slider
Phát triển kinh tế số

Cuốn sách “Chào tạm biệt Tổng thống, chuyện một người đi tìm hoà bình” trưng bày trên giá sách phòng làm việc Nhà 54

21 Tháng 09 Năm 2021 / 794 lượt xem

Trần Thị Thuấn

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Trong khối hiện vật sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được trưng bày, phát huy tác dụng tại Khu di tích Phủ Chủ tịch có nhiều sách của nhiều tác giả trên thế giới gửi đến Người. Một trong số những cuốn sách đó có cuốn Chào tạm biệt Tổng thống, chuyện một người đi tìm hoà bình đang được trưng bày ở giá sách phòng làm việc ngôi Nhà 54 (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ năm 1954 đến năm 1958).

Cuốn sách Chào tạm biệt Tổng thống, chuyện một người đi tìm hoà bình của tác giả Salem Kirban được tác giả tự xuất bản tại Penxinvanya (Hoa Kỳ) năm 1967, gồm 98 trang, kích thước 13,8 x 21,2 cm. Sách bìa cứng, màu trắng ngà. Mặt trước bìa có hình một xe ô tô gắn biển cứu thương; một hình ngôi nhà tầng.

Tác giả Salem Kirban đã tốt nghiệp chuyên ngành khoa học tại một trường đại học ở Philađenphia. Ông là một phóng viên báo chí, có vợ và 5 con, trong đó con lớn của ông là Đen-nít đi lính ở Việt Nam. Năm 1967, Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam trên hai năm, tưởng có thể giải quyết sớm vấn đề. Nhưng dù hai năm Mỹ tự gánh lấy cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam tình hình vẫn khó khăn bế tắc. Phong trào thanh niên và trí thức ở Mỹ chống chiến tranh ngày càng lớn mạnh. Khi đó, con trai của Salem Kirban đang ở Việt Nam, ngày nào cũng có thông báo về thương vong của lính Mỹ. Cả gia đình ông lo lắng, không biết chuyện gì đang xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới nữa: Tại sao Tổng thống lại quyết định đưa người trong nước đi đánh nhau như vậy? Tốn phí biết bao tiền của và chết chóc cũng rất nhiều rồi. Ngày nào cũng có những chuyến bay chở xác chết và người bị thương về. Salem Kirban quyết định xin gặp Tổng thống Giônxơn để hỏi xem nguyên nhân tại sao như vậy, tại sao lại cứ phải đánh nhau để gây tang thương chết chóc? Ông đưa thư xin gặp Tổng thống, bởi vì Tổng thống đã từng nói: Ai không thuộc về cuộc chiến tranh này thì cứ đến gặp ông ta bàn bạc cho ra lẽ. Thư gửi đi, tác giả được người giúp việc Tổng thống trả lời: Tổng thống có nhiệm vụ điều hành công việc quan trọng của quốc gia, không có điều kiện đàm đạo với từng cá nhân riêng lẻ. Thất vọng vì Tổng thống làm không giống nói, Salem Kirban tuyên bố: Xin giã từ Ngài Tổng thống, tôi sẽ đi ra các nước ngoài tìm hiểu về cái lẽ của chiến tranh và về những cái nước Mỹ thường xung đột vào. Ông còn nói, ở trong nước phong trào phản chiến sôi nổi đấy, nhưng tôi không muốn tham gia, tôi muốn tự mình đến tận nơi tìm hiểu cặn kẽ rồi mới kết luận.

Chuyến đi này, Salem Kirban lấy danh nghĩa một phóng viên báo chí nên được đến mọi nơi, tiếp xúc mọi người. Chuyến đi gồm 27 ngày thì 10 ngày ông ở Việt Nam, dành một tuần ở với con trai tại một trại lính ở Nha Trang. Ông đi qua và tìm hiểu ở 10 nước: Nhật Bản, Hồng Kông, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Li Băng, Xiri, Gióocđani, Đảo Síp và Israel. Ông đã gặp và hỏi chuyện từ những người có trọng trách như tướng Oétmôlem, đến các doanh nhân, nhà báo, thầy tu, binh lính, dân thường và những người tị nạn. Salem Kirban cho rằng chuyến đi của ông tuy ít ngày, nhưng ông được nghe, nhìn từ nhiều phía, nên ông tin những điều mình khám phá là sự thật. Cuối cùng về nước ông đã đi đến kết luận: Chiến tranh là phi lý. Ông soạn và cho ấn hành tập sách này là để phản đối chiến tranh. Chiến tranh chẳng qua chỉ làm tổn thất cho nước Mỹ về nhiều mặt: của cải vứt đi hàng tỷ đô la, mới sau hai năm đã có tới 15.000 người chết và còn sự đồi truỵ, khốn khổ ở trong nước nữa. Bỏ ra hàng tỷ để đánh nhau thì Quốc hội thông qua rất nhẹ nhàng, nhưng với một món tiền nhỏ để diệt trừ nạn chuột hoành hành thì lại rất khó khăn. Liên hệ với những tàn tích của thời đế quốc La Mã vàng son còn để lại trên đất Trung Đông, ông đặt ra câu hỏi: “Liệu nước Mỹ rồi sẽ có suy tàn như đế quốc La Mã hay không?”.

Nội dung cuốn sách gồm:

Đề từ: Tặng vợ và các con.

1.       Xin giã từ ngài Tổng thống.

2.       Những cảnh tượng ngược nhau tại Trung tâm điều tiết ÔKlan, một người lính được chuẩn bị đi làm nhiệm vụ bên kia đại dương như thế nào.

3.       Công tác đưa đón xác những người tử trận: một nhiệm vụ thảm thiết nhất của chiến tranh.

4.       Người Nhật xem cuộc chiến tranh như thế nào: thái độ không bình thường của họ đối với người Mỹ và chiến tranh.

5.       Hồng Kông... đất nước giàu sang và lộn xộn. Những vấn đề và sự nghèo đói ở giữa đống của.

6.       Mập mờ, hiểu sai và nói dối. Kiếm chác riêng, chiến lược hay tự vẫn. Những người lính của chúng ta có đáng hy sinh vì lợi ích của những công bố báo chí hay không?

7.       Việt Nam sau hết. Xum họp với con trai.

8.       Vinh quang thuộc về sự sống. Những cảnh Mỹ thương vong.

9.       Ông mục sư khuyên nhủ linh hồn và người mẹ. Những vấn đề của lính Mỹ. Sự đấu tranh dai dẳng giữa các tổ chức (giải trí) của quân đội với các ông mục sư giảng đạo.

10.     Mệt nhưng phải nghiêm túc tỉnh táo. Nói về tình trạng mệt mỏi của lính Mỹ.

11.     Cuộc từ biệt buồn chán. Lời chia tay bịn rịn của con.

12.     Thảm cảnh của những người Palextin tị nạn ở Trung Đông, do chiến tranh của Irael gây nên.

13.     Đến thăm đất Israel. Bình luận về cuộc chiến tranh trong vùng.

14.     Xin chào ngài Tổng thống. Kết luận và ý kiến. Một kiến nghị với Tổng thống Hoa Kỳ.

Xen kẽ các trang sách là các bức ảnh chụp phần nào phản ánh cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam và các nước khác.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ham đọc sách, báo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Đọc sách, báo là nhu cầu, thói quen không thể thiếu được trong sinh hoạt hàng ngày của Người. Người đọc sách, báo để nâng cao trình độ và để giải trí. Lúc khoẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo, bản tin vào các buổi sáng, buổi tối đọc sách. Bác có nhiều loại sách: sách lịch sử, sách chính trị, sách văn học, sách khoa học. Lúc Bác mệt ông Kỳ, ông Chước đọc cho Bác nghe. Sách nước ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tự đọc. Khi đọc sách, báo, bản tin Người thường dùng bút bi mực đỏ, bút chì đỏ đánh dấu. Có nhiều bản thảo Người viết bằng chiếc bút bi mực đỏ.

Các sách của Nhà xuất bản hay của cá nhân gửi đến tặng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gửi qua đường bưu điện và sách của nước ngoài còn được gửi qua Đại sứ quán. Những sách lý luận, kinh điển không có lời đề tặng thường gửi đến biếu Người qua Bưu điện hoặc qua Văn phòng Phủ Thủ tướng. Nếu là sách của các nước tư bản xuất bản gửi đến biếu Người thì chuyển cho Cục 22 Bộ Công an kiểm tra kỹ rồi mới đưa lên cho Người. Sách của các nước tư bản viết về văn hoá, khoa học thì được gửi qua đường Ủy ban liên lạc văn hoá nước ngoài. Sách của Việt Nam in bằng tiếng nước ngoài thường do báo ảnh Việt Nam và Thông tấn xã gửi đến biếu Người. Họa báo nước ngoài thì do sứ quán của nước đó gửi đến.

Cũng theo lời kể của các nhân chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc cuốn sách Chào tạm biệt Tổng thống, chuyện một người đi tìm hoà bình và để lại bút tích ở trang 36 có dấu gạch xiên ngắn bằng bút mực đỏ như: Một phóng viên hỏi: “Thưa quí Ngài, có sự mập mờ về số quân Bắc Việt Nam thâm nhập. Ở Oasinhtơn người ta bảo có khoảng 1000 quân Bắc Việt lọt vào Nam hàng tháng. Nhưng ở Sài Gòn thì sở chỉ huy của quí Ngài lại bảo khoảng 8000”. Tác giả nêu quan điểm này để vạch sự dối trá loanh quanh. Trong họp báo hỏi tướng Oét hai năm đánh nhau ở Việt Nam đã được những kết quả cụ thể gì. Oét trả lời: giữ cho những con đường đi lại an toàn. Nhưng khi hỏi lính thì họ nói: chẳng có con đường nào an toàn cả.

Ở trang bìa cuối cuốn sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi dòng chữ: “Con đường đã chọn như ông” bằng mực đỏ. Hai chữ “như ông” viết bằng chữ Hán.

Trang 30 cuốn sách có đoạn viết về tác giả phỏng vấn nhà báo Nhật Bản nói rằng ông đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đấy là một ông già rất khiêm tốn và thân thiện cư xử với nhà báo Nhật Bản như bậc cha chú, họ nói với nhau về chi phí leo thang của Nhật vào miền Bắc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói cụ là người trả lương cao nhất ở miền Bắc Việt Nam 80 đô la/ 1 tháng, người trả lương thấp nhất là 10 đô la, tỷ lệ 1/8 trong khi ở Nhật tỷ lệ là 1/400.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu cuộc phỏng vấn của nhà báo Nhật Bản ở trang 30 trong cuốn sách trùng với sự kiện: Ngày 20/12/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo Nhật Bản Akahata. Trả lời câu hỏi về việc Mỹ cho máy bay bắn phá khu vực nội thành Hà Nội và âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam, Người nêu rõ những thắng lợi quan trọng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở cả hai miền Nam - Bắc; vạch ra những thủ đoạn “thương lượng hoà bình” giả tạo của Mỹ. Người nói: “Vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hoà bình ở châu Á và thế giới, nhân dân Việt Nam không sợ hy sinh gian khổ, quyết đánh, quyết thắng và nhất định sẽ thắng giặc Mỹ xâm lược”. Về những câu hỏi khác, Người khẳng định muốn giải quyết những vấn đề Việt Nam, chính phủ Mỹ phải rút quân về nước, phải triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Người mong muốn sẽ nhận được sự ủng hộ hơn nữa của Đảng Cộng sản và nhân dân Nhật Bản.

Cũng qua nghiên cứu, tìm hiểu những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh có những bài nói, bài viết liên quan đến vấn đề mà nội dung cuốn sách nêu lên mà cũng là vấn đề mà Người đặc biệt quan tâm như:

Ngày 11/3/1966 bài viết Tin mừng cho lính Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến sĩ, đăng báo Nhân dân, số 4357. Tác giả trích đoạn một số báo Mỹ viết về tình trạng bi thảm của lính Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Giới báo chí Mỹ phải thừa nhận quân đội cách mạng Việt Nam là một quân đội “tài tình nhất trong lịch sử”, là những người “anh hùng lỗi lạc”.

Ngày 7/4/1966 bài viết Tâm lý của binh sỹ Hoa Kỳ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến sĩ, đăng báo Nhân dân, số 4384. Bài báo tóm tắt bức thư của một binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam gửi một bạn ở Hoa Kỳ, vạch trần sự thối nát, xấu xa của chính quyền Sài Gòn, sự gian dối của tướng tá Mỹ, sự lừa bịp dân chúng của nhà cầm quyền ở Oasinhtơn, sự bi quan, thất vọng và chán ghét chiến tranh của binh sĩ Mỹ. Bài báo còn cho biết bức thư này đã được một nghị sĩ đọc trước Quốc hội Mỹ ngày 4/3/1966 và được đăng trên báo Mỹ Tiền vệ quốc dân (25-3) và Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc.

Ngày 12/4/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của Đoàn vô tuyến truyền hình Hãng tin Nihông Đenpa (Nhật Bản) về chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và một số vấn đề thời sự khác. Trả lời câu hỏi về đặc điểm của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và triển vọng của nó, Người cho biết cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam ngày càng ác liệt và mở rộng trên cả hai miền Nam Bắc Việt Nam; những thất bại của Mỹ ngày càng nặng nề. Nhân dân Việt Nam càng đoàn kết chiến đấu và thất bại cuối cùng của Mỹ là không thể tránh khỏi...

Ngày 10/8/1966, bài viết Tổng Giôn đã phạm tội ác tày trời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh La Lập, đăng báo Nhân dân số 4508. Bài báo lên án những tội ác dã man, vô nhân đạo của Mỹ đối với nhân dân miền Bắc như bắn phá các bệnh viện, trong đó có bệnh viện phong và chỉ rõ những thất bại của Mỹ trong công cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

 Ngày 04/11/1966, bài viết Tổng Giôn mất hồn mất vía của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Nói Thật, đăng báo Nhân dân, số 4593. Bài báo cho biết trong thời gian Tổng thống Mỹ L.Giônxơn đến khu vực Đông Nam Á để cổ động cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên thế giới đã xảy ra nhiều sự kiện làm cho Giônxơn hoảng sợ: chiến hạm Mỹ Oixcaxi có sức chở 4,2 vạn tấn bị nổ tung ở Vịnh Bắc Bộ...

Ngày 04/12/1966, bài viết Tổng Giôn thật xúi quẩy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Nói Thật, đăng báo Nhân dân, số 4623. Bài báo chỉ rõ những thất bại của Tổng thống Mỹ L.Giôn xơn ở trong nước và trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam...

17 giờ ngày 12/01/1967, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các ông: H.S.Ax môrơ, giáo sư, chủ bút tờ Acansát Nhật báo, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu các thể chế dân chủ (CSD); W.C Bách, chủ bút tờ Tin Maiami và Đôn Luýx Quyntanila (người Mêhicô) giáo sư, nhà văn, nhà báo... Nói về các vấn đề chính trị sau khi các vị khách nêu các đề nghị của phía Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo thái độ hai mặt của Mỹ Việc Chính

phủ Mỹ phải làm là chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc, sau đó có nói chuyện gì mới nói được...Khi nào chấm dứt ném bom, cuộc nói chuyện sẽ bắt đầu”... Khi phần trao đổi chính trị kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi kính trọng nhân dân Mỹ. Nhân dân Mỹ là những người thông minh, là những người yêu hoà bình và dân chủ. Lính Mỹ đang bị đẩy sang đây để giết người và để bị giết. Nhưng nếu họ đến đây giúp đỡ chúng tôi như những nhà kỹ thuật thì chúng tôi rất hoan nghênh họ như những người anh em. Còn bây giờ họ đến đây để giết người và để bị bắn chết. Đó là sự sỉ nhục. Đối với các ông, các ông khó mà tin rằng tôi lấy làm đau lòng không những khi nhân dân Việt Nam bị giết hại mà tôi cũng rất buồn phiền khi lính Mỹ bị giết. Tôi thông cảm nỗi buồn của cha mẹ họ...

10 giờ ngày 17/1/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đoàn “Những người tình nguyện vì hoà bình” gồm ba linh mục đến thăm Việt Nam. ( Đoàn gồm các ông: A.J.Maxtin, 82 tuổi, mục sư Đạo Tin Lành, người Mỹ; Enbrôdơ Rivơ, 67 tuổi, linh mục nhà thờ Anh giáo, người Anh; Abraham Phêinbớc, 67 tuổi, mục sư Đạo Do Thái, người Mỹ sống ở Canađa). Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn ba vị từ ngàn dặm xa xôi bỏ công đến thăm đất nước Việt Nam đang bị xâm lược và chịu những hy sinh to lớn... Sau khi các vị khách kể chuyện đã đi thăm nhiều nơi của Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tổng thống Giônxơn đã nói rằng ông ta sẽ gặp bất cứ ai, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào để nói chuyện hoà bình. Tôi xin mời ông Giônxơn đến Hà Nội như khách của chúng tôi, ông hãy đến với vợ, con gái, thư ký, bác sĩ và người đầu bếp của mình nhưng đừng mang theo tướng lĩnh và đô đốc. Tôi xin bảo đảm rằng Tổng thống an toàn tuyệt đối...”.

7 giờ ngày 24/1/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13. Trong cuộc họp, Người nhấn mạnh tính chất bí mật của đấu tranh ngoại giao và nhắc nhở: Đảng phải xây dựng lòng tin, có quyết tâm và kế hoạch chu đáo.

Ngày 11/2/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị bàn về việc trả lời thư của Tổng thống Mỹ L.Giônxơn. Người nêu ý kiến cần phải thông báo cho Liên Xô và Trung Quốc biết nội dung thư của Giônxơn..., vì sao Giônxơn gửi thư trực tiếp cho Người. Người nói phía Việt Nam nên trả lời Giônxơn công khai để làm cho Giônxơn càng lúng túng.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cùng với những tài liệu hiện vật được gìn giữ tại Khu di tích Phủ Chủ tịch như lúc sinh thời Người, cuốn sách “Chào tạm biệt Tổng thống, chuyện một người đi tìm hoà bình” được trưng bày ở giá sách phòng làm việc Nhà 54 để phát huy tác dụng, phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)