Lực lượng công an nhân dân ngày nay thực hiện theo lời dạy của Bác
ThS. Phạm Nga
Phòng Hành chính, Tổng hợp
Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng công an nhân dân - lực lượng vũ trang trọng yếu của Nhà nước, của nhân dân luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của Người. Mỗi thành quả, mỗi chiến công của lực lượng công an nhân dân đều bắt nguồn từ sự thấm nhuần, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối toàn diện của Đảng, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các ngành, các lực lượng và sự giúp đỡ to lớn của quần chúng nhân dân, kết hợp với sự nhạy cảm về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an.
Ngay từ những năm đầu lực lượng công an mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ tư cách người công an cách mệnh là:
“Đối với mình, phải cần, kiệm, liêm chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tuỵ.
Đây chính là những phẩm chất đạo đức cơ bản, là chuẩn mực tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những điều này nên được viết thành ca dao cho mọi người công an thuộc, viết thành khẩu hiệu dán tại những nơi các anh em công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ...). Người còn nhắc nhở, chỉ dạy cán bộ, chiến sĩ công an những điều hết sức tỉ mỉ, cụ thể trong công việc, trong quan hệ với địa bàn nơi đóng quân như: công an phải kiểm soát cấp dưới và công việc của mình thường xuyên; mỗi công an viên đóng trên địa bàn nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian..., dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật; tự mình phải luôn luôn giữ lễ phép, tránh hách dịch...
Những lời căn dặn, lời dạy của Bác dành cho lực lượng công an nhân dân một lần nữa được cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần hơn tại buổi nói chuyện của Người với Trường Công an trung cấp khóa 2 (năm 1951): “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”. Người cũng chỉ rõ bản chất của người công an nhân dân khác hoàn toàn với công an đế quốc, ở chỗ nếu như “công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân” thì công an nhân dân “là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ”, là lực lượng “phục vụ nhân dân”. Từ đó, Người yêu cầu công an “phải làm thế nào cho được lòng dân, phải thực sự giúp đỡ dân trong công việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như thế thì người dân mới tích cực trở lại giúp đỡ công an”. Người cũng chỉ ra biện pháp để xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, đó là “phải biết phê bình người phạm sai lầm”, “trong nội bộ công an cũng phải phê bình nhau” và kiên quyết phải tẩy trừ ra khỏi ngành đối với những người không biết sửa chữa sai lầm để tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Ngày 21/12/1956, Bác đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ công an Hà Nội tại Hội nghị Tổng kết công tác, được tổ chức ở Hội trường Nhà triển lãm, phố Yết Kiêu. Bắt đầu vào câu chuyện, Bác hỏi thăm sức khỏe anh chị em. Tiếp theo, Bác nói đến vai trò, vị trí của lực lượng công an và quân đội, Bác ví ngay với hai cánh tay của con người. Lời Bác giản dị, dễ hiểu nhưng bao hàm một ý nghĩ sâu xa. Bác dạy rằng: “Người ta có hai cánh tay để bảo vệ thân thể, cũng như chính quyền phải có quân đội và công an là hai cánh của nhà nước. Quân đội là lực lượng vũ trang để chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ. Công an trấn áp bọn phản cách mạng giữ gìn trật tự và trị an”. Từ đó, Bác căn dặn anh chị em công an: Tiền đồ cá nhân nằm trong tiền đồ quốc gia dân tộc. Người dân mất nước không có tiền đồ. Trước đây, trong hồi Pháp thuộc có người làm đến ông tham, ông phán nhưng vẫn bị thằng Tây “xà lù, cu xoong”, ngày nay mọi người đều làm chủ đất nước, đó là một vinh dự. Trong cương vị công tác, mọi người làm tròn trách nhiệm của mình là sang, không làm tròn là hèn. Bác khuyên các cô các chú phải cố gắng học tập nghiệp vụ, đoàn kết nhất trí, đẩy mạnh công tác, làm tròn sứ mệnh người công an cách mạng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Từ những bài nói, bài viết của Bác về lực lượng công an nhân dân, các câu chuyện kể về Bác Hồ với các chiến sĩ công an trong công tác bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ, bảo vệ trật tự, an ninh, sát cánh bên nhân dân... một lần nữa góp phần khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng những lời dạy của Người đã trở thành định hướng cơ bản, ngọn đuốc soi đường cho mọi hành động của cán bộ, chiến sĩ công an, đồng thời là chuẩn mực về đạo đức, nhân cách mà mỗi cán bộ, chiến sĩ công an dù bất kỳ cương vị công tác nào, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình đều phải rèn luyện, phấn đấu, thực hiện cho đến ngày nay(1).
Trong Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư đã khẳng định, hình ảnh người chiến sỹ công an khi tiếp xúc với nhân dân hay trong cuộc sống hằng ngày chính là một phần hình ảnh của Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở của các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, mỗi cán bộ chiến sĩ công an phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, tự nhận diện để phòng ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; luôn nhớ lời Bác dạy: “Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ... để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt; để có đủ kiến thức, trình độ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh với các đối tượng cơ hội chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm ổn định xã hội, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng đất nước và sự bình yên của mỗi người dân.
Điều đó được khẳng định rõ nét hơn trong chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/ TW ngày 16/3/2022, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo: Công an Việt Nam là công an nhân dân; từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Ra đời trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945, được Đảng ta và Bác Hồ chăm lo giáo dục, rèn luyện, được nhân dân hết lòng tin yêu, giúp đỡ, lực lượng công an của chúng ta đã thể hiện phẩm chất anh hùng, bản lĩnh kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, lập nên nhiều chiến công vang dội, khẳng định được vị thế, vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xứng đáng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng.
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; dịch bệnh, khủng bố, phá hoại, xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, tranh giành quyền lực, đảo chính, chiến tranh cục bộ diễn ra phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, song nước ta vẫn giữ vững được ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, được nhân dân ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, là đất nước thanh bình, là điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế. Điều đó không phải tự nhiên, ngẫu nhiên mà có, mà đó là do sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có công lao, đóng góp rất to lớn của lực lượng công an nhân dân.
Các đồng chí công an nhân dân đã chủ động nắm bắt, phân tích, dự báo sát đúng tình hình; thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách, hoàn thiện thể chế và huy động các nguồn lực để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Tập trung đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khủng bố, xử lý nhiều vụ kích động chống đối, biểu tình, bạo loạn gây rối an ninh, trật tự; không để phức tạp kéo dài, lan rộng.
Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật đạt hiệu quả cao. Chất lượng điều tra, khám phá án được nâng lên. Do đó đã kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội.
Riêng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các đồng chí đã chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tổ chức đồng bộ, có hiệu quả các mặt công tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp và Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, đánh đúng, đánh trúng nhiều tổ chức và cá nhân phạm tội, tạo sức cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước.
Ngoài ra Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không quên nhắc nhở các hạn chế, thiếu sót của lực lượng công an nhân dân như sau: Công tác nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình và tham mưu chiến lược có nơi, có lúc, có việc chưa kịp thời, chưa chuẩn xác; luật pháp về an ninh, trật tự chưa đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên một số lĩnh vực, địa bàn còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, chiến sỹ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu gương mẫu; giảm sút ý chí chiến đấu, vi phạm kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý; tiềm lực hậu cần, kỹ thuật, nhất là cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật có mặt, có lĩnh vực chưa theo kịp yêu cầu của tình hình thực tiễn và sự phát triển của khoa học - công nghệ.
Những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sự hiểu biết pháp luật, kỹ năng công tác, kỹ năng dân vận của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ công an chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, công an một số đơn vị, địa phương trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng công an nhân dân chưa thật sâu sắc, đầy đủ; chưa phát huy hết sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng công an nhân dân; nguồn lực của Nhà nước bảo đảm cho hoạt động của công an nhân dân trong một số lĩnh vực có phần còn hạn chế; tình hình chính trị, an ninh thế giới diễn biến ngày càng phức tạp; các thế lực thù địch không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Để thực hiện tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đòi hỏi lực lượng công an nhân dân phải luôn luôn cảnh giác, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang; nỗ lực phấn đấu không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng, lực lượng công an nhân dân cần tiếp tục nêu cao quyết tâm, thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ khi thành lập đến nay, trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng công an nhân dân luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng và bảo vệ tổ quốc; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ, lấy xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện. Phát huy vai trò trong tình hình đổi mới của đất nước, lực lượng công an nhân dân luôn nỗ lực hoàn thành mục tiêu bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các đoàn khách quốc tế, các cơ quan trọng yếu và các hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới của đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về lực lượng công an nhân dân vẫn mang tính thời sự, còn nguyên vẹn giá trị và là bài học quý với toàn Đảng, toàn quân ta.
Tài liệu tham khảo
1. Công an nhân dân khắc ghi lời Bác, tác giả: Đỗ Hoàng Linh, Nguyễn Văn Dương, Vũ Thị Kim Yến.
2. Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.
3. Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị.