slider

TẬP BẢN TIN NHANH HÀNG NGÀY HIỆN ĐANG TRƯNG BÀY TẠI NGÔI NHÀ BÁC CHỮA BỆNH VÀ QUA ĐỜI

24 Tháng 09 Năm 2013 / 2237 lượt xem
Vũ Thu Hằng
                                         Phòng ST-KK-TL
 
Đọc và nghe đọc sách, báo, bản tin...đối với Bác Hồ đã trở thành thông lệ và nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của Người. Những lúc Bác còn khoẻ hay những ngày cuối của đời mình khi Bác bị mệt thì Người vẫn dành một lượng thời gian thích hợp để nắm bắt, tổng hợp thông tin qua sách, báo, bản tin. Trước hết, Bác đọc báo, bản tin để nắm tình hình trong nước và thế giới, sau đó có sự chỉ đạo, động viên, khen thưởng, phê bình kịp thời đối với các ngành, các giới và các địa phương. Bên cạnh đó qua báo chí Người còn thu thập tư liệu để viết sách, viết báo hoặc đi nói chuyện. Hàng ngày cứ 5 giờ sáng đã có báo, bản tin từ các nơi chuyển đến. Các đồng chí giúp việc sắp xếp lại chuẩn bị đầu giờ Bác đọc hoặc đọc cho Bác. Trong số tài liệu phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Người đánh giá rất cao vai trò, tác dụng của thông tấn báo chí, đặc biệt là Việt Nam Thông Tấn Xã.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta không có hãng thông tấn tin tức, chủ yếu Văn phòng Bác lấy tin qua điện đài từ cơ quan ở Việt Bắc, do các hãng tin của Pháp và phương Tây phát ra. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Cơ quan thông tấn được hình thành. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh cho Hãng thông tấn nhà nước Việt Nam với tên gọi Việt Nam Thông tấn xã. Ngay sau ngày khởi nghĩa thành công ở Hà Nội (19-8-1945) Chính Phủ lâm thời nước Việt Nam mới đã lập ra Bộ tuyên truyền trong đó có Nha Thông tin Việt Nam (tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam) đã tiếp quản phòng thu tin ở số 6 Điện Biên Phủ thuộc Sở tuyên truyền báo chí Pháp và Đài phát sóng Bạch Mai
7 giờ 30 phút sáng ngày mồng một Tết năm Ất Mùi, tết đầu tiên ở Hà Nội, VNTTX được vinh dự nhận điện thoại chúc Tết của Bác Hồ. Bác chúc VNTTX “phát tin nhanh kịp thời, tin tốt, tin nhiều và đảm bảo sự thật”. Bác nhắc nhở: “Tin tức càng nhanh kháng chiến càng mau thắng lợi”. Sự quan tâm, chăm sóc của Bác, lời chúc Tết của Bác cùng là lời huấn thị về nghiệp vụ đối với VNTTX.
 Ngày 29-4-1968, Bác chỉ đạo cho VNTTX làm một số ảnh màu để tặng khách nước ngoài nhân dịp ngày quốc tế lao động 1-5-1968. Bác cùng gửi cho nhiếp ảnh VNTTX những quả táo ngon để thưởng tinh thần và cố gắng của anh chị em VNTTX. Bác đã duyệt trực tiếp nhiều tin, bài của VNTTX, căn dặn về nghề với các phóng viên tin, ảnh. Bác đã đọc những tin người tốt, việc tốt của VNTTX hàng ngày và thưởng huy hiệu cho một số cá nhân được biểu dương trên bản tin. Bác đã xem và thường xuyên nhận xét tin của VNTTX, cả tin phổ biến cũng như tin tham khảo, chỉ cho VNTTX những thiếu sót, kể cả lỗi dịch sai, phiên âm không chuẩn.
Trên bàn làm việc của Người ở ngôi nhà Người họp với Bộ Chính trị và cũng là nơi Người chữa bệnh và qua đời vẫn còn nguyên chồng bản tin Người đã được nghe các đồng chí phục vụ đọc. Đó là 7 tập bản tin do Việt Nam Thông Tấn Xã phát hành từ ngày 18-8-1969 đến ngày 24-8-1969. Những ngày cuối cùng tuy sức khoẻ đã yếu nhưng Bác vẫn theo dõi đều đặn tin tức, báo chí thường xuyên, cho ý kiến những bài, tin mà Bác nghe đọc. Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn nữa nhưng những di vật thiêng liêng mà Người để lại cho chúng ta còn có nhiều tài liệu, sách, báo có bút tích của Người.
Theo đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại, hàng ngày cứ sau giờ làm việc Bác sắp xếp thời gian đọc bản tin vào 9 hoặc 10 giờ đêm. Về sau, để bảo vệ đôi mắt cho Bác, cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch đã cử ông Tạ Quang Chiến đọc giúp Bác các tin tức, báo chí. Ông Chiến là người trực tiếp bảo vệ Bác hồi ở chiến khu Việt Bắc. Năm 1956 ông Cù Văn Chước được điều từ thanh niên xung phong về CQ 41 (viết tắt của cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch). Lúc đầu ông làm Phó phòng văn thư, sau đó là Trưởng phòng và là người trực tiếp soạn tin, đọc tin, báo cho Bác từ năm 1962 cho đến những ngày trước lúc Bác đi xa trong đó có các bản tin tham khảo đặc biệt này. Những lúc ông đi vắng thì cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch lại cử ông Lê Hữu Lập hoặc ông Trần Văn Vượng cũng là cán bộ của Văn phòng Phủ Chủ tịch đọc tin, báo cho Bác. Theo ông Cù Văn Chước, ông đọc tin, báo cho Bác từ năm 1962, nhưng càng về sau mắt Bác càng kém thì ông lại càng đọc nhiều hơn. Sáng nào cùng vậy, vào đầu giờ buổi sáng ông bắt đầu đọc tin, báo cho Bác hàng ngày trừ những hôm Bác đi công tác hoặc họp Bộ Chính trị. Sau này vào các buổi trưa ông còn đọc các tin ngắn với giọng đều đều để Bác dễ đi vào giấc ngủ. Tin, báo đọc buổi trưa cho Bác là những tin không gây xúc động. Còn bản tin lúc 9 giờ tối thì đọc cho Bác nghe muộn trước giờ đi nghỉ. Bác có thói quen khi đọc chỗ nào có vấn đề cần lưu ý thì ghi chép, đánh dấu để dễ nhận biết những số liệu và thông tin cần xử lý. Thấy gương người tốt, việc tốt, Bác dùng bút bi hoặc bút chì màu đỏ ghi bên cạnh dấu (0), nghĩa là thưởng huy hiệu, chỗ nào cần lưu ý Bác đánh dấu(/), vấn đề nào chưa rõ còn nghi ngờ Bác đánh dấu (?) và yêu cầu văn phòng xác minh lại, đã xem xong Bác vạch hai vạch (//)…các đồng chí phục vụ cứ nhìn vào các ký hiệu đó để hiểu và thực hiện theo ý của Bác. Bác cũng hay sử dụng các chữ Hán, Anh, Pháp, Nga làm ký hiệu bên lề các trang báo, bản tin.
Trong 7 tập bản tin Người đã nghe đọc tại ngôi nhà Người họp với Bộ Chính trị và cũng là nơi Người chữa bệnh trong thời gian cuối đời qua tìm hiểu và phân tích chúng tôi được biết trong thời gian này sức khoẻ của Bác ngày một yếu nên Người không còn tự đọc mà do các đồng chí phục vụ đọc cho Bác. Vì vậy, Người không để lại bút tích trên các tài liệu này mà những nét bút để lại là của các đồng chí phục vụ gồm các nét gạch, đánh dấu và chữ Việt. Theo các đồng chí Vũ Kỳ và đồng chí Cù Văn Chước khi đọc cho Bác nghe các đồng chí đã đánh dấu bằng bút chì đỏ. Những dấu này để lưu ý những vấn đề Bác cần xem lại hoặc để Bác lấy tư liệu của vấn đề đó đưa ra Bộ Chính trị thảo luận, sau đó tin liên quan đến ngành nghề nào Bác gửi đến cho ngành nghề đó. Chỉ sau ngày 24-8-1969 các đồng chí mới dừng việc đọc báo cho Bác. Trong tất cả các số báo và bản tin trên bàn làm việc tại ngôi nhà Người chữa bệnh và qua đời, các đồng chí đều ghi lại ngày nhận và đánh dấu những bài đã đọc cho Bác nghe.
Các tập bản tin này mỗi tập gồm có 4 bản tin, bản số 1 phát hành lúc 7 giờ, bản số 2 phát hành lúc 10 giờ, bản số 3 phát hành lúc 16 giờ, bản số 4 phát hành lúc 21 giờ. Nội dung các bản tin được chia làm hai phần: phần tin Việt Nam và phần tin thế giới được trích ra từ các nguồn tin UPI, Roitơ, AP, BBC, AFP, TNHK (tiếng nói Hoa Kỳ)… Đáng chú ý trong sưu tập bản tin này, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhiều đến các tin trong nước, tin thế giới, tin chiến sự ở miền Nam Việt Nam…
Tin thế giới có bản tin của cơ quan thường trú VNTTX tại Cu-ba, Bắc Kinh và Mat-xcơ-va phát hành ngày 15-8-1969, phát hành ở Hà Nội ngày 18-8-1969 và sau đó được gửi đến Văn phòng Phủ Chủ tịch phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tập bản tin này, ở trang 1 có dấu gạch vòng cung bằng bút chì đỏ ở góc bên phải và một dấu chấm hỏi cũng bằng bút chì đỏ ở phần điểm báo Cu-ba và gạch dưới tin về trạm tự động thăm dò của Liên-Xô đã hạ cánh thành công.
Trong tập tin ngày 19-8-1969, ở trang 4 có dấu gạch chéo bằng bút chì đỏ ở góc dưới bên phải là phần tin về bão lụt ở Mỹ được trích từ tin đài BBC. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cán bộ ta cần lấy thông tin này đăng lên báo Nhân Dân để từ đó quần chúng nhân dân ta được đọc hiểu rằng không chỉ mình Việt Nam chịu thiên tai địch hoạ mà cả các nước trên thế giới cũng bị, qua đó tăng thêm tinh thần khắc phục thiên nhiên đẩy mạnh sản xuất để thu được những thành tựu lao động lớn.
Hai bản tin nhanh số 232, bản số 1 và bản số 2 phát hành ngày 20-8-1969, ở trang 3 bản số 1 có đánh dấu bút chì đỏ ở phần tin của hãng AFP về việc một phái đoàn chuyên gia Bắc Việt Nam sẽ đi thăm các nước Bắc Âu vào tháng 9-1969. Chuyến đi thăm này liên quan đến kế hoạch các nước Bắc Âu viện trợ và kiến thiết lại Bắc Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Các chuyên gia này sẽ nghiên cứu khả năng trao đổi buôn bán với các nước Bắc Âu, đặc biệt là hợp tác về các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến vấn đề tái thiết đất nước sau chiến tranh, một vấn đề mà không phải vị lãnh tụ nào cũng có tầm nhìn xa như vậy. Ở trang 5 của bản tin số 2 có đánh dấu chấm hỏi bằng bút chì đỏ ở đoạn xung quanh vụ “mũ nồi xanh” có liên quan đến nhân vật Vũ Ngọc Nhạ, một người công giáo gốc Bắc có mối quan hệ với Chính phủ Sài Gòn mà sau này được biết là cộng sản. Ông này là nạn nhân của vụ 8 lính “mũ nồi xanh” và Bác có yêu cầu xác minh lại tin này.
Bản tin nhanh ngày 21-8-1969 gồm 3 bản. Bản tin số 2, 3 và 4 có đánh dấu bằng bút chì đỏ ở phần tin Việt Nam đưa tin cuộc họp tại Pa-ri về việc Mỹ giam nhân viên dân sự của miền Nam Việt Nam, hãng AP đưa tin số lính Mỹ bị thương vong trong tuần qua tại miền Nam là 244 người, bị trọng thương 1049 người. Kể từ 1-1-1961 đến 21-8-1969 số lính Mỹ chết trận là 37 938, số lính Mỹ bị thương là 245 729. Bên lề phần tin này có chữ “Mỹ chết” bằng bút chì màu đỏ. Đáng chú ý là không chỉ ở bản tin này Người quan tâm đến tin lính Mỹ chết mà trong nhiều bản tin khác luôn có dấu theo dõi tin này. Như vậy cho thấy Người không chỉ quan tâm đến các vấn đề trong nước, quốc tế mà còn rất lưu tâm đến tin của các hãng thông tấn đối phương đưa tin về chiến sự miền Nam, mỗi thay đổi chiến sự trên chính trường có ảnh hưởng đến đồng bào Nam bộ đều được Người trân trọng giữ lại và có những quyết định phù hợp cho từng giai đoạn lịch sử.
Liên quan đến tin miền Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai còn có tin Mỹ nêu vấn đề đối xử với tù binh Mỹ ở Bắc Việt Nam trong bản tin số 1 phát hành ngày 22-8-1969. Dấu bút chì đỏ ở tin này là một nét gạch chéo. Ngoài ra bản tin này còn có các tin kinh tế, chính trị quốc tế Người theo dõi để kịp thời nắm bắt, thay đổi quan hệ ngoại giao cũng như ứng phó với những điều kiện mới là việc Người luôn quan tâm.
Tin trong nước lược dịch từ các báo nước ngoài cũng là nội dung Người rất quan tâm tìm hiểu như tin của hãng AFP về việc Ních-xơn lại hoãn rút thêm quân như đã hứa với nhân dân Mỹ và Mỹ lo sợ xảy ra một cuộc tấn công của quân giải phóng miền Nam vào dịp kỷ niệm Quốc khánh ngày 2-9 này. Hay tin của đài BBC về việc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của chế độ Sài Gòn chọn Trần Thiện Khiêm làm Thủ tướng là hành động nhằm quân sự hoá chính phủ…Những tin này ở trong bản tin số 4 phát hành ngày 24-8-1969 là tập bản tin cuối cùng được chuyển đến phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến 10 giờ sáng cùng ngày Người mệt nặng không còn nghe đọc báo, bản tin như thường ngày được nữa nhưng với tinh thần phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh vô điều kiện, các đồng chí vẫn đọc trước báo và bản tin, đánh dấu những tin cần thiết bằng bút chì đỏ để chuẩn bị đọc cho Bác nghe. Tập bản tin này được lưu giữ cùng những tập bản tin khác là một trong những vật chứng được lưu giữ lại nơi ở và làm việc của Người ở Phủ Chủ tịch, nơi những ngày cuối cùng trước lúc Người đi xa.
Mấy ngày trước khi đi xa, ngày 18-8-1969, Bác còn nhận xét bản tin nhanh lúc 7 giờ ngày hôm đó của VNTTX. Đó là lời nhận xét cuối cùng của Bác đối với tin của VNTTX.
Những trang giấy Người viết bản Di chúc trước lúc “từ biệt thế giới này” là mặt sau của bản tin nhanh tham khảo đặc biệt của VNTTX ngày 3-5-1969.
Qua sự phân tích trên đây chúng tôi có thể đi đến kết luận: 7 tập bản tin nhanh hàng ngày do Việt Nam Thông Tấn Xã phát hành từ ngày 18-8-1969 đến ngày 24-8-1969 đã được dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian cuối đời tại Phủ Chủ tịch . Nó mang đầy đủ các yếu tố là hiện vật gốc thể hiện sự quan tâm đến từng khía cạnh của cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã mang đến cho tập tin này một nội dung lịch sử sâu sắc. Đây là nguồn sử liệu sống có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về cuộc đời phấn đấu không mệt mỏi cho hạnh phúc của nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)