slider

Một số kinh nghiệm trong công tác trưng bày, trải nghiệm tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

13 Tháng 08 Năm 2020 / 1374 lượt xem

Nguyễn Văn Công

GĐ. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu di tích) là Di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây, không chỉ là điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế mà còn trở thành “địa chỉ đỏ” về truyền thông và giáo dục việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là một quần thể gắn bó với Bác Hồ trong suốt 15 năm sống và làm việc cuối đời của Người (1954 - 1969). Khu di tích là loại hình bảo tàng sinh hoạt đời sống của danh nhân. Vì vậy, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích có tính đặc thù khác với các bảo tàng khác, công tác trưng bày, trải nghiệm cũng có những nét đặc thù riêng.

1. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có khuôn viên rộng 14.7 ha, gồm 03 khu vực: A, B và C. Khu A là nơi Bác Hồ ở và làm việc (hiện nay Khu di tích đang bảo quản và phát huy giá trị phục vụ khách tham quan); Khu B và C là nơi Bác Hồ đón tiếp khách và họp với Hội đồng Chính phủ (hiện nay là nơi làm việc của Chủ tịch nước và Chính phủ). Trong Khu di tích có các di tích bất động sản, tài liệu hiện vật gốc và môi trường cảnh quan di tích, cụ thể: 15 di tích bất động sản, 1.620 tài liệu hiện vật đang được trưng bày trên trên tổng số gần 4.000 tài liệu hiện vật vốn có, với các chất liệu gỗ, giấy, vải, đá, kim loại v.v..; Vườn cây có 1.271 cây, gồm 161 loài cây như cây trường xanh, cây xanh bốn mùa, vúsữa, xoài, nhãn, vãi, cam bưởi, mộc, nhài, dâm bụt v.v..; Ao cá có trữ lượng trên 3.000 kg cá các loại, thuộc 14 loài và 6 nhóm: Chép, trắm, trôi mè, rô phi v.v.. Đặc biệt có nhiều loài cây, loài cá được Bác Hồ trồng và chăm sóc như: cây vú sữa, bụt mọc, đa kiên trì, cá chép, cá trắm đen...

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng và Nhà nước quyết định bảo quản, giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch để mở cửa đón khách trong nước và quốc tế đến tham quan và học tập. Do đó, công tác bảo tồn ở Khu di tích được thực hiện trong điều kiện là một kho mở hoàn toàn, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn vừa làm công tác phát huy tác dụng phục vụ khách tham quan. Lượng khách vào thăm Khu di tích đông, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và nhiều đoàn khách cấp cao trên thế giới. Các tài liệu hiện vật ở đây luôn luôn phải chịu áp lực trực tiếp của môi trường khí hậu tự nhiên và ảnh hưởng gián tiếp của tác nhân con người, trong khi đó việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào công tác bảo quản di tích còn hạn chế.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng là công tác bảo quản giữ gìn các di tích, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan di tích như khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc. Trong mọi điều kiện, Khu di tích luôn luôn thực hiện một cách tốt nhất nhiệm vụ gìn giữ, bảo quản nguyên trạng các Di tích, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan Di tích. Công tác này được Khu di tích chú trọng, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng duy trì tốt công tác bảo quản thông thường, kết hợp bảo quản thông thường với bảo quản khoa học, từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào công tác bảo quản di tích. Kết hợp bảo quản thường xuyên định kỳ với tu bổ chống xuống cấp di tích, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành để thực hiện công tác bảo quản, tu bổ tôn tạo, chống xuống cấp di tích, do đó vẫn gìn giữ nguyên trạng Khu di tích.

Nhằm đẩy mạnh công tác sưu tầm tư liệu hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt trong khoảng thời gian 15 năm Bác sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, Khu di tích đã thực hiện nhiều chuyến sưu tầm trong nước và nước ngoài. Qua đó, đã sưu tầm được hàng trăm trang tư liệu, tài liệu, sách, báo, phim, tranh, ảnh, đồng hồ, đài bán dẫn, máy chữ v.v.. là hiện vật gốc, hiện vật đồng thời, nhằm phát huy hiệu quả công tác trưng bày tại các nhà di tích. Đồng thời đẩy mạnh công tác sưu tầm hiện vật đồ giấy, đồ vải, đồ gỗ, đồ mây (bàn ghế, quần áo, bản đồ, sách, báo, tạp chí...) phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, trải nghiệm tại Khu di tích, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc trong nước và ngoài nước nghiên cứu, tìm hiểu và học tập về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng Khu di tích là Di tích quốc gia đặc biệt. Có thể khẳng định rằng, trong hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có ưu thế là di tích nguyên gốc duy nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, minh chứng sống động cho tư tưởng, tấm gương đạo đức của vị lãnh tụ vĩ đại cả một đời vì nước, vì dân, vì nhân loại tiến bộ trên thế giới. Đây là một trong những “kênh” tạo nên “sức mạnh mềm” góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bè bạn quốc tế thông qua tuyên truyền tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời Khu di tích còn trở thành nhịp cầu hữu nghị, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển.

2. Công tác trưng bày và trải nghiệm tại Khu di tích

Từ vai trò, vị thế của một Di tích quốc gia đặc biệt, Khu di tích rất coi trọng công tác nghiên cứu khôi phục mở cửa trưng bày các di tích và bổ sung trưng bày cho các nhà di tích đã mở cửa trưng bày, phát huy tác dụng. Để làm tốt công tác này, Khu di tích đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về Bác và về Khu di tích, thường xuyên nghiên cứu, chỉnh lý nội dung trưng bày, trưng bày bổ sung và nghiên cứu mở cửa thêm một số di tích phục vụ khách tham quan và học tập như: Di tích Nhà 54; Di tích Nhà 67; Phòng trưng bày xe ô tô di tích, Di tích Phòng họp Bộ Chính trị, Di tích Bếp A, Di tích Nhà y khoa, Bức tượng Bác ngồi làm việc tại Giàn hoa Phủ Chủ tịch...

Để phát huy ưu thế của Khu di tích, công tác trưng bày và trải nghiệm được Khu di tích đặc biệt quan tâm. Trong hơn 50 năm qua, nhất là những năm gần đây, Khu di tích đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, trải nghiệm phục vụ các đối tượng khách tham quan, chú trọng đổi mới từ khâu tổ chức đón tiếp, nội dung thuyết minh đến việc đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục, trải nghiệm, bao gồm:

Thứ nhất: giới thiệu trực tiếp cho khách tham quan học tập tại Khu di tích, Tổ chức tốt việc đón tiếp các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách cấp cao quốc tế và đồng bào trong nước và nước ngoài đến tham quan Khu di tích. Đây là một hình thức chính, chủ đạo và hiệu quả nhất trong tất cả các hình thức mà Khu di tích đang thực hiện.

Thứ hai: tổ chức sinh hoạt chính trị như lễ báo công, kết nạp đảng viên, Đoàn, Đội, tổ chức lễ phát động, sơ kết, tổng kết cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Khu di tích. Khu di tích đã chủ động phối hợp triển khai thực hiện nhiều hình thức hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị cho các Chi bộ, Đảng bộ, các cơ sở Đoàn, cơ quan, đơn vị, học viện, trường học v.v.. tại Khu di tích. Tổ chức các Hội thi “Hướng dẫn viên du lịch tại Khu di tích Phủ Chủ tịch”, “Kể chuyện về Bác Hồ”. Tổ chức thi vẽ tranh về Nhà sàn Bác Hồ, vườn quả Bác Hồ...

Thứ ba: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài truyền hình, truyền thanh, báo chí bằng cách phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu, cầu truyền hình, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca nhạc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, thi vẽ tranh v.v.. Cung cấp tư liệu và phối hợp với các đài truyền hình trong nước và nước ngoài quay phim tại Khu di tích, nhằm tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích. Các chương trình thực sự gây ấn tượng lớn và có sức lan tỏa rộng rãi.

Thứ tư: Tổ chức nhiều triển lãm hình ảnh, tư liệu ở cả trong nước và nước ngoài như Liên bang Nga; Cộng hòa Pháp... Tặng những ấn phẩm tiếng Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc... do Khu di tích xuất bản cho các đoàn chính khách quốc tế cũng như gửi sang các học viện, nhà trường, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài... phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền đối ngoại...

Thứ năm: Cử cán bộ tới các địa phương, các tổ chức đoàn thể quần chúng, cơ quan, đơn vị, Học viện, trường hoc... nói chuyện, kể chuyện về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi năm từ 30 đến 35 buổi. Ngoài ra Khu di tích cũng bố trí các đoàn công tác, đi sưu tầm tài liệu hiện vật, đi tổ chức triển lãm tại nước ngoài kết hợp nói chuyện, kể chuyện về thân thế sự nghiệp của Bác, học tập tấm gương đạo đức của Bác. Thông qua hình thức này, bà con kiều bào ở nước ngoài thêm hiểu, thêm tin yêu, kính phục về Bác của chúng ta.

Thứ sáu: Tổ chức và phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc Hội thảo khoa học, Tọa đàm khoa học và Xê-mi-na khoa học. Xuất bản hàng trăm đầu sách có nội dung thiết thực về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Khu di tích của Người và phục vụ cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Khu di tích cũng đã thành lập trang tin điện tử và xuất bản Đặc san thông tin tư liệu (hai kỳ/năm) phục vụ bạn đọc nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thứ bảy: Hàng năm, Khu di tích còn tổ chức cho kiều bào ta ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước báo công, tham quan, học tập về Bác, cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước thả cá, trồng cây lưu niệm tại Khu di tích vào dịp 23 tháng chạp âm lịch, trước khi được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đón tết cổ truyền của dân tộc. Tổ chức hội trại hè cho học sinh, sinh viên là con cán bộ làm công tác ngoại giao, sinh sống ở nước ngoài, trong đó có nhiều cháu không nói được tiếng Việt. Tổ chức lễ báo công dâng Bác cho các đoàn học sinh giỏi đạt giải Olympic quốc tế.

Thứ tám: Hình thức trải nghiệm chiếu phim phục vụ khách tham quan như bộ phim tư liệu “Những giây phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Ngoại giao Hồ Chí Minh“ (được chuyển ngữ 10 thứ tiếng Anh, Pháp, Trung, Nga, Tây Ban Nha, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức), giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước và con người Việt Nam. Qua đó, họ đã bày tỏ những tình cảm, sự yêu mến kính trọng và khâm phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như cảm nhận được bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, trải nghiệm trên, hàng năm Khu di tích đã phục vụ, đón tiếp trên 02 triệu lượt khách tham quan và học tập, trong đó có hơn 1,9 triệu lượt khách trong nước và gần 500 nghìn lượt khách quốc tế và hơn 70 đoàn nguyên thủ, cấp cao trong nước và nước ngoài. Tổng số khách được nghe thuyết minh là trên 03 nghìn đoàn với hơn 91 nghìn lượt người, trong đó có 980 đoàn với gần 8 nghìn lượt người thăm di tích H67. Tổ chức sinh hoạt chính trị cho trên 700 đoàn với hơn 45 nghìn lượt người... Qua đó góp phần tuyên truyền về Bác, tạo sức lan tỏa rộng rãi, khẳng định tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ không chỉ có giá trị với nhân dân Việt Nam, mà cả với những người yêu chuộng hoà bình, tự do trên toàn thế giới. Tổng thống Panama Ricardo Martinelli thăm Khu di tích ngày 25/11/2012 lưu bút: “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được biết về cuộc sống và đấu tranh của một trong những vĩ nhân của nhân loại, mà tất cả mọi người có nhiều điều để học hỏi và noi theo. Nhân dân Việt Nam và những người dân cao quý muôn năm, đây là tình cảm mong muốn của Tổng thống và người dân Panama”. Nhà báo Ca-na- đa Wang-Christian viết: “Con người ta khi đạt đến đỉnh cao của vinh quang thường hay bị bả vinh hoa quyến rũ. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không như thế. Người đã vượt lên trên tất cả, Người đã chiến thắng chính bản thân mình để trở thành con người hoàn thiện; ngôi nhà Sàn này là hiện thân của tinh thần đó”. Nhân chuyến công tác tại Việt Nam ngày 8-3-2016, Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa A-déc-bai-gian Fi-cờ-rát Mam-ma-đốp sau khi thăm Khu di tích đã viết: “Mãi mãi tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người con dân tộc Việt Nam Anh hùng”.

Sau hơn 50 năm bảo tồn, phát huy giá trị, chúng tôi thấy cần phải nhìn lại từ nhận thức và cả thực tiễn về những vấn đề mà Khu di tích đang cần phải quan tâm giải quyết đó là: cơ sở hạ tầng chật hẹp, hành trình tham quan dài lại ở ngoài trời, những tác động, ảnh hưởng của khách tham quan, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn và môi trường cho Khu di tích cũng như khách tham quan và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ là hết sức khó khăn, phức tạp. Trong khi đó, phải đảm bảo nguyên tắc bảo tồn tính nguyên trạng, nguyên gốc của Khu di tích. Về góc độ không gian quản lý, bảo tồn ở đây không chỉ là phạm vi của Khu di tích mà hiện đang là nơi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, các đoàn khách cao cấp của Đảng, Nhà nước, nơi làm việc của Chủ tịch nước và Chính phủ. Phải tính đến cả yếu tố liên kết giáo dục, trải nghiệm và phát triển du lịch tại Trung tâm chính trị - Văn hóa Ba Đình, Thủ đô Hà Nội và của cả nước.

Cũng giống như hầu hết các bảo tàng, di tích ở Việt Nam hiện nay, tại các nhà di tích trong Khu di tích chỉ trưng bày các tài liệu hiện vật mà thiếu đi sự tương tác. Trong khi đó, việc phải tôn trọng, tuân thủ nguyên tắc bảo tồn tính nguyên trạng, nguyên gốc của di tích khiến Khu di tích không được phép hoặc khó khăn trong trang bị những hệ thống cho phép người dùng tương tác và tìm hiểu thông tin một cách trực tiếp. Chưa kể, nếu có được phép trang bị những hệ thống này thì chi phí để nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài sẽ rất cao.

Một bất cập nữa là về nguồn nhân lực, hiện tại Khu di tích cần phải quan tâm đến nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Lực lượng cán bộ chuyên môn, chuyên ngành, chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích hiện nay chỉ mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan. Trong khi công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích mang ý nghĩa chính trị to lớn, vừa bảo tồn, vừa phát huy, phát triển. Hơn nữa, nói về nguồn nhân lực không phải chỉ là những cán bộ chuyên môn sâu, chuyên ngành mà cả những người phục vụ, những người lao động trong cơ quan làm công việc bảo quản, giữ gìn, tu bổ, tôn tạo, phục chế tài liệu hiện vật di tích, đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo cảnh quan, môi trường phục vụ khách tham quan cũng đang cần được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về một cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Khu di tích.

Những thành tích kể trên chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và ưu thế của Khu di tích. Chúng tôi cho rằng, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hơn nữa, kết nối với các đơn vị lữ hành và có một lộ trình hợp tác cụ thể để đưa di tích trở thành một sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách tham quan. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

Một là: Nâng cao hơn nữa công tác bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan di tích trên cơ sở đảm bảo tính nguyên trạng, nguyên gốc của di tích nhằm thu hút khách tham quan.

Hai là: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, phục vụ khách tham quan Khu di tích, phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di sản văn hóa Hồ Chí Minh với công chúng.

Ba là: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, trải nghiệm. Hoàn thiện chiến lược truyền thông và tăng cường, triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các hoạt động của Khu di tích tới công chúng. Đa dạng, phong phú hơn các hình thức tuyên truyền, giáo dục và trải nghiệm thông qua ấn phẩm quảng cáo, tờ giới thiệu, sách hướng dẫn, website, mạng Internet, các cuộc triển lãm, các cuộc thi kể chuyện về Bác, thi hướng dẫn viên du lịch giỏi tại Khu di tích.v.v...

Bốn là: Mở rộng mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy di sản để tranh thủ sự giúp đỡ tích cực và hiệu quả về vật chất và tinh thần của các nước trên thế giới và khu vực về lĩnh vực di sản, nhằm thúc đẩy quá trình bảo tồn, phát triển và hội nhập quốc tế.

Năm là: Áp dụng những thành tựu khoa học và kỹ thuật công nghệ mới nhất vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, ứng dụng tin học phục vụ việc xây dựng, quản lý khai thác hệ thống dữ liệu hiện vật, ứng dụng hóa chất hợp lý vào việc bảo quản di tích, sử dụng vật liệu phù hợp cho việc tu bổ di tích; ứng dụng công nghệ trong phục vụ công tác bảo quản, trưng bày, thuyết minh, trải nghiệm tại Khu di tich...

Sáu là: Nâng cao chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên Khu di tich cả về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, cách giao tiếp ứng xử với khách. Tổ chức việc đón tiếp, giới thiệu bằng nhiều hình thức: giới thiệu trực tiếp, trải nghiệm cho khách tham quan, tổ chức sinh hoạt chinh trị, học tập và làm theo Bác tại Khu di tich và đi nói chuyện tại các cơ quan đơn vị trường học...

Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt to lớn, Khu di tich Chủ tịch Hồ Chi Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi hội tụ những giá trị nhân văn cao cả, phản ánh tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chi Minh. Đúng như Tổng Bi thư Nguyễn Phú Trọng đã nói khi vào thăm Khu di tich: Khu di tích, là một địa chỉ hết sức thiêng liêng, là nơi mọi người dân trong nước và bạn bè quốc tế đến để tưởng nhớ Bác, hiểu biết về công lao to lớn của Bác và đặc biệt là nơi học tập, làm theo tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đây, mỗi người đều lắng đọng, suy ngẫm về bản thân để tu dưỡng, rèn luyện và làm việc xứng đáng với Bác; giữ tình cảm trọn vẹn với Bác; không chỉ tiếp tục nỗ lực hết mình trong việc giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn các kỷ vật gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ cho các thế hệ mai sau mà còn phải truyền đạt cho được tâm hồn, cốt cách, cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với du khách trong nước và quốc tế đến đây ngày càng tăng.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)