slider
Phát triển kinh tế số

Thấm nhuần sâu sắc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm

20 Tháng 05 Năm 2014 / 46452 lượt xem

Nguyễn Văn Công

GĐ Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn coi trọng và đề cao việc giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng và bản thân Người là tấm gương đạo đức sáng ngời để cho cán bộ, đảng viên và quần chúng noi gương, học tập và làm theo. Chính vì thế cho nên chúng ta phải thực sự thấm nhuần sâu sắc, tích cực học tập, rèn luyện và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để không ngừng “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có các bài viết về “Tinh thần trách nhiệm”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Tư cách người cách mệnh” và tác phẩm “Đạo đức cách mạng” là những tài liệu học tập quý báu cho cán bộ đảng viên để thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, nâng mình lên ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nhờ đó mà Đảng và dân tộc ta đã có thêm sức mạnh để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giành thắng lợi trong cuộc chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, thống nhất nước nhà, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

1. Nâng cao tinh thần trách nhiệm

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nâng cao tinh thần trách nhiệm, người cán bộ phải luôn thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình: đó là nói rõ trước Đảng và trước quần chúng về công việc được giao, về cách tổ chức thực hiện và kết quả công việc. Người viết: “Hiện nay, phong trào tự phê bình và phê bình đang mở rộng ở nhiều nơi. Đó là một bư­ớc tiến đáng mừng. Nh­ưng trong những cuộc kiểm thảo, có một thiếu sót chung và quan trọng là ch­ưa nêu thật rõ tinh thần trách nhiệm”(1). Người còn nói rõ: Tinh thần trách nhiệm là bất cứ một việc gì khi được giao cũng phải cố gắng làm hết sức mình với trách nhiệm cao nhất cho dù khó khăn gian khổ dù bé hay lớn. Cụ thể: “Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đư­a cả tinh thần, lực l­ượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vư­ợt mọi khó khăn, làm cho thành công...”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho rằng khi làm một việc gì, cũng phải nâng cao: “Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quấn chúng, làm tròn nhiệm vụ. Đảng và Chính phủ điều tra, nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận nhằm vào lợi ích chung của nhân dân, đặt chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, hiểu suốt hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phư­ơng mình”(3). Và Người còn lưu ý rằng, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì phải có: “...kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu thấu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như­ là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như­ thế là làm trọn nhiệm vụ... cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình... thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân”(4).

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ cho chúng ta thấy rõ thế nào là thiếu tinh thần trách nhiệm, đó là “Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,… là không có tinh thần trách nhiệm.... Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”(5). Người còn nêu lên các thứ bệnh làm cho người cán bộ thiếu trách trong công việc đó là: “Bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư­ tự lợi là trái với tinh thần trách nhiệm. Tách rời chính sách ra một đ­ường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tinh thần trách nhiệm là gắn liền chính sách và đ­ường lối để làm trọn nhiệm vụ”(6).

2. Chống chủ nghĩa cá nhân

Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng” (7). Người chỉ ra chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hoá Đảng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân thì cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính. Người cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết trên trán chữ “cộng sản” là được họ yêu mến”(8), mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

Người còn chỉ cho chúng ta rằng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng. Và: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(9). Nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự suy thoái biến chất, làm giảm sức chiến đấu trong Đảng đó chính là chủ nghĩa cá nhân: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(10). Người đã thẳng thắn vạch ra cho mọi người thấy những bất cập, những nguy hại hết sức lớn do chủ nghĩa cá nhân gây ra: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”(11).

Người đưa ra kết luận: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”(12). Thực tế mấy chục năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng và những cán bộ, đảng viên sa vào vòng lao lý đều là những người mắc vào căn bệnh nguy hại như Bác đã nêu ở trên. Đó chính là cái giá mà họ phải trả khi họ lơ là việc trau dồi đạo đức cách mạng, sa vào chủ nghiã cá nhân. Không chịu học tập, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó cũng là một thực tế để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã ra chỉ thị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tám gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân ta.

3. Nói đi đôi với làm

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong xây dựng nền đạo đức mới. Đối với mỗi người, lời nói phải thống nhất và được thực hiện nghiêm túc thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân và cho xã hội. Nói đi đôi với làm không đơn thuần là phương châm và cách thức tu dưỡng đạo đức mà còn là cơ sở để phân biệt giữa đạo đức cách mạng với những thứ đạo đức khác. Nói mà không làm là đặc trưng của giai cấp bóc lột, kiểu mệnh lệnh ép buộc, gian trá: “Hãy làm theo tôi nói, đừng làm theo tôi làm” hay “nói một đằng, làm một nẻo” của những kẻ cơ hội. Trái lại, lời nói đi đôi với việc làm, luôn tu dưỡng rèn luyện và phấn đấu là đạo đức của người cách mạng nói chung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”(13). Trong việc công, bản thân Người đã nhiều lần bàn đến việc tẩy sạch căn bệnh quan liêu, coi thường quần chúng của một số cán bộ, đảng viên: “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”. Người nói “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”. Cho đến khi qua đời, Người còn viết trong Di chúc “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(14). Cả cuộc đời Người đã là minh chứng cảm động cho sự nhất quán giữa nói và làm đạo đức. Nhờ kiên trì thực hành đạo đức, Người đã để lại cho dân tộc ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức của một vị lãnh tụ thực sự của nhân dân.

Hiện nay, khi mà toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thì việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm có ý nghĩa rất to lớn, là một việc làm rất quan trọng và cần thiết đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, góp phần cho Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có hiệu quả hơn và thiết thực hơn. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Mỗi cán bộ, đảng viên có kế hoạch học tập, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tư cách đảng viên; khắc phục mọi biểu hiện cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, mơ hồ mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu và những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống. Phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi; kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất hiện nay. Làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai những cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.

Ngày nay khi đất nước ta đang trên đà phát triển theo con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì chúng ta đang phải từng ngày, từng giờ phải đối phó với những vấn đề hết sức nghiêm trọng về đạo đức, lối sống, phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên đang diễn ra gay gắt như: Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp” và “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có những diễn biến phức tạp”. Để ngăn chặn và đẩy lùi những hiện tượng như đã nêu trên, chúng ta cần phải ra sức học tập và thấm nhuần một cách sâu sắc hơn nữa tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đặc biệt là tư tưởng: Nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm của Người đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với công cuộc xây dựng CNXH, sự nghiệp đầy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ văn minh.

Kỷ niệm 45 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, đọc lại, thấm nhuần những lời dạy vẫn còn nóng hổi giá trị như Người vừa mới viết ra - chúng ta càng tự hào vì đã làm theo chỉ dẫn của Người, sẽ kiên quyết khắc phục những thiếu sót về lãnh đạo, về tuyên truyền giáo dục, về tổ chức thực hiện…. Nhằm biến những tư tưởng của Người thành hiện thực và mãi mãi tiến hành tốt công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh./.

Chú thích:

1), (2). HCM toàn tập, Nxb, CTQG, Hà Nội, 2000, tập 6, trang 345.

(3), (4), (5), (6). Sách đã dẫn t.6, tr. 346.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd tập 10, tr.306.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.552.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập12, tr.557-558.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập12, tr.439.

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập12, tr.438-439.

(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.292.

(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sađd, tập 5, tr.552.

(14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sađd, tập 12, tr.501.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)