slider

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

07 Tháng 04 Năm 2014 / 5709 lượt xem

Bài đăng Tạp chí Văn hoá- nghệ thuật, số tháng 8. 1999:

 

Trương Xuân Mai

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

 

1. Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Hà Nội được mệnh danh là thành phố xanh. Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội cũng được gọi là "khu rừng nhỏ" ở giữa lòng thành phố. Quả thật, từ ngoài nhìn vào chỉ thấy một màu xanh của cây cối. Các loại cây cao thấp khác  nhau cùng chung sống và làm nền cho nhau, làm nền cho các công trình kiến trúc trong khu vực này, tạo nên cảm giác yên bình, trầm lắng mà cuốn hút. Dù mùa đông hay mùa hè, nơi đây luôn luôn mang đến cho con người bầu không khí trong lành, tươi sáng, làm dịu đi sự căng thẳng của nhịp sống lao động dồn dập, khẩn trương trong thời kỳ mở cửa.

Trên diện tích rộng 14ha, vườn cây xanh của bác có hơn 1000 cây thuộc 54 họ thực vật, gồm trên 150 loài khác nhau, trong đó có 33 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, lấy gỗ và 62 loài cây cảnh, cây trang trí. Khu vực này được phân thành hai vùng - theo thời gian xây dựng của các công trình kiến trúc.

Khu vực đầu tiên là nơi có toà nhà Phủ Chủ tịch cao tầng đồ sộ và những ngôi nhà thấp hơn ở gân đấy, ở đây có đủ loại cây khác nhau. Hàng cây cau cảnh cao vút chen lẫn các cây cổ thụ như đa, xà cừ, tếch... Các loại cây như phượng vĩ, ô môi, ngọc lan xen lẫn với các loại cây ăn quả. Những khóm tre xanh, tre ngà, lồ ô bên các loại cây bụi thấp hơn như muồng, chà là, cây móc, cây cau đẻ. Và cuối cùng là các loại hoa thân mềm, cây cảnh nổi bật trên thảm cỏ làm cho "khu rừng nhỏ" có màu sắc tươi mát, tạo nên sự gần gũi của toà nhà vốn là cơ quan đầu não của Nhà nước.

Khu vực hai là nơi Bác Hồ ở. Các công trình kiến trúc ở đây nằm dưới bóng cây, được xây dựng gọn, dường như rất tôn trọng cảnh quan cũ. Cây trong khu vực này chạy nối với khu trên nhưng cảnh trí tươi mát hơn. Các loại cây đan xen nhau như thể hiện ý tưởng: Nơi ở của Bác Hồ có nhiều nét gần gũi thân quen với cảnh sống của một vùng quê trù phú, có môi trường sống trong lành.

Trước nhà là vạt đất nhỏ để Bác Hồ trồng các loại hoa; Xa hơn một chút là hàng rào dâm bụt bình dị bao quanh nhà và tiếp tục chạy quanh hồ cá trước nhà. Tầng thực vật cao hơn, xen lẫn với những cây xoài cổ thụ, cây thân gỗ có mặt lâu đời trên vùng đất này là các loại cây ăn quả như dừa, vú sữa, lêkima, bưởi... Không gian trước nhà sàn được mở rộng ra với hồ nước rộng hơn 3000m2. Bác Hồ nuôi cá ở đây. Chiều đến, sau giờ làm việc, Bác đến cầu ao cho cá ăn. Cái mệt nhọc, suy tư sau một ngày làm việc tan biến theo tiếng đớp mồi của đàn cá. Quanh hồ lại là cây. Ngoài mấy cây bụt mọc to cao Bác còn trồng thêm hàng phượng vĩ, hoa sữa, rặng liễu mềm mại và hàng tường vi tím đỏ. Xung quanh nhà sàn chỉ có một vài vạt cỏ làm nền cho cây trái.

Tầng thực vật ở đây không cao lắm, mật độ dày và cao thấp khác nhau nhưng rất hài hoà, ý tứ, làm tăng thêm nét đẹp duyên dáng, thâm trầm sâu lắng của ngôi nhà sàn - nơi Bác Hồ đã ở từ năm 1958 đến năm 1969.

Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là như thế đấy: Có hồ nước mát, có thảm cỏ xanh, có rừng cây đủ loại khác nhau; cây ăn quả, cây bóng mát, cây lấy gỗ, các loại tre và các khóm cây bụi, thân mềm, cây cảnh... Tất cả đều sống, phát triển bên nhau tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên - Một khu rừng nhỏ, một bức tranh non xanh nước biếc do con người tạo nên. Ở trung tâm thành phố nhìn vào cảnh vật nơi đây, chúng ta dễ nhận thấy tài sử dụng và cải tạo thiên nhiên thành một "thiên đường", một môi trường sống tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thể hiện bản sắc văn hoá và lối sống Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong tác phẩm Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh đã viết: "Cái nhà Sàn của Bác từ nhiều năm nay nhiều người ở nước ta và trên thế giới đã biết và xúc động lúc viếng thăm nhà Sàn ấy. Ở đây, Hồ Chí Minh đã sống với thiên nhiên. Đây không chỉ là khung cảnh mà còn là lối sống đem lại những niềm vui quý báu đối với con người mà cái xã hội văn minh ngày nay hầu như muốn tước đoạt với những thành phố khổng lồ, những nhà nhiều tầng đầy đủ tiện nghi. Trong đó có những thứ không cần thiết, môi trường bị ô nhiễm, phá hoại thiên nhiên và nguy hại cho con người".

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh và công tác bảo vệ môi trường

Theo khái niệm của UNESCO, môi trường là toàn bộ các hệ thống tự nhiên và các hệ thống do con người tạo ra ở xung quanh mình, trong đó con người sinh sống và bằng lao động đã khai thác tài nguyên tự nhiên hoặc nhân tạo cho phép thoả mãn những nhu cầu của con người.

Như thế, môi trường bao gồm hai yếu tố:

- Thế giới tự nhiên - Nơi con người sinh trưởng, tồn tại và phát triển.

- Khung cảnh của lao động, của cuộc sống và sự nghỉ ngơi, giải trí của con người.

Và bảo vệ môi trường cũng sẽ có hai nội dung:

- Bảo vệ thế giới tự nhiên.

- Khắc phục và chống những hậu quả của tác động của khoa học kỹ thuật mà con người đã gây cho tự nhiên, bảo vệ cảnh quan của lao động, của cuộc sống và thoả mãn nhu cầu giải trí của con người.

Trong phần này, chúng ta đi từ nội dung đầu tiên của vấn đề môi trường: bảo vệ tự nhiên, bảo vệ môi trường sống để thấy được những suy nghĩ, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác này.

Trong lối sống của người Việt Nam nói chung, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, thiên nhiên là người bạn tri kỷ của con người, thiên nhiên là một phần tài nguyên của Tổ quốc. Giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên thành những cảnh quan mới chính là gìn giữ Tổ quốc luôn tươi đẹp và tồn tại vững bền.

Trong thế giới tự nhiên xung quanh ta, rừng cây xanh là yếu tố tác động nhất, là bộ phận cơ bản của môi trường sống. Nó tác động đến mọi vật: địa hình, khí hậu, đất đai, nước, không khí... và tác động mạnh đến đời sống của con người. Khả năng và tốc độ tăng trưởng của rừng cây xanh càng cao thì tác dụng lập lại thế cân bằng ổn định trong tự nhiên, chống lại và hạn chế những dao động không có lợi trong thiên nhiên càng lớn. Vì thế, người ta đã gọi thế giới cây xanh là nguồn sống, là lá phổi của hành tinh chúng ta.

Nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên, của cây xanh đối với đời sống con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tới việc gìn giữ, bảo vệ và xây dựng một môi trường sống tươi lành cho nhân dân từ rất sớm. Và Người đã chọn việc bảo vệ và trồng cây xanh làm điểm tựa, đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Bốn mươi năm về trước, cuối năm 1959, khi cả nước đang chuẩn bị bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tiến hành công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ đã phát động phong trào "Tết trồng cây gây rừng". Như thế, bằng việc làm cụ thể, thiết thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa công tác bảo vệ môi trường lên ngang tầm với sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa kiến thiết nước nhà được tiến hành song song, đồng thời với sự nghiệp bảo vệ môi trường. Trong một chừng mực nào đó, công tác bảo vệ môi trường còn được đi trước một bước.

Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Tết trồng cây" không phải là một cuộc thi đua ngắn ngày, một hay hai năm, mà đây là một cuộc thi đua dài hạn, nhẹ nhàng, có khả năng huy động mọi người, mọi thành phần trong xã hội "từ cụ già đến các em nhi đồng đều có thể tham gia được".

Điều Người mong muốn là: Từ một lời kêu gọi, một phong trào thi đua, dần dần "Tết trồng cây" sẽ trở thành một nếp sống mới, một phong tục, tập quán tốt đẹp trong nhân dân, một kế hoạch dài lâu cho Đảng, cho Nhà nước. Vì vậy, Người chỉ rõ lợi ích thiết thực của việc trồng cây xanh là: "Làm cho phong cảnh đất nước ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta"(1).

Người đề ra những biện pháp sát sao để "Tết trồng cây" được xã hội hoá, trở thành phong trào rộng rãi trong nhân dân:

- Với các cơ quan, đoàn thể, Bác dặn: Phải ươm đủ giống cây, phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu... cán bộ cấp uỷ, chi bộ phải có kế hoạch chu đáo, hướng dẫn bà con cụ thể, chặt chẽ, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào.

- Với đông đảo quần chúng, Bác dặn: Mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây, chăm sóc tốt. Phải chú ý giáo dục thiếu nhi có ý thức bảo vệ cây trồng.

Người chỉ đạo cụ thể:

Miền núi cây phủ xanh đồi trọc để tránh lũ lụt xói mòn, để phát triển nghề rừng, phát triển cây công nghiệp.

Miền biển trồng cây để ngăn gió, cát xâm lấn đồng ruộng, làng mạc.

Nông thôn trồng cây để mang lại nguồn thu nhập mới ngoài cây hoa màu và lương thực, để có gỗ làm nhà, cải thiện nơi ăn chốn ở cho bà con, chuẩn bị cho cuộc xây dựng nông thôn mới trong tương lai.

Thành phố, các khu công nghiệp trồng cây để che bớt cái nắng mùa hè gay gắt trên đường phố, tạo nên cảnh trí hài hoà, tươi mát, làm dịu đi sự căng thẳng của nhịp điệu sống khẩn trương ở các khu công nghiệp. Quan trọng hơn cả, cây xanh ở thành phố sẽ điều hoà không khí trong lành cho cư dân.

Đi xa hơn nữa, với tầm nhìn chiến lược bao quát sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi việc trồng cây gây rừng là sự kết hợp tất nhiên giữa cải tạo tự nhiên với việc xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, "là một kế hoạch lâu dài và liên tục" có điểm xuất phát (mở đầu) nhưng phát triển liên tục, lâu dài trong tương lai, cho muôn đời con cháu mai sau. Sự phát triển đó ngày càng nhanh, càng mạnh theo sự tăng trưởng của xã hội, của nền công nghiệp hoá, hiện đại hoá, theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Ngoài ra "Tết trồng cây" còn là một việc quan trọng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới nay mai"(2).

Bác làm một bài toán nhỏ nói về lợi ích kinh tế của việc trồng cây như sau:

"Nếu mỗi thanh niên một năm trồng ba cây, tám triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Nếu bán rẻ ba đồng một cây, sau 5 năm sức lao động của thanh niên bỏ ra sẽ thu được số tiền lớn, có thể xây dựng được 8 nhà máy cơ khí loại khá"(3).

Hưởng ứng phong trào "Tết trồng cây" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, nhà nhà trồng cây, người người trồng cây, phong trào phát triển mạnh mẽ trên đất nước ta và sự thực ngày càng đượm xuân sắc, đẹp tươi, tràn sức sống.

Từ ngày phong trào được phát triển đến cuối năm 1969 số cây trồng ở miền Bắc là 720 triệu cây. Nếu tính đến năm 1980, cả nước đã trồng được 970 ha rừng tập trung, 2 tỷ 140 triệu cây phân tán dọc đường đi, trên bờ mương, trong sân trường, công viên... Phong trào đã kết lại thành tổ chức khá mạnh: Trên 250 cơ sở trồng rừng của Nhà nước, trên 12.000 hợp tác xã lấy việc trồng cây gây rừng làm chuyên môn hoá.

Ngày hôm nay, cùng với nhịp độ xây dựng, kiến thiết ở nhiều quốc gia và sự tăng trưởng nhanh chóng nền công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật trên thế giới, môi trường sống của con người bị huỷ hoại nghiêm trọng, tài nguyên kiệt quệ, nước và tầng sinh quyển bị ô nhiễm nặng nề. Diện tích rừng trên trái đất trước kia chiếm khoảng 50% bề mặt các lục địa, đến nay chỉ còn hơn 3500 triệu héc ta. Như thế là có gần 200 triệu héc ta rừng bị mất đi. Diện tích rừng tính theo đầu người chỉ còn hơn 1ha/người... Trước tình hình đó năm 1968 Uỷ ban khoa học các vấn đề về môi trường bắt đầu hoạt động. Năm 1972, Liên hợp quốc lập ra một chương trình nghiên cứu quốc tế về môi trường và xây dựng pháp chế bảo vệ môi trường. Đồng thời, ngày 5 tháng 6 được chọn làm Ngày môi trường của thế giới. Mọi hoạt động nhằm bảo vệ môi trường giữ mãi màu xanh cho trái đất được phát triển ở nhiều quốc gia.

Từ sự kiên này, nhìn ngược lại thời gian phát triển của phong trào "Tết trồng cây", suy ngẫm thời cuộc mà chúng ta đang sống, chúng ta càng hiểu rõ hơn ý nghĩa khoa học, ý nghĩa cách mạng và giá trị to lớn về "Tết trồng cây" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng.

Ở Việt Nam, trước năm 1945, diện tích rừng chiếm 1/2 diện tích cả nước. Đến năm 1980, rừng chỉ còn chiếm 1/3 diện tích, chừng 6 triệu héc ta rừng đã mất đi. Hiện nay diện tích rừng cây xanh che phủ chỉ còn 28,8%. Bình quân tính theo đầu người đạt 0,18 héc ta/người. Một con số đáng báo động.

Có tổng quát tình hình rừng cây xanh ở trên thế giới và Việt Nam như vậy chúng ta mới thấm thía hết ý nghĩa khoa học và cách mạng của phong trào "Tết trồng cây", thấy rõ hơn tầm tư tưởng chiến lược của Bác trong việc bảo vệ thiên nhiên, cải thiện môi trường cho toàn dân - vấn đề quyết định sự tồn vong của nhân loại.

Trồng cây gây rừng để bảo vệ môi trường bảo vệ màu xanh cho Tổ quốc, tầm nhìn xa đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt nguồn từ truyền thống lâu đời đấu tranh chống thiên nhiên, giữ gìn sự bền vững của Tổ quốc, của dân tộc. Những bước đi và sự chỉ đạo cho cuộc vận động "Tết trồng cây" trở thành một phong trào, một chiến lược kinh tế được tiến hành song song đồng thời với công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Người đã trở thành ý tưởng sáng suốt, đi trước thời đại. Người đã trở thành người lính đi đầu trong sự nghiệp bảo vệ môi trường sống của toàn thế giới./.

 



(1) Hồ Chí Minh - Toàn tập - Tập 8 - Nxb ST, H, 1989 - Bài "Tết trồng cây" - tr.532.

(2) Sđd - tr.686.

(3) Sđd - tập 9 - Nxb ST, H, 1989 - tr.27.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)