slider

Thực trạng và giải pháp bảo tồn, tu bổ ao cá Bác Hồ trong Khu di tích Phủ Chủ tịch

07 Tháng 06 Năm 2013 / 4373 lượt xem
Nguyễn Văn Công
 GĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
  
Ao cá Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch có ý nghĩa và vị trí đặc biệt quan trọng trong quần thể di tích của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, cùng với Phủ Chủ tịch, Nhà sàn, vườn cây, Ao cá Bác Hồ đã góp phần to lớn vào việc phát huy tác dụng tuyên truyền giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
1. Thực trạng ao cá Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được bảo vệ, bảo quản và gìn giữ trong tình trạng nguyên gốc nhất. Mỗi tài liệu, hiện vật và môi trường cảnh quan di tích ở đây đều chứa đựng những nội dung lớn về tư tưởng, về cuộc đời và những giá trị đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích có tính đặc thù vừa làm công tác bảo quản, vừa làm công tác phát huy tác dụng phục vụ khách tham quan. Lượng khách vào thăm Khu di tích đông. Các di tích, tài liệu hiện vật và cảnh quan môi trường ở đây luôn luôn phải chịu áp lực trực tiếp của môi trường khí hậu tự nhiên và của con người. Khu di tích có khuôn viên rộng hơn 14 ha, gồm ba khu vực A, B và C: Khu A (là nơi Bác Hồ ở và làm việc) do Khu di tích quản lý, bảo quản và phát huy tác dụng phục vụ khách tham quan; Khu B và C (là nơi Bác Hồ tiếp đón khách và họp Hội đồng Chính phủ) hiện tại là nơi làm việc của Văn Phòng Chủ tịch nước và Văn Phòng Chính Phủ.
Ao cá Bác Hồ ở trong Khu di tích Phủ Chủ tịch có diện tích 3.320m2, nơi sâu nhất 2,5m, dung lượng nước trong ao khoảng 6.000 m3, có trữ lượng hơn 4.000 kg cá các loại, thuộc 23 loài và 6 nhóm từ cả Châu Âu, Châu Phi, từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, với nhiều loài có màu sắc sặc sỡ. Đặc biệt, có những loài được Bác Hồ trực tiếp nuôi dưỡng, theo dõi quá trình sinh trưởng và vẫn còn lưu giữ đến ngày nay mà điển hình như chép, trắm đen. Trước tháng 10-1954, ao cá là nơi hươu nai trong vườn sau Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) xuống uống nước. Thủ đô giải phóng, Bác Hồ về ở và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, Người cho sửa sang lại ao, vớt bùn đắp lên bờ và cho thả cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày của anh chị em trong cơ quan và động viên phong trào nuôi cá nước ngọt trong cả nước. Năm 1978, để chuẩn bị cho kỷ niệm 10 năm Bác Hồ đi xa và cũng là 10 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người và thực hiện mong muốn nói trên của Bác, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã phát động phong trào “Ao cá Bác Hồ”, và lấy Ao cá Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch làm kiểu mẫu để động viên phong trào nuôi cá trong cả nước. Từ đó cho đến nay, Ao cá Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch đã phát triển thêm thành phần, chủng loại và số lượng như hiện nay, phát huy tốt tác dụng, góp phần tuyên truyên giáo dục tư tưởng tấm gương đạo đạo đức Bác Hồ và thúc đẩy phong trào nói trên.
Kết quả khảo sát thực trạng Ao cá trong năm 2012 vừa qua của Trung tâm quan trắc và cảnh báo môi trường bệnh cá miền Bắc, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho thấy:
Nền đáy ao có lớp bùn dày 25cm đến 30cm do các yếu tố như: lá, hoa quả rơi rụng, chất thải của cá, thức ăn thừa do khách vứt vào, các chất trong nguồn nước cấp và một phần nhỏ nước mưa, chìm xuống lắng đọng lại ở đáy ao tạo thành một lớp bùn nhão và bùn bã hữu cơ chứa nhiều độc tố gây ảnh hưởng tới sự phát triển của khu hệ sinh vật đáy, biểu hiện của sự thích nghi giữa môi trường với đời sống thuỷ sinh vật và các loài thuỷ sản tạo thành làm mất cân bằng môi trường sinh thái trong ao, gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến đàn cá được nuôi trong ao. Cần thiết phải được vét lớp bùn đáy nhiễm bẩn hiện đang ảnh hưởng trực tiếp đến đàn cá được nuôi trong ao để tạo môi trường nuôi cá được tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn cá được nuôi trong ao sinh trưởng và phát triển tốt.  
Tuy nhiên cần kiểm tra thêm chỉ tiêu vi khuẩn gây bệnh. Để làm dẫn liệu so sánh trước khi cải tạo và sau khi ao được cải tạo. Môi trường nước ao cá Bác Hồ hiện nay đang tồn tại một số vấn đề về môi trường, ảnh hưởng không thuận lợi tới cá nuôi trong ao, cụ thể: Hàm lượng DO hòa tan thấp dưới khoảng phù hợp cho cá nuôi, đặc biệt vào thời điểm ban đêm và sáng sớm. Môi trường nước ao không cung cấp đủ DO cho các quá trình phản ứng ôxy hóa xảy ra, môi trường ao nuôi đang ở trạng thái khử, thể hiện ở các giá trị âm của thế ôxy hóa - khử. Hàm lượng NH4+ trong ao cao, chính là một trong nguyên nhân tiềm tàng gây phú dưỡng và gây ra hiện tượng tảo nở hoa trong ao, ảnh hưởng xấu tới môi trường nước và cá nuôi. Bên cạnh đó NH4+ cao cũng là nguyên nhân gây thiếu hụt DO trong ao, tạo ra NH3 và NO2- gây độc cho môi trường. Các thông số Độ Cứng nước, Sắt tổng trong nguồn cấp cũng là những yếu tố bất lợi đối với môi trường ao nuôi.
2. Những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường Ao cá
Từ thực tiễn bảo tồn, tu bổ và phát huy tác dụng di tích ao cá và kết quả khảo sát thực trạng môi trường ao cá cho thấy, ao cá Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch chịu sự tác động thường xuyên bởi cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến hiện tượng gây ô nhiểm môi trường ao cá, làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đàn cá được nuôi trong ao như:
- Do ao cá nằm trong khu vườn kín gió, độ thông thoáng ít, quanh ao có trồng nhiều cây cối tạo cớm rợp, cản trở sự khuếch tán của ô xy vào trong môi trường nước ao cá. Hiện tượng l­á, hoa, quả rơi rụng xuống ao một lượng rất lớn, số được vớt đi là rất ít, số còn lại lắng chìm xuống ở đáy ao cùng với chất thải của cá và các yếu tố khác tạo thành một lớp bùn nhão và mùn bã hữu cơ chứa nhiều độc tố gây ảnh hưởng trực tiếp dẫn đến hiện tượng ô nhiễm môi trường ao cá.
- Mật độ cá trong ao quá lớn, trong đó cá rô phi lại chiếm gần 50% lượng cá trong ao. Loài cá rô phi sinh sản mạnh, tiêu hao nhiều thức ăn và cho ra một lượng chất thải lớn cùng với một số yếu tố tác động bất lợi khác tạo thành lớp bùn nhiễm bẩn lắng đọng ở đáy ao làm cho tầng đáy ao cá ngày càng giàu dinh dưỡng khiến động thực vật phù du phát triển qúa mức, tiêu hao ô xy trong ao, làm cho cá thiếu ô xy dẫn đến hiện tượng cá nổi đầu nhiều nhất về mùa đông và buổi sáng sớm.
 - Lượng nước cấp cho ao cá quá ít so với lượng cá được nuôi trong ao, nên sự luân chuyển thay nước ao là rất ít với thể tích khoảng 400m3 một ngày đêm. Hơn nữa nguồn nước cấp vào ao được lấy từ hệ thống giếng khoan của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước chảy liên tục vào ao theo hệ thống ống ngầm kín nên hàm lượng ô xy trong nước rất thấp, vì nguồn nước cấp này không có điều kiện để khuếch tán ô xy trong không khí.
 - Trước đây, khi Khu di tích chưa có hệ thống thoát nước riêng biệt như hiện nay thì toàn bộ lượng nước mưa trên vườn trong khu vực di tích đổ dồn xuống ao và sau đó đi theo hệ thống thoát nước của ao cá để thoát ra ngoài và như vậy cứ sau mỗi trận mưa lớn gần như toàn bộ nước ao được thay bằng nước mưa, hàm lượng ô xy trong nước mưa rất cao, làm giàu ô xy cho ao cá. Tuy nhiên lượng đất màu phù sa đi theo cũng cũng rất lớn lắng đọng để lại ở đáy ao làm cho ao cá có một lớp bùn dày lên. Còn bây giờ nước mưa thoát theo hệ thống thoát nước riêng đi ra ngoài mà không thoát qua ao cho nên độ sâu của ao cá ít thay đổi. Điều này thấy rất rõ như: kỳ tu bổ ao cá năm 1998 vét hơn 1.000m3 bùn ao, tương đương với 40cm; kỳ tu bổ ao cá năm 2003 vét 994m3 bùn ao, tương đương 30cm; nhưng kỳ tu bổ nhỏ năm 2008 lượng bùn ở đáy ao chỉ dày khoảng 15cm đến 20cm tương đương với khoảng hơn 300m3 bùn được hút lên.
 - Lượng khách vào thăm Khu di tích, thăm Ao cá ngày một đông hơn, bình quân hơn 2 triệu khách/năm. Đây cũng là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường ao cá và đàn cá được nuôi trong ao như khí thải từ người và các tác nhân khác do con người gây ra.
3. Đề xuất giải pháp bảo tồn, tu bổ, cải tạo Ao cá Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch
 Từ thực tiễn bảo quản Ao cá và các nguyên nhân nêu trên cho thấy chất lượng môi trường ao cá bị ô nhiễm theo mức độ tăng dần làm mất cân bằng môi trường sinh thái trong ao. Việc cần thiết cứ sau một thời gian nhất định phải tiến hành tu bổ ao cá để cải tạo môi trường sinh thái ao cá được tốt hơn. Với những tác động thư­ờng xuyên từ ngoại cảnh vào môi tr­ường ao cá, làm biến động chất đáy và chất lượng n­ước, ảnh hư­ởng đến đàn cá đang đ­ược bảo quản trong ao. Vì vậy, việc định kỳ tu bổ để giảm thiểu l­ượng bùn trong ao cá và áp dụng các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất l­ượng môi trư­ờng nước ao cá nhằm bảo quản tốt đàn cá đang được nuôi trong ao là cần thiết. Cần có giải pháp cải thiện chất lượng nước, chất lượng nền đáy ao để môi trường nước ao nuôi đảm bảo cho nuôi cá. Nên hạn chế nguồn nước cấp hiện tại, bổ sung bằng nguồn khác, hạn chế bớt các yếu tố bất lợi như cho môi trường ao nuôi như NH4. Lắp hệ thống quạt khí, sục khí để cung cấp DO cho ao trong những thời điểm thiếu hụt DO trong ao. Một mặt cung cấp dưỡng khí cho cá, một mặt tạo thuận lợi cho quá trình ô xy hóa các chất hữu cơ trong ao xảy ra thuận lợi, hạn chế sự hình thành các khí độc… Cần thiết phải có chương trình giám sát thường xuyên chất lượng môi trường nước, đất đáy và tình hình bệnh cá trong ao nuôi.      
 - Tạo nền đáy ao: Nền đáy có ảnh hưởng tới sự phát triển của khu hệ sinh vật đáy, là biểu hiện của sự thích nghi giữa môi trường với đời sống thuỷ sinh vật và các loài thuỷ sản. Năm 2003, đã nạo vét 994 m3 bùn nhão và mùn bã hữu cơ chứa nhiều độc tố đưa ra khỏi ao và bổ sung 560 m3 cát rải đều xuống đáy ao. Tạo được nền đáy cát bùn động vật đáy phục hồi và phát triển trở lại, tạo ra sự cân bằng và phát triển đa dạng sinh học trong thủy vực. Năm nay lượng bùn dày khoảng 25 đến 30cm tương đương với khoảng 500m3 phải vét đi và bổ sung thay vào đó 1 lớp cát mỏng khoảng 300 m3.
 - Bổ sung các loàiđộng vật đáy không xương sống như trai và ốc phát triển bình thường tăng đáng kể về số lượng, giúp cho quá trình lọc sinh học trong môi trường nước được tăng cường. Trong ao đã phát triển tự nhiên 2 loài giáp xác 10 chân tôm, cua, điều này thể hiện môi trường đã gần với tự nhiên và có điều kiện thích hợp cho các loài thuỷ sinh vật phát triển bình thường và tham gia vào qúa trình lọc sinh học, trong đó loài Trai mỗi ngày có thể lọc trên 12 lít nước để lấy thức ăn, các loài giáp xác thấp cũng có kiểu dinh dưỡng tương tự, được coi như những máy lọc sống góp phần làm sạch môi trường nước ao .
 - Hạn chế ảnh hưởng tác động của môi trường bên ngoài của lá, hoa quả rụng từ cây cối ven bờ ao, chất thải từ cá và các nguồn khác làm ảnh hưởng đến môi trường ao cá. Bằng cách cắt tỉa bớt cành tăng độ thoáng cho ao, sự khuyếch tán ô xy vào môi trường nước và tích cực vớt lá, hoa, quả rụng xuống ao, làm giàu dinh dưỡng khiến động thực vật phù du phát triển qúa mức, làm tiêu hao ô xy trong ao. Các biện pháp để quản lý môi trường ao cá được đặt ra một cách đồng bộ nhằm duy trì những chỉ tiêu thủy lý, hóa, thủy sinh vật trong phạm vi cho phép, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đến đàn cá đang được bảo quản trong ao.
 - Cơ cấu giảm mật độ ổn định đàn cá, thành phần các loài cá phải được bảo tồn khi sinh thời Bác từng nuôi và huấn luyện đàn cá. Đàn cá có ý nghĩa bảo tồn và được cơ cấu phù hợp với đặc điểm sinh học của loài trong các tầng nước. Hiện có 23 loài cá được bảo quản trong ao cá Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Nhưng chúng ta cũng nên cơ cấu ở mức từ 15 đến 17 loài, các loài mang ý nghĩa bảo tồn cần được cơ cấu phù hợp với đặc điểm sinh học, sống phân bố đều ở các tầng nước trong ao. Cá rô phi dễ sinh sản tự nhiên trong ao được hạn chế đàn cá bố mẹ và đàn con và thay thế dần bằng rô phi đơn tính. Cá Trắm cỏ có tính ăn ư­a thích là thực vật thư­ợng đẳng bao gồm các loại cỏ, bèo, tạo ra chất thải lớn, cỏ dư­ thừa dễ làm ô nhiễm n­ước ao. Chỉ nuôi bảo quản tối đa 15 cá thể. Cá trắm đen được duy trì 3 cá thể nhỏ nhằm hạn chế sự ảnh hưởng đến một số loài động vật không xương sống (trai, ốc) trong ao. Cá mè trắng tính ăn thiên về thực vật phù du và cá mè hoa tính ăn thiên về động vật phù du đ­ược thả với số lượng phù hợp để triệt tiêu “sự nở hoa” trong ao (hiện tượng sinh vật phù du phát triển cực đại và chết, gây ô nhiễm nư­ớc ao). Nhóm cá chép Ấn Độ Rôhu, Mrigan được nhập nội năm 1984 cũng được giảm, nuôi ghép, tạo ra sự đa dạng chủng loài trong ao. Một số loài cá, nhuyễn thể, có thể sử dụng thức ăn chủ yếu từ nguồn tự nhiên (sinh vật phù du, sinh vật đáy, mùn bã hữu cơ). Đây là những cỗ máy lọc sinh học và vệ sinh môi tr­ường có hiệu quả, cần đ­ược cơ cấu, nuôi ghép, phân bố phù hợp trong ao. Số lượng cá tăng trưởng hàng năm được đánh tỉa vào dịp ngày sinh nhật Bác Hồ. Duy trì khối lượng cá trong ao khoảng 3.500-4000 kg. Cơ cấu thành phần loài, ổn định mật độ trung bình 1 cá thể/m2 (khoảng 3.500 cá thể lớn, trọng l­ượng sau mỗi lần đánh tỉa còn lại từ 2500-3000 kg). Tạo được sự phân bố hài hoà giữa các tầng nước, làm tăng khả năng tự lọc theo phư­ơng pháp sinh học tự nhiên trong ao. Có thể nhìn nhận, ao cá Bác Hồ như một bảo tàng rất sinh động về các loài cá nước ngọt bản địa và thế giới, khi sinh thời Bác từng nuôi dưỡng, khuyến khích đồng bào phát triển nuôi cá cải thiện đời sống.
- Bổ sung thiết bị phụ trợ môi trường cho ao cá. Việc sử dụng thiết bị phụ trợ, với đặc điểm riêng biệt của ao cá di tích là cần thiết, tuy nhiên mọi tác động để quản lý ao cá không được làm thay đổi cảnh quan. Hệ thống vòi phun và máy tăng cường ô xy cần được cải tiến và đặt tại điểm khuất, chìm dưới mặt nước hoặc chỉ thực hiện vào mùa đông và nhất là vào ban đêm để đáp ứng nhu cầu ô xy cho đàn cá trong ao thông thường vào nửa đêm về sáng lượng ô xy trong ao rất thấp nhất là ở tầng đáy. Đây là thời điểm khả năng khuyếch tán ôxy trong nước khó khăn, rất cần đến sự trợ giúp của thiết bị kỹ thuật.
- Về nguồn nước: Ao cá Bác Hồ có diện tích 3.320m, có mức chứa khoảng 6000m3. Nguồn cấp nước hiện nay được đưa vào ao theo đường ống kín. Chất lượng nước và lưu lượng nước cần tiếp tục được nghiên cứu để khắc phục những yếu tố chưa phù hợp. Lưu lượng nước để đảm bảo cho sự luân chuyển và thay đổi tối thiểu 1/3 khối lượng nước trong ao/tuần, khoảng 300 m3/ ngày đêm. Hệ thống ống cấp có thể thành máng rãnh nổi để khuếch tán tăng thêm lượng ô xy trong nước trước khi cấp vào ao hoặc đặt máy tạo ô xy ở ngay đầu cuối trước khi đổ vào ao nhằm tăng lượng ô xy cho ao cá. Sự cần thiết nên có hệ thống cống đóng mở để lấy nước mưa khi cần thiết nhằm thay thế nước lưu cửu trong Ao.
 4- Kết luận và đề nghị

Ao cá Bác Hồ trong Khu Di tích là một di sản văn hóa đặc biệt của quốc gia được nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới quan tâm sâu sắc. Để đảm bảo tính ổn định của môi trường ao cá, việc quản lý với yêu cầu khoa học, vận hành theo đúng quy trình là một công việc rất thiết thực cần được thường xuyên thực hiện thật tốt. Biện pháp đơn lẻ để quản lý môi trường nước ao sẽ ít hiệu quả và kém bền vững. Các biện pháp cần được phối hợp một cách đồng bộ như: Đảm bảo nguồn cấp nước, chất lượng nước và lưu lượng nước; Cơ cấu đàn cá phù hợp, tỷ lệ thức ăn cho cá giữ mức (1% khối lượng cá); Bố trí thiết bị phụ trợ sẵn sàng tăng cường ô xy ở thời điểm cần thiết; Tăng cường vớt lá, hoa quả rụng trong ao hàng ngày; Ao cá cần được thực hiện đúng định kỳ 5 năm tu bổ cải tạo nhỏ và 10 năm tu bổ cải tạo lớn một lần. Khi tiến hành cải tạo lớn phải thực hiện theo đúng quy trình: chuyển cá, tát cạn, vét bùn, khử độc, cải tạo chất đáy ao, bổ sung thay thế nguồn nước cấp và các thiết bị phụ trợ tạo ô xy cho cá. Khu di tích cần quan tâm hơn nữa việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác bảo quản, giữ gìn Ao cá.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)