slider
Phát triển kinh tế số

Tình cảm sâu đậm của Bác Hồ với Việt Bắc

01 Tháng 07 Năm 2024 / 755 lượt xem

ThS. Vũ Thị Kim Yến

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Việt Bắc là căn cứ địa vững chắc, trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi hội tụ bao tình cảm, suy nghĩ, niềm tin và hi vọng của mọi người Việt Nam yêu nước. Nơi đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người là ánh sáng, là niềm tin của cả dân tộc, là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chín năm gắn bó với những địa danh Tỉn Keo, Khuôn Tát, Quảng Nạp, Đèo Re, Núi Hồng, Tân Trào, Chợ Đồn... của Việt Bắc; những bài nói, bài viết, những bức thư, những tìnhcảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào nơi đây đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ, là minh chứng sinh động cho sự quan tâm đặc biệt, niềm tin tưởng to lớn của Người với “thủ đô kháng chiến” trên mỗi bước đường chiến đấu và chiến thắng: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”(1).

Việt Bắc, núi sông và con người, địa lợi và nhân hòa, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, không chỉ là nơi làm việc của các cơ quan đầu não kháng chiến, mà còn trở thành chiến lũy có “Núi giăng thành lũy sắt dày/Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” ngày càng vững chắc để tiến tới chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đồng bào các dân tộc Việt Bắc giàu lòng yêu nước, giàu truyền thống cách mạng, hăng say lao động sản xuất, có tinh thần chịu đựng gian khổ, giúp đỡ, chăm sóc cán bộ, bộ đội, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Không chỉ trực tiếp tham gia chiến đấu, nhân dân Việt Bắc còn là hậu phương cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm và trực tiếp tham gia sản xuất vũ khí chi viện các chiến trường. Có thể nói, đồng bào

các dân tộc Việt Bắc đã vươn lên gánh vác xứng đáng nghĩa vụ thiêng liêng tuy rất nặng nề, tưởng chừng quá sức chịu đựng của một vùng kinh tế lạc hậu nhất. Nhà ở chật chội, sẵn sàng nhường chỗ tốt nhất cho cán bộ, bộ đội.

Ăn không đủ no, sẵn sàng nhường gạo cho những người chiến đấu. Không ngại núi cao, suối sâu và cả bom đạn của địch, ngày đêm bền bỉ vận chuyển lương thực, đạn dược ra tiền tuyến. Nhờ có những con người như thế mà Việt Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng.

Có lẽ chính vì vậy, một lý do rất quan trọng trong các lý do để Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Pháp là sự ủng hộ của lòng dân Việt Bắc. Bác luôn dành tình cảm sâu sắc và tin tưởng tuyệt đối vào sự giúp đỡ che chở của các dân tộc Việt Bắc.

Ngay khi quay trở lại Việt Bắc, trong khoảng tháng 8 và tháng 9 năm 1947, Người đã viết hai bức thư gửi đồng bào Việt Bắc, khẳng định vai trò lớn nhất, vị trí quan trọng nhất của An toàn khu Việt Bắc đối với cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Trong bức thư viết nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại truyền thống vẻ vang của nhân dân các dântộc Việt Bắc “Đồng bào Việt Bắc đã có một lịch sử cách mạng rất vẻ vang… Tên Việt Bắc đã lừng lẫy khắp cả nước, khắp thế giới. Có sự vẻ vang đó là vì toàn thể đồng bào Việt Bắc: Kinh, Thổ, Mán, Nùng, Mèo, v.v.., ai cũng yêu nước, ai cũng không chịu làm nô lệ, ai cũng đoàn kết, ai cũng hăng hái ủng hộ cách mạng”(2). Đồng thời Người dặn dò cụ thể những công việc cần làm để Việt Bắc tiếp tục góp phần vào công cuộc kháng chiến: “a) Đã đoàn kết phải đoàn kết thêm. Khắp nơi phải tổ chức Hội Liên hiệp quốc dân. b) Tập luyện dân quân, tự vệ, du kích. Giúp đỡ bộ đội. c) Ra sức tăng gia sản xuất, làm cho nhiều lúa, nhiều sắn, nhiều ngô. Nuôi cho nhiều gia súc. d) Phát triển bình dân học vụ. Giúp đỡ đồng bào tản cư. Giữ gìn bí mật. e) Các cán bộ quân sự, chính trị, hành chính và chuyên môn thì phải làm đúng bốn chữ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”(3).

Trong bức thư viết ngày 2/9/1947, kỷ niệm ngày Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động ghi nhớ tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào dân tộc giúp đỡ cán bộ làm cách mạng: “Tôi không bao giờ quên được, trong những ngày gian nan cực khổ đó, đồng bào trong tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên, các cháu nhi đồng ai cũng hăng hái giúp đỡ… Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo, cho đến anh em Hoa kiều, người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo. Có những đồng bào nhịn ăn nhịn mặc, bán trâu bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mệnh”(4). Và Người động viên đồng bào tiếp tục tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp vì chúng có dã tâm quay trở lại chiếm nước ta một lần nữa. Người viết: “Việt Bắc trước kia là căn cứ của cách mệnh, đã nổi tiếng khắp cả nước, khắp thế giới. Thì ngày nay, Việt Bắc phải thành căn cứ của kháng chiến, để giữ lấy cái địa vị và cái danh giá vẻ vang của mình ”(5).

Dù bộn bề công việc quốc gia đại sự trên cương vị lãnh tụ của cách mạng, của dân tộc, “linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho đồng bào và chiến sĩ Việt Bắc sự quan tâm ân cần, chu đáo. Trong suốt thời gian ở Việt Bắc, Người không chỉ là một vị lãnh tụ thiên tài, mà còn là một người thầy, người cha đầy lòng nhân ái với lối sống vô cùng giản dị, cần cù chịu khó, yêu lao động, hòa nhập, gần gũi với đồng bào. Lúc mới lên vùng căn cứ địa, khó khăn nhiều, thóc gạo hiếm, nhân dân đói, cán bộ cũng đói, cơ quan di chuyển luôn, Bác thường động viên anh em cơ quan tăng gia sản xuất. Bác còn chỉ thị anh em phải học và làm theo những người dân địa phương để phát nương, trồng trọt. Hàng ngày, đến giờ tăng gia, Bác cũng tham gia cùng anh em. Người luôn gần gũi, quan tâm tới các cụ già, vui đùa và tặng quà cho các cháu nhỏ, nói tiếng của đồng bào địa phương nơi Người ở, thấu hiểu phong tục tập quán của đồng bào… Những câu chuyện về tình cảm của Bác Hồ với đồng bào trong thời kỳ Bác sống và làm việc tại Việt Bắc, do những người được sống và làm việc bên Bác kể lại hết sức phong phú, rất giản dị song lại vô cùng vĩ đại. Một trong số đó là câu chuyện xúc động về Trại thiếu nhi Nà Lọm mà Bác đã chủ trương thành lập để trở thành mái ấm cho 35 em nhỏ vì chạy giặc, tan tác, lạc gia đình, mất cha mẹ… sau khi thực dân Pháp đánh rộng lên Việt Bắc từ cuối tháng 7 năm 1947.

Trong hoàn cảnh Chính phủ kháng chiến nghèo, Bác đã kêu gọi một số cơ quan bớt gạo, bớt khẩu phần để góp vào nuôi các cháu. Bác bảo các chú, các cô phụ trách trại nên vỡ đất để trồng hoa màu, trồng mấy thứ rau xanh và nuôi gà để tạo nguồn thực phẩm, đồng thời khuyến khích các cháu tham gia lao động tùy theo sức của mình. Dưới mái ấm Nà Lọm, các cháu được học chữ, tập thể dục, tập chạy, học cách sinh hoạt có giờ giấc, đồ dùng cá nhân luôn luôn gọn ghẽ để khi có lệnh là sẵn sàng di chuyển. Cơ quan Bác đóng gần trại nên các cán bộ có điều kiện thường xuyên đến trại giúp đỡ các cháu, vừa dạy các cháu học chữ, vừa chăm sóc sức khỏe cho các cháu... Chính Bác cũng chuyển đến ở trại 25 ngày, Bác cũng nằm trên giường nứa của các cháu nằm, cũng làm việc trên bàn tre của các cháu học...(6).

Bác đã viết nhiều bài báo, gửi thư khen ngợi và động viên những thành tích mà đồng bào các dân tộc Việt Bắc đạt được trong công cuộc kháng chiến gắn liền với kiến quốc. Tháng 9 năm 1949, Bác gửi thư cảm ơn cụ Mai Công Uyển ở Đại Từ, Thái Nguyên đã biếu Người 20 kilô gạo để khao thưởng bộ đội. Ngày 22/4/1951, Bác viết bài đăng báo Nhân dân khen phụ nữ Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã đóng góp được nhiều ống gạo tiết kiệm và mong rằng các cơ quan, bộ đội và địa phương noi theo đồng bào Ngân Sơn để phong trào hũ gạo kháng chiến phát huy ý nghĩa và giá trị nhân văn cao đẹp(7). Trong bài báo “Phong trào mua công trái” đăng Báo Nhân dân, số 1, ngày 11/3/1951, ký bút danh C.B, Bác nêu “những cử chỉ rất cảm động” của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong phong trào mua công trái để chứng tỏ lòng nồng nàn yêu nước của mình. Ngày 7/5/1951, Bác gửi thư khen học sinh Trường phổ thông Việt Bắc đã lao động, tiết kiệm được một số tiền để giúp cho việc mua công trái(8).

Bác luôn dõi theo mỗi khó khăn, thắng lợi và từng bước phát triển để kịp thời chia sẻ, động viên, cổ vũ quân dân Việt Bắc kiên cường và kiên trì kháng chiến, cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trước thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, quân và dân ta, trực tiếp là quân và dân các tỉnh Việt Bắc, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, đã đập tan cả bốn mục tiêu của thực dân Pháp khi chúng hành quân lên Việt Bắc, khiến chúng không dám nghĩ đến chuyện tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc lần thứ hai. Bác đã gửi thư khen ngợi đồng bào Việt Bắc: “Việt Bắc ta là nơi có truyền thống cách mạng anh dũng.

Việt Bắc đã đánh tan cuộc tiến công Thu Đông của giặc năm 1947. Việt Bắc đã góp một phần lớn vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám và đang góp một phần lớn vào công cuộc kháng chiến ngày nay”(9). Và Người cũng căn dặn, để kháng chiến mau thắng lợi thì “ai ai cũng phải cố gắng góp của, góp công, người phụ trách việc này, kẻ phụ trách việc khác. Bộ đội thì xông pha tên đạn, cực khổ gian nan, xung phong giết giặc. Nhân dân, cán bộ, công chức cũng phải chịu khó nhọc, chịu thiếu thốn, mà thi đua công tác ở hậu phương”(10).

Tình cảm của Bác Hồ đã làm xúc động muôn triệu con tim của đồng bào Việt Bắc. Đó chính là sự cảm hóa đặc biệt, tạo niềm tin sắt son của đồng bào với Đảng và Bác Hồ, là một sức mạnh vô hình nhưng rất kỳ diệu đã hiệu triệu khối đại đoàn kết các dân tộc anh em đứng lên làm cách mạng.

Toàn thể quân, dân cùng đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Bắc đã đóng góp sức người, sức của cùng với cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Không chỉ ở thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng, Bác Hồ và cán bộ, bộ đội rời chiến khu Việt Bắc về xuôi, để lại niềm thương nhớ không nguôi cho đồng bào các dân tộc đã sống chết vì cách mạng. Ngày nay, tấm lòng, tình cảm, lời dặn dò tâm huyết và những chỉ dẫn kịp thời của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để toàn thể cán bộ, quân, dân các dân tộc Việt Bắc vươn lên, khắc phục những khó khăn, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, để “Thủ đô gió ngàn”, “Thủ đô kháng chiến” luôn là niềm tin yêu, hy vọng của nhân dân cả nước trước những thách thức của hôm nay và mai sau.

Chú thích:

1, 2, 3, 4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.5, tr.239, 221, 222, 238, 239.

6. Bác Hồ với Thanh niên, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nxb. VHTT, H.2011.

7, 8. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H.2007, t.5, tr. 37, 44.

9, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.6, tr.364, 365.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)