minh, “Cách mạng của các nòi giống có mục đích là giải phóng các dân tộc yếu, sau tiến lên làm cách mạng thế giới, giải phóng toàn nhân loại khỏi ách đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Để hoàn thành vẻ vang vai trò này, người cách mạng kiểu mẫu phải: 1. Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại; 2. Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức…; 3. Làm việc không mệt mỏi tùy theo phương tiện và năng lực của mình…; 4. Xem thường cái chết, bất chấp hiểm nguy…; 5. Thuận theo hoàn cảnh về thời gian, không gian, không bỏ qua điều gì…; 6. Suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động…; 7. Lãnh đạo nhân dân…; 8. Thành lập thật nhiều những tổ chức hùng mạnh thúc đẩy mau đến thắng lợi của cách mạng; 9. Xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc…; 10. Không cục bộ…; 11. Không kiêu ngạo…; 12. Kiên trì và nhẫn nại…” (Người cách mạng mẫu mực)…
Phần Những câu chuyện, bài học về tổ chức và cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp nhiều câu chuyện, bài học về đào tạo cán bộ, sự quan tâm chăm sóc cán bộ và công tác cán bộ của Bác Hồ.
Về đào tạo cán bộ, các đồng chí Cao Hồng Lãnh, Dương Đại Long, Nông Thị Trưng, Viết Dân, Dương Đại Phong, Bảo An kể lại việc Bác Hồ dạy học ở Pác Bó (sau năm 1941) như sau: “… Bác bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn rất quan tâm đến lớp học. Bác quy định cho chúng tôi: mỗi tuần lễ, ít nhất là một lần phải báo cáo với Bác về tình hình học tập, sức khỏe của anh em: ai còn phải học vần, ai đã bắt đầu học chữ?... Bác luôn luôn căn dặn cán bộ là phải nêu cao cảnh giác, tránh đi lại đông người, lớp học cần phân tán ra…”; Nguyễn Đức Thụy (Công tác tại Ủy ban Ngoại giao năm 1945-1946) trong “Bác dạy tôi làm ngoại giao” kể lại: “Đối với quân Tưởng, Bác dặn kỹ chúng tôi rằng trong lúc chính quyền còn non trẻ, khó khăn của đất nước còn nghiêm trọng thì còn phải khôn khéo, hòa hoãn với bọn chúng. Lúc này ngoại giao phải là “ngoại giao Câu Tiễnchịu đựng, đừng sơ hở để chúng có cớ gây chuyện với ta… Bác thuộc các thành ngữ Hán rất nhiều, sử dụng rất nhuần nhuyễn và mỗi khi dùng thành ngữ là một lần Bác giáo dục cán bộ, để cho cán bộ trưởng thành mà không cần nói dài”; Nguyễn Văn Lưu (Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1945-1947): “Tôi học được phương pháp phê bình của Bác”; Nhà thơ Xuân Diệu: “Bác nói: Các cô các chú là cán bộ, là đầy tớ phục vụ nhân dân”; Tôn Thị Quế: “Bác hết sức quan tâm, săn sóc, giúp đỡ các cán bộ nữ”; Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: “Bác nói: Muốn vận động có kết quả, mình phải là gương!”…
Trong việc quan tâm chăm sóc cán bộ, giáo sư Tôn Thất Tùng trong “Gặp Bác”, An Quân trong “Một ngày Tết”, Trương Nam Hiến (Nguyên Phó trưởng ban Kiểm tra Tỉnh Đảng bộ Cao Bằng) trong “Bác dặn tôi giữ gìn sức khỏe”, Đại tướng Võ Nguyên Giáo (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) trong “Những năm tháng không thể nào quên”… đã kể lại nhiều kỷ niệm cảm động với Bác Hồ. Ví dụ, Hoàng Tô (Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Khu tự trị Việt Bắc) trong “Bác Hồ chăm sóc cán bộ” đã kể lại: “… Cứ mỗi lần có đồng chí rời hang là Bác lại lo lắng: lo sao anh em được bình yên trở về, thoát khỏi mọi sự bất trắc dọc đường. Khi thấy anh em về, Bác vui hẳn lên. Câu đầu tiên Bác nói là hỏi han sức khỏe, sau đó tuyên bố cho anh em nghỉ ngơi, tắm giặt, rồi mới làm việc… Thỉnh thoảng đi công tác về, chúng tôi lại được Bác chia cho kẹo. Hỏi đồng chí Cáp mới biết đó là quà của nhân dân Pác Bó đi chợ mua về biếu Bác. Bác chỉ ăn một, hai chiếc. Còn bao nhiêu gói lại, cất vào ống tre, Bác bảo: - Để dành cho các chú ấy đi công tác về ăn… Tôi còn nhớ một lần, đồng chí Đức Thanh đi công tác về bị ốm, nằm liệt giường. Bác buồn lắm. Bác bảo đồng chí Cáp vào rừng lấy lá thuốc về cho đồng chí Thanh uống và xông. Chốc chốc, Bác lại đến sờ trán đồng chí Đức Thanh… Cử chỉ của Bác trong lúc này chẳng khác dáng dấp củ mẹ tôi khi xưa. Những tình cảm sâu sắc của Bác đối với chúng tôi hơn ruột thịt, đã động viên chúng tôi vượt qua mọi khó khăn gian khổ trong những năm tháng sống trong hang giữa rừng”.
Về công tác cán bộ, Lê Viết Hường xúc động kể trong “Bác soi sáng cho tôi con đường đi lên phía trước: “… Qua hơn 20 năm phục vụ cách mạng, tôi may mắn gặp Bác Hồ kính yêu trong những giờ phút có ý nghĩa của lịch sử dân tộc, bộ óc thiên tài của Bác soi sáng cho tôi con đường đi lên phía trước; trái tim vĩ đại của Người truyền cho tôi biết bao tình cảm cách mạng”. Mùa thu năm 1941, đồng chí Đàm Quang Trung (Nguyên Thượng tướng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) vinh dự được gặp Bác cùng với bốn anh em nữa ở bản Nà Nghiềng. Bác thay mặt Trung ương cử các đồng chí này đi học. Đồng chí Đàm Quang Trung kể lại trong “Được Bác cử đi học”: “Tôi nhớ mãi những lời căn dặn của Bác trước lúc lên đường. Bác nói đại ý: Muốn đánh đuổi thực dân Pháp, phátxít Nhật ra khỏi đất nước, giành độc lập thì mình phải có quân đội. Có quân đội rồi còn phải có vũ khí, lương thực. Phải có những người cầm quân giỏi. Các chú đi học lần này là học quân sự, để trở thành những người cầm quân giỏi, những chỉ huy của quân đội…”.
Trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về công tác tổ chức, cán bộ và đào tạo cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng. Theo tư tưởng của Người, trong điều kiện Đảng cầm quyền, mọi thắng lợi hay sai lầm đều không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng, tách rời phẩm chất, năng lực của người đảng viên. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn kiên trì giáo dục đạo đức, đề lên hàng đầu “tư cách người cách mệnh”, coi đạo đức là cái gốc của người cán bộ, nêu cao đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị, luôn nhắc nhở người cách mạng phải “ít lòng tham muốn về vật chất”. Người chỉ rõ, người cán bộ cách mạng phải thường xuyên chống tham ô, lãng phí, quan liêu, những căn bệnh bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, đó là những thứ “giặc nội xâm” có thể làm đổ vỡ sự nghiệp cách mạng.
Người dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”… Những lời dạy của Người về tầm quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là vấn đề trau dồi đạo đức, phẩm chất của người cán bộ…, cho đến nay, vẫn giữ nguyên giá trị thực tiễn.
Trong những năm qua, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và nhiều khó khăn trong nước, nhờ nắm vững và vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, vượt qua khủng hoảng, đưa đất nước tiếp tục vững bước tiến lên. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn có giá trị bền vững lâu dài đối với sự phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai.
Với 344 trang, cuốn sách như một bông hoa nhỏ trong lẵng hoa muôn sắc màu dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 119 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 40 năm thực hiện Di chúc của Người để lại và 40 năm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, gìn giữ và phát huy di sản của Người ./

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)