Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Hằng năm, vào mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5) và các ngày lễ lớn của đất nước như thành lập Đảng 3-2, Thương binh Liệt sĩ 27-7, Quốc khánh 2-9, Tết cổ truyền… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều đến với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân thành kính dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn và đời đời nhớ tới công lao to lớn của Người, để động viên toàn dân học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Đồng chí Tổng Bí thư cũng không quên dành thời gian ân cần thăm hỏi, dặn dò tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động nơi đây với một tình cảm đặc biệt thân thương và gần gũi.
Sáng ngày 2-2-2011 (ngày 30 Tết Tân Mão), tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích nhà 67 trong Khu Di tích. Nói chuyện thân mật với cán bộ, viên chức và người lao động nơi đây, đồng chí nêu rõ mỗi độ Tết đến Xuân về, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, hay những ngày lễ lớn của dân tộc, mỗi người dân đất Việt lại bồi hồi nhớ Bác, vị Cha già kính yêu của dân tộc, nhà chiến lược vĩ đại, nhà tổ chức thực tiễn tài ba. Người là vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, nhưng phong cách, lối sống lại vô cùng giản dị. Biểu dương những cố gắng của cán bộ, công nhân viên Khu Di tích trong việc chăm sóc, giữ gìn những kỷ vật của Bác Hồ, đồng chí nêu rõ: Mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học Bác và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể; cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn các kỷ vật gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ; qua đó để truyền tải tâm hồn, cốt cách của Bác đến với mỗi người dân và bạn bè khắp năm châu, khiến cho mỗi người khi tới đây không chỉ để tham quan mà còn để được soi lại mình, được học tập ở Bác những điều giản dị mà vô cùng cao quý, thiêng liêng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Những lời căn dặn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với tập thể lãnh đạo cơ quan lúc đó đã truyền dẫn những tư tưởng, truyền vào niềm tin, nghị lực để lãnh đạo cán bộ, viên chức và người lao động nỗ lực thực hiện. Từ dấu ấn đầu tiên đó, cho đến suốt những năm tháng sau này, mỗi dịp đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến với Khu Di tích là một lần anh chị em được đón, được nghe những lời chỉ dặn của đồng chí, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vinh dự đặc biệt của mình khi được trực tiếp giữ gìn, bảo quản những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, phấn đấu nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Người đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế; càng gần Bác, càng phải gương mẫu, cả trong công việc chung cũng như trong đời thường, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng một tập thể thương yêu, đoàn kết tốt theo đúng truyền thống của “Văn phòng 41” của Bác lúc sinh thời.
Vang vọng những lời tâm tình, những trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc của người học trò suốt đời học và làm theo Bác, nhất là ở những thời điểm đất nước diễn ra những sự kiện trọng đại. Chiều ngày 2-9-2015, sau lễ dâng hương tưởng niệm Bác tại Di tích Nhà 67, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm nay, toàn Đảng tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Hai yêu cầu lớn đặt ra là làm sao tất cả các cấp, các ngành quán triệt cho được tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững lý tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đi đúng con đường mà Bác Hồ kính yêu đã chọn. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Có đường lối đúng, đồng thời phải có cán bộ tốt, cán bộ trung kiên, tuyệt đối vì Đảng, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lê nin”. Đề cập đến bản Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay và thế hệ mai sau là làm tất cả những gì có thể làm được theo lời dạy của Bác, giữ gìn cho được giang sơn, gấm vóc này; quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước ngày càng tươi đẹp. Đây cũng là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, là mong ước, nguyện vọng của nhân dân và lý tưởng của Bác Hồ”.
Xuân Quý Mão 2023, thành kính dâng hương tưởng nhớ vị Cha già kính yêu của dân tộc trong không khí ấm áp của những ngày giáp Tết cổ truyền, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kể cho cán bộ, viên chức và người lao động Khu Di tích nghe về chuyến đi thăm Trung Quốc, về buổi gặp và làm việc của đồng chí với Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Cả hai nhà lãnh đạo nhắc lại kỷ niệm vào thăm Khu Di tích, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngồi trên bệ gỗ xung quanh Nhà sàn của Bác để thưởng thức trà, đi bộ trên con Đường Xoài huyền thoại, thăm ao cá và vòng quanh Khu Di tích Phủ Chủ tịch; nhắc lại những kỷ niệm về tấm gương sáng của Bác - Người đã xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và với tất cả các nước trên thế giới…
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sau lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian để nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Khu di tích. Tổng Bí thư đã nghe đồng chí Lê Thị Phượng – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu Di tích báo cáo về những hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích trong suốt 55 năm sau ngày Bác đi xa để tiếp tục khẳng định vị thế là “địa chỉ đỏ” hội tụ và lan tỏa các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vui mừng và phấn khởi trước những nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động nơi đây, Tổng Bí thư cũng đồng thời chỉ rõ: Du khách đến với Khu di tích không chỉ để tham quan, mà còn tìm hiểu, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại; mỗi lần đến thăm là một lần tự kiểm điểm, nhìn lại bản thân để sửa chữa, rèn luyện và làm việc tốt hơn. Thời gian càng lùi xa càng thấy Bác vĩ đại; tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác ngày càng lan tỏa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, về với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối trong sự tiếc thương vô hạn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như bè bạn quốc tế. Với tập thể cán bộ, viên chức và người lao động Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, sẽ còn mãi dấu ấn về những cái bắt tay siết chặt, nụ cười hiền hậu, những lời chào hỏi, căn dặn ân cần của đồng chí, không giống như người giữ cương vị cao nhất của đất nước mà như một người ông, người cha của gia đình, thân thiện, tình cảm và thương dân. Điều đó thể hiện tình cảm, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư đối với Khu di tích lưu niệm về Bác tại Phủ Chủ tịch nói riêng và toàn bộ các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, là nguồn động viên lớn lao cho tập thể những người đang ngày đêm gìn giữ, phát huy, lan tỏa giá trị di sản Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
LÊ THỊ PHƯỢNG, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch