slider

VÀI SUY NGHĨ VỀ CÔNG TÁC BẢO QUẢN DI TÍCH H67 TRONG KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH

25 Tháng 05 Năm 2009 / 2554 lượt xem
 
Lê Văn Tuyên
Ngô Tuấn Anh
Phòng Bảo quản di tích
 
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội) là một khu di tích có khuôn viên rộng, gồm nhiều nhà di tích. Trong số các ngôi nhà ấy có một ngôi nhà giản dị và chắc chắn, đó là di tích H67. Vì ngôi nhà được xây dựng năm 1967 nên được gọi tên là di tích H67 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Bộ Chính trị và cũng là nơi Người chữa bệnh, qua đời.
Ngôi nhà nằm phía sau bên phải ngôi nhà sàn gỗ, cách nhà sàn 30m. Bên phải là công trình hầm phòng không (H66), trước nhà hướng Đông Bắc. H67 là một trong những di tích quan trọng được xếp hạng của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ngôi nhà được khởi công xây dựng ngày 01-5-1967, hoàn thành trước ngày 30-6-1967.
Theo các nhân chứng kể lại, tháng 5 năm 1967, nhân khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm và làm việc ở Trung Quốc, Bộ Chính trị đã quyết định làm một ngôi nhà nhỏ phía sau nhà sàn, tường, mái bằng bê tông cốt thép, tường dày 60cm như một căn hầm nổi có thể chống đỡ được bom bi và mảnh đạn để đảm bảo an toàn cho Người trong những năm giặc Mỹ ném bom bắn phá Hà Nội. Nhưng khi đi công tác về Người đã không ở mà dùng H67 làm nơi họp Bộ Chính trị từ năm 1967 đến năm 1969, mỗi tuần một lần.
Tại ngôi nhà này, Hồ Chủ tịch đã tiếp khách trong nước và cũng chính tại đây, nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị đã diễn ra để quyết định vận mệnh của đất nước, như cuộc họp ngày 14-7-1969 bàn về vấn đề hội nghị Paris; cuộc họp 12-8-1969 bàn về đấu tranh ngoại giao và tình hình miền Nam; cuộc họp 9-8-1969 nghe đồng chí Nguyễn Văn Linh báo cáo về tình hình chiến sự miền Nam và đấu tranh ngoại giao với Mỹ… Trên tường trong ngôi nhà này vẫn giữ nguyên hai tấm bản đồ ''Bố trí binh lực địch ở miền Nam''và ''Bố trí không quân, hải quân địch tham chiến ở Việt Nam''. Bằng hai tấm bản đồ này, Cục Tác chiến đã báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị những vấn đề chiến sự ở hai miền Nam - Bắc Việt Nam.
Ngày 01-5-1969, tại đây Bác Hồ đã góp ý và sửa lời tựa cho cuốn Điều lệ tóm tắt của Hợp tác xã nông nghiệp.
Ngày 19-5-1969 ở ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp đồng chí Nguyễn Hữu Mai - Bộ trưởng Điện và Than; Ngày 18-7-1969, Người gặp đồng chí Nguyễn Đức Thuận - Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.
Ngôi nhà là nơi Người điều trị bệnh từ ngày 17-8-1969 và đi vào cõi vĩnh hằng 2-9-1969.
Di tích H67 đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và đặc biệt, còn mang ý nghĩa tâm linh rất thiêng liêng để con cháu tưởng nhớ đến người Ông, người Bác, người Cha.
Xuất phát từ những ý nghĩa đó nên một trong những nhiệm vụ đầu tiên được đặt ra là phải bảo vệ, bảo quản và giữ gìn nguyên trạng di tích đặc biệt quan trọng này. Đây là khâu quan trọng quyết định sự trường tồn của Khu di tích nói chung và di tích H67 nói riêng.
Ngay từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đi xa, công tác bảo quản Khu di tích được tiến hành thường xuyên, kết hợp giữa bảo quản thông thường với công tác bảo quản khoa học, vừa bảo quản giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn các di tích, vừa mở cửa một số di tích như di tích nhà sàn phục vụ khách tham quan. Do tính đặc thù của di tích, từ năm 1995, H67 mới thường xuyên mở cửa đón khách vào thăm, vì vậy ngoài việc bảo quản thông thường, hàng ngày Phòng bảo quản đã phân công người trực, ghi sổ nhật ký ca trực và theo dõi tình trạng hiện vật, giám sát lượng khách vào ra trong nhà di tích, phát hiện những chỗ hư hỏng, mối mọt để có kế hoạch bảo quản kịp thời đảm bảo những nguyên tắc, giữ tính nguyên gốc của di tích.
Để bảo quản giữ gìn di tích được tốt, hàng năm Khu di tích đã kết hợp với các cơ quan chuyên môn như: Viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Tư lệnh Công binh, Trung tâm phòng chống mối, Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga, Viện nghiên cứu tu bổ di tích,… để tranh thủ sự hỗ trợ và giúp đỡ về mặt kỹ thuật trong công tác bảo quản. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc còn đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại như lắp điều hoà, máy khí khô, các thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm,… để tạo môi trường ổn định cho việc bảo quản hiện vật trong nhà được tốt như những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc.
Trong những năm gần đây, lượng khách có hướng dẫn thuyết minh được vào thăm quan trực tiếp trong di tích này ngày càng nhiều, kể cả khi thời tiết ẩm thấp, mưa gió. Một thực tế cho thấy là khi khách vào thăm và trực tiếp tiếp xúc với hiện vật, không thể tránh khỏi tình trạng khách cầm, nắm, làm xê dịch hiện vật, cộng với hơi thở của số đông khách dễ làm hư hại hiện vật. Với đặc điểm không giống phòng trưng bày bảo tàng, ở đây các tài liệu hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bảo quản và trưng bày ngay tại di tích như một kho mở, nên công tác bảo quản gặp rất nhiều khó khăn. Về mặt khách quan, khí hậu nước ta lại khắc nghiệt, mưa nhiều, có độ ẩm cao và luôn luôn dao động. Di tích H67 lại nằm ở nơi có rất nhiều cây cối rợp bóng và một bên tường nhà kề với ụ đất của căn hầm H66, do đó độ ẩm thường cao hơn mức bình thường. Đây cũng là môi trường thuận lợi cho côn trùng, nấm mốc phát triển xâm nhập di tích, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo quản, đặc biệt là với các hiện vật được làm bằng gỗ, giấy và các chất hữu cơ.
Như chúng ta đã biết, nhiệt độ và độ ẩm có tác động rất lớn đối với các chất liệu hiện vật, nếu độ ẩm cao trong thời gian dài (tức là trên 70%) thì sẽ gây nên tình trạng nấm và mốc hình thành trên những bề mặt của hiện vật làm từ giấy, da và những chất hữu cơ; thay đổi tình trạng căng hoặc làm giãn các chiều của các hiện vật có chất liệu xenlulô, prôtêin,…; ăn mòn những hiện vật có chứa chất sắt và các hợp kim đồng; ngưng tụ nước tổng hợp có hại trên bề mặt hiện vật khi nhiệt độ ở xung quanh xuống tới mức dưới độ ngưng...
Còn đối với những ngày có nhiệt độ cao, nắng nóng sẽ làm khô và giòn những hiện vật bằng xenlulô, prôtêin và làm cong vênh đồ gỗ hay đồ vật có chứa gỗ, gây ra nứt và vỡ; làm khô những lớp keo và những bổ trợ trên hiện vật. Hoặc nếu nhiệt độ và độ ẩm luôn luôn dao động hay thay đổi quá đột ngột, các tài liệu, hiện vật bằng giấy như sách, báo, bản đồ sẽ bị biến màu, giòn và dễ gãy; các hiện vật thuộc nhóm hữu cơ sẽ bị thay đổi tính chất, màu sắc, các hiện vật bằng gỗ sẽ bị giãn nở hoặc co, gây ra tình trạng cong vênh, vỡ, nứt. Ngoài ra, các yếu tố như bụi bẩn và các chất gây ô nhiễm di chuyển trong không khí cũng theo không khí vào nhà.
Hiện trong di tích này đang trưng bày một số tài liệu, hiện vật thuộc các chất liệu khác nhau, những yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thời tiết, khí hậu có những ảnh hưởng khác nhau đến việc bảo quản từng loại tài liệu hiện vật.
Để có một môi trường ổn định làm chậm lại quá trình hư hỏng hiện vật, việc điều chỉnh môi trường khu vực lưu giữ hiện vật là một việc làm có tầm quan trọng rất lớn đối với sự an toàn của hiện vật.
Điều kiện tốt cho hiện vật thường ở nhiệt độ (t0) lý tưởng là 200C và độ ẩm tương đối RH% = 50%-55%.
Qua kết quả theo dõi thực tế nhiệt độ (t0) và độ ẩm tương đối (RH%) trong nhà di tích H67, xin được dẫn ví dụ một số ngày cụ thể của bốn mùa trong năm 2006:
 
Ngày, tháng năm 2006
Nhiệt độ (t0C) và độ ẩm
 (RH%) ngoài trời
t0 và RH% trong
di tích H67
20/1
 
21/1
160C - 94%
(Thời tiết mưa phùn)
150C - 95%
(Thời tiết mưa phùn)
170C - 89%
 
160C - 90%
4/5
5/5
360C - 76%
370C - 61%
340C - 70%
340C - 55%
29/8
30/8
320C - 82%
320C - 86%
320C - 75%
300C - 82%
25/10
31/10
260C - 73%
230C - 73%
260C - 66%
240C - 66%
 
Bảng trên cho thấy nhiệt độ trong nhà và ngoài trời tương đương bằng nhau hoặc xê dịch không đáng kể, còn độ ẩm trong nhà thấp hơn từ 5 - 7% so với độ ẩm ngoài trời.
Như vậy nhiệt độ và độ ẩm trong nhà có lúc quá cao hoặc hơi thấp so với bảng chỉ số kỹ thuật bảo quản cho phép.
Để làm tốt công tác bảo quản các tài liệu, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy lợi thế đặc biệt di tích H67, chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau:
- Cần lắp khung nhôm kính bên trong cửa gỗ để vừa điều chỉnh được môi trường bảo quản hiện vật mà vẫn giữ được tính nguyên gốc của di tích.
- Cần lắp đèn chiếu sáng được thiết kế rọi vào vùng có trưng bày để khách đến tham quan đứng bên ngoài có thể nhìn và quan sát rõ hiện vật bên trong di tích. Nên lắp đèn ánh sáng huỳnh quang cung cấp ánh sáng mang tính tổng thể nhất.
- Cần lắp thiết bị hút ẩm và quạt thông gió để xử lý độ ẩm cao và đẩy các tạp khí trong nhà ra ngoài.
- Trang bị thêm máy đo độ ẩm và ánh sáng.
- Cán bộ làm công tác bảo quản cần phải bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, áp dụng đúng quy trình khoa học vào bảo quản để kéo dài tuổi thọ cho hiện vật đồng thời để tăng thêm tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao.
- Do sàn nhà bằng gỗ nên hạn chế lượng người vào trong nhà thăm quan khi thời tiết ẩm ướt, khô nóng.
Trên đây là một vài kiến nghị mà chúng tôi đưa ra nhằm mục đích bảo quản lâu dài di tích H67, góp phần giữ gìn phát huy giá trị văn hoá Hồ Chí Minh tại Khu di tích để tuyên truyền giáo dục tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người cho mọi thế hệ người Việt Nam đến tham quan.
 
 
 
 
 
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)