slider

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình dịch bệnh COVID - 19

18 Tháng 05 Năm 2022 / 500 lượt xem

Trần Thu Hà

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Trọn cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng tới một Chủ nghĩa nhân văn cao cả và trong sáng, đó là hướng đến con người, vì sự tiến bộ, hạnh phúc của con người. Người từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Điều đó đã trở thành hoài bão, là mục tiêu, động lực chiến đấu kiên cường và bất khuất của Người.

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: sức khỏe của con người là vốn quý nhất, là nguồn của cải của xã hội, có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp cách mạng, kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người từng nhấn mạnh: “Mỗi người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt. Mỗi người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì nước thịnh”(2). Chính vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Người viết hàng trăm bài báo, bài viết, bài nói chuyện, ký các sắc lệnh gửi các ngành y tế, thể thao, thương binh, phụ lão, thanh niên... chỉ rõ quan điểm về y đức, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, thương bệnh binh nói riêng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân có giá trị định hướng cho việc xây dựng nền y học mang bản sắc dân tộc, khoa học và hiện đại. Nhất là hiện nay khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới thì việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân là hết sức cần thiết và được thể hiện ở những mặt sau:

1.       Chăm sóc sức khỏe nhân dân cả về thể chất lẫn tinh thần là trách nhiệm của nhà nước đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi người dân

Ngay sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, chính quyền cách mạng non trẻ ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” bởi thù trong, giặc ngoài, cùng một lúc phải chống ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, thì ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, đồng thời Người viết bài: “Sức khỏe và thể dục” đăng trên báo Cứu quốc kêu gọi toàn dân tập thể dục.

Theo quan điểm của Người, sức khỏe của cá nhân và sức khỏe của cộng đồng có quan hệ mật thiết với nhau; sức khỏe không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là tài sản chung, cho nên tạo nguồn sức khỏe không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm của cộng đồng.

Bằng cách gắn nhiệm vụ tự chăm sóc sức khỏe của người dân với khái niệm yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe: “Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái, trai, già, trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được ... Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe ... Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”(3).

Bài báo còn nêu lên định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức khỏe: “khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là khỏe.”. Quan niệm này luôn thể hiện trong các chỉ đạo của Bác về sức khỏe, như trong thư gửi Hội nghị Quân y tháng 3/1948, Bác viết: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”(4). Như vậy, Người chỉ rõ, chăm sóc sức khỏe của con người phải là chăm sóc cả về mặt thể chất và tinh thần. Con người khỏe về thể chất mạnh về tinh thần, đầu óc thông thoáng, không vướng bận thì mới có thể làm việc hiệu quả.

2.       Quan tâm, chú trọng đến công tác y tế dự phòng

Trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác y tế dự phòng với những quan điểm sâu sắc, toàn diện và hiện đại. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc nàm 1953, vấn đề vệ sinh phòng bệnh được Người đề cập một cách sâu sắc, toàn diện. Người viết: “Sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hàng hái. Tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công. Nhiệm vụ ấy có hai phần: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh”(5)...

Ngày 02/7/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân Dân. Bằng cách gắn việc giữ vệ sinh chung với lòng yêu nước, Bác đã định hướng công tác vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là một trong những việc quan trọng hàng đầu. Bác nhắc nhở: “Phòng bệnh hơn trị bệnh”, “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”(6). Trong 5 điều dạy thiếu niên, nhi đồng. Bác cũng dành điều dạy thứ năm là “Phải giữ gìn vệ sinh thật tốt” để căn dặn các cháu. Để phòng ngừa bệnh tật, ốm đau, Người đặc biệt quan tâm từ những vấn đề rất nhỏ về vệ sinh môi trường như nước sạch, diệt ruồi, muỗi. để mỗi người dân được sống và làm việc trong môi trường trong lành, sạch sẽ, văn minh hơn. Đến thàm và làm việc tại các địa phương, cơ sở, đơn vịbộ đội, trường học hay mỗi hộ gia đình người dân, Bác đều quan tâm và khuyên ràn mọi người phải giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường trong sạch. Ngày 16/01/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Viện Đông y (nay là Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương), phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội. Người căn dặn các thầy thuốc và cán bộ của Viện: “Thầy thuốc cắt thuốc mà sắc không tốt thì chữa bệnh cũng chưa tốt. Thầy thuốc cắt thuốc tốt và sắc thuốc tốt, nhưng nấu ăn không tốt, để giường có rệp, muỗi cắn hút máu của người bệnh thì chữa bệnh cũng không tốt. Cho nên phải đoàn kết trên dưới thành một khối như chiếc máy đồng hồ”(7).

Sau bài viết của Bác, một phong trào vệ sinh yêu nước được dấy lên và được nhân dân cả nước hưởng ứng tích cực. Giai đoạn từ năm 1958 đến năm 1975: Các phong trào 3 sạch (ăn sạch, uống sạch, ở sạch), 4 diệt (diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột, diệt rận); phong trào sạch làng tốt ruộng, sạch bản tốt nương, sạch đường đẹp phố; phong trào xây dựng hố xí 2 ngăn trở thành phổ biến ở miền Bắc đã được diễn ra mạnh mẽ. Từ năm 1975 đến nay, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm y tế dự phòng với các Chiến lược Quốc gia về vệ sinh môi trường, y tế dự phòng. Các tiêu chí vệ sinh được đưa vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và gần đây là chương trình xây dựng nông thôn mới do Bộ Chính trị phát động. Ngày 2/7 hàng năm được chọn là “Ngày vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân” theo Quyết định số 730/QĐ ngày 19/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

3.       Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế toàn diện

Trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của ngành y tế và các thầy thuốc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt, nó trực tiếp quan hệ đến sức khỏe, đến tính mệnh của con người. Chính vì vậy, Người quan niệm “lương y như từ mẫu”, “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Đây là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng của Người về y đức và cũng là mục tiêu phấn đấu của đội ngũ bác sĩ.

Trong suốt thời gian từ năm 1947 đến năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 20 bức thư gửi ngành Y tế và viết rất nhiều bài báo về ngành Y tế. Trong những lần đi thăm các bệnh viện, bên cạnh việc động viên, khen ngợi, định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển của ngành Y tế nước nhà, Người thường xuyên căn dặn “Lương y phải như từ mẫu” hoặc “Lương y phải kiêm từ mẫu”. Trong bức thư gửi Hội nghị Quân y được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, tháng 3 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”(8). Đến tháng 6 năm 1953, cũng nhân dịp Hội nghị Y tế toàn quốc được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho ngành Y tế nước nhà. Trong thư Người viết: “Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân. Lương y phải kiêm từ mẫu”(9).

Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội. Nơi đầu tiên Người đến ở là Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Hữu nghị). Người chọn Nhà thương Đồn Thủy làm nơi dừng chân trong những ngày đầu trở về Thủ đô Hà Nội không phải bởi sức khoẻ của Người, mà có một ý là để tiện cho việc theo dõi, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân và bộ đội. Qua đó cho thấy, những ngày đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, dù bận trăm công nghìn việc, vừa lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua lao động sản xuất xây dựng và kiến thiết nước nhà, vừa ra sức xây dựng và củng cố lực lượng để tiếp tục trường kỳ kháng chiến cứu nước, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới ngành Y tế.

Tại Hội nghị Cán bộ y tế ngày 24/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị và căn dặn các thế hệ thầy thuốc: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào, đó là nhiệm vụ rất vẻ vang...” Người kết luận “ Lương y phải như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng”(10). Ngày 20/4/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Bệnh xá Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Tại đây, Người một lần nữa căn dặn cán bộ, y bác sỹ của Bệnh xá phải luôn ghi nhớ và thực hiện “Lương y như từ mẫu”.

Tư tưởng về y đức của Bác Hồ bắt nguồn từ truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam, từ tư tưởng nhân văn cao cả và đạo đức cách mạng, biểu hiện trước hết ở tình thương yêu con người sâu sắc. Theo đó, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài. Với đặc thù của nghề y thì lòng nhân ái, yêu thương bệnh nhân là cơ sở, là động lực thôi thúc các y, bác sỹ tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Khi trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của người thầy thuốc vững vàng, tác động trở lại y đức của người thầy thuốc.

Ngành y tế nói chung, các thầy thuốc nói riêng phải “thật thà đoàn kết”. Quan hệ giữa những người thầy thuốc là một trong những mối quan hệ cơ bản của hoạt động có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Mỗi người thầy thuốc phải học và biết cách phối hợp trí tuệ, tài năng và hành động một cách kịp thời, chính xác để cứu chữa người bệnh sao cho được hiệu quả cao nhất. Cũng trong thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế ngày 24/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”. Như vậy, đoàn kết trong y đức là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên trong ngành y tế cùng nhằm mục đích vì sức khỏe con người. Đoàn kết trong ngành y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, là sự thật thà, đoàn kết với đồng nghiệp, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức toàn diện nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Người thầy thuốc cách mạng muốn “hồng” phải “chuyên”, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình.

Những lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức thuyết phục và sức cảm hóa mạnh mẽ vì Người đã nêu tấm gương sáng nhất trong lịch sử nước ta về lòng thương yêu vô hạn đối với nhân dân, về đức hy sinh cao cả, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, mưu cầu độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc, về lối sống giản dị, mẫu mực và trong sáng tuyệt vời.

Nhiều cán bộ ưu tú của ngành y tế mang trong tim mình những hình ảnh, những lời giáo huấn về y đức vô cùng sâu sắc của Bác Hồ, nguyện đi theo con đường vì nước, vì dân mà Người đã vạch ra và thực hiện trọn đời, như: Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Người Bộ trưởng Y tế đáng kính. Trên cương vị là người đứng đầu ngành y tế nhưng chỗ nào có dịch, có bệnh là ông tìm đến. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã vượt qua bom đạn, rừng núi vào tận chiến trường với quyết tâm tìm ra phương thức, cách chữa đạt hiệu quả cao đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Ngày 07/11/1968, ông đã hy sinh trên chiến trường trong khi thực hiện sứ mệnh cao cả đó. Hay giáo sư Tôn Thất Tùng với hai bàn tay vàng đã cứu sống biết bao nhiêu người, đã nhiều nàm, ngày đêm miệt mài nghiên cứu phương pháp mổ gan không chảy máu nổi tiếng trên thế giới. Đó còn là Giáo sư Đặng Vàn Ngữ, người thầy thuốc có công to lớn trong công cuộc chống sốt rét ở nước ta thời chống Pháp và chống Mỹ. Khi đang là bác sĩ nghiên cứu ở Nhật Bản nàm 1945, ông đã không cầm được nước mắt khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Do đó, ông đã kiên quyết tìm đường về với Hồ Chí Minh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Người giao cho. Điều này cho thấy những lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức đã được các thế hệ thầy thuốc Việt Nam tiếp thu, vận dụng và được thể hiện trong chàm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

4.       Xây dựng nền y tế kết hợp truyền thống dân tộc với hiện đại, đại chúng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn đội ngũ cán bộ y tế phải giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của dân tộc. Trong nhiều bài nói chuyện với ngành y, Người thường đề cập đến kinh nghiệm quý báu của ông cha ta trong cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Cho nên, theo Người; các thầy thuốc tây y phải học đông y, các thầy thuốc đông y cũng phải học tây y, cả thầy thuốc đông y và tây y đều phục vụ nhân dân, như người có 2 tay cùng làm việc thì tốt. Cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại. Ở đây, yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất, chăm sóc sức khỏe nhân dân hiệu quả nhất.

Ngày 27/2/1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị. Trong đó Người căn dặn: “Y học phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc Bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây.. .”(11).

Lời dạy trên đây là một đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp với kiến thức uyên bác của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trên những nẻo đường tìm đường cứu nước, hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua muôn vàn khó khàn, gian khổ, bệnh tật. Trong quá trình đó, Người đã sử dụng nhiều loại thuốc “Tây”, thuốc “Đông”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là người sinh ra trong một gia đình làm nghề thuốc cổ truyền. Chính tại gia đình, Người đã tiếp thu được những kiến thức đầu tiên của y học Đông phương. Đặc biệt, vốn tri thức y học cổ truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh phong phú, sâu sắc đến mức Người có thể hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng thuốc Nam, thuốc Bắc. Trong thời gian ở Cao Bằng, thấy các cháu nhỏ do nghịch đất cát, quần áo lem luốc bẩn thỉu; mặt khác do đời sống thiếu thốn, khó khăn, có cháu bị chốc lở, mà không có thuốc chữa chạy. Bác đã chữa cho các cháu bằng cách đem nước nóng rửa sạch chỗ lở chốc rồi lấy tro bếp nóng, gói lại ấp lên đầu cho cháu. Chỉ trong một thời gian ngắn, lở chốc trên đầu các cháu bé bay đi đằng nào. Cháu lại chơi vui. Nhân dân ở đó kháo nhau “Củng Hồ biết thuốc giỏi lắm”(12).

Tư tưởng, quan điểm Hồ Chí Minh về kết hợp Đông y với Tây y thể hiện rõ nét nhất trong bài phát biểu ngày 16/1/1961, nhân dịp Người đến thàm Bệnh viện Đông y, nay là Viện Y học cổ truyền. Tại đây, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Thuốc Tây cũng chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được. Thuốc ta cũng chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh cũng chữa không được mà thuốc Tây chữa được(13).

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 vừa qua. Nhân dân cả nước đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta quyết tâm chiến đấu chống đại dịch. Các tầng lớp nhân dân cùng với lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội, thanh niên xung kích... ra quân đồng loạt, bất kể ngày đêm để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; lực lượng chính trị nòng cốt của mọi ngành, mọi giới đã góp công sức, vật chất cho đồng bào ở khu vực phong tỏa, hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ sự lây nhiễm cho lực lượng làm nhiệm vụ ở tâm dịch; những bếp lửa ấm tình đồng bào được duy trì để tiếp sức cho chiến sĩ, dân, quân ở mặt trận phòng, chống dịch.

Hình ảnh những “bác sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận phòng chống, khống chế dịch bệnh là những hình ảnh sinh động, cảm phục, cao đẹp nhất về những người thầy thuốc - chiến sĩ cách mạng trên mặt trận chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đã không quản ngại gian khổ khó khăn, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của mình. Đó không chỉ là “thông điệp từ trái tim” mà còn là tinh thần đoàn kết coi bệnh nhân “như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Đó cũng là biểu hiện cụ thể, sinh động của đội ngũ cán bộ ngành y đã thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nêu cao truyền thống đoàn kết, nhân ái, yêu nước, y đức của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam hiện nay.

Việc ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh hiệu quả không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà của từng cá nhân trong cộng đồng. Mỗi người dân phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, thực hiện theo khẩu hiệu 5K của Bộ Y tế. Nhiều phong trào hưởng ứng phòng chống dịch bệnh COVID - 19 đã diễn ra với hình thức và nội dung phong phú, đa dạng như Cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam tiếp tục cùng nhau vận dụng sáng tạo 5 điều Bác Hồ dạy để bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh Covid-19”. Những khẩu hiệu đã biến thành hành động: Yêu đất nước, thương gia đình, quan tâm sức khỏe bạn mình, thầy cô... Phong trào làm theo lời Bác được nhân rộng đến từng khối, từng lớp và lan rộng đến từng học sinh. Mỗi học sinh là một nhân tố đóng góp sức mình trong công cuộc bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Với tinh thần “Dừng đến trường nhưng không dừng học”, thiếu niên nhi đồng không chỉ học tốt, rèn luyện tốt mà còn cùng nhau chia sẻ giúp đỡ bố mẹ công việc gia đình hay cùng bố mẹ chuẩn bị những bữa ăn đủ chất cho cả gia đình để phòng chống dịch Covid, chăm sóc cây xanh nhưng cũng không quên vệ sinh cá nhân hằng ngày...

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân kể từ khi ra đời đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mang tầm vóc thời đại. Đặc biệt, đứng trước đại dịch Covid-19 còn có nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới, việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân chính là kim chỉ nam để Việt Nam thành công hơn trong công tác này.

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.187.

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.241-242.

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.241-242.

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.486 - 488.

5.       Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.487-488.

7.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 8, tr.6.

8.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 5, tr.487.

9.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 8, tr.154.

10.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.338-339.

11.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 9, tr.476.

12.     117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007.

13.     Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, 1985, tr.45.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)