slider

Về cuốn sách “Chiến tranh không tuyên bố ở Nam Việt Nam” trên giá sách phòng làm việc Nhà sàn

07 Tháng 08 Năm 2020 / 962 lượt xem

Trần Thị Thuấn

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

 Trên giá sách phòng làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngôi nhà sàn gỗ trong Khu Phủ Chủ tịch, Hà Nội, nơi Người đã sống và làm việc từ năm 1954 đến năm 1969, có nhiều cuốn sách của các tác giả trong nước và nước ngoài viết về Việt Nam, về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, trong đó có cuốn sách “Chiến tranh không tuyên bố ở Nam Việt Nam” của tác giả Lê Văn Chất. Sách do nhà xuất bản Ngoại văn Hà Nội xuất bản năm 1962, chữ Pháp. Bìa bằng giấy cứng, mặt ngoài bìa trước có hai màu, ở giữa là màu trắng, hai bên là màu đen, phía trên vẽ núi và ba chiếc máy bay. Sách có kích thước 13 x 19 cm, gồm 215 trang.

Tác giả Lê Văn Chất là một biên tập viên của nhà xuất bản. Ông đã sử dụng chính những tài liệu của báo chí Mỹ, các nước tư bản khác để vạch âm mưu thủ đoạn của Mỹ. Những năm 1960, 1961, 1962, sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng ở miền Nam phát triển rất mạnh. Từ năm 1955 đến năm 1962, chính quyền Diệm được Mỹ hà hơi, giúp sức, nhưng không tài nào “bình định” nổi miền Nam Việt Nam. Bắt đầu từ 1960 Mỹ phải từng bước gấp rút đưa quân và vũ khí đến miền Nam. Năm 1962, thời điểm cuốn sách “Chiến tranh không tuyên bố ở Nam Việt Nam” được xuất bản, cũng là lúc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của nước Mỹ gay go nhất. Chính vì vậy, có thể nói, cuốn sách ra kịp thời và có tính thời sự nóng hổi. 

Nội dung cuốn sách nhằm tố cáo đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954, thay Pháp hất Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm về làm Tổng thống ở miền Nam Việt Nam, đàn áp cách mạng, tiến hành chiến tranh “đặc biệt” - một cuộc chiến tranh không tuyên bố, nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Ngoài trang 1: In tên sách; Trang 3: In tên tác giả, tên sách, tên nhà xuất bản; Trang 5, 6, 7: Lời nói đầu nhà xuất bản tháng 6-1962; Trang 9: Trích bốn đoạn văn của nhân vật và báo Mỹ, thì từ trang 12 đến trang 190 là 3 phần nội dung của sách: Nỗi thống khổ của Việt Nam; 1954-1960 tàn phá và tang tóc; 1961 Cuộc chiến không dám thú nhận. Từ trang 191 đến trang 213 là phần phụ lục. Trong sách còn có 12 trang giấy dầy in 22 ảnh xen kẽ ở các trang 40-41, 120-121 và 168-169.

Theo lời kể của các đồng chí giúp việc, thời gian Bác còn khoẻ, đã thành nếp Người đọc báo, bản tin trong nước đều đặn hằng ngày. Những thông tin trên sách, báo giúp Người nắm bắt các thông tin trong nước và quốc tế rất kịp thời. Cũng theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì cuốn sách “Chiến tranh không tuyên bố ở Nam Việt Nam” với nội dung thời sự nóng hổi đã được gửi đến Văn phòng Phủ Chủ tịch theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã đọc cuốn sách này và để lại dấu bút đỏ ở 94 trang sách (Trang 5, 6, 7, 9, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 21, 23, 27,    30, 31, 32, 33, 35, 37, 38, 40, 51, 52, 53, 55, 56, 57, 62, 70, 71, 73, 78, 79, 80, 82, 83, 84,        85, 86, 87, 88, 89, 90, 91, 92, 94, 96, 99, 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 123, 124, 125, 126, 128, 131, 133, 135, 136, 137, 138, 140, 142, 144, 145, 146, 147, 149, 150, 151, 152,      154, 157, 158, 159, 160, 161, 163, 164, 167, 168, 170, 174, 180, 184, 185, 186, 189). Bút tích của Người phần lớn là những nét gạch xiên giữa những câu, chữ mà Người quan tâm; những nét gạch ngắn viết ở ngoài mác phải, mác trái của những đoạn văn mà Người lưu ý. Một số nội dung chính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đánh dấu bút đỏ cụ thể như:

- Âm mưu của đế quốc Mỹ nhằm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, thay Pháp hất Bảo Đại và nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta: Hai tuần lễ trước ngày ký Hiệp nghị Giơnevơ, Oasinhtơn đã đưa Ngô Đình Diệm được nuôi dưỡng ở Nưu Ước về và áp đặt lên ghế Thủ tướng của Bảo Đại (Trang 21); Theo Cônno, ký giả một tớ báo Mỹ thì Diệm không dấu diếm sự mong ước đưa quân số lên gấp ba lần ngang bằng quân số của thực dân Pháp ngày trước tức 50 vạn người (Trang 124); Mỹ Diệm tìm nhiều cách để cản trở sự hoạt động của Uỷ ban quốc tế và lại đổ lỗi cho Uỷ ban này bất lực, để lấy cớ vi phạm Hiệp nghị Giơnevơ... (Trang 137);

- Những tuyên bố bày tỏ thái độ của nhà cầm quyền Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược của họ ở Việt Nam: Tháng 2/1962, Rôbớt Kennơdy (em trai của Tổng thống Giôn Kennơđy) tuyên bố ở Sài Gòn: “Chúng ta chỉ có thắng ở Việt Nam. Chúng ta sẽ ở đó cho đến khi toàn thắng” (Trang 9); Ngày 15/11/1961, Tổng thống Kennơđy tuyên bố trước Uỷ ban an ninh quốc gia Mỹ: “Chuẩn bị những bước can thiệp kiên quyết hơn nữa, kể cả những hành động quân sự bằng không quân và bộ binh”. Hai ngày sau, Bộ trưởng ngoại giao Đin Rớt giải thích về quyết định trên: “Vấn đề căn bản là những người cộng sản Bắc Việt Nam vi phạm các Hiệp nghị Giơnevơ... Hoa Kỳ quyết định giúp Nam Việt Nam giữ vững độc lập chống lại cuộc xâm lăng của cộng sản” (Trang 14,15); Aixenhao thường khoác áo chống chủ nghĩa cộng sản, năm 1960 hắn tuyên bố: “Chủ nghĩa cộng sản là nguy cơ nghiêm trọng nhất trùm lên nền độc lập của Nam Việt Nam” (Trang 31); Thượng nghị sĩ Giắc xơn nói: “Mỹ phải nắm lấy Nam Việt Nam bằng bất cứ giá nào. Nếu cần thiết phải dùng quân đội Mỹ để bảo vệ nó, chúng ta cũng chịu trả giá như vậy” (Trang 163).

- Những bài báo của các nước viết về cuộc chiến tranh Việt Nam: Báo Giải phóng của Pháp ngày 10/7/1961 viết: “Cuộc nổi dậy đã nổ ra không có gì lạ. Những chiến sĩ du kích không phải là những nhân viên của miền Bắc lọt vào: biên giới rất ngắn và canh phòng cẩn mật. Đó chính là nhân dân Việt Nam ở phía Nam chiến đấu để giành tự do và độc lập dân tộc” (Trang 16); Phóng viên hãng Thông tấn UPI ngày 17/11/1961, thậm chí phải viết:“Việt cộng không ai khác, đó có thể là một nông dân đang cày ruộng, một chàng trai đang đi dạo phố Sài Gòn, một người thuyền chài đang câu cá...” (Trang 57); Một ký giả Hoa Kỳ viết trong cuốn sách “Việt Nam 5 năm đầu”: “Với phần lớn thương nghiệp và toàn bộ quân đội đều do một cường quốc bên ngoài bao cho, thì Việt Nam tự do không thể trở thành một nước độc lập. Thực tế, đây là một trong những nước bị lệ thuộc nhất trên thế giới” (Trang 73)

- Những trang sách đề cập đến về tội ác của Mỹ, Diệm gây ra tại miền Nam Việt Nam: Khắp nơi máu người Việt chảy, khắp nơi tàn phá và hành hình, khắp nơi cùng cực khốn khổ (Trang 91); Báo Cách mạng quốc gia của Diệm ngày 04/3/1959: “Cứ giết không thương xót! Không cần biết đó là những con người” (Trang 94); Những người tù bị tra tấn, đánh đập, dầy vò tàn nhẫn bị mất trí hoặc bị tật nguyền vĩnh viễn, những cực hình chặt đầu bằng búa, mổ ruột phơi

thây như thời Trung cổ (Trang 96); Theo thống kê chưa đầy đủ của Mặt trận dân tộc Giải phóng, trong thời gian sông Cửu Long ngập lụt, quân Diệm đã tiến hành 600 cuộc hành quân càn quét. Nếu nước sông Cửu Long gây 100 người bị chết, thì quân Diệm giết: 437 người, bắt 1000 và làm bị thương 153 người khác. 537 người nhà không bị ngập làm chỗ chứa chấp những người chạy lụt và làm chỗ trú của hàng nghìn người khốn khổ khác đều bị chúng đốt cháy, 555 thuyền mảng bị chúng phá huỷ (Trang 131); Thử nghiệm chiến thuật chiến tranh “trong rừng rậm nhiệt đới” là: bỏ thuốc độc xuống các dòng nước của Đồng Tháp Mười, các suối của Tây Nguyên (Trang 151).

- Những nội dung viết về tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới có quy mô lớn, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất: Ở Đức, Hoa Kỳ, bọn Hítle, bọn chống cộng có thể lợi dụng tinh thần lạc hậu trong quần chúng để gây tội ác. Ở Sài Gòn sự việc lại trái hẳn, một dân tộc đã từng chống đế quốc 100 năm, năm 1954 đã giành chiến thắng bậc nhất của các dân tộc bị áp bức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, dân tộc ấy không thể đi theo Mỹ Diệm tàn sát những người đang đấu tranh cho vinh quang của tổ quốc (Trang 57); Rõ ràng nhân dân Việt Nam không phải tiến hành cuộc kháng chiến trong chín năm để thay đổi cái cách mạng, mà để chấm dứt mọi sự nô lệ, dù nó đến từ Pháp hay từ Mỹ cũng vậy (Trang 87); Sau 7 năm “bạo” quyền, 3/4 nông thôn Nam Việt Nam vẫn nằm trong tay nhân dân, điều đó không đáng ngạc nhiên. Diệm càng tiếp tục giết chóc, bắt bớ, tình hình lại càng tồi tệ và khuấy động lòng căm ghét đối với một chế độ ghê tởm (Trang 90); Tình hình không ổn định hiện nay ở Nam Việt Nam bắt nguồn từ sự can thiệp ngày càng gay gắt của Hoa Kỳ, kh-iến nhân dân Nam Việt Nam buộc phải đấu tranh giữ vững Hiệp nghị Giơnevơ, độc lập và quyền sống của họ (Trang 180); Mỹ vu khống chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hoà... Trái lại Việt Nam dân chủ Cộng hòa theo đúng điều khoản Hiệp nghị Giơnevơ đã 5 lần đề nghị chính quyền Sài Gòn mở những cuộc thương nghị về việc tổ chức tổng tuyển cử và bình thường hoá sự quan hệ Bắc Nam... ( Trang 184)...

Qua nghiên cứu, tìm hiểu những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những trang có bút tích của Người, thấy rằng Người đã sử dụng tư liệu của cuốn sách để tham khảo. Người đã có nhiều bài viết, bài báo cũng như qua các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, hãng tin nước ngoài để lên án tội ác của đế quốc Mỹ và thất bại của chúng ở chiến trường miền Nam như:

Trước ngày 28/3/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Anh Tin nhanh hàng ngày về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam, lập trường của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về “một miền Nam trung lập”, quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc. Trong các câu trả lời, Người tố cáo chính sách “chống cộng”, đàn áp mọi phong trào tiến bộ của chính quyền phản động Mỹ - Diệm, lên án việc đế quốc Mỹ công khai vũ trang can thiệp vào miền Nam Việt Nam...

Ngày 15/5/1962, bài viết Ai văn minh? Ai dã man? của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2973. Tác giả lên án những hành động dã man của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, đồng thời, nêu rõ chính sách khoan hồng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đối với tù binh Mỹ.

Ngày 01/2/1963, bài viết Tình hình tháng 1-1963 ở miền Nam anh dũng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân số 3233. Tác giả đưa ra những dẫn chứng để minh hoạ thêm những nhận xét của hãng Thông tấn Mỹ UPI và của tờ Tin điện (Mỹ) về những thất bại của Mỹ và bè lũ tay sai Diệm trong tháng 1-1963 ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 19/6/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam. Phân tích âm mưu, thái độ của địch, Người nói: “Phải đề phòng Mỹ - Diệm châu với nhau đánh mình, Mỹ sẽ liều mạng hơn”. Người đề ra nhiệm vụ của quân và dân miền Nam: “Phải lượm súng giặc, phải lập tự vệ bí mật...”.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cùng với những tài liệu hiện vật được gìn giữ tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch như lúc sinh thời Người, cuốn sách “Chiến tranh không tuyên bố ở Nam Việt Nam” với nhiều bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày trên giá sách tầng hai phòng làm việc Nhà sàn để phát huy tác dụng, phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời sự nghiệp của Người với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế khi đến thăm Khu Di tích Phủ Chủ tịch.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)