slider
Phát triển kinh tế số

Một số tác động ảnh hưởng về chuyên môn, nhân lực cần điều chỉnh nếu Khu Di Tích thực hiện Nghị quyết 04 của Bộ VHTTDL

20 Tháng 09 Năm 2021 / 1059 lượt xem

ThS. Phạm Nga

Phòng Hành chính, Tổng hợp

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt Khu di tích) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong 15 năm cuối đời (1954 - 1969), nơi chứa đựng những giá trị về di tích, tài liệu hiện vật và cảnh quan môi trường, phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống đời thường vô cùng giản dị mà cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất.

1. Sự hình thành và phát triển của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (ngày 02/9/1969), Ban Bí thư Trung ương Đảng có Nghị quyết số 206/NQ ngày 25/11/1970 -TW quyết định thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Với nghị quyết này, hoạt động nghiệp vụ của Ban Phụ trách di tích nhằm phục vụ công tác chính trị và đồng bào trong nước, bạn bè quốc tế đến tham quan nơi Bác đã sống và làm việc trong 15 năm cuối đời.

Ngày 12/9/1977, Bộ Chính trị ra Quyết định số 04/NQ-TW thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ. Tiếp đó ngày 15/10/1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 375/CP quy định chức năng nhiệm vụ của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Theo Nghị định 375/CP, Khu di tích chỉ còn lại hai chức năng chính là bảo quản và hướng dẫn tham quan. Nhưng trên thực tế Khu di tích vẫn là nơi để Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tiến hành các hoạt động nghiệp vụ chuẩn bị cho việc xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh vì phải dựa vào khối tài liệu hiện vật, mà chủ yếu là tài liệu hiện vật của Khu di tích giai đoạn 1954 - 1969 để rút kinh nghiệm xây dựng nội dung trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ đó mở rộng ra các chủ đề khác trong toàn bộ hệ thống trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh như Pác Bó, 48 Hàng Ngang, Kim Liên, Huế, Quân khu 5, Nhà Rồng, Cao Lãnh.

Ngày 06/11/1992, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin ký Quyết định số 1575/ TC- QĐ tách Khu di tích lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu di tích) ra khỏi Bảo tàng Hồ Chí Minh thành một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin. Trong điều 1 của Quyết định nêu rõ: “Khu di tích có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và tuyên truyền giáo dục cho mọi thế hệ thông qua những tài liệu hiện vật và di tích có liên quan đến cuộc đời và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trong thời kỳ từ 1954 đến những ngày cuối đời của Người (tháng 9/1969)”.

Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, quần thể Di tích lưu niệm về Người tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo quản, gìn giữ nguyên trạng, phục vụ tốt khách tham quan. Để đạt được kết quả này, cán bộ nhân viên Khu di tích nói chung đã luôn nỗ lực cố gắng để tìm ra giải pháp tối ưu, thuận lợi và phù hợp cho công tác bảo quản, bảo vệ di tích và tài liệu hiện vật như hiện nay; luôn đặt lên trên hết việc giải quyết hài hoà, hợp lý mối quan hệ giữa nhiệm vụ bảo quản với phát huy giá trị di tích phục vụ khách tham quan. Đây là những nhân tố góp phần quan trọng tạo nên giá trị và sức hấp dẫn đặc biệt của Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Kể từ năm 1970 đến nay, Khu di tích đã phục vụ và đón tiếp hơn 80 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó có khách của hơn 160 quốc gia và hàng trăm tổ chức quốc tế, bình thường từ 6.000 đến 8.000 người/ngày. Những ngày lễ như ngày 19/5 và 2/9 đón 4 đến 5 vạn người/ngày. Đặc biệt, lượng khách đến tham quan và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mỗi năm đều tăng theo lũy tiến năm sau cao hơn năm trước.

Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt to lớn, Khu di tích là nơi hội tụ những giá trị nhân văn cao cả, tư tưởng, phản ánh tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Điều đó đã khẳng định thêm vị thế và trách nhiệm của Khu di tích ngày càng nặng nề hơn. Chính vì điều đó mà khi mới thành lập Khu di tích chỉ là một Ban trực thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh. rồi được tách ra thành một đơn vị độc lập gồm có 03 phòng chuyên môn, nghiệp vụ, dần đến năm 2008 Khu di tích được thành lập 08 phòng theo Quyết định số 1938/QĐ-BVHTTDL, ngày 28/4/2008.

2. Ảnh hưởng của sự thay đổi trong hoạt động cơ cấu tổ chức bộ máy Khu di tích

a. Năm 2018, thực hiện Công văn số 1881/BVHTTDL-TCCB ngày 07/5/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; theo Quyết định số 1643/QĐ-BVHTTDL ngày 07/5/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức lại các phòng như sau: nhập Phòng Hành chính - Tổng hợp và Phòng Quản trị thành Phòng Hành chính, Tổng hợp; Phòng Kỹ thuật và Phòng Bảo vệ thành Phòng Kỹ thuật, Bảo vệ.

* Theo Quyết định số 3399/QĐ- BVHTTDL ngày 12/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Khu di tích, gồm: 06 phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Phòng Hành chính, Tổng hợp; Phòng Kỹ thuật, Bảo vệ; Phòng Bảo quản di tích; Phòng Tuyên truyền, Giáo dục; Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu; Phòng Duy trì cảnh quan - Môi trường.

Sau khi thực hiện việc nhập 04 phòng trên thành 02 phòng mới. Hai phòng mới này khi thực hiện nhiệm vụ cũng gặp rất nhiều khó khăn, bất cập và cho đến nay vẫn còn phải xử lý như: số lượng người làm việc của phòng mới lên đến gần 30 người; chuyên môn và tính chất công việc lại hoàn toàn khác nhau nên việc quản lý điều hành để thống nhất là rất khó; việc phối hợp hỗ trợ nhau trong công việc rất hạn chế, dễ mất đoàn kết nội bộ trong phòng. Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao viên chức quản lý phòng phải nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, vất vả mới đưa phòng thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao.

b. Năm 2021 tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ về rà soát, đánh giá việc đáp ứng các điều kiện thành lập đơn vị theo quy định tại khoản 1 mục II Kế hoạch số 244/KH-BVHTTDL, Khu di tích lại một lần nữa phải sáp nhập còn 05 Phòng, đó là: nhập Phòng Duy trì cảnh quan - Môi trường và Phòng Bảo quản di tích thành một phòng; Bộ phận Quản trị (thuộc Phòng Hành chính, Tổng hợp) vào Phòng Kỹ thuật, Bảo vệ.

3. Đánh giá tác động đối với tổ chức phòng đặc thù phải sáp nhập, hợp nhất do không đáp ứng tiêu chí thành lập

Quần thể Khu di tích có không gian rộng hơn 14 ha, các di tích nằm rải rác, không tập trung, vừa làm công tác bảo quản, vừa phục vụ khách tham quan hàng ngày; có 1.622 tài liệu, hiện vật trên tổng số gần 4.000 tài liệu, hiện vật vốn có, thuộc nhiều chất liệu khác nhau, đang được trưng bày phát huy giá trị. Ao cá có gần 5.000kg cá các loại và vườn cây có khoảng 1.300 cây đủ loại cho nên công tác bảo vệ, bảo quản tài liệu hiện vật, chăm sóc vườn cây, ao cá gặp nhiều khó khăn. Công tác bảo quản di tích, bảo vệ kỹ thuật và duy trì cảnh quan môi trường cần nhiều nhân lực lao động thực hiện các nhiệm vụ đó (hợp đồng lao động). Vì vậy, các phòng này ít viên chức, chủ yếu viên chức thực hiện chức năng quản lý, điều hành phòng. Khi sáp nhập như vậy thì về mặt cơ học đã đảm bảo tiêu chí, nhưng nhiệm vụ và nhân sự của mỗi phòng mới sẽ có những bất cập, khó khăn, vướng mắc sau:

- Việc hợp nhất, sáp nhập phòng sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo trong nhiệm vụ, gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của các phòng nói riêng và nhiệm vụ chính trị của Khu di tích nói chung.

- Tiếp tục gặp nhiều bất cập, khó khăn như: việc số lượng người làm việc của phòng mới lên đến gần 50 người lại càng khó khăn hơn nữa khi số lượng người làm việc tại một phòng quá đông, khó điều hành quản lý, ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị cũng như chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao, (gần tổng số người làm việc của cả đơn vị); việc quản lý điều hành phòng để thống nhất được là rất khó, cũng như việc phối hợp hỗ trợ nhau trong công việc rất hạn chế, dễ gây mất đoàn kết nội bộ trong phòng vì chuyên môn và tính chất công việc hoàn toàn khác nhau; khó khăn cho viên chức quản lý phòng và cho các phòng trong việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc duy trì ổn định nội bộ, đảm bảo thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ là vô cùng vất vả.

- Phòng Bảo quản di tích và Duy trì cảnh quan - Môi trường sáp nhập trong khi chức năng, nhiệm vụ khác nhau (bảo quản chủ yếu ở các nhà di tích còn duy trì thì chăm sóc vườn ao chuồng và ngoại cảnh), thì nhân viên hai phòng sẽ không làm cùng nhau được, vẫn tách hai bộ phận ra làm việc độc lập.

- Phòng Bảo vệ, Kỹ thuật sáp nhập

mảng quản trị thành một phòng tổng hợp mà 3 mảng này cũng không hỗ trợ được cho nhau vì 3 mảng đều có chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau 

- Mặt khác Khu di tích có đặc thù riêng như nằm trong quần thể cùng với Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ, nên chức năng bảo vệ, bảo quản cho an toàn khu vực đều có trách nhiệm, nghĩa vụ và phải tuân thủ theo như các công chức Bảo vệ của Văn phòng Chính phủ, bởi vậy mà nhiệm vụ vô cùng nặng nề, áp lực và phức tạp.

4. Đề xuất giải pháp

Nếu việc 5 phòng đó hình thành và đi vào hoạt động thì Khu di tích phải có giải pháp điều phối, phân công công việc hợp lý như thế nào để bộ máy mới vận hành trơn tru và hiệu quả được? Ví dụ như các phòng chỉ liệt kê cho đủ số lượng viên chức, nhưng thực ra có những bộ phận khi sáp nhập thì không có viên chức bình thường (như lái xe, bảo vệ, kỹ thuật, quản trị, làm vườn... theo quy định không được tuyển viên chức), chỉ có viên chức quản lý cho nên để thực hiện công việc chuyên môn phải cần đến lực lượng hợp đồng là chủ yếu. Vậy nên điều phối bố trí công việc ở đây chính là điều chỉnh lực lượng lao động hợp đồng?

Như vậy, khi đặt ra tình huống nêu trên, Ban Lãnh đạo Khu di tích cũng tính đến việc đã sáp nhập theo cơ học để đảm bảo số lượng viên chức nhằm duy trì các phòng chuyên môn, nghiệp vụ cho đúng yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra nhưng về mặt điều hành và bố trí hợp lý các mảng việc trong số hợp đồng lao động thì cũng nên xem xét, chuyển đổi cho từng phòng để phù hợp với tính chất công việc./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)