slider
Phát triển kinh tế số

Kể chuyện Bác Hồ về thăm các tỉnh khu IV

14 Tháng 09 Năm 2022 / 392 lượt xem

Hồ Thị Quỳnh Trang

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Ngày 13/6/1957, Bác Hồ bắt đầu chuyến đi thăm một số tỉnh miền Trung. Người đến Thanh Hóa lúc 9 giờ 30 sáng và nói chuyện với gần 4.000 đại biểu quân, dân, chính, đảng của tỉnh họp mặt đón chào Người. Trong bài nói chuyện, Bác Hồ biểu dương những thành tích của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến và trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Người cũng phê bình một số khuyết điểm của cán bộ và nhân dân như chưa thực hiện tốt việc tiết kiệm trong việc cưới xin, lễ tết, chậm trả nợ tiền của Chính phủ. Bác chỉ rõ: “Phải đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc Kinh và thiểu số, đoàn kết Nam - Bắc, đoàn kết quân dân, đoàn kết Việt - Hoa”; “Phải làm tốt công tác sửa sai. Phải chú ý phát triển sản xuất. Phải chú ý làm tốt các công tác giữ đê phòng lụt, vệ sinh phòng bệnh, bình dân học vụ và xây dựng, phát triển các thuần phong mỹ tục”. Bác Hồ cũng thăm trường nhi đồng miền Nam ở Thanh Hóa và chia kẹo cho các cháu. Người hỏi thăm tình hình sinh hoạt và hoạt động của các cháu và nhắc nhở cán bộ và nhân viên trong trường khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ nuôi dạy các cháu.

Ngày 14/6, Bác Hồ về thăm quê lần đầu tiên sau nửa thế kỷ xa cách. Nhân dân đổ ra hai bên đường đón Người đông nghịt làm các đồng chí công an lo lắng vì xe chỉ nhích từng tý một. Người vui vẻ bảo: “Nhân dân có quý Bác mới ra đông thế, các chú phải mừng chứ”. Người vào thăm cơ quan Tỉnh ủy, thấy trước phòng làm việc có bồn hoa, nhiều hoa mới, trời nắng mà vườn hoa có nhiều bông đã héo, Người liền nhổ mấy bông lên xem, thì ra là những cành hoa mới được cắm xuống, Người bèn phê bình cách làm chuộng hình thức. Xuống nhà ăn thấy tường mới quét vôi trắng, Người dùng ngón tay quệt vào tường rồi giơ cao ngón tay đầy vôi mới và nói với mọi người: “Nghe tin Bác về các chú mới làm lại chứ gì?”. Người hỏi chị cấp dưỡng: “Hàng ngày có được sạch như thế này không?”. Chị trả lời: “Dạ thưa Bác, nghe tin Bác về thì chị em quét dọn sạch hơn trước”, Người khen là thật thà.

Bác đi như đi theo ký ức tuổi thơ qua những lối nhỏ trong làng. Bỗng Người dừng lại, nhìn kỹ một ông già râu tóc đã bạc, bận bộ quần áo nâu mới còn rõ nếp gấp. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Người nắm chặt tay ông già ấy, quàng vai kéo đi mấy bước, chỉ xuống giếng Cốc nói: “Ngày choa với mi cùng câu cá ở nớ”. Đó là Cố Điền, bạn thời thơ ấu với Người, nay làm nghề thợ rèn. Không chỉ Cố Điền cảm động ứa nước mắt, mà bà con trong làng, xã được chứng kiến cảnh tri ngộ ấy ai cũng bùi ngùi kính phục Người. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bôn ba hầu hết các châu lục trên thế giới, Bác Hồ vẫn nhớ người bạn từ thuở hàn vi, xưng hô với nhau như hồi nhỏ.

Đi thăm lại ngôi nhà năm xưa nhân dân làng Kim Liên dựng cho phụ thân của Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Người nhanh nhẹn quẹo vào con đường nhỏ, tần ngần trước hàng giậu dâm bụt lá xanh mướt chi chít hoa đỏ rực, Người nói: “Hồi nớ cái cổng nhà choa ở chỗ ni, chớ không phải chỗ tê mô”. Bước qua sân rồi vào nhà, thắp nén hương trên bàn thờ gia tiên xong, Người nói: “Ngày xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ làm bằng tre chớ không phải bằng gỗ như ni”. Ngồi xuống chiếc phản gỗ, chăm chú nhìn từng đường vân, xoè tay đo chiều dài, chiều rộng, Người bùi ngùi: “Cái phản ni đúng là cái phản hồi còn nhỏ Bác nằm, nhưng so với trước nó ngắn hơn một chút”. Mọi người vô cùng ngạc nhiên về trí nhớ tuyệt vời của Người. Bởi đúng là chiếc phản này sau nhiều năm chiến tranh liên miên đã qua nhiều chủ, các cán bộ địa phương phải vất vả lắm mới sưu tầm về được, do một góc phản bị lửa táp cháy, nên phải cắt ngắn đi chút ít.

Sau khi về thăm nhà, Bác tiếp đại biểu các đoàn thể quân, dân, chính đảng tỉnh Nghệ An và Khu 4 cũ ở thành phố Vinh. Buổi chiều, Bác nói chuyện với hơn 3.000 đại biểu cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An. Phấn khởi trước sự đón chào của các tầng lớp nhân dân, Người đọc câu thơ:

Chúng ta đoàn kết một nhà,

Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu.

Sau đó, Người nói: “Tôi là một

người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa

cách quê hương. Hôm nay là lần đầu

trở về thăm tỉnh nhà. Có thể nói là:

Quê hương nghĩa trọng tình cao

Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!”.

Người khen ngợi những thành tích mà tỉnh Nghệ An đã giành được trong 9 năm kháng chiến chống thực dân và trong 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế đồng thời nêu một số khuyết điểm mà cán bộ và nhân dân Nghệ An cần khắc phục như chưa chú ý thực hành tiết kiệm; chưa làm tốt nghĩa vụ thuế Nhà nước. Người chỉ rõ cải thiện đời sống của nhân dân là mục đích của Đảng và Nhà nước, nhưng phải hiểu rõ muốn cải thiện sinh hoạt thì phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, phải có thời gian phấn đấu. Người nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể trước mắt mà đồng bào và cán bộ Nghệ An phải chú ý thực hiện là: Phải phòng chống thiên tai; thực hiện đoàn kết; phát triển nếp sống thuần phong, mỹ tục, thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước. Kết thúc buổi họp mặt, tất cả mọi người cùng hát bài Kết đoàn trong không khí thân tình, vui vẻ.

Buổi tối, Bác tới thăm Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Ban tổ chức xếp hai hàng ghế sa lông và hai ghế đệm trước sân khấu để xem văn công quân khu biểu diễn, nhưng lúc vào hội trường, Người đặt đôi dép xuống, ngồi lên trên, thế là hai hàng ghế không có ai ngồi phải khiêng ra. Trong buổi diễn, một nữ diễn viên ngâm bài thơ Đêm nay Bác không ngủ, vì xúc động nên chỉ ngâm được 4, 5 câu rồi quên. Người quay sang nói nhỏ với đồng chí cảnh vệ. Lát sau đồng chí này mang vào hai quả dưa. Người lên sân khấu và nói cô diễn viên:

- Cháu ngâm hết bài thơ, Bác tặng hết tất cả số dưa mà đồng bào tặng Bác, nhưng cháu chỉ ngâm được mấy câu nên Bác tặng cháu hai quả.

Cô diễn viên nhận hai quả dưa, nước mắt rưng rưng. Sau đó, Người bắt nhịp để tất cả mọi người có mặt cùng hát bài Kết đoàn.

Ngày 15/6, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã (HTX) cấp cao Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. Lãnh đạo Đảng, chính quyền và Ban chủ nhiệm HTX đã chuẩn bị làm tổng vệ sinh và trang trí lại khu vực làm việc của Đảng ủy, Ủy ban và trụ sở HTX đàng hoàng hơn. Ban chủ nhiệm HTX còn phân công cán bộ đến từng nhà dân ở gần trụ sở Ủy ban là nơi đón Người để sửa soạn lại trong nhà thật ngăn nắp. Có 4 gia đình ở gần Hội trường nhất thì được cho mượn thêm tủ, bàn ghế đẹp, sang trọng của những nhà xa hơn đưa đến đặt vào để khi Bác đến thăm sẽ thấy đời sống của dân ở đây khấm khá! Khi Bác Hồ đến Vĩnh Thành, nói chuyện xong với cán bộ, nhân dân, Bác đi thăm một số gia đình. Lãnh đạo xã mời Bác đi và dẫn Bác theo con đường có mấy nhà đã chuẩn bị trước. Ra khỏi Hội trường đi được khoảng mươi mét đến ngã ba đường làng, ông chủ tịch xã chỉ đường mời Bác đi, nhưng Người nói: “Để Bác tự đi để biết đúng thực tế, có lẽ ở đó các chú đã bố trí rồi”. Thế là Người rẽ con đường khác. Bác đi vào nhà một gia đình bình thường có ngôi nhà tranh nhỏ bé. Trong nhà chỉ có một cái sập nhỏ đựng lúa làm bàn thờ và hai cái giường gỗ nhỏ cũ kỹ. Bác đã ngồi đó hỏi chuyện một cụ già đang ngồi bồng cháu trên chiếc võng.

Bác cũng đến thăm và nói chuyện với đại biểu các đơn vị quân đội Quân khu 4. Sau khi biểu dương thành tích về sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cố gắng học tập và công tác, giúp nhân dân trong công tác sửa sai và phòng chống thiên tai, Người nhắc nhở cán bộ và chiến sĩ phải sửa chữa các khuyết điểm như: Tinh thần cảnh giác chưa đầy đủ; một số cán bộ, chiến sĩ còn có biểu hiện công thần, suy bì ghen tị; một số quan niệm chưa đúng về phân công lao động; ý thức kỷ luật quân đội có lúc biểu hiện chưa nghiêm. Người nêu rõ cán bộ, chiến sĩ trong quân khu: Phải nâng cao cảnh giác cách mạng; làm tốt công tác học tập và chỉnh huấn chính trị; cố gắng học tập nâng cao trình độ kỹ thuật quân sự và nghiệp vụ; chống tham ô, lãng phí; nâng cao kỷ luật lao động và ý thức tiết kiệm; thực hành đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết Bắc - Nam.

Tiếp đó, Bác Hồ vào thăm Hà Tĩnh. Đồng chí Nguyễn Quốc Thùy, nguyên cán bộ Văn phòng tỉnh ủy kể lại: “Đến hơn 7 giờ sáng ngày 15/6 thì đoàn xe 6 chiếc đưa Bác vào cơ quan Tỉnh ủy, trước sự đón tiếp nồng nhiệt, thân tình của cán bộ, đồng bào đứng dọc hai bên đường lớn trung tâm thị xã (đường Phan Đình Phùng bây giờ) và gần cổng cơ quan chúng tôi. Bác vui vẻ vào hội trường A nói chuyện với cán bộ tỉnh ủy, tôi bận chuẩn bị một số mặt cho việc ăn, nghỉ của đoàn khách nên không được nghe Bác nói chuyện trong hội trường A. Đến 9 giờ, Bác sang hội trường B nói chuyện cùng đại diện cho các tầng lớp nhân dân được mời đến đón Bác. Bác bước vào, mọi người đứng dậy hớn hở vỗ tay chúc mừng. Có người quá xúc động rưng rưng nước mắt. Bác khoát tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Ai cũng vâng lời Bác, trật tự lắng nghe. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Trần Quốc Hoàn đi sau Bác, nét mặt rất vui. Bác mặc bộ quần áo giản dị, tác phong hoạt bát. Bác khen ngợi cán bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực công tác; có nhiều cố gắng trong cải cách ruộng đất và sửa sai để kiện toàn tổ chức, lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất. Bác biểu dương hai gương tốt của tỉnh Hà Tĩnh là đồng chí Bí thư chi bộ Kỳ Hải dũng cảm trong chống lũ lụt và nữ đồng chí Thiện gương mẫu trong công tác xây dựng tổ đổi công vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Tĩnh chú ý khắc phục những khuyết điểm như còn kém đoàn kết trong nội bộ đảng, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, đảng viên cũ và đảng viên mới; kém ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm; có tư tưởng cá nhân, suy bì tị nạnh; cấp trên và cấp dưới, trong đảng và ngoài đảng quan hệ chưa mật thiết; còn có những cán bộ tham ô, lãng phí; thiếu nhận thức đúng đắn về lao động, coi thường lao động chân tay; một số cán bộ còn biểu hiện công thần”. Về nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh, Người nêu rõ: Phải cố gắng sửa sai cho tốt, gọn; chú ý phát triển tăng gia sản xuất; chú ý làm tốt nghĩa vụ thuế và trả nợ cho Nhà nước; cán bộ phải gương mẫu, liên hệ mật thiết với quần chúng; phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân. Người đã gửi 100 huy hiệu để tỉnh Hà Tĩnh làm giải thưởng thi đua.

Buổi trưa nghỉ tại Hà Tĩnh, Người đang yên giấc, bỗng nghe tiếng người qua lại ngoài cổng bảo vệ. Bác hỏi và biết được có cụ già đi bộ 30 cây số từ quê lên, mong muốn được tận mắt trông thấy Bác Hồ. Người liền nói với đồng chí bảo vệ: “Chú ra mời cụ vào phòng khách. Bác mặc áo rồi ra tiếp cụ”. Vừa trông thấy Bác Hồ, cụ già liền cảm động chắp tay vái, Bác đỡ cụ rồi mời cụ ngồi và hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm gia đình cụ và mọi mặt đời sống của bà con địa phương. Tiếp chuyện cụ xong, Bác quay lại dặn đồng chí bảo vệ: “Chú nhớ mời cụ ăn cơm trưa, rồi mời cụ đi nghỉ và buổi chiều chuẩn bị xe đưa cụ về đến nhà”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với Hội nghị cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh. Người biểu dương những đóng góp của nhân dân Hà Tĩnh trong cuộc kháng chiến, những thành tích về mọi mặt trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa. Người cũng chỉ rõ một số khuyết điểm của cán bộ và Nhân dân Hà Tĩnh để địa phương khắc phục. Cuối cùng, Người nhắc nhở phải thực hiện tốt các nhiệm vụ: Thực hiện đoàn kết; chú ý phòng chống thiên tai, phát triển sản xuất toàn diện; đề cao ý thức bảo vệ tài sản của Nhà nước, làm tốt công tác bình dân học vụ. Xong buổi nói chuyện, Bác vào xem các nơi làm việc, sinh hoạt trong cơ quan Tỉnh ủy. Gặp cháu Quân (con một cán bộ đánh máy), Bác hỏi: “Ở đây mọi hôm có sạch sẽ thế này không cháu?”. Gặp cán bộ văn phòng, Bác dặn: Các chú phải lo sửa sai cải cách ruộng đất cho tốt, đừng đưa vợ con đến thị xã mà nên để họ ở quê lo sản xuất, tăng gia.

Tiếp đó, Bác đi thăm một đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn Hà Tĩnh. Đồng chí Dương Nữ, một nữ chiến sĩ người miền Nam tập kết, tặng Người chiếc khăn tay có thêu dòng chữ và nói: “Gặp Bác cháu mừng quá. Cháu xin tặng Bác món quà mà gia đình cho cháu. Cháu đã giữ trong mấy năm kháng chiến và mấy năm hòa bình. Hôm nay gặp Bác cháu gửi tấm lòng miền Nam để Bác kỷ niệm”. Người xúc động nhận chiếc khăn và ký vào góc hai chữ Bác Hồ. Người tặng lại đồng chí Dương Nữ và căn dặn đồng chí cố gắng học tập, công tác tiến bộ.

Ngày 16/6, Bác Hồ thăm tỉnh Quảng Bình. 8 giờ 15, Người tới thị xã Đồng Hới. Sau khi thăm văn phòng cơ quan Tỉnh ủy, Người làm việc ngay với các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy. Người hỏi rất tỉ mỉ về công tác xây dựng Đảng; về vấn đề đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết lương giáo và các địa phương. Người cũng đặc biệt quan tâm tìm hiểu tình hình khôi phục và phát triển kinh tế, về đời sống nhân dân. Người còn hỏi: “Trước đây đi qua Quảng Bình, Bác thấy có một vùng nhân dân ở đấy mắc bệnh chân voi, bệnh đó nay đã bớt chưa, y tế đã kết luận ra sao rồi?”. Người nhắc nhở cán bộ phải chú ý đi sát cơ sở, địa phương để nắm chắc và giải quyết tình hình công việc, phải chú ý tổ chức cho nhân dân, nhất là phụ nữ học văn hóa vì “dân ta phải văn minh, muốn văn minh phải có văn hóa”. Khi được biết nguyện vọng của đại biểu Phật giáo, Thiên Chúa giáo xin được thăm Bác, mặc dù chương trình làm việc rất nhiều song Bác bảo gặp cán bộ cốt cán, đảng viên thì lúc nào cũng được, bây giờ các chú để Bác được gặp các cụ. Bác đi bộ đến chỗ các cụ đã tập trung đông đủ, lúc đó có một bà cụ thay mặt mọi người mang bó hoa lên tặng Bác, Bác cầm bó hoa, cảm ơn rồi nhanh nhẹn tách bó hoa làm đôi đi đến tặng cho nhà sư Phổ Minh và cha cố Thông. Những người có mặt đều cảm động và quý phục phong cách ứng xử tài tình của Bác, một biểu hiện đoàn kết tôn giáo cao quý đẹp đẽ.

Đầu giờ làm việc chiều, Bác tiếp và nói chuyện thân mật với một số đại biểu nhân sĩ, trí thức, các tôn giáo trong Hội đồng Nhân dân tỉnh. 13 giờ 30, Người gặp gỡ cán bộ các cơ quan và đại biểu nhân dân; khen ngợi thành tích của Quảng Bình trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong những năm khôi phục kinh tế và trong công tác sửa sai. Người chỉ rõ: “Đảng viên, cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng; phải luôn luôn thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; phải chống quan liêu, mệnh lệnh, giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng, chăm lo xây dựng khối đoàn kết toàn dân”. Về nhiệm vụ an ninh, quốc phòng của Quảng Bình, Người căn dặn: Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc. Mọi việc làm tốt hay xấu ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa đối với việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết. Về nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, Người nói: “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng”; cùng với phát triển sản xuất, Đảng bộ và chính quyền địa phương phải hết sức chú ý chăm lo đời sống nhân dân. Tiếp đó, tại sân vận động thị xã Đồng Hới, Bác Hồ nói chuyện tại cuộc míttinh của cán bộ và nhân dân Quảng Bình. Người nhấn mạnh vấn đề xây dựng khối đoàn kết toàn dân, và cùng với những người dự míttinh đồng thanh đọc câu tục ngữ:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Kết thúc cuộc míttinh, Người bắt nhịp bài hát Kết đoàn trong không khí vui vẻ và đầm ấm.

Tại Quảng Bình, Bác còn đi thăm Sư đoàn 325 vào cuối giờ làm việc trong ngày và gặp gỡ Bộ Chỉ huy Sư đoàn. Sau khi tắm biển Nhật Lệ, Bác dự buổi liên hoan văn nghệ cùng cán bộ, chiến sỹ đến 21 giờ 30 phút mới kết thúc. Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn phải nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm của mình mà ra sức học tập, rèn luyện, đoàn kết một lòng, xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã tin cậy, giao phó. Theo kế hoạch thì Bác ở lại Quảng Bình đến ngày 17/6/1957 nhưng ngay đêm đó có điện của Trung ương mời Bác về Hà Nội vào 7 giờ sáng hôm sau.

Sáng ngày 17-6, tại sân vận động thị xã Đồng Hới, Bác Hồ dự mít tinh của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 cùng một số đơn vị bộ đội địa phương và dân quân tự vệ tỉnh Quảng Bình. Ở sân bay Đồng Hới, trong khi chờ chuẩn bị máy bay trở về Hà Nội, Người nói với các đồng chí ra tiễn: “Bác rất tiếc là thăm Quảng Bình chưa hết chương trình đã phải về. Bác về, Bác sẽ trở lại. Chỉ mong Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình làm tốt chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Chính phủ và những lời căn dặn của Bác”.

Tài liệu tham khảo:

* Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H.2009, tập 6.

* Chủ tịch Hồ Chí Minh biên niên sự kiện 1954-1969, Nxb. Thông tin truyền thông, H.2018, tập 1: Giai đoạn 1954-1958.

* “Những chuyện vui và cảm động về Bác Hồ”, Nxb. Văn hóa thông tin. H.2008.

* “Bác Hồ về thăm quê”, Nxb. Thuận Hóa, H.2007.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)