slider

Về chiếc ghế xích đu ở tầng một nhà sàn

19 Tháng 09 Năm 2011 / 2608 lượt xem
Nguyễn Thị Bình
                                                             Phòng - Sưu tâm- Kiểm kê- Tư liệu
 
Khách tham quan có dịp vào viếng Lăng và thăm nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ ít được nghe giới thiệu về chiếc ghế xích đu được làm bằng song mây (còn gọi là ghế chao mây) mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng đặt tại tầng một nhà Sàn thường gọi là ghế chao mây.         
Theo các tài liệu như bản ghi chép bước đầu đề ngày 17-12-1970 lưu trong hồ sơ số 30 của đồng chí Phạm Hồng Thăng là cán bộ Bộ Công an biệt phái về Bảo tàng Hồ Chí Minh để vào sổ kiểm kê những hiện vật của Bác sau ngày Bác mất 2-9-1969, theo ảnh tư liệu được chụp sau ngày Bác mất mười bốn ngày, đó là ngày 16-9-1969 và lời kể của các nhân chứng là những người đã trực tiếp phục vụ Bác Hồ cho biết thì: Vào năm 1957, Hợp tác xã thủ công nghiệp Tiên Lý được vinh dự đan chiếc ghế xích đu bằng song mây gửi lên Văn phòng Trung ương biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay Hợp tác xã đã được đổi tên là Hợp tác xã Thống Nhất chuyên sản xuất ghế mây Đồng Văn, Xã Hoàng Đông, Huyện Duy Tiên, Tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam).
Chiếc ghế xích đu này đã được hai ông Nguyễn Văn Chuyên là trưởng tập đoàn sản xuất và ông Nguyễn Văn Bích phó đoàn là hai người thợ có tay nghề đan giỏi nhất lúc bấy giờ thực hiện. Hai ông kể lại: Vào năm 1957, hai ông được vinh dự tham gia đan chiếc ghế vừa nằm vừa ngồi để gửi lên Văn Phòng Trung ương biếu Chủ tịch Hồ chí Minh, Cơ sở sản xuất của các ông có từ năm 1918. Sau này được đổi tên là Hợp tác xã. Khi gửi ghế biếu Bác, Hợp tác xã có nhận được thư trả lời của Bác. Trong thư, Bác cảm ơn Hợp tác xã và gửi biếu Hợp tác xã 20 đồng. Các đồng chí ban chủ nhiệm trong Hợp tác xã đã dùng số tiền Bác cho để tổ chức một bữa liên hoan.
Ghế có kích thước dài 2,11m, rộng 0,51m. Ghế được thiết kế vừa có thể ngồi, nằm tựa lưng, đu đưa được. Mặt ghế đan bằng mây mầu trắng, khung ghế sơn mầu nâu, mặt dưới có thang ngang đỡ. Có hai bản lề gắn với thành tựa lưng. Sau lưng tựa có thang gỗ chia ba khấc để tỳ tay vào thang ngang, mỗi khi muốn cho lưng tựa cao hoặc thấp thì có thể điều chỉnh theo ý muốn.   Khung đỡ dưới mặt ghế và lưng tựa gồm các đoạn song uốn cong, có hai vòng tròn và năm thang ngang gối đỡ dưới. Ghế đứng được do hai đoạn song uốn vòng hai đầu cong lên. Khi ngồi hoặc nằm ghế đung đưa qua lại nhẹ nhàng.
Chiếc ghế này được Bác dùng thường xuyên từ năm 1958 đến năm 1969. Có lần một nhà báo nước ngoài sau khi thăm quan nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có hỏi đồng chí Vũ Kỳ là thư ký riêng của Người: Tại sao lại đặt cái ghế theo chiều sáng như vậy?
Đồng chí Vũ Kỳ đã giải thích: Đặt cái ghế theo cách như vậy để khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngả lưng nghỉ trưa xem báo, ánh sáng không chiếu thẳng vào mặt, đỡ bị chói mà chiếu vào trang báo cần đọc .
Chiếc ghế tựa bằng song mây là quà tặng, đã phần nào nói lên tình cảm của nhân dân tỉnh Hà Nam đối với Bác. Tình cảm đó được thể hiện qua từng sợi nan, từng hoa văn trang trí trên chiếc ghế mây. Thông qua hiện vật này, nhân dân Hà Nam muốn gửi gắm tình cảm yêu thương, trân trọng nhất, muốn được nâng niu giấc nghỉ trưa của Người, muốn Người luôn cảm thấy thư thái sau một ngày làm việc căng thẳng và mệt nhọc. Ngoài ngoài ra việc Bác sử dụng chiếc nghế này từ năm 1958 đến cuối đời còn thể hiện Bác rất yêu mến đôi bàn tay khéo léo của những người thợ đã làm ra những sản phẩm rất đẹp, trang nhã và tiện dụng. Bác muốn nghề thủ công mây tre sẽ được kế thừa và phát triển mãi vì đó là một nghề cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Chiếc ghế chao bằng mây là hiện vật gốc đã chứng kiến những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc kháng chiến 15 năm chống Mỹ cứu nước ở miền Nam và bảo vệ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Sinh thời Bác, sau giờ làm việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, hoặc tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước. Bác thường nghỉ trưa nằm đọc báo khoảng 1 tiếng, để cập nhật tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời đưa ra sự chỉ đạo sâu sát, cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trực tiếp lãnh đạo công cuộc chống Mỹ cứu nước và chuyển hướng xây dựng nền kinh tế miền Bắc từ hòa bình sang thời chiến, đảm bảo cho miền Bắc xã hội chủ nghĩa luôn được củng cố vững mạnh, làm tròn sứ mạng lịch sử của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Bác rất quan tâm đến các ngành các giới đặc biệt về nông nghiệp, nông thôn, Bác theo dõi từng bước phát triển của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp về sản xuất, về phân phối lưu thông .      
Cũng trong những lúc nghỉ ngơi ở chiếc ghế chao mây này, Người thường đọc báo theo dõi những tấm gương người tốt, việc tốt đăng tải trên các báo để kịp thời khen thưởng, động viên. Vì theo Bác: lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Từ năm 1959- 1968 đã có gần 4.000 gương người tốt việc tốt được nhận huy hiệu của Bác Hồ. Người cũng đề nghị cắt dán báo và cho viết lại những gương này để in thành sách như cuốn: “Dân tộc anh hùng giai cấp tiên phong”, “Vì nước vì dân”, “Hợp tác xã là nhà xã viên là chủ”, “Việc nhỏ nghĩa lớn”, “Thế hệ anh hùng”… Những loại sách này hiện đang được trưng bày ở nhà Sàn và các nhà di tích trong khu Phủ Chủ tịch.
Chiếc ghế chao bằng song mây được nhân dân tỉnh Hà Nam tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đựơc Người đã sử dụng còn thể hiện sự giản dị và tiết kiệm của Người. Người không thích sử dụng những thứ đồ xa hoa đắt tiền mà chỉ sử dụng những đồ dùng rất bình thường làm bằng những vật liệu sẵn có trong tự nhiên, Người muốn cùng chia sẻ những khó khăn của đất nước với đồng bào và tự mình làm gương cho đạo đức cần kiệm đúng như nhà thơ Cu Ba PhêLichPitarođrighết sau một lần đến thăm ngôI nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Có lẽ phải nói đó là tinh thần chí công vô tư. Người chỉ sử dụng cho mình những cái gì tối cần thiết, chứ không phải bất cứ cái gì cần thiết: chiếc giường, tủ quần áo, chiếc bàn, chiếc ghế, cái giá sách, những thứ cần cho công việc và nghỉ ngơi để lấy lại sức làm việc, chỉ thế thôi không gì hơn nữa.
Trong thời đại ngày nay, một số ít người kể cả cán bộ nhà nước đã tha hoá biến chất, lo chạy theo cuộc sống hưởng thụ vật chất, bất chấp cả nhân phẩm đạo đức, coi sự hưởng thụ là mục đích của cuộc sống, thì chiếc ghế bằng song mây và những vật dụng bình thường tại nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện phong cách sống thật sự cần, kiệm, giản dị, coi khinh sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức trang trọng, suốt đời sống trong sạch, vì dân, vì nước, không gợn chút riêng tư của Người. Bấy nhiêu đức tính cao cả chung đúc lại trong một con người đã làm cho tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở nên vĩ đại tuyệt vời. Cũng chính từ sự kết hợp của những đức tính bình thường mà vĩ đại đó, Người là tấm gương cụ thể, gần gũi mà mọi người chúng ta đều có thể noi theo./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)