slider

XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY

23 Tháng 01 Năm 2013 / 15345 lượt xem
Lê Văn Tuyên - Ngô Tuấn Anh
Phòng BQDT
1.Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đng, làm cho Đảng mãi mãi là một Đảng đạo đức và văn minh.Với Người, xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính thường xuyên của Đảng cầm quyền.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng được thể hiện rất rõ qua các tác phẩm bài viết của Người như “Đường cách mệnh” (1937), “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10/1947), “Bài nói chuyện trong buổi lễ bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu (tháng 1/1949)... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu về sự vận động của bản thân Đảng trong quá trình biến đổi và phát triển của tinh hình cách mạng và chỉ rõ tất yếu khách quan của công tác phải xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm tới “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Mục đích của việc chỉnh đốn Đảng theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “làm cho mỗi đảng viên, đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sứclàm tròn nhiệm vụ giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”(1) nhằm khôi phục uy tín chính trị của Đảng với nhân dân - vấn đề cốt tử của một Đảng cầm quyền.
Lênin đã từng nói “Một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất” đối với Đảng là “tự cắt đứt mối liên hệ với quần chúng”(2). Đồng thời với việc chỉ ra mối nguy hiểm đó, Lênin cũng nêu lên một cách cô đọng những nguyên tắc và nội dung những việc phải làm để “Đảng là của dân” và “Dân là của Đảng”, đó là “sống trong lòng quần chúng. Biết đến với quần chúng giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng”(3). Từ những bài học kinh nghiệm về xây dựng một Đảng Mác xít - Lêninit, trong quá trình vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lenin vào điều kiện cụ thê của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Làm việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt...
Dễ mười lần không dân cũng chịu
Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(4)
Một trong những nhiệm vụ của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng là phải tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Mối quan hệ này, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “củng cố và tăng cường sức mạnh của Đảng về mọi mặt, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong thời kỳ mới”(5). Tuy nhiên, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đã xuất hiện một số cán bộ đảng viên trở nên thoái hóa biến chất và vì thế nguy cơ xa dân, mất dần quần chúng đã đến rất gần. Căn bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chuyên quyền này được phản ánh rất rõ trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10-1947). Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nguyên nhân và biện pháp đê khắc phục những căn bệnh nói trên. Người đã phân biệt rõ bản chất cách mạng của Đảng với các Đảng phái khác chính là ở chỗ “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” cho nên nếu đảng viên quan liêu, tham nhũng, cá nhân, vô kỷ luật, coi thường phép nước, họ sẽ chỉ là “những ông quan phụ mẫu” mà thôi. Số ít những người như họ đã làm mất uy tín, danh dự của Đảng, họ là “những con sâu mọt” làm ảnh hưởng đến sự sinh tồn của Đảng.
Khi giương cao ngọn cờ đại nghĩa vì độc lập, tự do, vì CNXH, Đảng ta đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia làm cách mạng. Nhưng khi đã có “quyền lực”, khi đã trở thành Đảng cầm quyền, một số cán bộ, đảng viên đã quên ngày hôm qua, đã quên những con người đã cùng đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh cho họ, khiến nhân dân phải thắc mắc, nghi ngờ. Những thắc mắc, nghi ngờ này là nguyên nhân trong nhiều những nguyên nhân sâu xa dẫn đến dân xa Đảng.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ bài học xương máu của các Đảng cầm quyền là nguy cơ tự đánh mất mình, mất quần chúng. Khi chiến tranh kết thúc, đường lối chính trị, kinh tế của Đáng sẽ quan liêu nếu xa thực tế, không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Người đã căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(6). Lời dặn này vừa là mong ước của Người, vừa là sợi dây gắn bó Đảng với dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân, Người còn quan tâm đến vai trò lãnh đạo của Đảng với Mặt trận và các đoàn thể của nhân dân. Lãnh đạo nhưng không phải là áp đặt, Đảng phải tự tỏ ra xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình... chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(7). Việc thành lập các mặt trận như Mặt trận Việt Minh (1941), Mặt trận Liên - Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền nam Việt Nam (1960) và những hoạt động của các tổ chức này là những minh chứng hùng hồn cho một quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong cách mạng. Dưới ngọn cờ đoàn kết, Đảng ta đã tập hợp được mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ, lãnh đạo họ làm cách mạng, đưa họ từ địa vị người nô lệ thành địa vị người chủ. Bài học về công tác mặt trận, công tác dân vận vẫn luôn là yếu tố quan trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của Đảng Cộng sản.
Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến việc “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng”. Theo Người, sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, trước hết phải được xây dựng trên cơ sở một mục đích, một lý tưởng thống nhất. Từ sự thống nhất về chính trị, tư tưởng đến thống nhất về hành động mà những người cộng sản xác định rõ vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trước Đảng, trước dân tộc để phấn đấu, hy sinh. Người thường xuyên giáo dục và căn dặn các Đảng viên rằng: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”(8), đối với Đảng, đối với nhân dân, chúng ta có nhiệm vụ vẻ vang là: “Suốt đời làm người con trung thành của Đảng, người đầy tớ tận tụy của nhân dân”(9). Sự đoàn kết, thống nhất về mục đích, lý tưởng của Đảng là vấn đề cơ bản, cốt lõi đảm bảo cho sự đoàn kết vững chắc, song sự đoàn kết, thống nhất ấy phải được xây dựng, bồi đắp trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin. Luận điểm then chốt này được Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức, nhấn mạnh ngay từ những ngày đầu mở lớp huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ đầu tiên của Đảng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách- mạng nhất là chủ nghĩa Lênin(10).
Muốn có sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải thực hành dân chủ rộng rãi, đề cao tự phê bình và phê bình và giữ nghiêm kỷ luật của Đảng từ trên xuống dưới. Làm tốt điều này, không chỉ thực hiện đúng các nguyên tắc của Đảng mà còn là những yếu tố chính trị tinh thần góp phần đưa cách mạng đến thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các đảng viên: “Muốn đoàn kết tốt thì phải phê bình, tự phê bình, phê bình và tự phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa”(11), đó là cách tốt nhất để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Tự phê bình và phê bình không phải là công việc nhất thời khi cần mới thực hiện mà phải được tiến hành thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày ở mọi cấp bộ Đảng, đối với mọi đảng viên của Đảng. Đảng viên ở cương vị lãnh đạo càng cao, giữ chức vụ càng quan trọng thì càng phải gương mẫu “thường xuyên và nghiêm chỉnh” tự phê bình một cách trung thực, càng phải biết lắng nghe ý kiến phê bình thẳng thắn của cấp dưới, của đảng viên, của quần chúng nhân dân để sửa chữa những sai lầm, thiết sót... Vì tầm quan trọng của vấn đề này, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành phần thứ nhất để nói về “phê bình và sửa chữa, trong đó người nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, phải tự phê bình, phải tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ nhanh khỏe vô cùng(12).
Cản trở lớn nhất trong đấu tranh tự phê bình và phê bình nhằm giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng là chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, sa hoa... và hàng trăm thứ bệnh khác. Người coi mỗi thứ bệnh của chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch, là “bạn đồng minh” của giặc ngoại xâm, nhưng nó nguy hiểm hơn, đáng sợ hơn vì “nó phá hoại từ bên trong. Nó gây ra những mối nghi ngờ” làm cho nội bộ ly tán, phá hoại sự đoàn kết thống nhất của Đảng. Nhiệm vụ của những người cộng sản là phải ra sức tranh đấu với những biểu hiện tiêu cực đó để lôi kéo giúp đỡ đồng chí mình ra khỏi vũng bùn lầy của chủ nghĩa cá nhân... Vì thế đoàn kết nhất trí phải xuất phát từ “tình thương yêu đồng chí” thiêng liêng của những người cộng sản. Trong tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai từ “đồng chí” chứa đựng một giá trị nhân văn cao cả. Người nói: “Đồng chí ta, tuy có khác nhau về chủng tộc, hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốnđi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa”. Trong cuộc sống hàng ngày, chính Người đã lấy tình thương của mình để giáo dục, gúp đỡ cán bộ, đồng chí, đồng bào. Người thường xuyên nhắc nhở các đảng viên già trẻ, cũ mới, gái trai... phải thương yêu giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, phải nuôi dưỡng, phát triển tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tình quốc tế năm châu bốn biển, phải giữ gìn đạo đức cách mạng, đề phòng và loại trừ chứng bệnh của chủ nghĩa cá nhân làm tổn hại đến tình đồng chí và làm suy yếu sức mạnh đoàn kết thống nhất của Đảng.
2. ý thức sâu sắc về nhiệm vụ xây dựng và chinh đốn Đảng như những lời chỉ dạy cũng như những mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua hơn 80 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dày dạn kinh nghiệm, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở đó, công tác xây dựng chỉnh đốn đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao, phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới, vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ nhiều mặt, đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân. Thành tựu to lớn của sự nghiệp cách mạng có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng trong nhiều năm qua vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém đáng lo ngại, như NQ Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đã nhận định “Thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”(13). Trong đó vấn đề cán bộ, đảng viên với một bộ phận không nhỏ, có cả những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, vụ lợi, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, thamnhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Điều đáng lo ngại là do hạn chế của công tác cán bộ, việc đánh giá, sử dụng cán bộ còn thiếu công tâm, khách quan, do nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” mà ở nhiều nơi rơi vào hình thức nên sinh ra một số cán bộ vừa yếu về năng lực lãnh đạo quản lý, vừa biến chất nghiêm trọng về chính trị, đạo đức, lối sống, lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân, biến ý chí của cá nhân thành nghị quyết của tập thể. Đảng cũng thấy được tình trạng trên diễn ra là do những nguyên nhân chủ quan, nhất là do nguyên tắc “tự phê bình và phê bình” ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát đảng viên.
Do đó để công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng trong điều kiện hiện nay đúng với tinh thần những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng với tinh thần của Nghị quyết TW 4 khóa XI của Đảng mới ban hành, theo chúng tôi:
1. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa những lời chỉ dạy tận tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.
2. Cần khắc phục những điều chưa đạt những yêu cầu đặt ra trong việc thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Hội nghị TW 6 (lần 2) Khóa VIII và 5 năm thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vừa qua đã để dần tới lòng tin của nhân dân giảm sút.
3. Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn có những yêu cầu, nhiệm vụ nhất định. Vì vậy trong điều kiện hiện nay phải kiên quyết khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, bắt đầu từ việc tự phê bình và phê bình một cách dân chủ. Những người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cần tự giác gương mẫu làm trước tự phê bình, kiểm điểm, đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện nghiêm túc công tác cán bộ và các vấn đề, trên cơ sở thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, các quy định của pháp luật, dựa vào sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân và phát huy trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng. Nhất định Đảng Công sản Việt Nam sẽ được xây dựng là một Đảng thật sự cách mạng, chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của nhân dân./.
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1995, t.6, tr.497
[2] V.I.Lenin toàn tập. Nxb tiến bộ Moskva 1977, t.44. tr.426
[3]V.I.Lenin toàn tập, Sđd, t.44, tr.608
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.2, tr.212
[5] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1999, tr.60
[6] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sđ d, tr.26
[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.3, tr.39
[8]Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.10, tr.4
[9]Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.10, tr.311
[10]Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.2, tr.268
[11]Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.8, tr.393
[12]Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.239
[13] Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 BCH TW khóa XI, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2012, tr.21-22
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)