slider
Phát triển kinh tế số

Nguyễn Ái Quốc trên đất nước Liên Xô  (1934 - 1938)

05 Tháng 07 Năm 2024 / 1989 lượt xem

Hồ Thị Quỳnh Trang

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Mùa xuân năm 1934, một chiếc tàu buôn Liên Xô cập bến Thượng Hải để sửa chữa. Thuyền trưởng được thông báo là phải đón một vị khách đặc biệt sẽ lên tàu, đó là Nguyễn Ái Quốc. Sau 2 năm bị giam trong nhà tù Hồng Kông và cải trang sống ẩn dật, tháng 6/1934, Nguyễn Ái Quốc đã quay trở lại Liên Xô tại bến cảng Vlađivostok.

Khi đến Mátxcơva, Người được Quốc tế cộng sản gửi thư cho Ủy ban tư vấn nghiên cứu sinh trường Quốc tế Lênin giới thiệu vào học tại trường. Đây là trường dành cho việc đào tạo những người cộng sản nước ngoài tại Liên Xô. Chương trình học tập gồm đầy đủ các bộ môn lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó có những vấn đề về dân tộc thuộc địa, công tác xây dựng Đảng cộng sản, công tác mặt trận và hoạt động bí mật. Trường vốn là biệt thự của một công tước Nga, được xây dựng từ thế kỷ XIX ở số 25 phố Voroskovo. Ở trường Người lấy tên là Linop. Trong khi chờ đợi hoàn thành thủ tục nhập học, Nguyễn Ái Quốc được Ban Phương Đông Quốc tế cộng sản gửi đi điều dưỡng tại Crimea để điều trị bệnh phổi tái phát khi ở trong nhà tù Hồng Kông.

Ngày 2/10/1934, Nguyễn Ái Quốc chính thức được nhận vào học trường Quốc tế Lênin theo quyết định số 45 với bí danh Lin, số hiệu 375, khóa học 1934-1935. Thời gian đầu, Lin sinh hoạt trong nhóm tiếng Trung Quốc, nhưng sau thấy không thích hợp nên Người chuyển sang sinh hoạt ở những nhóm tiếng Pháp, nhưng Người thường gặp gỡ nhóm sinh viên Việt Nam đang học cùng trường để giúp đỡ anh em trong việc học tập lý luận. Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn học tại trường thời gian đó kể: “Bác liên hệ với nhóm Việt Nam rất chặt chẽ. Thường thường buổi tối, Bác đến nói chuyện về kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, nhất là Bác chú ý bồi dưỡng cho anh em về đạo đức cách mạng và đặc biệt là tinh thần đoàn kết”(1).

Tháng 1/1935, Lin viết thư bằng tiếng Pháp gửi Ban Phương Đông Quốc tế cộng sản nêu tình trạng thiếu lý luận cách mạng của đại đa số cán bộ Đảng cộng sản ở Đông Dương, Trung Quốc, Thái Lan, Inđônesia và những sai lầm bế tắc của họ do trình độ lý luận và chính trị rất thấp gây nên. Người yêu cầu Ban Phương Đông: “Phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khăn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thu được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có”(2). Đồng thời, Người nêu tên 30 loại sách, tài liệu cần xuất bản viết về các vấn đề: Tuyên ngôn cộng sản, Đảng cộng sản và tổ chức của Đảng, Lịch sử Quốc tế cộng sản, Luận cương và nghị quyết về vấn đề thuộc địa của Quốc tế cộng sản… Từ năm 1935, Ban lãnh đạo Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (Viện dân tộc và thuộc địa) đã đề nghị Lin giảng lịch sử Đảng và những nguyên lý của công tác tổ chức đảng cho nhóm học sinh Việt Nam. Thời gian đó, tất cả các cơ quan của Quốc tế cộng sản đang chuẩn bị cho Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII (Đại hội VII). Các đoàn đại biểu chính thức của các đảng cộng sản anh em bắt đầu sang Liên Xô. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương có các đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nõn, Nguyễn Thị Minh Khai cũng sang Mátxcơva từ cuối năm 1934 và đang viết báo cáo để trình bày trước Đại hội VII.

Tháng 3/1935, Ban chỉ huy ở ngoài và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư tới Quốc tế cộng sản để chỉ định đồng chí Lin là đại diện của Đảng ở Quốc tế cộng sản và được cử đi dự Đại hội VII. Tuy nhiên, lúc này có ý kiến nghi ngờ về việc Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù Hồng Kông để đến được Liên Xô? Vấn đề này được đề cập trong thư của Trưởng phòng Đông Dương Vera Vasilieva gửi Ban Phương Đông Quốc tế cộng sản, trình bày về sự việc Nguyễn Ái Quốc đã thoát khỏi nhà tù Hồng Kông của chính quyền Anh, dưới sự theo dõi sát sao của cảnh sát Pháp và việc tại sao Nguyễn Ái Quốc không được đi thực tế và tham gia vào công tác. Bức thư có đoạn: “Tháng 6/1934, Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva. Đồng chí nói rằng chuyến đi này được tiến hành nhờ sự giúp đỡ của Vallant Courturier trong thời gian ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng tất cả những việc này cần phải được kiểm chứng một cách thận trọng. Khi đồng chí đến đây, chúng tôi đã chuyển đồng chí tới Trường Lênin tại Mátxcơva, nơi đồng chí đang nghiên cứu... Nhiều lần đồng chí đề xuất với tôi xem xét vấn đề và thảo luận việc thành lập mối liên lạc giữa các Đảng. Đồng chí kiên trì theo dõi những chuyến đi của học viên, họ đi đâu và với nhiệm vụ gì và rất đau khổ vì tại sao đồng chí không được tham gia vào việc này hay việc khác của công tác bí mật”(3).

Tháng 7/1935, Lin tham dự Đại hội VII với tư cách là đại biểu của Ban Phương Đông Quốc tế cộng sản. Người đã tích cực tham gia mọi công việc của Đại hội và đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ ở Đại hội của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương.

Người chỉ được tham gia Đại hội với tư cách là đại biểu tư vấn và được cấp thẻ mang số đăng ký số 154. Trong thời gian diễn ra Đại hội, Lin được trường Quốc tế Lênin cho nghỉ học 1 tháng để dịch sang tiếng Việt và in ấn những văn kiện của Đại hội.

Đại hội VII có sự tham dự của 513 đại biểu (371 có quyền biểu quyết) của 65 đảng, đại diện cho 3,141 triệu đảng viên, trong đó có 785 nghìn đảng viên ở các nước tư bản chủ nghĩa. Trong Đại hội, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương trình bày 3 tham luận.

Tại phiên họp thứ 9 của Đại hội ngày 28/7/1935, đồng chí Lê Hồng Phong (bí danh Hải An) đọc bản tham luận quan trọng nói về phong trào cách mạng Đông Dương thời kỳ 1930-1935, nêu các bài học kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, ưu điểm và khuyết điểm của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đồng chí bày tỏ sự lạc quan về tiền đồ của cách mạng Đông Dương. Tại phiên họp thứ 31 ngày 11/8/1935, đồng chí Hoàng Văn Nõn (bí danh Văn Tân) đọc tham luận, khẳng định những đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số ở Đông Dương. Đồng chí nêu vấn đề thực hiện mặt trận thống nhất của giai cấp công nhân cần đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và nêu vấn đề thành lập Mặt trận nhân dân thống nhất phản đế Đông Dương. Tại phiên họp thứ 40, ngày 16/8/1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (bí danh Phan Lan) đọc bản tham luận khẳng định vai trò và thành tích của phụ nữ Đông Dương. Đồng chí còn đề cập đến những âm mưu chiến tranh của Pháp, vấn đề lập Mặt trận nhân dân chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình(4). Các bản tham luận của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương là cơ sơ để Quốc tế cộng sản hiểu rõ tình hình và đề ra phương hướng giúp đỡ cách mạng Đông Dương.

Sau Đại hội VII, Lin tiếp tục công việc tại  trường Quốc tế Lênin, phụ giảng bộ môn về Đông Dương tại Trường phương Đông và giúp đỡ đồng chí V. Vasilieva  trong công việc quản lý bộ phận Đông Dương của Ban Phương Đông Quốc tế cộng sản.

Người vẫn tận tình giúp đỡ các thành viên trong đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội VII, cũng như tổ chức chu đáo cho chuyến trở về Tổ quốc của các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Tú Hưu qua đường Pháp - Hồng Kông - Việt Nam. Người dặn kỹ kinh nghiệm, mật hiệu liên lạc khi đến Hồng Kông, phổ biến tinh thần và Nghị quyết mới của Quốc tế cộng sản về chống nguy cơ chiến tranh phát xít, chiến tranh xâm lược, đặc biệt là phải hình thành một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống đế quốc, đòi dân chủ, cơm áo, hòa bình cho phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Đông Dương. Cũng thời gian này, Lin đã viết Bức thư ngỏ gửi Mặt trận Bình dân Pháp bằng chữ quốc ngữ, đòi thực thi những quyền cơ bản về tự do dân chủ (gồm 6 điều và quyền tự do tồn tại cho Đảng Cộng sản Đông Dương). Mặc dù tài liệu này không đề tên tác giả, nhưng hồ sơ lưu trữ của mật thám Pháp cho biết rõ bức thư này do chính Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Kết thúc khóa học ở trường Quốc tế Lênin, Lin đã đề nghị Quốc tế cộng sản cho trở về Việt Nam hoạt động. Trong một lần trả lời phỏng vấn của một nhà văn Liên Xô Erenburg, Người cũng nói mong ước lớn nhất lúc đó là sớm được trở về Tổ quốc.

Đầu năm 1936, một Ban thẩm tra của Quốc tế cộng sản được thành lập để xem xét sự việc của Nguyễn Ái Quốc (Lin). Sau khi tìm hiểu, gặp nhân chứng Vallant Courturier đã giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc trở về Liên Xô, cũng như đối chiếu các thông tin, sự kiện, cuối cùng, Ban thẩm tra đã kết luận vụ việc của Nguyễn Ái Quốc không có vấn đề gì, hồ sơ thẩm tra bị hủy bỏ. Mùa hè năm 1936, Nguyễn Ái Quốc lại tích cực chuẩn bị kế hoạch xin về nước. Người dự định sang Đức rồi đi Pháp và từ đó đi tàu về Đông Dương... Nếu gặp khó khăn thì đến Thượng Hải, nơi Quốc tế cộng sản đã lập lại các cơ sở liên lạc của mình, rồi sẽ tìm đường về Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc được Vụ Tổ chức cán bộ của Quốc tế cộng sản mời đến làm tờ khai lý lịch, hộ chiếu, giấy đi đường...

Nhưng chuyến đi này phải dừng lại vì tình hình thế giới có những biến động, thay đổi.

Trong khi chờ đợi một dịp khác thuận lợi để về nước, Lin chuyển hẳn sang công tác tại Viện dân tộc và thuộc địa có trụ sở tại nhà số 25, đại lộ Tveskoi, Mátxcơva. Cuối năm 1936, Lin vừa là nghiên cứu sinh, vừa là giáo viên của Phòng Đông Dương và cũng chuyển đến chỗ ở mới, địa chỉ phố Bansaia Bronnaia, nhà số 6A, phòng 417. Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn kể: “Thường ở trường anh em học môn gì, sau lớp, Bác vẫn kiểm soát lại. Một là để xem anh em có hiểu mục đích, yêu cầu của môn đó không; hai là để xem học có thiết thực không, có dính liền với thực tế, với đấu tranh cách mạng không; ba là những danh từ trong bài có đúng không, anh em có hiểu nghĩa không. Có điều là Bác làm một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không phải quy định giờ để kiểm soát mà là hỏi han trong khi nói chuyện, thành ra không có không khí gò bó, khiến anh em phải lo phải trả bài cho Bác.

Thỉnh thoảng ngày chủ nhật, trong nhóm tổ chức nấu cơm Việt Nam, có nơi các đồng chí phụ trách trường đến ăn, Bác cũng xuống bếp thổi nấu, dọn dẹp”(5). Tháng 1/1937, Lin là một trong 21 người được tuyển chọn vào lớp nghiên cứu sinh do Viện dân tộc và thuộc địa mở cho một số cán bộ, giảng viên, phiên dịch viên của Viện, nhằm đào tạo các giảng viên có trình độ cao cho các khoa kinh tế, lịch sử... Lin đã lập Kế hoạch cá nhân làm nghiên cứu sinh trong biên chế Viện dân tộc và thuộc địa (thuộc Ban Phương Đông Quốc tế cộng sản) với một số chỉ tiêu về ngôn ngữ, lịch sử, triết học và thời gian hoàn thành công trình nghiên cứu từ ngày 01/1/1937 đến ngày 31/12/1937.

Mùa hè năm 1937, Lin là một trong hai nghiên cứu sinh không đăng ký đi nghỉ hè một tháng theo kế hoạch của Viện dân tộc và thuộc địa dành cho các nghiên cứu sinh. Sau đó, Lin dự kỳ thi học kỳ I năm học 1937-1938 của lớp nghiên cứu sinh Viện dân tộc và thuộc địa. Các môn duy vật biện chứng, lịch sử cổ đại và lịch sử trung đại đạt trung bình, môn lịch sử hiện đại đạt điểm xuất sắc. Khoảng cuối năm, được sự giúp đỡ của các giáo sư, Lin chuẩn bị tư liệu để bắt đầu viết bản luận án với đề tài do Người tự chọn: Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á.

Tháng 2/1938, Lin và Minin (bí danh của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn) được Phòng cán bộ Quốc tế cộng sản đề nghị cho về làm việc ở Đông Dương, nếu không về được Đông Dương thì giải quyết về Trung Quốc để tham gia cuộc đấu tranh chống phát xít. Tháng 6/1938, Lin viết thư (bằng tiếng Pháp) gửi một đồng chí ở Quốc tế cộng sản như sau: “Đồng chí thân mến, hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này. Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc là giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”(6). Ngày 8/6/1938, Phòng tổ chức cán bộ của Quốc tế cộng sản gửi báo cáo cho Tổng bí thư Quốc tế cộng sản Dimiterop đề nghị giải quyết dứt điểm cho Lin về nước.

Ngày 19/8/1938, Lin được Quốc tế cộng sản bố trí lộ trình về nước theo công văn số 4/797 gửi Cục trưởng Cục bảo vệ biên giới và bảo vệ nội bộ với nội dung: “Đề nghị giải quyết cho đồng chí Lin (Đông Dương) (Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ) đến Trung Quốc qua Urumsi”(7). Kèm theo công văn là bản tóm tắt tiểu sử Nguyễn Ái Quốc. Ngày 30/9/1938, Phòng cán bộ của Viện dân tộc và thuộc địa đã ra Quyết định số 60 (mật) với nội dung: “Sinh viên mang số hiệu 19 (Lin) từ ngày 29/9/1938 đã rời khỏi biên chế của Viện (về nước)”(8). Tháng 10/1938, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu ra ga xe lửa Iarolapxki rời Maxcơva, Liên Xô để lên đường về tới biên giới Trung Quốc… Trong 30 năm hoạt động ở nước ngoài, 5 năm 1934 -1938 là một khoảng lặng không yên tĩnh trong cuộc đời cách mạng sôi nổi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh như Người đã từng viết thư cho một người bạn ở Quốc tế cộng sản. Nhưng chính những sự kiện xảy ra trong thời gian này càng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một lãnh tụ kiệt xuất của Đảng ta, một chiến sĩ tiêu biểu của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc với ý chí kiên định, bản lĩnh chính trị đúng đắn, tư tưởng vững vàng, vẫn hết lòng vì sự nghiệp cách mạng chung trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp.

Những năm tháng đặc biệt này cũng giúp Người có thêm kinh nghiệm ứng xử với nghịch cảnh khách quan trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau này.

Chú thích:

1. Bác Hồ (hồi ký), Nxb. Văn hóa dân tộc 2000, tr.165.

2. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, t.2, tr.53.

3. Hồ Chí Minh: Biên niên sự kiện, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, t.2, tr.55.

4. Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2008. t.2, tr.403-407.

5. Bác Hồ (hồi ký), Nxb. Văn hóa dân tộc, 2000, tr.169-170.

6. Hồ Chí Minh: Biên niên sự kiện, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, t.2, tr.70.

7. Hồ Chí Minh: Biên niên sự kiện, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, t.2, tr.72.

8. Hồ Chí Minh: Biên niên sự kiện, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, t.2, tr.73.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)