Đoàn kết quốc tế trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
ThS. Lường Thị Lan
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu
ThS. Lê Thị Bích Ngọc
Khoa Lý luận Chính trị - Luật, Trường Đại học Hồng Đức tỉnh Thanh Hóa
Suốt cuộc đời mình, mối quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh là vấn đề đoàn kết nhằm tập hợp lực lượng, phát huy đến mức cao nhất sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế, vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Giữa lúc sự nghiệp cách mạng của toàn dân ta đang đi vào giai đoạn quyết định thì ngày 2/9/1969, sau một thời gian lâm bệnh nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từ trần. Trái tim Người đã ngừng đập khi chưa được thấy một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân ta và bạn bè trên thế giới.
Vĩnh biệt chúng ta, Người đã để lại bản “Di chúc” lịch sử, một tài sản tinh thần vô giá, trong đó chứa đựng biết bao tình cảm và những lời căn dặn tâm huyết. Người bày tỏ ý định đến ngày thắng lợi hoàn toàn “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”(1). Mong ước này không trở thành hiện thực nhưng qua đó đã thể hiện tình cảm quốc tế rất trong sáng và ân nghĩa trước sau như một của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự giúp đỡ, ủng hộ quý báu của anh em và bạn bè trên thế giới cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Vì vậy, Người mong mỏi: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý có tình”(2).
Cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình để mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân, cho nên trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trăn trở và căn dặn trong Di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Tư tưởng đoàn kết của Người biểu hiện nhãn quan chính trị của một vĩ nhân, sự minh triết của nhà tổ chức cách mạng luôn đặt yếu tố đoàn kết lên hàng đầu. Theo những di huấn của Người, chỉ có “đoàn kết, đại đoàn kết” mới tập hợp được lực lượng, hình thành được tổ chức cách mạng, mới tạo được sức mạnh to lớn để biến lý luận khoa học, đường lối, quan điểm của Đảng thành hiện thực và mới đạt được “đại thành công”.
Đề cao tinh thần đoàn kết quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ khăng khít với phong trào cách mạng thế giới. Thực tế cho thấy, với uy tín, nhiệt tình cách mạng và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, ngay từ những năm 1920, Hồ Chí Minh đã có những đóng góp quan trọng vào sự đoàn kết, thống nhất giữa các lực lượng cách mạng trên thế giới. Người đã tiếp thu sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò to lớn của cách mạng thuộc địa. Theo Người, nhân dân ở các nước thuộc địa phải đoàn kết thành một mặt trận, tạo nên sức mạnh cả về vật chất và tinh thần chống kẻ thù chung là thực dân, đế quốc, giành lại quyền độc lập, tự do. Cho nên những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình đoàn kết quốc tế bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người và đoàn kết toàn nhân loại vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở Tua (12/1920), Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Tiếp đó, Người cùng với một số đồng chí người Angiêri, Marốc, Tuynidi, Mađagátxca...(đại biểu các thuộc địa Pháp) thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Từ đây, Người đã đặt nền móng cho tình đoàn kết chiến đấu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp cũng như các đảng cộng sản anh em khác, tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới.
Với trách nhiệm của người chiến sĩ quốc tế chân chính, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự đoàn kết giữa các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trong Diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1957), Người khẳng định: “Chúng tôi đều nhất trí cần tăng cường đoàn kết trên tinh thần quốc tế chủ nghĩa, trên nguyên tắc tương trợ hợp tác, tôn trọng chủ quyền của nhau giữa các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa”. Trong đoàn kết với các nước phe xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến quan hệ đoàn kết giữa các đảng cộng sản cầm quyền. Người quan niệm mối quan hệ này là gắn bó, tương trợ lẫn nhau trên tinh thần quốc tế vô sản chân chính. Người cho rằng: “Các đảng dù lớn dù nhỏ đều độc lập và bình đẳng, đồng thời đoàn kết nhất trí giúp đỡ lẫn nhau”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tích cực đấu tranh cho sự đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em đồng thời tích cực kêu gọi sự ủng hộ cho cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam. Bởi theo quan điểm của Người: “Cách mạng của mỗi nước là bộ phận của cách mạng thế giới”, “Thắng lợi của các đảng và nhân dân các nước anh em là thắng lợi của chính mình”, và “giúp nước bạn chính là giúp nước mình”... Trước mỗi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của các dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư chúc mừng và coi đó cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam.
Phấn khởi trước thành tựu của nhân dân Liên Xô về xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác viết: “Chúng tôi coi sự nghiệp và thành tựu của nhân dân Liên Xô báo hiệu và đảm bảo cho sự nghiệp và thành tựu của chính mình”(3). Trong chuyến thăm Liên Xô năm 1955, khi nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô, Bác thân tình nói rằng: “Tuy Việt Nam và Liên Xô cách nhau hàng ngàn dặm nhưng trái tim chúng ta luôn luôn ở bên nhau và đập chung một nhịp”(4).
Trong những năm 60 của thế kỷ XX, quan hệ giữa các nước trên thế giới, giữa hai phe chủ nghĩa xã hội và tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là trong nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa, cụ thể là hai quốc gia lớn nhất là Liên Xô và Trung Quốc xảy ra những mâu thuẫn, xích mích trong đường lối, tư tưởng... khiến mối quan hệ các nước xã hội chủ nghĩa bị ảnh hưởng, rạn nứt từ bên trong. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đau lòng khi có sự bất hòa giữa các đảng anh em và điều này khiến Người day dứt cho tới lúc “đi xa”: “Tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”(5).
Là nhà hoạt động cách mạng đấu tranh cho quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, vì nền hòa bình chung của nhân loại, bằng khả năng và cách ứng xử khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bất hòa, mâu thuẫn trong khối đoàn kết quốc tế đã phần nào dịu xuống để hướng tới mục tiêu chung của loài người mà vẫn giữ vững lập trường, quan điểm và đích đến đối với cách mạng Việt Nam. Ngày 02/11/1960, đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và công nhân đã họp tại Mátxcơva. Tại cuộc họp này, cả Liên Xô và Trung Quốc không tìm được tiếng nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ứng xử khéo léo, với uy tín cao, kết hợp giải thích, thuyết phục và tìm cách hòa giải. Trong bài phát biểu trước hội nghị, Người nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc là hai đảng lớn nhất, có nhiều kinh nghiệm nhất trong phong trào cộng sản quốc tế. Vì vậy, trong sự đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa, giữa các đảng Mác -Lênin trên thế giới, sự đoàn kết giữa Liên Xô và Trung Quốc, giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc có một tầm quan trọng đặc biệt...” Cuối cùng Bác đã đưa hai đoàn Liên Xô, Trung Quốc đi tới đồng thuận và Tuyên bố chung của Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân được thông qua.
Biết rằng theo quy luật của muôn đời, không thể tiếp tục mãi mãi làm vị “thiên sứ cách mạng”, trước lúc đi xa Người đã căn dặn: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. “Có lý, có tình” vừa là sự thể hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu, vừa là nguyên tắc quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết những bất đồng giữa phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, kể cả giải quyết những tranh chấp của quốc gia. Ở đây thể hiện sự tuân thủ những nguyên tắc quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin, xuất phát từ lợi ích chung của cách mạng thế giới, tôn trọng nhau trên tinh thần, tình cảm của những người cùng chung lý tưởng, mục đích đấu tranh, khắc phục tư tưởng sôvanh, “nước lớn”, “đảng lớn”... Dù băn khoăn day dứt, Người vẫn tin tưởng chắc chắn rằng, mọi bất hòa sẽ được giải quyết, các đảng anh em nhất định sẽ đoàn kết lại để đưa phong trào cách mạng thế giới tiến lên.
Trong quan hệ ở phạm vi hẹp hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ cần phải chú trọng đoàn kết với các nước Đông Nam Á. Dưới sự chỉ đạo của Người, Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa I họp ngày 02/3/1946, đã nêu rõ vai trò của mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Philippin, Miến Điện. Theo đó, mong muốn của Người là các nước Đông Nam Á đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau giữ gìn nền hòa bình chung trong khu vực và trên thế giới.
Với Việt Nam, Người cho rằng: “Là một nước ở Đông - Nam Á, chúng ta hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc trong khu vực này chống lại sự xâm lược và nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới”(6).
Đối với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc gây dựng khối đoàn kết. Đây là ba nước “láng giềng gần”, có quan hệ về mọi mặt với nước ta từ lâu đời, coi nhau như “anh em ruột thịt”, “gắn bó với nhau như môi với răng”... Tuy vậy, theo Người, đoàn kết ở đây phải trên cơ sở “thật thà”, phải được thể hiện bằng những hành động cách mạng cụ thể “giúp bạn là tự giúp mình”. Người giáo dục nhân dân ta rằng: càng đoàn kết chặt chẽ và giúp đỡ nhau hết lòng thì càng phải tôn trọng độc lập, chủ quyền cũng như phong tục, tập quán của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Là nhà hoạt động cách mạng đấu tranh quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, ứng xử của Bác thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc. Bác thực hiện chính sách ngoại giao “tâm công”, phân biệt rất rõ đâu là thù, đâu là bạn để có những ứng xử phù hợp nhằm khơi dậy những tình cảm tốt đẹp của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình, kêu gọi sự ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo về nền độc lập dân tộc. 17 giờ ngày 26/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp luật sư Max Clainville Bloncourt, một người bạn cũ đến thăm, Bác bày tỏ nỗi lòng: “Tôi không hề căm thù người Pháp. Tôi không hề ghét bỏ nhân dân Pháp. Tôi yêu mến nước Pháp và nhân dân Pháp. Tôi đến đây để đàm phán, để đòi độc lập và tự do cho nhân dân tôi. Chỉ có thế thôi”(7). Trong Lời kêu gọi Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp ngày 10/01/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”(8). Bác thấu hiểu được “Không có trận đánh nào “đẹp” cho dầu thắng lợi lớn”. Ngày 07/5/1964 khi trả lời phỏng vấn nữ phóng viên Pháp Danien Huynơben, Bác nói: “Nhân dân Pháp trước đây đã ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nay lại tỏ sự đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam… Nhân dân Việt Nam rất biết ơn nhân dân Pháp về mối tình cảm đó”(9), còn đối với nhân dân Mỹ Bác nhấn mạnh: “Chúng tôi không có xích mích gì với nhân dân Mỹ. Chúng tôi muốn sống hòa bình và hữu nghị với nhân dân Mỹ”(10).
Tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên suốt trong mỗi hành động và việc làm của Người, cho đến tận cuối đời, dòng chữ cuối cùng trong bản Di chúc Người để lại cũng là mong muốn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(11). Là nhà hoạt động cách mạng đấu tranh cho quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, đoàn kết với các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ vì độclập, tự do của dân tộc mình, mà còn thể hiện sự tôn trọng truyền thống của các nước thực dân, đế quốc đi xâm lược. Đó cũng chính là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn cao cả Hồ Chí Minh - không gây hận thù dân tộc - một bài học cho nhiều nước trên con đường tranh đấu cho độc lập tự do và đoàn kết quốc tế.
Chính vì những tư tưởng và cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào phong trào cách mạng dân chủ trên thế giới mà cho đến ngày nay hầu hết các nguyên thủ quốc gia, các chính khách, các đoàn đại biểu, các tổ chức quốc tế, kể cả những người có tư tưởng đối lập về chính trị khi đến Việt Nam đều vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch lúc sinh thời với lòng trân trọng, cảm phục về nhân cách Hồ Chí Minh. Qua đó càng làm tăng thêm tình cảm, lòng ngưỡng mộ của nhân dân thế giới đối với Người.
Ngày 02/3/2001, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga V.I Putin khi đến thăm ngôi Nhà Sàn đã ghi lại những dòng cảm tưởng: “Tôi thành thực được làm quen với cuộc sống người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Một người mà tên tuổi đã đọng lại trong lịch sử thế giới”.
Tại Nhà Sàn Bác Hồ, ngày 26/5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết cảm tưởng: “Mong rằng quan hệ nồng ấm giữa hai dân tộc chúng ta tiếp tục phát triển”. Ngày 23/3/2018, Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In rất vinh dự khi được tới thăm nơi ở và làm việc trong những năm cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xúc động ghi lại những dòng cảm tưởng: “Tôi luôn khắc sâu vào tim tinh thần yêu nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(12)... Có lẽ cho đến cả mai sau, nơi ở và làm việc của Người tại Khu Phủ Chủ tịch luôn mãi là nơi hội tụ tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè và nhân dân thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn cuộc đời cho dân tộc Việt Nam, cho sự đoàn kết thống nhất của các đảng cộng sản, thống nhất các lực lượng dân chủ trên thế giới đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, độc lập và tiến bộ của loài người. 55 năm kể từ ngày Người đi xa, những tư tưởng, quan điểm đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh vẫn được Đảng, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đón nhận suy ngẫm và vận dụng. Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về đoàn kết quốc tế được để hiện sâu sắc trong Di chúc của Người vẫn sống mãi cùng nhân dân ta và thời đại. Cảm phục về Hồ Chí Minh, Báo Quyền lợi đỏ (Pra-ha, Tiệp Khắc cũ), ngày 9/9/1989 có bài viết về bản Di chúc lịch sử của Người, trong đó nhấn mạnh: “Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người là thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Người được liệt vào những bậc mà thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình”(13).
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG, H.2011.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb. CTQG, H.2010.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, t.7, tr.131.
4. Báo nhân dân, số 257 ngày 7/11/1955.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.15.
6. Văn Kiện đảng: Toàn tập, t.25.
7. Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2001, t.10, tr.13.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.52.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.117.
11. Tình thương của Bác, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.100.
12. Hội thảo Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, Kỷ yếu hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, H.2010.
13. Tài liệu lưu tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.