slider

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VỀ CÔNG TÁC BẢO QUẢN MÔI TRƯỜNG CẢNH QUAN DI TÍCH

09 Tháng 10 Năm 2009 / 2717 lượt xem
                                                                   Nguyễn Thị Thu Thủy
                                                                   Phòng Bảo quản di tích
Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi đến nay gần 40 năm, công tác gìn giữ bảo tồn các di tích của Người tại Phủ Chủ tịch đã được các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ nguyên vẹn như khi sinh thời Bác. Từ năm 1969, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đón hàng chục triệu lượt đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu và học tập về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người - Người là hình ảnh mẫu mực của một con người trọn vẹn về tư tưởng, đạo đức, phong cách sống cao thượng và giàu lòng nhân ái.
Hàng năm, Khu di tích có kế hoạch tu bổ, tôn tạo và nâng cấp hệ thống đường, sân bãi, nhằm giảm bớt hiện tượng ùn tắc khi lượng khách tham quan quá đông làm ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan môi trường di tích, tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan, mà vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc về bảo tồn di tích. Nhưng quá trình tác động của thời gian, tự nhiên và con người đã ảnh hưởng không nhỏ tới di tích, do đó việc duy trì và tôn tạo cảnh quan Khu di tích được xem là vấn đề vô cùng quan trọng và có ý nghĩa khoa học, thực tiễn vô cùng to lớn. Bài viết này xin đề xuất một số điểm về công tác giữ gìn, bảo quản và tôn tạo môi trường cảnh quan di tích:
1. Vườn cây
Nhìn vào thực trạng, chúng tôi thấy nổi lên những điểm sau đây:
Số lượng cây trong vườn lớn, thuộc nhiều loài, nhiều họ như: cây bóng mát, cây cảnh, cây ăn quả, các loài sống xen kẽ nhau tạo nên nhiều tầng thực vật. Mỗi loài có tới hàng chục cá thể khác nhau. Cho nên rất khó khăn cho việc quy hoạch tôn tạo cảnh quan, bảo quản trong khi phải đảm bảo các yêu cầu khoa học, lại vừa phải cụ thể đối với từng cá thể.
Địa hình ở đây mấp mô nên khi mưa đến có hiện tượng vùng trũng bị ngập, nơi cao lại bị xói mòn cuốn trôi phù sa.
Ánh sáng phân bố không đều vì vậy việc hấp thụ của cây xanh về quang hợp bị hạn chế, đã làm ảnh hưởng đến sự ra hoa, đậu quả của cây trồng. Ví dụ như: vườn cam, bưởi sau nhà sàn không phát triển được vì tán cây vú sữa và cây cổ thụ đã che bóng hầu như hoàn toàn và hút hết các chất dinh dưỡng trong đất.
Vườn cây đã được chăm sóc thường xuyên, nhưng chủ yếu mới chú ý tới việc gìn giữ môi trường cảnh quan sạch đẹp, chưa thực sự có nghiệp vụ kỹ thuật chăm sóc, chưa đưa vườn cây được như mong muốn: vườn cây của Bác phải luôn đơm hoa kết trái. Đây chính là vấn đề đáng quan tâm nhất. Những năm gần đây, Khu di tích đã mở những lớp học ngắn ngày và mời các giáo viên của Trường Đại học Nông nghiệp I đến giảng dạy cho bộ phận chăm sóc vườn cây.
Để giữ được môi trường cảnh quan di tích đòi hỏi phải có đủ cơ sở vật chất cần thiết, có cán bộ chuyên môn cao làm nòng cốt để nghiên cứu thực hiện các quy trình kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sinh trưởng của từng loài cây, để khu vườn phát triển ngày càng tốt như mong đợi, chẳng hạn như:
+ Cách làm cỏ: xới tơi cho cây từng vụ, từng tháng, hoặc lúc nào là thích hợp nhất với từng tuổi cây, loại đất.
+ Bón phân: thời kỳ nào là thích hợp, bón phân gì, số lượng bao nhiêu, quy cách bón như thế nào đối với từng loài cây, tuổi cây, chú ý sự phát triển của bộ rễ đối với việc bón phân, phải thỏa mãn được yêu cầu của từng loại cây.
+ Vấn đề cải tạo đất: đổ đất như thế nào đối với từng loại cây, có nên đổ đất phù sa hàng năm không, cần có biện pháp hạn chế xói mòn đất xuống mức thấp nhất.
+ Sửa cành: thực tế cho thấy các tán cây ở đây đan xen nhau rất dày. Như vậy cần tìm hiểu cách thức sửa cành đối với từng loại cây, tạo tán để cho vườn cây đồng đều, độ cao vừa phải, thông thoáng, đảm bảo yêu cầu ánh sáng tối thiểu cho từng loài cây.
+ Tưới nước: ảnh hưởng của việc tưới nước đến với sinh trưởng của cây, nhất là lúc cây đang ra hoa và lúc mới có quả nên tưới như thế nào.
+ Phòng trừ sâu bệnh, sâu đục thân: Theo dõi trên mỗi cây các loài sâu, thời gian phát sinh bệnh của cây để hạn chế sự phát triển, phá hoại của sâu bệnh, những cây bị sâu bệnh cần phòng trừ kịp thời.
+Theo dõi bệnh khô cành phần lớn ở các cây nào, tốc độ khô bao nhiêu, cách thức sửa cành đối với từng loại cây.
       Việc chăm sóc và giữ gìn hệ thống cây xanh bên cạnh các công trình kiến trúc là rất cần thiết. Cây xanh tạo cảnh quan thiên nhiên, tô điểm cho di tích, hòa quyện cùng nhau, tạo nên giá trị đặc biệt của di tích.
2. Cây di tích
Công tác bảo quản là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự tồn tại của di tích nhằm phát huy tác dụng di tích có hiệu quả cao. Những cây di tích có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cây sống lâu năm trên vùng đất này lại càng quý giá, cần phải được quan tâm duy trì, chăm sóc với chế độ dinh dưỡng và bảo vệ thực vật tốt để bảo tồn.
Trong vườn có nhiều loại cây khác nhau, mỗi cây lại chứa đựng nội dung lịch sử và giá trị khác nhau, cho nên việc khôi phục lại hệ thống biển tên các loài cây trong vườn là hết sức cần thiết, đặc biệt là các cây trên tuyến đường tham quan và các cây di tích đã từng gắn bó với cuộc sống và quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi ở và làm việc của Người. Ví dụ như: cây đa kiên trì, cây xanh bốn mùa, cây vú sữa, hai cây dừa nảy mầm từ một quả ... Mỗi cây di tích lại có bài học và giáo dục riêng, việc gắn các biển ghi rõ tên cây, nội dung lịch sử ngắn gọn sẽ đáp ứng được thông tin cho khách tham quan trong những ngày khách đông khi không có người hướng dẫn giới thiệu. Bằng con đường trực giác, khách tham quan vẫn có thể nhìn, đọc và hiểu được giá trị ý nghĩa lịch sử, từ đó sẽ giúp họ có thêm nhận thức về Khu di tích. Thực hiện được đáp ứng này chính là thực hiện chức năng bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích.
3. Đường mòn Hồ Chí Minh
Di tích "Đường mòn Hồ Chí Minh" bắt đầu từ di tích nhà H67 xuyên qua vườn cây cổ thụ đến Đình Hội Đồng ở phía cuối đưòng Xoài (nay là Văn phòng Chính phủ). Đây là con đường Bác Hồ thường đi luyện tập sức khỏe trong những năm tháng cuối cùng, với ý định mong muốn vượt Trường Sơn vào thăm đồng bào miền Nam kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay con đường này nằm trong khu vườn cây cổ thụ. Con đường không còn giữ được nguyên dạng như thời Bác Hồ vẫn thường đi, do vậy cần phải có cơ sở khoa học để bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị di sản. Phải chăng nên tu sửa lại nhằm gia cố đảm bảo độ bền của di tích bằng biện pháp xây kè chìm hai bên, phía trên vẫn là con đường đất bằng phẳng rải xỉ than. Như vậy không có gì sai phạm tới nguyên tắc, không ảnh hưởng tới di tích mà vẫn trả lại được dáng vẻ bên ngoài của di tích. Việc làm này không làm biến dạng di tích và di tích cũng không bị "hiện đại hóa" nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên vẹn, sự hài hòa cảnh quan di tích.
Tóm lại, bảo quản môi trường cảnh quan di tích là việc làm hết sức cần thiết, không chỉ làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho di tích mà còn là thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường sống ở nơi này như khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều của nước ta mang lại nhiều thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn cho việc bảo quản môi trường cảnh quan di tích. Để Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã và mãi mãi là trung tâm giáo dục về tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mọi tầng lớp nhân dân thì công tác bảo tồn phải đi trước một bước, làm cho cảnh quan môi trường mãi mãi xanh tươi, không bị tác động bởi thời gian, khí hậu và con người và đáp ứng tốt hơn những yêu cầu do xã hội đặt ra./.
                                                                                                                                               

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)