slider

HỌC TẬP TÁC PHONG LÀM VIỆC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

18 Tháng 07 Năm 2012 / 19529 lượt xem
ThS. Nguyễn Anh Minh
PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Tác phong là sản phẩm nhận thức và tư duy khoa học của con người, phản ánh hành vi ứng xử của con người với công việc và xã hội. Hiểu một cách đầy đủ tác phong là lề lối, cách thức, phong thái đã trở thành nền nếp ổn định của con người được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, tạo nên những nét riêng biệt của chủ thể đó. Theo Từ điển tiếng Việt: tác phong là cách thức, lối làm việc và cách sống riêng của mỗi người (1). Tác phong không phải là bẩm sinh, mà nó phải trải qua một quá trình nhận thức và rèn luyện lâu dài của con người trong môi trường xã hội. Từ những nhận xét trên có thể đưa ra khái niệm tác phong làm việc là một bộ phận trong tác phong của con người, nó thể hiện ở cách thức, lề lối tiến hành và giải quyết công việc của một con người cụ thể.
         Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm mộtđơn vị công binh tại Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên, ngày 5/2/1966 Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước có nguồn gốc nông dân, là con trai của cụ Phó bảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiếp thu một nền giáo dục nho học, điều đó đã sớm định hình trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh một tác phong nền nếp, ngăn nắp, cần mẫn trong suy nghĩ và hành động. Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài lăn lộn với cuộc sống của một người lao động, hoà mình trong phong trào công nhân ở những nước công nghiệp phương Tây đã tạo ra và hình thành ở Người tác phong làm việc khoa học, biết quí trọng thời gian và sắp xếp công việc hàng ngày theo một kế hoạch cụ thể hợp lý để hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất. Chính những trải nghiệm trong cuộc sống cùng với những ảnh hưởng của những yếu tố của văn hóa phương Đông và phương Tây mà Người đã tiếp nhận trong những năm tháng hoạt động cách mạng đã hình thành trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh một tác phong làm việc khoa học và hiệu quả. Đây chính là những giá trị và những nét riêng trong tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành những di sản văn hóa phi vật thể vô giá trong kho tàng di sản tư tưởng của Người để lại.
          Trong những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, tác phong làm việc của Người được thể hiện đậm nét và sâu sắc trong cách giải quyết công việc hàng ngày trên cương vị là Người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Một trong những nét nổi bật trong tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là tác phong đúng giờ, tiết kiệm thời gian tối đa và phân bổ thời gian để giải quyết công việc một cách hợp lý, khoa học, tôn trọng công việc và tôn trọng con người. Một ngày làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ rất sớm: “ Khi đài tiếng nói Việt Nam mở nhạc hiệu thì Bác cũng bật đèn phòng ngủ. Bác làm suốt cả ngày, nhiều hôm đến tận đêm khuya ”(2). Trong một ngày Người giải quyết rất nhiều công việc từ tiếp cán bộ, tiếp khách ngoại giao, đi thăm cơ sở, họp Bộ Chính trị, nghiên cứu tài liệu, viết báo, viết thư. v.v... sự phân bổ thời gian hợp lý khoa học đã giúp Người tiết kiệm nhiều thời gian và giải quyết hiệu quả một khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp trên cương vị một người lãnh đạo đất nước. Người tiết kiệm và sử dụng thời gian một cách hợp lý nhất cho công việc, Người thường bố trí thời gian tiếp cán bộ đến làm việc hoặc tiếp khách vào đầu các buổi sáng sớm để sau đó dành nhiều thời gian cho công việc. Làm việc với ngành nào, địa phương nào Bác cho mời các đồng chí phụ trách trực tiếp vấn đề đó đến gặp bàn ngay, vừa rất cụ thể, thiết thực vừa tiết kiệm được thời gian. Bác thường nhắc cán bộ phải luôn luôn biết quí trọng thời gian, phải làm việc đúng giờ và không nên lãng phí thời gian. Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người có nhiều thời gian sống gần Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Người sống và làm việc tại Phủ chủ tịch đã nhận định: “Theo tôi biết…thật sự Bác không có ngày nghỉ và ngày nào cũng như ngày nào bao giờ cũng có chương trình làm việc với những giờ giấc rất nghiêm ngặt, mà Hồ Chí Minh là người gương mẫu trong việc tuân thủ kỷ luật đó. Có lẽ lúc nghỉ ngơi là lúc Bác gặp các cháu thiếu niên và nhi đồng, nhất là gặp đồng bào chiến sĩ miền Nam trong thời chống Mỹ, hoặc trong lúc xem phim vui tối thứ bảy ở Phủ Chủ tịch cùng với bao con cháu các đồng chí làm việc ở chỗ Bác và một số cơ quan gần bên. Có khi, trong những buổi xem phim như vậy, Bác tiếp khách nước ngoài hoặc đại sứ các nước anh em”(3). Bác quý trọng thời gian của mình bao nhiêu, thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Vì thế, Bác không để bất cứ ai phải đợi mình bao giờ. Bác đã hẹn là đến, Bác đã hứa là làm, hẹn đồng chí nào giờ nào đến gặp, đến đúng giờ ấy là thấy Bác đã chờ sẵn.
          Tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở tác phong vừa làm việc vừa tự học hỏi để trau dồi và nâng cao tri thức đáp ứng với những yêu cầu mới trong công việc hàng ngày đặt ra. Người thường nhắc nhở cán bộ : “ Học hỏi là một công việc phải tiếp tục suốt đời, suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (4)
Vừa làm vừa tự học, đó là tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày tháng bôn ba tìm đường cứu nước. Những ngày tháng ấy, Người đã tiến hành tự học, không thầy, không phương tiện, không thời gian. Chẳng hạn, khi học ngoại ngữ, cần học chữ nào, Người viết lên cánh tay, vừa làm vừa học đến cuối ngày, chữ mờ dần cũng là lúc Người đã nhớ được hết. Đêm khuya, khi mọi người khác nghỉ ngơi, thì Người lại tranh thủ ngồi học. Trong những tháng năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, mặc dù tuổi cao, hàng ngày phải giải quyết một khối lượng công việc rất nặng nề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tranh thủ thời gian để bổ xung và nâng cao tri thức cho mình bằng đọc sách, báo, nghe tin tức, thời sự và rút kinh nghiệm từ những công việc thực tiễn hàng ngày. Ngày nào Người cũng dành thời gian để đọc sách, báo để cập nhật và trang bị cho mình những thông tin và kiến thức cần thiết để phục vụ cho công việc. Những cuốn sách kinh điển của Mác, Ăng ghen, Lê nin và của các nhà triết học, nhà tư tưởng, kinh tế học, những cuốn sách về lịch sử, văn học, nghệ thuật có mặt ở khắp nơi trên bàn làm việc, nơi chủ trì các cuộc họp và cả đầu giường ngủ.v.v. của Người. Người còn đọc nhiều loại báo: Báo Đảng, báo địa phương, báo ngành.... Người thường xem báo ngay đầu giờ buổi sáng và thường xuyên nhắc cán bộ, nhất là cán bộ phụ trách, cần phải sắp xếp thời gian đọc báo hàng ngày để nắm bắt thông tin phục vụ cho công việc. Người đọc báo rất nhanh mà không bỏ qua những chi tiết đáng chú ý nào. Ngoài báo chí trong nước Bác còn đọc báo nước ngoài gửi đến bằng con đường ngoại giao. Những thông tin trên báo chí giúp Người nắm bắt thông tin hàng ngày rất kịp thời cả trong nước và quốc tế, từ các địa phương, các ngành, các lĩnh vực… Vừa đọc, Người vừa ghi chép hết sức cẩn thận, tỷ mỷ từ những vấn đề của các địa phương trong nước cho đến những biến động trên thế giới, từ những cuộc đấu tranh biểu tình cho đến những vấn đề về tài chính tiền tệ .v.v.. Rất cụ thể và thiết thực, đây chính là một trong những hình thức tự học tập để bổ xung tri thức rất hiệu quả và cần thiết. Trên cơ sở đó giúp Người đưa ra sự chỉ đạo phù hợp với từng lĩnh vực và những chính sách đối nội, đối ngoại sát với thực tiễn.
Một trong những tác phong làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh đó là sâu sát với thực tế cơ sở và quần chúng để nắm bắt tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó đưa ra những chủ trương, chính sách đúng đắn phù hợp với lòng dân và sự phát triển của thực tiễn khách quan. Đây là yếu tố rất quan trọng trong tác phong của một người lãnh đạo, ngoài việc nắm bắt những thông tin qua báo chí, từ báo cáo của các ngành các địa phương, Người luôn gần gũi với cuộc sống của nhân dân để lắng nghe những ý kiến và nguyện vọng của dân. Trong 15 năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch Người đã hơn bảy trăm lần đi thực tế xuống các cơ sở, Người thường tranh thủ mọi cơ hội để đi thăm các địa phương, nông trường, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, đơn vị quân đội, cơ sở Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội v.v.. Có những cơ sở Bác đến thăm nhiều lần. Bác muốn hiểu tâm tư tình cảm của đồng bào, đồng chí và muốn biết cuộc sống của người dân, chiến sĩ.. như thế nào?. Bác thường đến thăm một cách bất ngờ không báo trước để thấy thực chất tình hình cơ sở chứ không nghe báo cáo. Khi xuống cơ sở điều Bác quan tâm đầu tiên là xem nhà ăn tập thể, khu vệ sinh, nơi ở trước rồi mới ra hội trường nói chuyện với mọi người. Đối với đồng bào ở nông thôn, Bác rất chú ý đến những ngày tháng giáp hạt và đòi hỏi các đồng chí có trách nhiệm phải nắm chắc tình hình, có sẵn biện pháp để đề phòng. Trong những chuyến đi thăm cơ sở Người luôn lắng nghe những kiến nghị của quần chúng và đề ra những sáng kiến quan trọng, những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, những gợi ý thiết thực, đòi hỏi mọi người có liên quan suy ngẫm và tìm mọi cách thực hiện cho đựơc. Điều đáng chú ý là những ý kiến lớn của Bác không phải là những bài diễn văn dài dòng mà thường được Bác diễn đạt cụ thể, ngắn gọn bằng những cách nói dân gian, những quan điểm triết lý truyền thống rất trúng, rất hay, dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hiện.
Người nhiều lần phê phán tệ quan liêu xa rời quần chúng, xa rời thưc tế cuộc sống, thói lên mặt quan cách mạng, mệnh lệnh, cửa quyền, ức hiếp đối với quần chúng ở một số cán bộ lãnh đạo, đảng viên. Mỗi chuyến đi thăm đồng bào, cơ sở, Người đều để lại những ấn tượng sâu sắc, gần gũi đối với mỗi người dân. Người gặp gỡ bà con nông dân ngay trên đồng ruộng, bỏ dép, xắn quần lội xuống nơi bà con đang cấy để thăm hỏi bà con, cùng tát nước chống hạn, cuốc đất trồng cây như một lão nông quen việc đồng áng. Trong những chuyến đi thăm các địa phương ở xa, bao giờ Bác cũng đề nghị anh em phục vụ chuẩn bị cho Bác cơm nắm, Người không muốn tiệc tùng tốn kém theo kiểu “khách ba chúa nhà bảy”, có lần Người tâm sự với anh em phục vụ: nếu như mình đồng ý để cho họ làm cơm thết mình, thì chắc chắn họ làm linh đình lắm bởi vì làm cơm đón Chủ tịch nước, như vậy rất tốn kém tiền của của nhân dân, trong khi đất nước còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn thì đều đó là không nên. Vì vậy một bữa cơm nắm ăn trên xe, hay bên gốc cây ven đồi là chuyện thường tình ở Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những chuyến đi công tác của Người.
Tự nhiên, bình dị và gần gũi với quần chúng, tác phong ấy làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hoà nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc. Quần chúng đến với Người không chút e ngại, xa lạ, Người đón tiếp quần chúng thân mật, chan hoà và gần gũi, mọi người có thể nói ra những điều trăn trở, tâm tư, suy nghĩ của mình và Người được lắng nghe những ý kiến thật sự từ thực tiễn của đời sống. Những năm tháng sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đón hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế, không chỉ trong những phòng khách long trọng, mà còn cả ở ngoài giàn hoa, trên đường xoài, trên bãi cỏ, bên bờ ao cá..vv. Tuỳ tính chất buổi gặp, tuỳ thời tiết và đối tượng khách, nhưng nhìn chung Người thích gần gũi với thiên nhiên để có môi trường tự nhiên góp phần cho những buổi gặp thân tình và cởi mở.
Tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở tác phong dân chủ. Đây là một trong những đặc trưng tiêu biểu trong tác phong làm việc của Người, Người cho rằng:" Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để có thể giải quyết mọi khó khăn trong công việc, ngay từ khi lập kế hoạch và suốt quá trình thực hiện "(5). Ở Người tác phong dân chủ trong công việc đã trở thành một thói quen, tinh thần ấy đã thấm sâu vào suy nghĩ và hành động. Người rất chú ý việc thực hành và phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng cũng như đối với quần chúng và phát huy tinh thần dân chủ của mọi người, Người luôn giữ tác phong làm việc gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể và phát huy sức mạnh của tập thể. Người thẳng thắn phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ thiếu dân chủ, vì vậy, người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình. Từ đó, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, thui chột sáng kiến, giảm nhiệt tình trong công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng :"Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không bằng gì khuyên cán bộ của mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tin của người lãnh đạo mà tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng"(6). Trên bàn làm việc ở nhà sàn còn lưu lại những dòng bút tích của Bác gửi đồng chí Trường Chinh, trong bài “cần sửa chữa những thiếu sót trong “ba khoán” ở các hợp tác xã nông nghiệp” đăng trên báo Hà Nội mới ghi: “ Kính gửi đồng chí Trường Chinh. Những sai lầm về ba khoán, xem xong xin trả lại cho B ”. Trong những cuộc họp Người luôn dân chủ, trân trọng và chú ý lắng nghe các ý kiến của từng cán bộ, đồng chí. Khi đến với đồng bào Người không chỉ lắng nghe ý kiến và báo cáo của cán bộ các cấp, các ngành mà còn chú ý những ý kiến của những người dân bình thường. Những tài liệu quan trọng Người đều gửi đến các đồng chí lãnh đạo đóng góp ý kiến trước khi Người đưa ra quyết định cuối cùng, Người còn trao đổi với cả các đồng chí phục vụ hàng ngày về những bài báo để sửa chữa những chỗ còn khó hiểu trước khi đăng.
Có thể khẳng định rằng, tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hội tụ bởi nhiều yếu tố, từ tác phong làm việc đúng giờ, tiết kiệm thời gian và phân bổ thời gian hợp lý; tác phong vừa làm vừa học hỏi để nâng cao tri thức phục vụ cho công việc; tác phong sâu sát với thực tiễn cơ sở, với quần chúng để nắm thực chất tình hình thực tế, cho đến tác phong dân chủ trong công việc.v.v. Mỗi tác phong đều phản ánh một khía cạnh riêng trong việc tiến hành và giải quyết công việc của Người, song nó gắn bó chặt chẽ với nhau tạo nên một tác phong làm việc khoa học, hiệu quả. Từ thực tiễn cuộc sống và hoạt động cách mạng, đặc biệt là những năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những chuẩn mực về phong cách và tác phong làm việc, đây là những bài học thực tiễn sâu sắc đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các cán bộ đảng viên trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh mở cửa hội nhập với thế giới, đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam phải có một tác phong làm việc khoa học, hiện đại và hiệu quả để góp phần đưa đất nước phát triển ./.
 
Chú thích:
(1) Từ điển tiếng Việt, NxbVHTT, H.1998, tr1337
(2) Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb CTQG, HN.2005, tr 303
(3) Phạm Văn Đồng: Một con Người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb ST, H.1990, tr 73.
(4) HCM Toàn tập, Nxb CTQG, H.1996, tr 215
(5) HCM Toàn tập, Nxb CTQG, H.1996, t12, tr256
(6) HCM Toàn tập, Nxb CTQG, HN.1996,t5, tr280.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)