slider
Phát triển kinh tế số

Một số giải pháp về bảo quản, phát huy giá trị bộ quần áo kaki của Bác Hồ

01 Tháng 07 Năm 2024 / 22 lượt xem

ThS. Lê Thị Cẩm Tú

Phòng Bảo quản, Môi trường di tích

Di tích nhà 54 nằm trong quần thể di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, là nơi gắn bó với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 15 năm cuối đời của Người. Ngôi nhà cùng với những tài liệu hiện vật trưng bày ở nơi đây thể hiện chân thực, rõ nét, sinh động cuộc sống thanh bạch, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu năm 1996, di tích này đã chính thức mở cửa đón khách tham quan. Từ đó tới nay, Di tích nhà 54 vừa được bảo quản, giữ gìn và phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, để có thể lưu giữ lâu dài và phát huy tốt giá trị di tích và các tài liệu hiện vật bên trong di tích thì đòi hỏi công tác bảo quản phải luôn được quan tâm thường xuyên với những phương pháp, công nghệ phù hợp.

1. Di tích nhà 54 trưng bày đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đa dạng chất liệu tài liệu, hiện vật trong đó có bộ quần áo kaki của Bác đã dùng từ năm 1959 đến 1969.

Ngày 08/01/1959, Xưởng May 10 (lúc đó thuộc Cục quân nhu-Tổng cục Hậu cần) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Bác lần lượt đi thăm từng phân xưởng may, thăm hỏi từng người công nhân. Đi dọc ba phân xưởng may, thấy trên các bàn máy có cắm cờ đỏ, cờ xanh trên các cọc chỉ, Bác liền hỏi thì anh chị em công nhân trả lời: ‘‘Thưa Bác, trong ngày làm việc, ai có năng suất cao thìđược tặng cờ đỏ, năng suất thấp thì nhận cờ xanh’’. Bác dừng lại bên bàn của một nữ công nhân trẻ có cờ xanh và ân cần hỏi kỹ về phong trào thi đua này.

Bác tỏ ý vui mừng và căn dặn: “Các cô, các chú phải phấn đấu giành nhiều cờ đỏ, bỏ cờ xanh. Các cô, các chú có làm được không?” Tất cả mọi người có mặt đồng thanh đáp: ‘‘Thưa Bác có ạ’’. Sau khi đi thăm xong các phân xưởng, Bác quay về hội trường nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy. Bác nhắc nhở nhiệm vụ của xí nghiệp, của cán bộ và công nhân viên và căn dặn mọi người phải tiết kiệm trong quá trình sản xuất, phải chú ý đến việc cải tiến kỹ thuật.

Cán bộ, công nhân Xưởng May 10 rất xúc động khi thấy chiếc áo kaki màu đã bạc, sờn tay mà Bác vẫn mặc từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Không ai bảo ai, mọi người có mặt trong buổi đón Bác đều mong muốn được may biếu vị lãnh tụ kính yêu bộ quần áo. Một đồng chí cán bộ lãnh đạo xưởng may 10 đem ngay ý tưởng đó ra trao đổi với đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác. Suy nghĩ giây lát, đồng chí Vũ Kỳ nói: “Bác sắp đi thăm Inđônêxia nhưng quần áo của Bác đã cũ hết cả rồi. Các đồng chí có thể may biếu Bác một bộ. Ngày mai tôi sẽ đưa bộ quần áo của Bác xuống làm mẫu”(1). Hôm sau, nhận được bộ quần áo mẫu (bộ quần áo ka ki cũ của Bác) do các đồng chí phục vụ Bác chuyển đến, anh chị em xưởng May 10 lập tức bắt tay vào việc. Xưởng cử người sang X20 (Cửa hàng may đo lúc đó ở phố Cửa Đông) lấy vải kaki Trung Quốc có màu sắc tương tự như màu áo của Bác. Các ông Trần Văn Quảng, Nguyễn Công Thái và Phạm Huy Tăng là những người thợ lành nghề được giao nhiệm vụ may bộ quần áo này. Điều khó là khi đo cắt vải mới nhưng lại không được tháo rời bộ quần áo mẫu. Những người thợ bèn cắt theo phương pháp quy vuông: Trải vải mới chồng lên bộ cũ.

Bộ quần áo kaki dùng làm mẫu là bộ được may từ năm 1945, là bộ Người đã mặc trong buổi lễ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Đặc điểm bộ quần áo này là đường may bị lệch và thân quần một bên to một bên bé, khi cắt phải cố gắng thật khéo léo để khắc phục nhược điểm trên. Sau khi cắt nhiều mẫu, cuối cùng các anh chọn lấy hai mẫu giống nhất để may. Sau hơn một tháng, bộ quần áo đã may xong, xưởng gửi ngay cho đồng chí Vũ Kỳ hai bộ kèm theo một bức thư nói lên tấm lòng của cán bộ, công nhân xưởng May 10 đối với Bác Hồ.

Theo các đồng chí phục vụ Bác Hồ kể lại: Khi Bác tiếp khách thân mật tại Phủ Chủ tịch, Bác thường mặc bộ bà ba màu nâu giản dị như khi làm việc. Hôm nào trời hơi lạnh, Bác khoác thêm áo kaki, lạnh nhiều Bác khoác áo bông. Bộ quần áo kaki do Xí nghiệp May 10 tặng Bác thường mặc mỗi khi đi thăm các địa phương trong nước, đi thăm các nước anh em, đi dự hội nghị và các cuộc họp của Chính phủ, tiếp khách quốc tế.

2. Về công tác bảo quản bộ quần áo kaki: Trong những năm qua, công tác bảo quản luôn là vấn đề được Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch quan tâm hàng đầu bởi tài liệu hiện vật là cơ sở của hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học của Khu Di tích. Nếu không có tài liệu hiện vật thì không thể triển khai trưng bày, tuyên truyền, giáo dục hay các hoạt động chuyên môn khác của di tích. Do vậy việc bảo quản các hiện vật có vị trí hết sức quan trọng.

Khác với việc bảo quản trong kho cơ sở, các hiện vật được xếp sắp theo chất liệu, bảo quản ở các phòng kho khác nhau và được lắp đặt các hệ thống bảo quản với các phương tiện khoa học, kỹ thuật phù hợp. Tại các nhà di tích trong Khu Di tích bảo quản và trưng bày nhiều loại hiện vật với nhiều loại chất liệu khác nhau, hàng ngày mở cửa để phục vụ một số lượng rất lớn khách tham quan, hoàn toàn là những kho mở. Không chỉ vậy, các nhà di tích và hiện vật bảo quản, trưng bày bên trong còn chịu sự tác động trực tiếp của môi trường khí hậu khắc nghiệt, nhiều cây cối nên phát sinh nhiều loại côn trùng, sinh vật có hại…Do vậy, ngoài việc đảm bảo nghiêm ngặt quy trình bảo quản thông thường, bảo quản phòng ngừa, việc ứng dụng công nghệ mới vào công tác bảo quản được chú trọng.

Đối với hiện vật đồ dệt như bộ quần áo kaki, phần quan trọng trong bảo quản là phải kiểm tra thường xuyên nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng.

Một trong những đặc trưng của đồ dệt là khả năng hút nước và hấp thụ các chất lỏng khác. Điều này sẽ làm co giãn trong sợi vải và nguy cơ gây ra nấm mốc cao làm hỏng hiện vật. Sau khi hút nước sợi sẽ nở ra; khi khô ráo, nước lại bay hơi và hiện vật khôi phục lại trạng thái cũ. Nhưng nếu sợi vải nở quá mức độ nhất định thì sau khi mất nước nó sẽ không thể khôi phục trạng thái ban đầu nữa. Vì vậy nhiệt độ, độ ẩm phải luôn ổn định.

Việc kiểm tra đo lường nhiệt độ, độ ẩm, ngăn ngừa tự xâm nhập của sâu bọ, côn trùng… được tiến hành một cách kiên trì, lâu dài và đồng thời phân tích một cách khoa học quy luật môi trường để cải thiện môi trường.

Môi trường bảo quản hiện vật cơ bản là: nhiệt độ từ 15 đến 250C, độ ẩm từ 45 đến 65%, đối với hiện vật đồ dệt độ ẩm từ 50 đến 55%. Nhiệt độ dao động chậm trong phạm vi này là thích hợp với việc bảo quản hiện vật. Những thay đổi đột ngột của không khí gây hư hại trực tiếp cho hiện vật.

Cũng như các hiện vật đồ dệt được trưng bày tại di tích Nhà 54, mặc dù được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm tương đối ổn định, nhưng bộ quần áo kaki do tác động của thời gian đã bị hoen ố và chất vải bị thô cứng có nguy cơ rất dễ bị rạn hoặc rách nếu bị tác động từ bên ngoài.

Thêm nữa bộ quần áo kaki được đưa ra phục vụ công tác trưng bày và tuyên truyền phát huy tác dụng của hiện vật nhưng ảnh hưởng đến công tác bảo quản hiện vật bởi áo được treo, vai áo không có phần độn tròn mà để buông xuống nên có thể gây ra độ giãn rất lớn của sợi vải, đặc biệt phần vai áo.

3. Một vài đề xuất: Di tích Nhà 54 là di tích mở nhưng với quần áo kaki khách lại không thể nhìn thấy. Thiết nghĩ nên áp dụng những thành tựu công nghệ thông tin hiện đại, phát huy hết tác dụng của kỹ thuật nghe nhìn thay thế cho hiện vật trong việc trưng bày mà vẫn đảm bảo tính nguyên trạng, tính khoa học và có tính thuyết phục như vậy mới nâng cao hiệu quả tuyên truyền, khách dễ dàng cảm nhận được phong cách đời thường giản dị gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên trong di tích Nhà 54 trưng bày nhiều tài liệu hiện vật với nhiều chất liệu khác nhau vì vậy việc sử dụng hệ thống điều hòa không khí và máy hút ẩm có thể đáp ứng được yêu cầu tăng giảm nhiệt độ và độ ẩm, nhưng không thể có một nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho mọi chất liệu. Dẫn đến hiện tượng nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho chất liệu này thì lại không thích hợp được với chất liệu khác. Bộ quần áo kaki cũng như các hiện vật khác được trưng bày bị mòn theo thời gian hoặc do chức năng sử dụng (trưng bày). Với các hiện vật dễ “tổn thương” này, cán bộ bảo quản cần có phương pháp phòng ngừa và trị liệu một cách khoa học tùy chất liệu để bảo quản.

Đồ dệt thuộc nhóm hiện vật có chất liệu hữu cơ, dễ bị nấm mốc, côn trùng và ánh sáng mặt trời làm hư hại, cần được bảo quản trong môi trường tốt nhất. Hiện tượng hư hỏng biến chất của đồ dệt chủ yếu là hoen ố, dễ đứt gãy sợi vải, phai mầu biến sắc, mủn do nấm mốc, côn trùng đục khoét. Ngoài việc duy trì nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng tương đối ổn định: nhiệt độ là 21 đến 22 0C, độ ẩm là 50 đến 55%, thường xuyên tiến hành bảo quản phòng ngừa khoa học đối với hiện vật, như: chống ẩm ướt, chống khô hanh, chống ô nhiễm, chống bụi, chống mục nát, lão hóa… Về phương pháp bảo quản phòng ngừa, vừa áp dụng khoa học tiên tiến vừa coi trọng việc tổng kết và kế thừa kinh nghiệm bảo quản truyền thống để tìm ra hệ thống phương pháp bảo quản phòng ngừa hoàn chỉnh, có hiệu quả.

Bảo quản đồ dệt thì việc làm sạch là công đoạn đầu tiên. Phương pháp giặt gồm có giặt khô và giặt ướt.

Những đồ dệt không phai mầu mới dùng phương pháp giặt ướt, nhiệt độ nước duy trì trên 350C. Giặt khô là dùng dung môi hữu cơ không nước để làm sạch hiện vật. Khi giặt không được vặn, vò, xát, phơi nắng. Đồ dệt sau khi được giặt đặt phẳng trên lưới ni lông hoặc dát tre nằm ngang, hong kho ở chỗ thoáng, râm mát, đồng thời vuốt thẳng theo hướng sợi vải để đề phòng sự biến dạng. Khi cất kho, phải đặt hiện vật trên mặt phẳng, không gập để tránh đứt gãy. Yêu cầu đối với cán bộ thực hiện công tác bảo quản cần mang trang phục gọn gàng, sạch sẽ, hạn chế tối đa những tác nhân ẩm mốc hay những nhân tố gây hại cho hiện vật. Khi thực hiện bảo quản phải đeo găng tay bằng sợi vải bông hoặc bằng cao su nitril hạn chế làm bẩn hiện vật… Bảo quản giữ gìn tốt các tài liệu hiện vật được trưng bày tại các nhà di tích và lưu giữ trong các kho cơ sở là góp phần to lớn vào công tác nghiên cứu và phát huy tác dụng tuyên truyền và giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác bảo quản để giữ gìn giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch còn mãi với muôn đời.

Chú thích:

1. Website Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, 24/1/2013.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)