slider

KHU DI TÍCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH- MỘT TRƯỜNG HỌC LỚN VỀ NHÂN CÁCH LÀM NGƯỜI

07 Tháng 10 Năm 2008 / 2977 lượt xem

KHU DI TÍCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH - MỘT TRƯỜNG HỌC LỚN VỀ NHÂN CÁCH LÀM NGƯỜI

 

 

          Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, các nhà khoa học đã khẳng định ba nguyên tắc trong đạo đức Hồ Chí Minh là: Nói thì phải làm; Xây đi đôi với chống; Đạo đức phải tu dưỡng suốt đời. Nói thì phải làm là nguyên tắc được đặt lên hàng đầu, là nguyên nhân tạo nên sức thuyết phục của đạo đức Hồ Chí Minh. Cuộc sống 15 năm của Người ở Phủ Chủ tịch là một biểu hiện sinh động cho sự thống nhất ấy.

            Nói đến đạo đức của mỗi cá nhân, không phải chỉ căn cứ vào những câu triết lý về đạo đức, hay những bài diễn thuyết hùng hồn mà phải xem hành động của cá nhân ấy. Tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh chính là sự hoàn thiện tuyệt vời từ quan điểm đến lời nói và hành động. Bởi thế, từ lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài tư cách anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất, Người đã trở thành vị lãnh tụ tinh thần bất tử, là vị Thánh trong lòng nhân dân Việt Nam. Có thể nói đạo đức là một trong những vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình lãnh đạo cách mạng của mình. Người coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.  Đạo đức cách mạng đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Người đã viết: “Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng. Đại đa số chiến sĩ cách mạng là người có đạo đức: Cả đời hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, sinh hoạt ngày thường thì làm gương mẫu: Gian khổ, chất phác, kính trọng của công… Đạo đức ấy có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi xã hội cũ thành xã hội mới và xây dựng mỹ tục thuần phong” (1).

            Tuy nhiên “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố… cũng như ngọc càng mài cáng sáng, vàng càng luyện càng trong” (2) Cho nên bên cạnh những suy tư, trăn trở để đề ra đường lối chiến lược cho cách mạng, Người vẫn giành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Ngay từ những bài giảng đầu tiên của Người cho lớp cán bộ ở Quảng Châu năm 1925 đã đề cập đến việc giáo dục “Tư cách người cách mạng”. Trong 23 điều răn, Người xoay quanh 3 mối quan hệ chính của người cán bộ “Đối với bản thân, đối với mọi người và đối với công việc”. Trong đó, đối với bản thân được đặt lên hàng đầu vì cái khó nhất của con người là đấu tranh với chính mình để chiến thắng được sự cám dỗ, chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân. Đặc biệt trong 15 năm, từ 1954 đến 1969, Người đã có ba bài viết về đạo đức cách mạng tại Khu Di tích này. Đó là thời kỳ đất nước ta bắt đầu bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, một xã hội chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Người nói “Đây là cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất” (3). Cho nên yêu cầu người cách mạng lúc này không chỉ có nhiệt tình là đủ, mà “Đức” “Tài” phải nâng lên một trình độ mới. Trong đó “Đức” phải đặt lên trước. Đặc biệt phải kể đến bài “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” Người viết vào dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng 3/2/1969. Đây là thời điểm Người đã chuẩn bị đi gặp Cụ Các Mác, Cụ Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác. Phải chăng đến lúc này, Người vẫn còn trăn trở về vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là khi thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ sắp tới gần. Điều cốt lõi trong bài viết này Người mong muốn “Mỗi cán bộ đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” (4).

            Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Một tấm gương sống còn đáng giá hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”(5). Mỗi chúng ta có thể dẫn ra rất nhiều câu chuyện để minh chứng cho quan điểm ấy. Song, tìm hiểu về cuộc sống của Người tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch sẽ là một minh chứng sinh động nhất.

            Khu Di tích bao gồm các điểm di tích chính:

-          Toà nhà Phủ Chủ tịch (vốn là Phủ Toàn quyền Đông Dương trước kia), là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng.

-          Nhà 54 – Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 12 năm 1954 đến tháng 5 năm 1958, nhưng lại gắn bó với cuộc sống của Người cả 15 năm ở đây.

-          Nhà Sàn – Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 5 năm 1958 đến tháng 8 năm 1969.

-          Nhà 67 – Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong 2 năm 1967 – 1969 và cũng là nơi Người chữa bệnh và qua đời.

            Ngoài ra còn có những chiếc xe ô tô đã dùng phục vụ Bác và hệ thống các di tích ngoài trời như vườn cây, ao cá, đường Xoài… Mỗi di tích chứa đựng những nội dung lịch sử khác nhau, nhưng đều là những minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng, cho hạnh phúc của nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

            Theo chúng tôi, sức hấp dẫn của Khu Di tích chính là sự hoàn thiện trong nhân cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại, cái cao cả lại được toát lên từ chính lối sống khiêm tốn, giản dị; cách ứng xử có lý, có tình; ở lòng yêu thương con người vô bờ bến; ở sự thống nhất giữa lời nói và việc làm. Những bài học về đạo đức tự hình thành qua nhận thức của người xem khi chứng kiến những tiện nghi sinh hoạt phục vụ cho cuộc sống đời thường của một nguyên thủ quốc gia – lãnh tụ Hồ Chí Minh, cùng với những tài liệu, hiện vật và những câu chuyện diễn giải của cán bộ thuyết minh, chứ hoàn toàn không phải do áp đặt hay khuôn sáo. Chính lối sống khiêm tốn, giản dị, gần gũi với nhân dân của Người đó rút ngắn mọi khoảng cách, để mỗi người chúng ta mỗi khi nhắc đến Hồ Chí Minh đều nhận thấy một vị lãnh tụ cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu.

            Toà nhà Phủ Chủ tịch sang trọng, bề thế, thật xứng đáng với cương vị Chủ tịch nước, nhưng Người đã từ chối để đến ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ cho Phủ Toàn quyền Đông Dương trước kia. Mùa hè nóng nực, các đồng chí phục vụ đề nghị lắp cho Người chiếc điều hoà nhiệt độ, Bác bảo: Hôm trước Bác đến thăm một cơ sở thương binh, thấy các chú ấy ở rất nóng, có thể đem chiếc điều hoà này đến lắp cho người ta, Bác chưa cần. Người vẫn dùng quạt giấy, quạt lá cọ, loại đồ dùng rất phổ biến ở nông thôn Việt Nam và không quên nhắc các đồng chí phục vụ điện cố gắng tiết kiệm để dùng cho sản xuất. Và ngôi nhà chính thức làm cho Chủ tịch nước sau này (nhà Sàn) cũng chỉ: “ Vẻn vẹn vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao” (6).

            Mâm cơm của Người thật thanh đạm: vài chiếc bát, chiếc đĩa đựng thức ăn vì Bác quy định mỗi bữa thường ngày không được làm quá bốn món, thức ăn không được làm nhiều, Bác thường nói: Ai chả muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng ăn ngon, mặc đẹp phải tuỳ nơi, tuỳ lúc. Khi xong bữa, bao giờ Người cũng tự tay thu dọn bát đĩa gọn gàng để bớt đi sự vất vả cho người phục vụ. Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, còn chiến tranh, mỗi người dân còn phải chia nhau cái ăn, cái mặc, thắt lưng buộc bụng để góp sức cho cuộc đấu tranh giành tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: Cán bộ phải gương mẫu, cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân. Nhớ lại năm 1946 Bác phát động phong trào “Hũ gạo cứu đói”, Người kêu gọi: Mỗi người cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một bơ, đem gạo đó để cứu dân nghèo. Bác là người gương mẫu thực hiện trước và rất kiên quyết. Nhiều người biết chuyện Cụ Hồ nhịn ăn để góp gạo cứu đói rất cảm động và viết thư xin nhịn thay phần của Cụ. Bác không đồng ý: Tôi là người nêu ra, tôi phải làm gương mẫu. Sau này, Bác vẫn thường nhắc người phục vụ: Cán bộ, đồng bào ăn độn bao nhiêu chú nhớ độn vào cho Bác bấy nhiêu. Mỗi lần đi công tác địa phương, Bác vẫn thường nhắc cán bộ chuẩn bị sẵn đồ ăn đem theo để tránh phiền hà cho các địa phương. Những câu chuyện ấy hoàn toàn đối nghịch với một số quan chức hiện nay, mỗi khi đến kiểm tra chỉ đạo công tác là trống dong, cờ mở, tiệc tùng linh đình và kèm theo “phong bì”. Đó không phải là đạo đức mới, đó cũng không phải là sản phẩm của cơ chế thị trường vì cho dù xã hội có phát triển đến đâu thì “cần, kiệm, liêm, chính” vẫn là đạo đức truyền thống, người cách mạng không thể xa rời vì một lẽ giản đơn: Thiếu một đức thì không thành người.

            Qua 37 năm kể từ ngày Bác đi xa, Khu Di tích đã đón và phục vụ chu đáo hơn 40 triệu lượt khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Xuất phát từ tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ kính yêu và ý nghĩa to lớn của việc tuyên truyền tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh hiện nay,  cán bộ, nhân viên Khu Di tích Phủ Chủ tịch càng cảm thấy tự hào và trách nhiệm nặng nề trước Đảng, trước nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy tác dụng những di sản của Người ở một Khu di tích có tầm quan trọng đặc biệt này. Những năm gần đây số lượng khách không ngừng tăng lên. Năm 2006 có 1.813.071 lượt người.Trong đó số khách được nghe hướng dn trực tiếp là: 62.742 lượt người. Con số trên vừa nói lên sức hấp dẫn của Khu Di tích, vừa nói lên niềm hạnh phúc của những người làm công tác tuyên truyền ở đây. Niềm hạnh phúc ấy càng được nhân lên khi trong 1000 người được hỏi đó có 82%̀̀ nói cũng có nguyện vọng muốn quay trở lại thăm di tích. Đặc biệt mới chỉ qua hơn một tháng phát động đợt học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Khu Di tích đã phục vụ 12 đơn vị với 1.760 lượt người đến học tập, sinh hoạt chính trị̣̣ (báo công, phát động thi đua), với hiệu quả tuyên truyền rất tốt. Đoàn cán bộ, học viên Học viện Hậu cần ghi lại cảm tưởng: "Về viếng Bác và thăm nơi ở, làm việc của Người, chúng cháu càng thêm kính trọng và thương nhớ Bác, chúng cháu nguyện sẽ học tập và làm theo tấm gương đạo đức cúa Bác để trở thành những người có ích cho đất nước Việt Nam". Đoàn cán bộ đảng viên Đảng bộ Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật - Viện khoa Học Việt Nam ghi: "Chúng con đến đây thăm lại di tích nơi Bác đã sống, làm việc và chữa bệnh. Chúng con xin hứa với Bác sẽ sống và làm việc thật tốt, noi gương Bác để cống hiến cho nước nhà". Đoàn sinh viên Học Viện Ngân Hàng ghi: "Chúng cháu rất xúc động khi được đến đây thăm nơi ở và làm việc của Bác. Ở đây chúng cháu đã biết được rất nhiều điều bổ ích để từ đó chúng cháu phấn đấu học tập tốt hơn. Chúng cháu xin hứa với Bác sẽ không ngừng phấn đấu nhiều hơn nữa góp phần xây dựng đất nước. Bác ơi! Chúng cháu yêu Bác rất nhiều!"

            Với cuộc vận động của Bộ Chính trị, BCH TƯ Đảng về phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch là một môi trường giáo dục vừa hiệu quả, vừa thiết thực mà ít có loại hình nào sánh được, như Tổng Bí thư Đảng CS Việt Nam Nông Đức Mạnh đã đánh giá “Di tích này không chỉ có ý nghĩa quốc gia mà mang tầm quốc tế, đây là một trường học lớn về nhân cách làm người”./

Nguyễn Thị Liên

Phòng Tuyên truyn- Giáo dục

 

 

Chú thích:

 (1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, t.7, tr.568

 (2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000,t.9, tr. 293

 (3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H. 1996,t.8, tr. 493

 (4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000,t.12, tr.439

 (5) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000,t.1, tr.263

 (6) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb CTQG, H. 2005,t.1, tr.136

 

 

 

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)