Tình yêu thương của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng nhìn từ nơi ở và làm việc của Người trong Khu Phủ Chủ tịch
Trần Thu Hà
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Sinh thời, Chủ tịch Hồ ChíMinh từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam đều là con của tôi”(1). Bác luôn nhắc đến các cháu với tình cảm nâng niu, trìu mến:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”(2)
Sự quan tâm chăm lo của Bác đối với thế hệ trẻ luôn thể hiện trong phong cách sống, trong đạo đức và trong tầm nhìn chiến lược của Người: “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Những bức thư, bài viết của Bác gửi thiếu niên nhi đồng cả nước nhân dịp tết thiếu nhi, ngày khai trường, Tết Trung thu, những lời dạy bảo khi Bác đến thăm các trường học hay gặp gỡ các cháu thiếu niên, nhi đồng... mãi mãi khắc sâu và trở thành tài sản vô giá của thế hệ trẻ Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thấy rõ vị trí, vai trò của giáo dục trong chiến lược xây dựng con người mới “vừa hồng, vừa chuyên”, có lí tưởng đạo đức cách mạng, Bác rất quan tâm chăm sóc thiếu niên, nhi đồng - những chủ nhân tương lai của đất nước. Ngay trong ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã gửi thư đến các cháu học sinh. Trong đó, Người khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(3). Gửi trọn niềm tin vào thế hệ trẻ, Người kêu gọi thiếu niên, nhi đồng tích cực tham gia mọi công việc: “tuổi nhỏ làm việc nhỏ- tùy theo sức của mình”.
Trong phong trào đó có nhiều thiếu nhi đạt được kết quả tốt, được Bác thưởng huy hiệu. Bác luôn động viên các cháu cố gắng vươn lên thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy”:
“Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”(4).
Bác còn xác định trách nhiệm chăm sóc giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Kế thừa truyền thống giáo dục tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, cùng với thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, Bác đã vạch ra những phương pháp giáo dục thiếu niên, nhi đồng hết sức thiết thực, sinh động để đào tạo, rèn luyện con người đạt hiệu quả tốt nhất. Trong giáo dục thế hệ trẻ, theo Người, trước hết học phải đi đôi với hành, lý luận phải đi với thực tiễn vì “học mà không hành thì vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Giáo dục phải gắn liền với lao động sản xuất, có sự gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội- Phương pháp giáo dục trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ tạo điều kiện cho các cháu thiếu niên, nhi đồng được học tập, phát huy tính năng động, sáng tạo trong nhận thức mà còn giúp các cháu vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ xã hội.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch. Tuy bận rộn với biết bao công việc quan trọng, Bác luôn dành thời gian quan tâm, chăm sóc đến các cháu thiếu niên, nhi đồng. Ở bất cứ nơi đâu trong Khu Phủ Chủ tịch - nơi Bác đã ở và làm việc trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời: từ những ngôi nhà, hàng cây hay trong những tài liệu hiện vật đã và đang lưu giữ tại nơi đây, đều chứa đựng những kỷ niệm về Bác với các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Tòa nhà Phủ Chủ tịch bề thế, uy nghi là nơi diễn ra những hoạt động đối nội, đối ngoại của Bác trên cương vị người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước. Căn phòng sang trọng nhất - nơi có 5 vòm cửa lớn ở chính diện toà nhà là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước như: những phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Quốc hội và cũng là nơi trang trọng để đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng các nước anh em, các đại sứ đến trình quốc thư... Vậy mà, từ ngày 22/6 đến ngày 11/7/1961, Bác đã dành nơi đặc biệt này cho các cháu vui chơi và triển lãm “Thiếu nhi với 5 điều Bác Hồ dạy”. Trong 20 ngày, có gần 10 vạn thiếu nhi đến xem triển lãm và vui chơi trong dịp hè. Nhiều em lần đầu tiên được đến một nơi sang trọng như vậy nên chỗ nào cũng sờ, sung sướng lăn cả ra sàn nhà, trên bãi cỏ. Những tiếng hát, tiếng cười nói vang vang, đúng là ngày hội. Có đồng chí sợ tiếng loa làm ảnh hưởng sang các cơ quan xung quanh nên xin Bác bỏ bớt loa đi, nhưng Bác bảo: “Triển lãm của các cháu phải để loa mới vui”. Bác nhắc phải có nhiều kem, si-rô, nước và bánh kẹo để phục vụ các cháu, kê thêm băng ghế để các cháu ngồi nghỉ. Bác còn dành thời gian chung vui với các cháu và xem triển lãm. Bác rất vui khi nhìn thấy những thành tích và kết quả mà các cháu thiếu niên nhi đồng đã đạt được.
Tại Nhà 54 - ngôi nhà Bác đã sống trong 4 năm đầu tiên khi về ở tại khu Phủ Chủ tịch, có nhiều hiện vật có thể “kể” ra những câu chuyện của Bác với thiếu niên, nhi đồng. Trong phòng ăn, Bác luôn treo trên tường chiếc nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ hàng ngày. Vào những ngày mùa đông giá rét, khi nhìn thấy nhiệt độ dưới 10 độ C, Bác chỉ thị các cấp, các ngành phải lo phòng chống rét cho nhân dân, nhất là các cụ già và em nhỏ. Đồng thời Bác cũng chỉ thị cho ngành giáo dục phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe cho các cháu. Khăn ăn không phủ kín mặt bàn như lẽ thông thường mà chỉ được trải một phần đầu bàn. Đây được làm theo yêu cầu của Bác. Vì thường mỗi bữa cơm chỉ có một mình Bác dùng cơm là chính nên Người đề nghị khăn ăn chỉ nên trải như vậy để tiết kiệm công sức cho các đồng chí phục vụ. Đồng thời, Bác còn nói thêm rằng: nếu tốn xà phòng để giặt một chiếc khăn lớn, chúng ta có thể tiết kiệm để các cháu ở vùng cao có xà phòng để dùng.
Vào mỗi dịp khai trường, tết thiếu nhi, hay dịp Trung thu, từ ngôi nhà nhỏ này Bác không quên gửi thư thăm hỏi các cháu thiếu niên, nhi đồng. Những lời căn dặn của Bác như của người ông, người bác trong gia đình ân cần động viên các cháu. Cuối thư Bác thường viết: “Bác yêu các cháu rất nhiều” hay “Bác hôn các cháu!”. Có thể thấy được tình cảm đặc biệt Bác dành cho các cháu qua những lời lẽ ngắn gọn mà chân tình này.
“Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào miền Nam còn chịu đau khổ, là một ngày Bác ăn không ngon, ngủ không yên”. Bác nhớ thương nhớ đồng bào miền Nam bao nhiêu Người lại càng cảm thấy vui bấy nhiêu khi được đón tiếp các cháu miền Nam ra thăm miền Bắc. Gặp đoàn anh hùng dũng sỹ miền Nam, thấy các cháu khóc vì sung sướng, cảm động và vây quanh Bác, Người xúc động nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm”. Bao giờ cũng vậy, Bác luôn nhắc nhở các chú cận vệ mời các cháu miền Nam vào ăn cơm với Bác. Người ân cần hỏi han, quan tâm từ việc ăn, ở, đến việc học hành của các cháu và dặn dò các cô chú phụ trách chăm lo, dạy dỗ các cháu thật tốt để các cháu vơi đi nỗi nhớ nhà.
Năm 1958, khi xây dựng Nhà sàn, Bác có ý kiến: “Khách của Bác có nhiều, có lúc Bác phải tiếp đông các cháu, vì vậy chú thiết kế cho Bác một hàng ghế xi măng bao quanh”. Vâng lời Bác, các đồng chí đã thiết kế hàng ghế đó. Mỗi lần các cháu đến, các cháu đều quây quần bên Bác và được Bác chia bánh kẹo. Một hôm, Bác nói với đồng chí giúp việc: “Chú xem, khách “tí hon” của Bác khá nhiều, để các cháu vui thì phải có cảnh cho các cháu xem, chú gắng kiếm một chiếc bể về để nuôi cá vàng làm cảnh cho các cháu”. Thế là đồng chí giúp việc đã tìm mua một bể nuôi cá đặt tại hành lang của tầng dưới ngôi nhà sàn, trong đó thả ba con cá vàng rất đẹp. Khách đến thăm nhà Bác, nhất là khách “tí hon” rất thích thú đứng ngắm bể cá vàng, những con cá mầu sắc thật sặc sỡ, tung tăng bơi lặn trong bể.
Các đồng chí phục vụ gần gũi với Bác kể rằng, Bác yêu trẻ con một cách lạ kỳ. Đang trò chuyện, đọc báo mà nghe trên đài có tiếng trẻ em hát là Bác dừng lại nghe. Đã nhiều lần Bác thi với đồng chí phục vụ đoán xem em bé vừa hát xong mấy tuổi. Rồi Bác bảo đồng chí ấy, lúc nào tiện, hỏi bên đài phát thanh xem. Mặc dù đồng chí ấy thường ngày về nhà vẫn chăm sóc con nhỏ mà có lúc đoán sai, còn Bác thường là đoán trúng.
Bác thường căn dặn các đồng chí ở gần Bác thỉnh thoảng đưa các cháu nhỏ vào chơi với Bác. Có lần, các cháu đến mà Bác còn bận chút việc nên nhờ chú cảnh vệ lấy bánh kẹo cho các cháu. Nhưng do nghĩ là con cháu trong nhà nên đồng chí không lấy bánh kẹo như lời Bác dặn. Khi Bác xuống, không thấy bánh kẹo cho các cháu, Bác nhẹ nhàng nhắc nhở: “Các cháu là con cái trong nhà chú nhưng đến chơi với Bác thì là khách của Bác. Bác đang bận việc. Các chú phải thay Bác tiếp khách chu đáo chứ!”.
Câu chuyện về cây đa rễ vòng trong khu vườn Phủ Chủ tịch cũng là một trong những minh chứng rõ nét cho tình cảm đặc biệt Bác dành cho thiếu, niên, nhi đồng. Vào một buổi sáng năm 1966, sau một trận mưa to gió lớn, Bác vẫn đi dạo trong khu vườn như thường lệ. Bỗng Bác phát hiện một cây đa con ở gốc có một nhánh rễ dài nằm trơ trọi trên mặt đất, cạnh gốc cây cọ vì trận mưa lớn mà bị đánh bật xuống bãi cỏ. Thương cây đa nhỏ và nghĩ tới các cháu thiếu niên nhi đồng, Bác liền đề nghị các đồng chí làm vườn trồng lại cây đa và tạo dáng cho nhánh rễ thành một hình tròn thẳng đứng trên mặt đất như chiếc cổng chào. Từ đó, mỗi khi vào thăm vườn Bác, các em thiếu nhi lại thích thú chui qua chui lại vòng tròn ấy. Nhìn các cháu vui đùa Bác cũng thấy vui.
Là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Bác chăm lo muôn ngàn công việc lớn nhỏ song cũng không bỏ sót một việc dù là nhỏ nhất. Qua đó chúng ta có thể thấy: Ai chú ý chăm sóc các cháu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Ngày 01/6/1969, nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế thiếu nhi, Bác Hồ viết bài báo “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng”. Người nêu rõ việc chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Bác nhắc nhở các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội phải quan tâm chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Người nhấn mạnh: “Thiếu niên, nhi đồng là chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải kiên trì, bền bỉ"(5\ Đây là lời căn dặn cuối cùng của Bác đối với toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.
Trong bản Di chúc để lại, Bác không quên gửi những lời yêu thương nhất cho các cháu: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng"(6). Ngày nay, đất nước ta đã giành được độc lập, thống nhất, các cháu thiếu niên nhi đồng được sống trong hoà bình, độc lập, tự do “có cơm ăn , áo mặc, được học hành”. Nhận được sự quan tâm chăm sóc ngày càng tốt hơn của gia đình và toàn xã hội, nhiều thiếu niên, nhi đồng đã đạt được những thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực làm rạng danh đất nước, đưa đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, đó chính là điều mà Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 5, tr.49.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 3, tr.240.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 4, tr.35.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 13, tr.131.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 15, tr.578.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 15, tr.605.