slider

VỀ CÔNG TÁC KIỂM KÊ XÂY DỰNG HỒ SƠ KHOA HỌC CHO CÁC DI TÍCH VÀ TÀI LIỆU- HIỆN VẬT Ở KHU DI TÍCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH.

06 Tháng 10 Năm 2008 / 2801 lượt xem

Sự quan tâm của lãnh đạo Khu di tích Phủ Chủ tịch đối với công tác kiểm kê không chỉ về số lượng cán bộ. Từ chỗ có một người (năm 1981), ba người (năm 1985), đến năm 2005 đã có sáu cán bộ trực tiếp làm công tác kiểm kê. Từ chỗ nơi làm việc chật chội, trang thiết bị sơ sài, nay đã có chỗ làm việc khang trang và trang bị 2/4 máy vi tính chuyên phục vụ cho công tác kiểm kê. Trong thời gian qua, công tác kiểm kê đã tiến hành được một số mặt hoạt động như sưu tầm tài liệu, hiện vật có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến Khu di tích Phủ Chủ tịch, gặp gỡ nhân chứng lịch sử để lấy tư liệu, ghi chép xác minh… Nhưng một trong những mặt hoạt động được quan tâm và đầu tư hơn cả là công tác nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học cho di tích bất động sản, di tích động sản là các tài liệu- hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến tháng 1/2007 đã xây dựng hồ sơ khoa học cho hầu hết các nhà di tích, cho 492 tài liệu- hiện vật ở các nhà di tích và hiện vật mới sưu tầm. 

Trong mỗi Hồ sơ khoa học của các nhà di tích  có các tài liệu:

-    Lý lịch di tích và các tài liệu liên quan đến di tích.

-    Các bản vẽ thiết kế.

-    Các bản vẽ mầu.

-    Các bản vẽ đạc họa.

-    Ảnh chụp nội ngoại thất di tích.

Với các di tích đang lưu giữ, trưng bày tài liệu -hiện vật có kèm theo danh mục hiện vật vốn có ở di tích và danh mục hiện vật hiện đang trưng bày. Riêng nhà cao Phủ Chủ tịch đã tiến hành tìm kiếm danh mục các hiện vật đã sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách nhưng hiện chưa rõ lưu giữ ở đâu.

Trong Hồ sơ của khu vực Phủ Chủ tịch, ngoài các tài liệu nêu trên còn có Bản đồ khu vực 2-9, Bản đồ quy hoạch cây xanh. Nhưng trong hồ sơ của Di tích nhà phòng không (CK2), căn phòng Hội đồng bác sĩ họp bàn cách chữa bệnh cho Bác(BK2), Di  tích nhà bếp A, nhà bếp B chưa tập hợp được bản vẽ thiết kế và Di tích H66 chưa có bản vẽ màu, bản vẽ đạc họa. Với các bản vẽ thiết kế còn thiếu có thể được thực hiện trong thời gian tới trong "kế hoạch chỉnh lý hoàn thiện Hồ sơ các di tích bất động sản tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch" của phòng ST- KK-TL, riêng các bản vẽ màu, bản vẽ đạc họa Di tích H66 phụ thuộc nhiều vào Quy chế bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt.

          Để bổ sung cho Hồ sơ khoa học của các nhà di tích, năm 2005 phòng ST- KK-TL đã chụp lại ở Trung tâm lưu trữ quốc gia I được 27 bản vẽ thiết kế khu vực Phủ Chủ tịch đựơc thực hiện từ những năm 1900 (lưu vào đĩa) và năm 2006, được sự giúp đỡ của Văn phòng Chủ tịch nước đã sao chụp lại được 5 bản vẽ thiết kế của nhà cao Phủ Chủ tịch do Chính phủ Pháp tặng Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhân chuyến thăm của Chủ tịch ở Cộng hòa Pháp và một số nước khác năm 2004.

Việc xây dựng Hồ sơ khoa học cho các tài liệu- hiện vật ở các nhà di tích chưa được nhiều so với số hiện vật đang trưng bày và còn thiếu rất nhiều nếu so với tổng số hiện vật vốn có ở các nhà di tích. Bởi như chúng ta đều biết, muốn xây dựng Hồ sơ khoa học cho tài liệu-hiện vật phải trên cơ sở được tiếp cận và nghiên cứu trực tiếp hiện vật gốc. Nhưng trên thực tế hiện vật trưng bày tại Di tích lại không phải là gốc mà chỉ là hiện vật làm lại, còn hiện vật gốc của Di tích đang được bảo quản tại kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Như ở Di tích nhà 54, trước năm 1996 di tích này chưa được mở cửa phát huy tác dụng giáo dục nên chỉ một số ít hiện vật làm lại được trưng bày. Từ sau tháng 6-1996, khi Bảo tàng Hồ Chí Minh bàn giao hiện vật để trưng bày và mở cửa Di tích phục vụ khách tham quan thì công tác này mới được tiến hành. Trong số các hiện vật bàn giao ấy có nhiều cuốn sách gốc và in bằng tiếng nước ngoài nên phải tổ chức cho dịch tóm tắt những cuốn sách đó ra tiếng Việt để hiểu được nội dung cuốn sách cũng như những thông tin có liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và làm việc tại đây. Vì thế việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học cho chúng không thể tiến hành nhanh. Hơn nữa, thời gian cũng đã trôi xa, các nhân chứng lịch sử tuổi đã cao nên trí nhớ đã có phần giảm sút, việc lấy ý kiến của nhân chứng được khách quan cũng không đơn giản, cho đến nay mới xây dựng được hồ sơ khoa học cho 1/3 số hiện vật đang trưng bày. Hay với tài liệu - hiện vật ở Di tích nhà sàn gỗ cũng vậy. Đây là di tích trung tâm của Khu Di tích Phủ Chủ tịch thường gây cảm xúc cho tất cả khách tham quan, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc mà như lưu bút của vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa Myanma để lại:" Được tham quan ngôi nhà này chúng tôi càng hiểu rõ hơn về con người Hồ Chí Minh và những đức tính nổi bật của Người: Giản dị, cần cù,dũng cảm, tận tụy, bền bỉ cống hiến. Chúng tôi thật lòng tôn kính nhân cách của Người và ao ước phấn đấu theo Người. Nhân dân Việt Nam thật tự hào có một lãnh tụ như vậy". Vì thế công tác nghiên cứu, xác minh xây dựng hồ sơ khoa học cho các tài liệu- hiện vật ở di tích này càng cần thiết và khẩn trương. Năm 2004, được sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của Ban Giám đốc và kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh, việc ghi chép, xác minh cho các hiện vật đồ giấy được thực hiện, 118 cuốn sách trên tổng số 180 cuốn sách của Di tích nhà sàn đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh làm lại khoa học chính xác và trao tặng cho Khu Di tích. Cho đến nay các hiện vật đồ giấy hiện đang trưng bày ở Di tích nhà sàn gỗ đã cơ bản được nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học. Nhân dịp này chúng tôi xin trân trọng cám ơn Ban Giám đốc, cán bộ nhân viên phòng KK-BQ Bảo tàng Hồ Chí Minh. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch mong muốn được cộng tác nhiều hơn với Bảo tàng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp chung này. Còn Di tích nhà Bác tiếp cán bộ  (BK1) do chưa mở cửa để phát huy tác dụng nên chưa có sự đầu tư  nghiên cứu, xác minh hiện vật ở Di tích này, mới chỉ có một cuốn sách bằng tiếng Nga có hồ sơ khoa học. Với Di tích này có nhiều ý kiến của các nhân chứng lịch sử và của nhiều nhà khoa học đề nghị, trong điều kiện cho phép, nên trả lại đúng tên gọi, nội dung lịch sử và giá trị thực cho di tích.

Trong mỗi  Hồ sơ khoa học của các hiện vật có các tài liệu sau:

- Bản ghi chép hiện vật được thực hiện từ những năm 1970.

- Bản ghi chép hiện vật trên cơ sở xác minh được.

- Lời kể của các nhân chứng và các tài liệu liên quan đến hiện vật.

- Phiếu kiểm kê khoa học.

- Ảnh chụp hiện vật.

Riêng trong Hồ sơ khoa học của các hiện vật là sách bằng tiếng nước ngoài có thêm bản dịch tóm tắt cuốn sách kèm theo. Trong Hồ sơ khoa học của các hiện vật nhà bếp A và B còn chưa có ảnh nhưng đã có số kiểm kê của ảnh ở kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Với các di tích ngoài trời:

Tuy chưa được xây dựng Hồ sơ khoa học đầy đủ nhưng cho đến nay ngoài Lý lịch di tích Con đường mòn, Lý lịch di tích Ao cá và 37 bìa hộ chiếu khoa học của các cây di tích, chúng tôi đã tập hợp được nhiều tài liệu liên quan đến vườn quả, vườn hoa,  cây cảnh từ năm 1979 đến năm 1994, đặc biệt trong đó có tập Nhật ký của ông Ngô Văn Các nguyên là người được giao nhiệm vụ chăm sóc vườn cây từ năm 1960 đến năm 1988; Các tài liệu liên quan đến ao cá từ năm 1985 đến năm 1988 và tài liệu liên quan đến tu bổ ao cá trong các năm 1985, 1988, 1999  và 2004; Bản vẽ về phần tu sửa ao năm 1985 và các ảnh chụp.

Hồ sơ khoa học là một phần rất quan trọng không thể thiếu đối với mỗi di tích, mỗi tài liệu- hiện vật bảo tàng. Có thể nói hồ sơ khoa học là phần linh hồn của di tích, của tài liệu- hiện vật bảo tàng, nó thổi hơi sống vĩnh hằng cho di tích, cho hiện vật của di tích, nó đảm bảo tính pháp lý để các di tích và hiện vật của di tích được bảo quản, bảo vệ, phục vụ lâu dài. Nhận thức đúng đắn về vai trò quan trọng của hồ sơ di tích, hồ sơ hiện vật để có phương hướng nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học cho các di tích, cho các tài liệu- hiện vật bảo tàng là sự mong muốn, là sự quan tâm của tất cả những người làm công tác bảo tồn bảo tàng. Do đó trong những năm qua, với sự giúp đỡ tận tình của các đồng chí lãnh đạo cơ quan Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, của các đồng nghiệp đi trước và của các nhân chứng lịch sử, phòng ST-KK-TL đã rất cố gắng tập hợp, ghi chép, sưu tầm tư liệu bổ sung cho hồ sơ các di tích được đầy đủ theo những tiêu chí chuyên môn đặt ra. Tuy nhiên do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan,  còn chưa đạt yêu cầu lắm. Các Di tích bất động sản là các ngôi nhà đã có xây dựng hồ sơ tương đối đầy đủ các yếu tố (nhưng ở một số nhà còn thiếu bản vẽ như đã nêu ở trên); Nhiều di tích ngoài trời còn thiếu hồ sơ. Những hồ sơ xây dựng được mới chỉ đạt mức đủ các yếu tố cần, nhiều hồ sơ còn ẩn chứa ít thông tin. Chúng tôi hy vọng vào tiềm năng của lớp cán bộ trẻ, mới, năng động sẽ tiếp tục bổ sung những điều còn thiếu để hồ sơ khoa học của các di tích và của các hiện vật ngày càng hoàn thiện hơn và tiến tới tất cả các hồ sơ, tư liệu có được sẽ được quản lý bằng công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu phục vụ khai thác cũng như hội nhập với việc quản lý đó của cả nước và trên thế giới./.

Ths: LÊ KIM DUNG

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)