slider
Phát triển kinh tế số

50 năm Bác Hồ về thăm khu gang thép Thái Nguyên (1964-2014)

21 Tháng 05 Năm 2014 / 9411 lượt xem

Nguyễn Văn Dương

Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Sinh thời, Bác Hồ đã sống và làm việc tại Thái Nguyên nhiều năm trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, Bác Hồ đã 7 lần về thăm Thái Nguyên. Cách đây tròn 50 năm, ngày 01/01/1964, Bác Hồ đã về thăm Thái Nguyên lần thứ 7 và cũng là lần cuối cùng Bác về thăm Thái Nguyên. Trong lần thăm này, Bác đã căn dặn: “… toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta…”(1).

Những lần Bác Hồ về thăm Thái Nguyên

Từ ngày 20/5/1947 – 12/10/1954, Thái Nguyên cùng với các tỉnh vùng Việt Bắc vinh dự được đón Bác Hồ về sống và làm việc, lãnh đạo toàn quốc kháng chiến. Ngay từ năm 1940, khi chuẩn bị về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có sự quan tâm đặc biệt đến phong trào cách mạng ở Thái Nguyên, thấy rõ vị trí chiến lược của vùng đất này, Bác nêu rõ: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ được”(2). Cuối cùng, Bác đã quyết định chọn tỉnh Thái Nguyên và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc bao gồm 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái.

Ngày
20/5/1947, Người đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa), ghi dấu thời điểm Bác sang Thái Nguyên (thuộc An toàn khu Việt Bắc) để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong lúc địch đang ra sức lùng sục nhằm triệt phá các cơ quan đầu não kháng chiến, trên đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z. đã viết và sửa chữa tác phẩm Sửa đổi lối làm việc.

 Ngày 28/5/1948, trong một căn nhà cạnh con suối Nà Lọm ở ATK Định Hóa, dưới sự chủ trì của Bác, Chính phủ tổ chức lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Rồi sau đó, vào ngày 06/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954. Từ nơi phát tích này, ngày 7/5/1954, quân ta tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi.

Trong những ngày ở ATK Định Hóa, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã được đồng bào các dân tộc địa phương hết lòng che chở, đùm bọc, giúp đỡ... Những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Thái Nguyên (từ tháng 5/1947 đến tháng 10/1954) đã để lại biết bao kỷ niệm. Mỗi khi có dịp, Bác lại thăm hỏi Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, nhắc nhở đồng bào, đồng chí no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau, thương yêu nhau như ruột thịt, đồng lòng kháng chiến.

Trong khoảng thời gian 10 năm từ năm 1954 đến 1964, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên vui mừng được đón Bác đến thăm nơi đây 7 lần(3).

Tháng 12/1954, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang (tại Thái Nguyên). Sau khi biểu dương những thành tích của hai đoàn cải cách ruộng đất và sự tiến bộ của mỗi cán bộ trong đoàn, Bác đã “nói kỹ về những khuyết điểm”, để giúp cán bộ cải cách sửa chữa...

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi (24/01/1955), Bác Hồ đến thăm Công trường đập Thác Huống - đập này bị máy bay Pháp ném bom phá hỏng ngày 12/6/1952, nay đang được sửa chữa lại. Người chúc Tết và động viên anh em bộ đội, công nhân, cán bộ, dân công ở lại ăn Tết tại Công trường thật vui vẻ. Người căn dặn anh chị em khi tiếp tục công việc sẽ thi đua làm nhanh, làm tốt và tiết kiệm để bà con nông dân chóng có đủ nước cấy, mức sản xuất được cao hơn thì đời sống mọi người sẽ no ấm hơn. Người tặng công trường một số huy hiệu để thưởng cho những người thi đua khá nhất.

Ngày 02/3/1958, Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên lần thứ ba. Cùng đi với Bác có Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc Trần Đăng Khoa; Phó trưởng Ban liên lạc nông dân toàn quốc Nguyễn Mạnh Hồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến kè Lũ Yên, xã Yên Thịnh (nay thuộc xã Đào Xá, huyện Phú Bình) xem chiếc máy bơm tự động chạy bằng sức nước do Trung Quốc giúp ta mà Bộ Thủy lợi và Kiến trúc xây lắp và đang cho chạy thử ở đây. Sau khi xem máy bơm, Bác Hồ đã nói chuyện với đồng bào: “Cải cách ruộng đất rồi đồng bào có ruộng, có tổ đổi công, bây giờ lại có nước thì phải tích cực tăng gia sản xuất và để dành tiền mua máy bơm. Giá mua lúc đầu thì đắt đấy, nhưng dùng được hàng chục năm. Có ruộng, có nước lại có tổ đổi công thì làm ăn sẽ khá, đời sống sẽ được nâng cao”… Sau đó, Bác Hồ đi thăm các hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Đại Từ. Bà con xã viên của 4 hợp tác xã nông nghiệp và nhiều đồng bào ở 2 xã Hùng Sơn, Độc Lập cùng một số cán bộ lãnh đạo của khu, của tỉnh và huyện Đại Từ đã tập trung ở Hợp tác xã Nông nghiệp Cầu Thành để chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Ngày 04/6/1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên. Quan tâm đến Thái Nguyên, đến Khu Gang thép, chỉ 4 ngày sau (ngày 08/6/1959), Bác Hồ đã đến thăm Công trường lần thứ nhất. Nói chuyện với cán bộ, công nhân, Bác động viên anh chị em là những người đi trước. Bác khen kết quả xây dựng bước đầu của Công trường và ân cần nhắc nhở anh chị em đoàn kết thi đua hoàn thành kế hoạch xây dựng Khu Gang thép. Bác phân tích và giáo dục mọi người nhận rõ tiền đồ của mình, nhận rõ trách nhiệm làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy, giữ gìn của công, thi đua tiết kiệm, chống lãng phí, phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Cán bộ lãnh đạo phải tránh quan liêu, mệnh lệnh, luôn luôn bàn bạc dân chủ với công nhân, lắng nghe ý kiến và săn sóc đời sống anh chị em. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên và công nhân hãy giúp nhau tiến bộ, cần cố gắng mọi mặt, học tập tinh thần làm việc và những kinh nghiệm quý báu của chuyên gia các nước anh em...

Ngày 13/3/1960, một ngày hội lớn của tỉnh. Hơn 4 vạn đại biểu nhân dân các dân tộc trong tỉnh họp mít-tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba tặng cho tỉnh Thái Nguyên và Huân chương Lao động hạng Hai tặng cho huyện Định Hóa. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi được Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, đồng bào giữa ngày hội lần đó.

Ngày 31/12/1962, Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương và đồng bào xã Phủ Lý. Sau khi hỏi thăm tình hình học tập, tinh thần khắc phục khó khăn để học tập, lao động của thầy và trò Nhà trường, Người đã biểu dương thành tích và căn dặn: Ngoài việc học văn hóa, các cháu cần học thêm quản lý kinh tế, học kỹ thuật nông nghiệp, các cô giáo, thầy giáo phải chú ý đến đặc điểm của học sinh các dân tộc để giảng dạy cho tốt... Người nói chuyện với nhân dân xã Phủ Lý về tình hình sản xuất, đời sống và căn dặn: Cán bộ, xã viên phải nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, đoàn kết giúp nhau như anh em một nhà, mọi người cần khắc phục khó khăn xây dựng, củng cố hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất, làm cho đời sống ngày một no ấm. Sau buổi nói chuyện, Bác Hồ thăm một số nơi trong khu vực nhà trường, thăm một gia đình đồng bào Dao vừa mới định cư, định canh, trực tiếp hỏi chuyện một số cán bộ và nhân dân...

Ngày 31/12/1963, lần cuối cùng Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Buổi tối, Người đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh). Bác nhắc nhở giáo viên, học viên phải dạy tốt, học tốt, tăng cường rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng cần, khi tổ chức giao cho. Sau buổi nói chuyện, Bác xem Đoàn Ca múa Dân gian Việt Bắc biểu diễn và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, diễn viên của Đoàn.

Ngày 01/01/1964, Bác đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn... 45 nghìn đại biểu cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi được Bác Hồ chúc mừng năm mới và nói chuyện tại sân vận động thành phố Thái Nguyên trong ngày đầu năm. Người nói: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang; nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như vậy…

Tỉnh ta sẵn có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hóa, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có đức tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Thái Nguyên khắc ghi lời dạy của Bác Hồ

Mỗi lần về Thái Nguyên tuy thời gian hạn hẹp, nhưng Bác cố gắng đi thật nhiều nơi, gặp nhiều người, nhiều tầng lớp để tìm hiểu các mặt đời sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ đảng viên, công nhân, nông dân trong tỉnh. Đã có một Thái Nguyên - Thủ đô gió ngàn và cũng đã có một Thái Nguyên nghĩa lặng tình sâu với Bác Hồ trong cuộc kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc.  

Khắc ghi lời Bác dạy “… toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta…”, đầu những năm 1960 của thế kỷ XX,  2,2 vạn cán bộ, công nhân Gang Thép đã biến một vùng đồi núi hoang vu thành Khu Gang Thép đồ sộ - Chiếc nôi của ngành công nghiệp luyện gang Việt Nam. Ngoài Khu Gang Thép, Thái Nguyên còn có Nhà máy điện Thái Nguyên, Mỏ than Quán Triều, Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ… Tiếng máy chạy, ánh sáng lò cao và khí thế lao động sản xuất làm sáng bừng lên một vùng núi rừng Việt Bắc. Trên cánh đồng từ Hùng Sơn - Nơi được đón Bác hai lần về thăm (Đại Từ) đến Tân Tiến (Phổ Yên) và nhiều nơi khác ở Thái Nguyên, bà con nông dân thực  hiện tốt phong trào hợp tác hóa đang sản xuất được mùa, nhân dân có đời sống no ấm hơn.

Ngày 01/01/1964, 4,5 vạn cán bộ và đồng bào tỉnh Thái Nguyên, công nhân Khu Gang Thép dự mít-tinh tại sân vận động thành phố mừng vui được đón Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về thăm. Bác Hồ biểu dương thành tích và Người cũng nhắc nhở, căn dặn đồng bào Thái Nguyên thật ân cần, thiết tha. Nhưng đây cũng là lần cuối cùng Bác về Thái Nguyên trước lúc Người đi xa mãi mãi.

Kể từ lần cuối được đón Bác về thăm, đến nay đã 50 năm, những lời dặn của Bác vẫn còn nguyên giá trị và là động lực để cán bộ, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên luôn nỗ lực phấn đấu dựng xây, tạo cho mảnh đất quê hương cách mạng Thái Nguyên thêm nhiều đổi thay tích cực trên tất cả các mặt: kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng... Nhân dân Thái Nguyên mãi mãi ghi nhớ lời căn dặn của Người: “… toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”, để sáng mãi địa danh An toàn khu - Thủ đô kháng chiến; là trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo và y tế vùng trung du miền núi phía Bắc Việt Nam.

Hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt từ năm 1997, khi tỉnh Thái Nguyên được tái lập, nhân dân Thái Nguyên đã vượt qua thách thức, sáng tạo trong lao động, làm thay đổi tiến bộ toàn diện Thái Nguyên cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh - quốc phòng. Về kinh tế, năm 1997 cơ cấu của tỉnh có tỷ trọng: Nông - lâm nghiệp - thủy sản là 33,63%; Công nghiệp và xây dựng là 32,27%; Thương mại - dịch vụ là 31,19% thì đến năm 2013, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) ước tính tăng 6,7% so với năm 2012, trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 4,1%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,1% và khu vực dịch vụ tăng 7,8%. Sản xuất công nghiệp: đạt mức tăng trưởng 5,7%. Dự ước giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 30.880 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2012 (4).

Với nguồn tài nguyên phong phú, kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực và đang phát triển mạnh mẽ, Thái Nguyên ngày càng phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình trong khu vực và cả nước. Năm 2013, mặc dù nền kinh tế còn hết sức khó khăn nhưng Thái Nguyên đã thu hút được 18 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3,3 tỷ USD; số vốn FDI thực hiện ước đạt gần 1 tỷ USD và 1.300 tỷ đồng (5). Kết quả thu hút đầu tư FDI “kỷ lục” này đã đưa Thái Nguyên xếp thứ hai trong cả nước năm 2013 về mức vốn thu hút đầu tư. Cùng với 6 tỉnh khác, Thái Nguyên cũng đã được bổ sung vào quy hoạch vùng thủ đô. Đây là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững; bảo đảm an ninh, quốc phòng; vùng Thủ đô có trung tâm chính trị, văn hóa - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước. Việc Thái Nguyên được quy hoạch vào vùng thủ đô đã cho thấy vai trò, vị thế của Thái Nguyên đối với khu vực trung tâm vùng và cả nước.

 Năm 2013, dẫu có nhiều khó khăn chung, như: kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhưng chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới... nhưng tỉnh Thái Nguyên vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng: Thu ngân sách đạt trên 3.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP đạt 6,7%. Thái Nguyên là địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài ở mức cao của cả nước(6). Festival Trà Thái Nguyên, Việt Nam lần thứ 2 năm 2013 đã thành công rực rỡ, nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa hương Trà xứ Thái. Thái Nguyên đang trên hành trình thực hiện ước vọng lớn lao của Bác Hồ. Những kết quả chặng đường đã qua là những bông hoa đẹp nhất của nhân dân Thái Nguyên dâng lên Bác Hồ kính yêu nhân kỷ niệm 50 năm Người về thăm Thái Nguyên. 

Tiếp tục làm theo lời căn dặn của Bác Hồ đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhân dịp Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ về thăm Thái Nguyên lần cuối cùng, trong Bài diễn văn khai mạc (ngày 31-12-2013) đã khẳng định: … Nửa thế kỷ đã qua đi lời căn dặn của Người đã khắc sâu trong tâm trí các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc đoàn kết, thi đua, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Dẫu Thái Nguyên chưa trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc như lời căn dặn của Bác, nhưng những thành tựu trên các mặt kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng đã đạt được đáng để Thái Nguyên tự hào (7)… Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ này./.

 

Chú thích:

1. Trích “Bài nói với đồng bào tỉnh Thái Nguyên và công nhân Khu gang thép ngày 1/1/1964”,  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 11, tr. 193-194

2. Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1969, tr. 33

3.  Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên về học tập, thấm nhuần lời căn dặn của Bác đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên khi Người về thăm tỉnh lần cuối, ngày 01/01/1964, đăng trên baothainguyen.org.vn, ra ngày 10/12/2013

4, 5, 7. Xem: Thainguyen.gov.vn, ngày 31/12/2013

6. Thái Nguyên: Những sự kiện và hoạt động nổi bật tuần qua, thainguyen.gov.vn, 06/01/2014

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)