slider
Phát triển kinh tế số

Về quá trình xây dựng con đường “Nam Tiến” năm 1943, đưa Bác từ Pác Bó về Tân Trào

07 Tháng 06 Năm 2023 / 3032 lượt xem

Đặng Quang Huy

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Thực hiện chủ trương của Bác Hồ và Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941), con đường “Nam Tiến” nối căn cứ Cao Bằng với Thái Nguyên được khai thông với phong trào cả nước (15/10/1943). Đầu tháng 5/1945, Bác theo lộ trình này rời Cao Bằng về Tân Trào chuẩn bị lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ông Nông Văn Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, Chủ tịch Mặt trận Khu Tự trị Việt Bắc, là người mở đường “Nam Tiến” năm xưa, nay ở xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ. Thu Đông năm 1942, ông Quang cùng ông Thiết, người cùng bản ở xã Minh Tâm (Nguyên Bình, Cao Bằng) được ‘Già Thu” (bí danh của Bác khi đến ở hang Cốc Bó, Cao Bằng ngày 08/2/1941) giao nhiệm vụ bắt liên lạc, đưa thư của Người cho đồng chí Vũ Hưng (tức Hai Cao). Đồng chí Vũ Hưng là cán bộ cốt cán để xây dựng phong trào ở Định Hóa, một huyện có địa thế “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, có tầm chiến lược quan trọng ở Việt Bắc.

Khi giao nhiệm vụ cho ông Nông Văn Quang, Bác yêu cầu phải học thuộc lòng, vì nếu sa vào tay giặc thì hủy thư đi mà vẫn nắm được nội dung truyền đạt. Nội dung là xây dựng cơ sở Đảng, tổ chức Mặt trận Việt Minh phát triển về các tỉnh tiếp giáp Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Nội... để nối liền với toàn quốc; điều tra sự bố phòng, kiểm soát của giặc trên quốc lộ Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên để về báo cáo Bác cho xây dựng tuyến giao thông liên lạc về Thái Nguyên. Ông Quang lúc đó mới 22 tuổi, nhưng có kinh nghiệm hoạt động bí mật. Bác đưa cho ông Quang một ít tiền của đoàn thể làm lộ phí và Người dặn đi đường phải cẩn thận. Cùng với đồng chí Thiết, ông Quang cơm nắm, muối lạc, đội mưa gió từ Nguyên Bình xuôi Bắc Kạn, tới ngã ba Bờ Đậu, rẽ lên Phú Minh (Đại Từ), rồi qua Quảng Nạp (Bình Thành), đến Trung Hội gần Chợ Chu (Định Hóa).

Sau khi tìm hiểu tình hình, biết giặc Pháp vây ráp lùng bắt, đồng chí Vũ Hưng đã di chuyển đi nơi khác, ông Quang lặng lẽ ngược lên Cao Bằng báo cáo Bác. Người trăn trở tìm cách phát triển từ Cao Bằng về Thái Nguyên bởi Người nhận định: Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc, thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ (1). Với nhận định này, Bác đã vạch ra một cách chính xác tính chất, tầm quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc đối với cuộc kháng chiến của dân tộc.

Bác cho rằng, ngoài giao thông bí mật, phải tổ chức những con đường quần chúng để khi thời cơ chuyển biến có thể tiến lên tổng khởi nghĩa. Trước mắt, Người yêu cầu “mở đường Nam Tiến”, cử một số cán bộ có nhiệm vụ đánh thông con đường từ Đông Khê (Thạch An, Cao Bằng) về Đình Cả (Võ Nhai, Thái Nguyên). Ông Nông Văn Quang và đồng chí Lê Thiết Hùng phụ trách Ban Xung phong Nam Tiến, mở con đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã nối liền với Chợ Chu (Định Hóa) và huyện Đại Từ. Đồng chí Tân Hồng (Chu Văn Tấn) chỉ đạo mở mũi Bắc Tiến, đánh thông đường từ Thái Nguyên lên Cao Bằng để nhanh chóng hoàn thành chủ trương nối liền giữa hai căn cứ cách mạng.

Chi bộ Nam Tiến được thành lập, gồm các đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp), Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Lê Thiết Hùng. Đồng chí Nông Văn Quang được cử làm Bí thư Chi bộ và phụ trách các đội xung phong Nam Tiến đầu năm 1943.

Bằng nhiều hình thức vận động đồng bào Tày, Nùng, Dao... đến giữa tháng 10/1943, tuyến đường Nam Tiến và Bắc Tiến đã gặp nhau tại xã Nghĩa Tá, Chợ Đồn, Bắc Kạn. Như vậy, con đường Nam Tiến Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên được khai thông, thực hiện thắng lợi chủ trương của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng mà Nghị quyết 8 Trung ương Đảng đã đề ra nối liền căn cứ địa Cao Bằng với Bắc Sơn, Võ Nhai và thông xuống nữa nối liền với phong trào cả nước. Từ tháng 2/1943 đến khoảng giữa tháng 10/1943 có 19 đội xung phong Nam Tiến xuất phát từ Tam Kim (Nguyên Bình), qua xã Cốc Đán (Ngân Sơn)... hoạt động trên các tuyến đường Nam Tiến. Đồng thời, từ Cao Bằng cũng đã tổ chức được những đội xung phong hoạt động theo các hướng “Đông Tiến” và “Tây Tiến” để tuyên truyền và gây cơ sở cách mạng. Nhờ đó, căn cứ Cao - Bắc - Lạng được mở rộng, lan dần sang các tỉnh lân cận, con đường quần chúng cách mạng, một hành lang của Đảng, của Mặt trận Việt Minh được hình thành.

Những sự kiện quốc tế và trong nước đầu năm 1945 đã tạo ra thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, đòi hỏi Đảng ta phải hành động kiên quyết, mau lẹ, kịp thời. Lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định di chuyển “Bộ Tham mưu” từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) lãnh đạo Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.

Để chuẩn bị cho hành trình, Bác thành lập tiểu đội bảo vệ với phần lớn đội viên vừa học ở Trung Quốc về, gồm 12 người: Phạm Văn Quý (Tiểu đội trưởng), Vân Anh (Tiểu đội phó), Nhuận Nhúc, Nông Đình Tuấn, Cao Khải (tức Xương), Đỗ Văn, Sầm Thình, Giang Lâm, Đinh Đại Toàn, Lưu Minh Đức, Méc, Pheng Khi. Tiểu đội luyện tập quân sự, học chính trị, tập cả đánh trận giả, truy kích, ném lựu đạn, sử dụng các loại vũ khí nhẹ. trong thời gian hơn một tuần làm công tác chuẩn bị hành quân. Cùng đi với đoàn về Tân Trào có 10 học sinh Cao Bằng do đoàn thể lựa chọn để Bác giới thiệu sang Trung Quốc học vô tuyến điện, nhưng do thời cơ đến Bác cho hoãn việc đi học, cùng về Tân Trào (số học sinh này đi trước đoàn Bác 1 ngày, về nghỉ tại căn cứ Lam Sơn). Tổng cộng đoàn đi với Bác từ Pác Bó về Tân Trào có 25 người. Đoàn đi qua địa phương nào thì nơi đó sẽ huy động khoảng 10 người (dân công) mang hành lý, máy móc theo.

Ngày 04/5/1945, đoàn Bác xuất phát từ Pác Bó về Tân Trào. Bác tập hợp đoàn tại Khuổi Nặm, nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến đi và phân công nhiệm vụ cho từng người. Người căn dặn đây là chuyến công tác hết sức khẩn trương, gian khổ, đi đường dài, phải giữ bí mật và phổ biến hiệu lệnh:

- 3 hồi còi ngắn liên tục, dồn dập là hiệu lệnh gặp địch phải nhanh chóng phân tán đội hình ngay.

- 2 hồi còi thư thả, đều đặn là hiệu lệnh báo yên, địch đã đi xa, phải khẩn trương tập trung tiếp tục hành trình.

Lộ trình được chia thành 2 chặng: Từ Pác Bó đến Lam Sơn (Hòa An) và từ Lam Sơn đi Tân Trào. Bác đi theo con đường “Nam Tiến” mà Người đã chỉ đạo vạch ra từ trước.

Đoàn xuất phát dọc theo bờ suối Lê Nin xuống đến làng Bó Bẩm vượt qua cầu làng Gốc Chủ. Buổi tối đến Bản Nưa, xã Đào Ngạn, Hà Quảng, ngủ tại nhà đồng chí Nông Văn Giác (Phục Việt).

Ngày 05/5/1945, Bác từ Bản Nưa đi Lam Sơn. Bác mặc bộ quần áo Nùng, đội nón chóp quai chéo, khăn che kín mặt, vai đeo túi dết có 2 nút buộc dây, tay chống gậy. Bác ở Lam Sơn từ ngày 05/5/1945 đến ngày 08/5/1945 và có buổi làm việc với các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Đặng Văn Châu, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Đặng Văn Cáp và cán bộ của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng có đồng chí Bình, Dương, Hoàng, Đức Thạc (tức Lã) bàn một số công việc chuẩn bị khởi nghĩa.

Ngày 09/5/1945, Bác rời Lam Sơn. Đồng chí Đặng Văn Cáp được giao phụ trách tiểu đội bảo vệ trên đường hành quân. Đến bản Khuổi Lầy (xã Thịnh Vượng, Nguyên Bình, nay là xã Bình Dương, huyện Hòa An), Bác ngủ tại nhà ông Minh gần bờ sông Khuổi Lầy.

Ngày 10/5/1945, Bác cùng đoàn đi Ngân Sơn, qua Đèo Bè Le, theo đường quốc lộ Cao Bằng - Thái Nguyên rẽ xuống bản Lũng Sao (xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn).

Ngày 11/5/1945, Bác qua bản Sành đến bản Hoàng Phài (xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn). Cán bộ phụ trách phong trào ở vùng này là Hoàng Mỹ Đức nhận ra Ông Ké khoảng trên 50 tuổi, đầu đội nón sơn, mặc bộ quần áo Nùng đã cũ, quần xắn cao quá đầu gối, vầng trán cao, đôi mắt sáng, hiền từ là đồng chí Vương (Hồ Chí Minh) mà Hoàng Mỹ Đức được gặp ở Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc). Bác được bố trí nghỉ tại một ngôi nhà đối diện lớp học bình dân học vụ. Tuy đã về chiều nhưng đa số học sinh là nữ vẫn say sưa học bài. Ông giáo Đồng Phúc Chưởng đang đứng lớp cho biết đây là

lớp bình dân học vụ mang tên Minh Khai. Nhưng khi Bác hỏi, không học viên nào biết Minh Khai là ai. Bác giải thích: Minh Khai là một nữ đảng viên cộng sản Đông Dương, đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Lớp học ta mang tên một nữ cán bộ ưu tú của Đảng ta, Bác mong các anh, các chị cố gắng học tập, trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ văn hóa, để sau này phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, có dũng khí cách mạng như chị Minh Khai.

Tối hôm đó cuộc gặp gỡ thân mật giữa Bác với đại diện các đoàn thể liên hoan văn nghệ kéo dài đến 9 giờ đêm. Bác căn dặn các cháu thanh niên cố gắng rèn luyện, chăm chỉ học hành, để trở thành những chủ nhân của đất nước Việt Nam độc lập. Bác nhắc nhở, khuyên nhủ cán bộ và quần chúng rằng, nước ta còn nghèo, ăn uống cần phải tiết kiệm, đừng xa hoa bởi công việc cách mạng và đời sống bà con phải chi dùng nhiều.

Một tổ dân công của bản Hoàng Phài giúp đoàn mang hành lý đến trạm tiếp theo. Cả đoàn đi bộ trên dưới 40 người về Chợ Rã, theo đường mòn vượt địa phận xã Trung Hòa sang xã Hà Hiệu đến Khuổi Mản.

Tối ngày 13/5/1945, đoàn Bác đến Chợ Rã (nay là huyện Ba Bể). Người ngủ tại khu nhà thương Chợ Rã.

Ngày 14/5/1945, Bác vượt “Núi Cứu Quốc” qua Kheo Cáo (xã Thượng Giáo), qua bản Pác Phai dưới chân núi Phia Boóc, qua Phai Gào, Lũng Quốc, Nà Hai, nghỉ tại Bản Chán.

Ngày 15/5/1945, Bác tiếp tục cuộc hành trình. Chiều tối Bác đến Bản Cải (xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn). Người nghỉ tại nhà ông Lý Cao, Chủ nhiệm Việt Minh xã.

Ngày 16/5/1945, Bác hành trình đến Chợ Đồn. Khoảng hơn 1km đến Bản Pịt, có nhiều tiếng súng nổ gần, cả đoàn tạm lánh vào rừng Khuổi Luông. Sau đó mới biết: Phát hiện có giặc Nhật từ Bắc Kạn lên Chợ Đồn, đồng chí Định, đội trưởng tự vệ xã Phương Viên chạy băng qua đường để bọn Nhật bắn, nhằm báo động cho đoàn biết. Đến xế chiều, đoàn Bác đến Bản Guồng. Sau khi ăn cơm ở Bản Guồng, đoàn Bác đi thêm 4km nữa đến Bản Rủm Tó (xã Ngọc Bằng, nay là xã Bằng Lãng), Bác cùng 2 đồng minh người Mỹ nghỉ đêm tại nhà ông Triệu Văn Cam.

Ngày 17/5/1945, Bác đến Nà Kiến (xã Nghĩa Tá), điểm cuối cùng của huyện Chợ Đồn, cũng là nơi gặp nhau của đoàn quân Nam Tiến với đoàn quân Bắc Tiến hồi tháng 10/1943. Bác nghỉ đêm tại nhà ông Ma Văn Thắng (Thái Bo). Người ở đây 3 ngày (từ 17/5/1945 đến 19/5/1945).

Từ Chợ Chu, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đi ngựa vượt Đèo So đón Bác từ Pác Bó về Tân Trào, đến đúng Nà Kiến (xã Nghĩa Tá) thì gặp Bác ngồi trên mình ngựa, có vẻ mệt mỏi sau chặng đi xa, râu để dài, duy có đôi mắt Bác vẫn tinh nhanh như bất cứ lúc nào.

Ngày 20/5/1945, Bác từ Nà Kiến đi qua Pác Xóp (Chiêm Hóa), Bản Pình, Bản Pài, Lũng Nhã, Quan Thượng, Thanh La, vượt đèo Chắn. Tối, Người ngủ tại bản Coóc (nay thuộc xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang).

Ngày 21/5/1945, Bác cùng đoàn đến Đình Hồng Thái, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Đồng chí Chu Văn Tấn và đồng chí Song Hào cùng một số cán bộ có mặt đón Bác. Người vào làng Tân Lập ở tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh. Sau đó, Bác chuyển lên lán Nà Lừa.

Bác về Tân Trào, triệu tập Quốc dân Đại hội, thành lập Ủy ban Giải phóng, phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, rồi về Hà Nội đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại mới trong lịch sử Việt Nam: Thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Chú thích:

1. Bác Hồ ở ATK - Nxb. Hội Nhà văn, H.2007, tập 1, tr.20.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)