slider

Về bộ bàn ghế ở phòng ăn Nhà 54 trong Khu di tích Phủ Chủ tịch

20 Tháng 05 Năm 2021 / 1063 lượt xem

Vũ Thu Hằng

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Tháng 10 năm 1954, khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của quân và dân ta thắng lợi hoàn toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Với mong muốn đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và đáp ứng được những nghi lễ ngoại giao khi Người đón tiếp khách trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị cùng Trung ương Đảng đã trân trọng mời Bác về ở tại Phủ Chủ tịch (vốn là Phủ toàn quyền Đông Dương) nhưng Người đã khước từ. Người đã chọn cho mình ngôi nhà nhỏ trong khu nhà ở của người công nhân phục vụ cho toàn quyền Đông Dương Pháp làm nơi ở và làm việc. Ngôi nhà Người ở và làm việc nguyên là nơi ở của người thợ điện phục vụ cho toàn quyền Đông Dương. Ngày 19/12/1954, Bác chính thức chuyển đến sống và làm việc tại đây, nên ngôi nhà có tên gọi là Nhà 54.

Sau thời gian này, nhiều lần Bộ Chính trị đã đề nghị xây dựng cho Bác một ngôi nhà mới khang trang để Bác ở và làm việc tốt hơn, tương xứng với cương vị của Bác là một nguyên thủ quốc gia và đáp ứng được những yêu cầu về nghi thức ngoại giao khi Bác đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước nhưng Bác vẫn không đồng ý với đề nghị này với lý do đất nước ta vừa mới thoát khỏi chiến tranh, đời sống nhân dân còn nghèo, còn phải thắt lưng buộc bụng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Năm 1958, khi đất nước ta tiến hành công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế ở miền Bắc Việt Nam, cơ sở vật chất của nhân dân ta phần nào được nâng cao, Bác mới đồng ý với chủ trương của Bộ Chính trị. Sau khi chuyển sang ở Nhà sàn gỗ (từ 19/5/1958) nhưng hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trở về ngôi nhà này tiếp khách, dùng cơm, kiểm tra sức khoẻ định kỳ và vệ sinh cá nhân. Bởi vậy Nhà 54 là nơi gắn bó với cuộc sống đời thường của Bác trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời Người. Ngôi nhà nhỏ này có ba phòng: một phòng đầu hồi bên phải được sử dụng làm phòng ngủ, phòng đầu hồi bên trái sát bờ ao được sử dụng làm phòng làm việc, phòng giữa là phòng ăn.

Theo lời kể của các đồng chí như đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Người, đồng chí Cù Văn Chước, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch là những người đã gần gũi, phục vụ Người nhiều năm cho biết: Từ ngày 19/12/1954, Người về ở và làm việc tại ngôi Nhà 54. Các đồng chí trong Bộ Chính trị đã trang bị cho Người một số đồ dùng phục vụ sinh hoạt hàng ngày như giường, tủ, bàn, ghế... Những đồ dùng này được chuyển từ Cục quản trị Văn phòng Trung ương Đảng về Khu Phủ Chủ tịch để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có bộ bàn ghế trong phòng ăn Nhà 54.

Chiếc bàn ở phòng ăn Nhà 54 bằng gỗ, mặt bàn bằng 3 mảnh ván ghép lại, xung quanh làm thành khung và có gờ lồi ra. Trong khung có 2 thanh dọc và 5 thanh ngang giữ mặt bàn. Bàn có 4 chân choãi ra 4 góc, nối liền các chân có hai thanh ngang, một thang dọc ở giữa, dưới thang có khắc hình 6 răng cưa. Bàn được đánh vecni màu nâu. Kích thước bàn: Dài 2m, rộng 1,1m, cao 0,77m.

Một ghế mây Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi được đặt phía đầu bàn, mặt ghế hình tròn, đan bằng sợi mây nhỏ, xung quanh có khung bằng song. Ghế có 4 chân tròn hơi choãi ra 4 góc, 2 chân sau cấu tạo liên kết uốn cong lên thành giá tựa lưng, mặt tựa lưng đan bằng sợi mây nhỏ, có khung bằng song. Hai bên thành ghế có 2 đoạn song nối tiếp từ khung tựa đến khung mặt ghế để tay. Mặt ghế chiều rộng nhất 0,5m, chiều cao từ chân đến khung tựa lưng 0,96m.

Xung quanh bàn gỗ dùng khi mời cơm khách ở phòng ăn Nhà 54 có 6 chiếc ghế bằng gỗ, mặt ghế hình thang, đáy lớn bằng 42 cm, đáy nhỏ 37,5 cm, cao 39,4 cm. Ghế có 4 chân, chỗ tựa lưng đóng 4 thanh gỗ tạo thành khung. Phía trong 4 góc đóng 4 miếng gỗ để giữ khung, dưới chân đóng 2 thanh ngang. Ghế cao từ chân đến hết chỗ tựa 87,8 cm. Ghế cũng được đánh vecni màu nâu.

Trên bàn ăn hiện trưng bày một bộ bát đĩa đã dùng phục vụ bữa ăn thường ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong phòng ăn này, Người đã nhiều lần mời cơm thân mật các đồng chí trong Bộ Chính trị, một số đồng chí Trung ương, khách quốc tế như Hoàng thân Lào Xuphanuvông (ngày 9/01/1961), vợ chồng Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (ngày 05/7/1965)..., thỉnh thoảng các cháu thiếu nhi cũng được mời đến ăn cơm cùng với Người.

Mỗi khi Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bữa thì mâm cơm được chuyển từ bếp lên và bày trên bàn ăn. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh các món ăn được thay đổi theo mùa, phù hợp với thời tiết và sức khỏe của Bác. Ngoài ra, một tuần thường có ba bữa Bác dùng cơm chung với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, PhóChủ tịch nước Tôn Đức Thắng và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hoặc các khách mời. Theo lời kể của ông Đặng Văn Lơ là người hàng ngày nấu ăn cho Bác, bữa ăn của Bác thường có ba món: Một món mặn là thịt kho hoặc cá kho; một món rau luộc hoặc rau xào; một bát canh nhỏ với chút dưa, chút cà muối hoặc món nhút quê hương. Bác không bao giờ để thừa thức ăn. Trước bữa nếu nhiều thức ăn, Bác sẻ bớt ra một đĩa khác, chỉ để vừa ăn.

Trong thời gian Bác sống tại Nhà 54, Bác đề nghị và thực hiện: chiều thứ bảy hàng tuần Bác ăn cháo để bớt đi một chút khẩu phần gạo góp thêm cho người nghèo. Những năm cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ diễn ra ác liệt, nhân dân ta bắt đầu phải ăn cơm độn với sắn, ngô, mỳ, Bác dặn anh em: “Các chú thổi cơm độn cho Bác. Nhân dân, cán bộ ăn cơm độn bao nhiêu phần trăm độn cho Bác từng ấy”. Những năm đó tuổi Bác đã cao, thấy vậy các đồng chí phục vụ thưa với Bác là có quy định các cụ già trên 70 tuổi không phải ăn cơm độn, nhưng Bác bảo: “Bác cũng nhiều tuổi, nhưng Bác còn khoẻ. Thế thì Bác theo cán bộ. Cán bộ thế nào thì Bác thế ấy. Cứ thổi tiếp đi cho Bác ăn”. Anh em xay ngô thật nhỏ, độn gọi là, nhưng Bác biết, Người nhắc: “50% cơ mà!”. Những lời nói và việc làm của Người đều xuất phát từ tình thương yêu con người, yêu nhân dân vô bờ bến. Bởi theo Người: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy chúng ta phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”. Và Bác là tấm gương sáng, bởi vì Bác đã sống một cuộc đời đúng như những điều Người dạy: “Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo, nhưng cuộc sống vật chất hết đời người là hết. Còn tiếng tăm tốt xấu truyền đến ngàn đời sau”. Thống nhất giữa lời nói và việc làm là nguyên tắc đạo đức của Bác Hồ, bởi đó là sự thể hiện ở tấm gương đạo đức của bản thân Người và những lời Người răn về đạo đức. Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Bác Hồ, là ở chỗ dù việc lớn hay việc nhỏ bao giờ cũng là lời nói đi đôi với việc làm.

Bác không bao giờ tự cho mình đứng cao hơn quần chúng hay đứng xa cách quần chúng mà Người hòa mình với quần chúng một cách chân thành nhất với nguyện vọng là người công bộc trọn đời của nhân dân. Bác cũng không muốn người khác phải vất vả phục vụ mình. Bước sang năm 1967, đã già yếu nhiều nhưng ngày 3 bữa, Bác vẫn tự mình từ Nhà sàn về Nhà 54 để dùng cơm. Có lần, sau những trận mưa to, đường đi còn ngập nước nhưng đến giờ ăn, dù đang còn mưa Bác vẫn xắn quần quá đầu gối, cầm ô cùng đồng chí bảo vệ lội nước đi sang nhà ăn cách khoảng 200 mét. Nhìn ống chân Bác gầy, nổi gân xanh, anh em thương Bác trào nước mắt nhưng không sao thuyết phục được Bác cho phép dọn cơm lên Nhà sàn. Bác nói: Các chú muốn chỉ một người vất vả hay muốn cho nhiều người vất vả vì Bác. Ở vị trí càng cao, càng nổi tiếng, tinh hoa, phẩm chất, đạo đức của Bác càng sáng, càng trong.

Khách đến tham quan Nhà 54 sẽ thấy trên bàn ăn vẫn trưng bày một bộ bát đĩa giống như bữa ăn của Bác khi xưa. Bữa ăn của Người rất đơn giản, không cầu kỳ, không cao lương, không mỹ vị. Đồng chí Phạm Văn Đồng kể lại: Dùng cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm nào, bởi vì Cụ trọng lao động của con người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ, đức lớn hài hòa ở một con người, ăn xong bao giờ Bác cũng tự tay thu dọn các thứ gọn gàng tươm tất, giúp mọi người phục vụ chỉ việc bê mâm đi. Bác quý trọng người lao động là như vậy đó. Đi đâu, gặp công nhân, cán bộ, quân đội, sinh viên, hễ có dịp là Bác thường dọn giúp người lao động, đồng chí của mình đỡ vất vả.

Từ ngày 18/5/1958, tuy chuyển sang ở và việc tại Nhà sàn gỗ phía bên kia bờ ao, nhưng có những công việc quan trọng của Đảng, của Nhà nước vẫn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiên cứu, chuẩn bị tại ngôi nhà này. Ngày 17/8/1969 là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Nhà 54 kiểm tra sức khoẻ lần cuối cùng. Có thể nói, Nhà 54 đã chứng kiến nhiều hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những hoạt động vì sự nghiệp thống nhất đất nước, vì sự nghiệp hoà bình dân chủ, tiến bộ xã hội loài người.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cùng với những hiện vật được gìn giữ tại Khu di tích Phủ Chủ tịch như lúc sinh thời Người, bộ bàn ăn tại di tích Nhà 54 được trưng bày để phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Khu di tích Phủ Chủ tịch. Cùng với hàng nghìn những di vật vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến cuộc sống đời thường của Người hiện đang được bảo quản, trưng bày và phát huy tác dụng tại nơi Người sống và làm việc trong 15 năm cuối đời, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành nơi hội tụ tình cảm của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc tế đến Việt Nam. Với tấm lòng biết ơn và kính yêu Bác Hồ, đồng bào ta từ mọi miền tổ quốc đến thăm di tích đều hòa mình trong sự thanh thản, tao nhã, cảm nhận được tình cảm ấm áp mà Người đã để lại. Cuộc sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự gần gũi với nhân dân là đặc trưng cho tình yêu đối với đất nước của Người, không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng niềm xúc động trước sự vĩ đại của một con người đã trở thành huyền thoại ngay trong cả cuộc sống đời thường của mình.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)