slider

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ VẤN ĐỀ NÂNG CAO TRI THỨC CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

02 Tháng 11 Năm 2011 / 7645 lượt xem
Bùi Kim Hồng
Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hoá kiệt xuất đã từng nói: tri thức không chỉ là nguồn ánh sáng nội lực mà còn là sức mạnh để mỗi cán bộ, đảng viên tổ chức, lãnh đạo quần chúng thực hiện những mục tiêu của cách mạng. Vì lẽ đó, để có thể gương mẫu, lôi cuốn quần chúng, mỗi cán bộ đảng viên của Đảng không chỉ cần có phẩm chất chính trị vững vàng, tư­ cách đạo đức trong sáng, mà còn phải luôn phấn đấu vươn lên để làm giàu vốn tri thức của chính bản thân mình bằng cách không ngừng học tập.
Nhận biết được tầm quan trọng của vấn đề cán bộ và năng lực lãnh đạo của người cán bộ đối với sự phát triển của phong trào cách mạng, từ cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ của mình, từ thực tế công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ, đảng viên của Đảng qua mỗi giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra yêu cầu: Cán bộ phải là những người vừa hồng vừa chuyên. Song thực tiễn cho thấy, để người cán bộ đảng viên có đức vẹn tài, có vốn tri thức, có một năng lực trí tuệ nhất định, thì không thể không khổ công học tập, trau dồi kiến thức.
Dành trọn tuổi thanh niên của mình cho những năm tháng bôn ba tìm con đường cứu nước, khi tìm thấy “cẩm nang thần kỳ của Lênin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định trở về Tổ quốc, vạch ra con đường giải phóng đất nước và nhân dân khỏi kiếp nô lệ lầm than. Tuy nhiên, chính sách cai trị hà khắc, phương pháp cai trị “làm cho dân ngu để dễ trị” của thực dân Pháp đã làm cho đại đa số nhân dân ta mù chữ. Vì vậy, điều kiện xuất thân của phần lớn đội ngũ cán bộ, đảng viên thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền dường như chư­a hoặc ít có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Mặc dù rất trung thành và nhiệt tình, dũng cảm và sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, như­ng “lý luận còn thiếu, kinh nghiệm còn ít”. Vì vậy, khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, mở ra một thời kỳ lịch sử mới với những nhiệm vụ mới hết sức nặng nề, bên cạnh việc chăm lo rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm sâu sát đến vấn đề nâng cao trình độ năng lực cho mỗi cán bộ, đảng viên. Từ tình hình thực tiễn sau khi nước nhà được độc lập, cách mạng yêu cầu: cán bộ đảng viên là người không chỉ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, mà còn phải là người lãnh đạo quần chúng thực hiện thắng lợi đường lối chủ trương của Đảng. Vì họ “1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng...2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng...3. Phải tổ chức sự kiểm soát...”(1), nên hơn lúc nào hết, điều kiện mới với những nhiệm vụ mới đòi hỏi người cán bộ đảng viên phải có năng lực lãnh đạo (bao gồm cả năng lực trí tuệ và khả năng tổ chức thực hiện). Yêu cầu này đã trở thành tiêu chuẩn, th­ước đo góp phần quan trọng vào vào việc đánh giá hiệu quả công việc của ngư­ời cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, muốn có đ­ược năng lực đó, dù đảm nhiệm cương vị công tác nào ng­ười cán bộ đảng viên cũng phải chịu khó học tập, rèn luyện, vì “cách mạng cũng là một nghề, làm nghề gì cũng phải học. Vậy làm cách mạng cũng phải học”(2).
Trở thành người đứng đầu nhà nước kiểu mới, nhà nước của dân do dân vì dân, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng chăm lo xây dựng Đảng, chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng vừa hồng vừa chuyên vẫn là ưu tiên đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay trong năm đầu kháng chiến 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến cách học của mỗi cán bộ đảng viên: đó là Huấn luyện lý luận, Huấn luyện chính trị, Huấn luyện văn hoá và Huấn luyện nghề nghiệp. Việc này được thực hiện “trước hết là trong những cán bộ cốt cán của Đảng”. Cũng theo Người, cách học (huấn luyện) không phải theo lối áp đặt, nhồi sọ, bởi rằng: học và hiểu chủ nghĩa Mác Lê nin mà sống không có tình nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác Lênin được. Hơn nữa, với mỗi người cán bộ đảng viên, những người đại diện cho “trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc” thì học lý luận, học trong sách vở thôi chư­a đủ, còn phải học kinh nghiệm của nhân dân. Khi đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tháng 9/1949 (nay là Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), Người ghi câu mở đầu trong quyển sổ vàng là: “Học để làm việc, làm ng­ười, làm cán bộ”(3). Không chỉ có vậy, để xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân thì mỗi cán bộ dảng viên “không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn”(4), nên còn phải được huấn luyện về chính trị. Đó là việc “xem báo, thảo luận và giải thích những vấn đề quan trọng”, là “thảo luận những nghị quyết, những chương trình, những tuyên ngôn của Đảng và Chính phủ”(5) và học những bài học kinh nghiệm của Đảng đư­ợc tổng kết qua mỗi kỳ Đại hội, vừa học vừa hành, đem lý luận áp dụng vào thực tiễn, bổ sung những kết luận mới đư­ợc rút ra từ thực tiễn sinh động của quá trình lãnh đạo cách mạng.
Ở giai đoạn cách mạng tiếp theo, tuy có yêu cầu cụ thể về nhiệm vụ khác nhau, song “để thạo việc”, đủ năng lực lãnh đạo, có thể giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề do tình hình cách mạng trong nước và thế giới đặt ra, người cán bộ đảng viên không thể lãnh đạo chung chung đ­ược. Hồ Chí Minh từng yêu cầu: Cán bộ chính trị cũng phải giỏi chuyên môn, “không biết, chỉ nói chính trị suông, thì không thể lãnh đạo được”, vì vậy, họ phải có tri thức. Muốn đạt được điều đó, “tất cả cán bộ đảng viên của Đảng phải vì Đảng vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui”(6) và việc học này phải được “huấn luyện lâu dài”, không phải một sớm một chiều. Vừa nhấn mạnh yêu cầu Đảng phải có kế hoạch huấn luyện, tạo điều kiện để cán bộ đảng viên nâng cao trình độ về mọi mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời chỉ rõ việc phải chú trọng công tác huấn luyện cán bộ, lựa chọn cẩn thận người phụ trách công tác này. Từ việc chỉ rõ: “Những người lãnh đạo cần tham gia việc dạy” và “không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện”, đề cao việc được học tập và tinh thần tự giác học tập để nâng cao năng lực của mỗi cán bộ đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định”(7).
 Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa hơn 40 năm, nhưng lời Người ghi tại trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tháng 9/1949: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại vẫn còn đó. Giờ đây, đất nước ta đang từng ngày từng giờ đổi mới. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế n­ước nhà là mục tiêu mà Đảng, Nhà nư­ớc và nhân dân ta đang phấn đấu, để đưa nước ta đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp giàu mạnh. Muốn có khả năng tư duy độc lập, muốn có phư­ơng pháp làm việc khoa học, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở thành mực thư­ớc cho nhân dân thì mỗi người cán bộ đảng viên càng phải luôn luôn chịu khó học hỏi, không ngừng tiến bộ. Và muốn sáng tạo, tránh giáo điều, giảm bớt sai lầm, vấp váp thì mỗi cán bộ đảng viên của Đảng phải làm giàu vốn tri thức của bản thân, phải trở thành một người cộng sản có văn hoá. Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng“Cách mạng tiến lên mãi, Đảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi”(8), vì vậy cán bộ, đảng viên nhất thiết phải học và có học mới làm đư­ợc cán bộ tốt, cán bộ gương mẫu.
Tinh thần học tập và học tập không ngừng như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời sẽ giúp cho mỗi cán bộ đảng viên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng tự tin vào bản thân mình, đồng thời nâng cao hơn nữa quyết tâm phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Chỉ có học tập và kiên trì học tập, phấn đấu để trở thành người cộng sản có học thức mới biến quyết tâm đó trở thành những hành động thiết thực, để họ, những cán bộ, đảng viên của Đảng xứng đáng vừa là ngư­ời lãnh đạo, ngư­ời đầy tớ trung thành của nhân dân như­ mong muốn của Người. Thế kỷ XXI, khi nhân loại đang bước vào nền văn minh trí tuệ, văn minh của nền kinh tế tri thức, khi UNESCO để ra 4 trọng tâm về việc học: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống; Học để làm người thì lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về không ngừng học tập, nâng cao tri thức cách mạng càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Muốn có tầm nhìn xa, muốn xử lý đúng mọi tình thế, muốn tiến bộ thì mỗi cán bộ đảng viên nhất định phải tự hoàn thiện mình suốt đời và vấn đề này không chỉ là yêu cầu cấp bách của Đảng, của cách mạng mà còn là hành động thiết thực của mỗi người trong công cuộc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay và mãi mãi về sau./.
 
Chú thích:
(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1996, t5., tr.285
(2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.224
(3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.684
(4). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.285
(5). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.271
(6). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.231
(7). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.212
(8). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr.292

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)