Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tư tưởng của Đảng trong chiến thắng Điện Biên Phủ
Nguyễn Thị Kim Liên
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, là hoạt động truyền bá, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, giá trị đạo đức đúng đắn. Công tác tư tưởng góp phần tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tính chủ động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dânchủ, văn minh”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác tư tưởng được Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo, thể hiện ở một số nội dung sau: Thứ nhất, trên cơ sở đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, khoa học của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập trung xây dựng ý chí chiến đấu kiên cường, bền bỉ và niềm tin chiến thắng, tinh thần quyết thắng cho mọi lực lượng tham gia chiến dịch là vấn đề quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thành công lớn của công tác tư tưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ là cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tham gia chiến dịch đã làm cho bộ đội tiếp tục quán triệt quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Tập trung đại bộ phận lực lượng chủ lực thiện chiến của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ, mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương.
Ngay từ những ngày đầu phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Nhờ đó, Đảng ta đã động viên, tổ chức toàn dân đánh địch bằng sức mạnh của cả dân tộc, bằng sức mình là chính; đồng thời, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Toàn dân tham gia kháng chiến, cả nước đổ ra mặt trận với một sức mạnh vô địch và tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao độ, nhất là ở mặt trận chính Điện Biên Phủ đã chứng minh đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng chính là thành công lớn của công tác tư tưởng, đã tập trung hướng vào giáo dục phương châm tác chiến của Đảng, xây dựng niềm tin chiến thắng cho cán bộ, chiến sĩ.
Tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 với phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống. Nội dung chủ yếu của công tác tư tưởng chính trị được xác định là quán triệt chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, sau khi Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến thì nội dung giáo dục 22 là tập trung quán triệt, phân tích chủ trương thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; từ chỗ tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu đến chỗ chọn Điện Biên Phủ - nơi mạnh nhất của địch lúc đó - để tiêu diệt địch.
Làm rõ những thuận lợi, khó khăn và phương pháp khắc phục; phát huy tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, liên tục chiến đấu dài ngày, dũng cảm hy sinh, quyết chiến, quyết thắng. Tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho bộ đội nắm vững chủ trương của trên, sự cần thiết phải thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch.
Để cán bộ, chiến sĩ thông suốt, công tác tư tưởng được các cấp ủy và cơ quan chính trị từ Bộ Chỉ huy Chiến dịch xuống đến cơ sở tiến hành kiên trì, từng bước làm chuyển biến nhận thức ở từng cấp, trước hết là cấp ủy và chỉ huy các đại đoàn. Khi cấp đại đoàn thông suốt, tin tưởng thì giáo dục, động viên cho cấp trung đoàn thông suốt, tin tưởng để hành động một cách tích cực, tự giác trong toàn đơn vị… Nhờ sự nỗ lực giáo dục, thuyết phục, động viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, tư tưởng phân vân, hoài nghi, vướng mắc giữa hai phương châm tác chiến chiến dịch được giải quyết, bộ đội ta đã ổn định được tinh thần, tin tưởng, hăng hái thực hiện mọi nhiệm vụ cả trước, trong và sau chiến dịch.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cổ động để phát huy ý chí, sức mạnh chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ.
Mặc dù bận trăm công nghìn việc của người đứng đầu Chính phủ, nhưng do tính chất quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ nên Bác Hồ đã dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch. Từ đầu tháng 3/1954, để củng cố tinh thần trước khi bước vào giai đoạn đầu tiên của chiến dịch, Bác có thư dặn dò các chiến sĩ: “Nhiệm vụ các chú lần này là rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang”(1). Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở đầu đợt tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thì ngày 15/3 Bác và Trung ương Đảng gửi điện khen ngợi, động viên chiến sĩ ngoài mặt trận: “Bác và Trung ương vừa được nghe báo cáo về trận thắng đầu tiên của ta ở Điện Biên Phủ, Bác và Trung ương có lời khen các đồng chí.
Đây là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và ý nghĩa chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, taphải cố gắng, chiến đấu dẻo dai bền bỉ...”. Từ đó cho đến kết thúc chiến dịch, Bác và Trung ương Đảng luôn luôn theo dõi tình hình chiến sự ở Điện Biên Phủ để chỉ đạo kịp thời.
Nội dung công tác tuyên truyền, cổ động giai đoạn này đã tập trung vào tuyên truyền, phổ biến kịp thời những bức thư của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Ban Chỉ huy mặt trận và của đoàn thể; những thắng lợi của ta, sự nguy khốn của địch, những thành tích chiến đấu của đơn vị, tấm gương anh dũng của các cá nhân, tinh thần vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ… Hình thức, phương pháp tuyên truyền, cổ động hết sức đa dạng, phong phú, mang đậm tính quần chúng như: phát huy hoạt động truyền đơn, khẩu hiệu, bảng tin, tranh cổ động với những nội dung: “Tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”, “Địch cố thủ ta quyết đánh”, “Địch bỏ chạy ta quyết truy”, “Kiên quyết cắm cờ “Quyết chiến, quyết thắng” lên sở chỉ huy của địch tại Điện Biên Phủ”… Đặc biệt, trong công tác địch vận, việc tăng cường kêu gọi những người Việt đi lính cho Pháp “Không theo giặc Pháp bắn đồng bào”, “Không làm bia đỡ đạn cho giặc Pháp”, “Anh em Khố đỏ hãy quay súng bắn lại giặc Pháp”, “Bỏ hàng ngũ giặc Pháp quay về với Tổ quốc”,v.v.. đã đem lại hiệu quả thiết thực và tạo nên những thắng lợi trên chiến trường. Truyền đơn vận động binh lính địch được tán phát vào tận trong khu trung tâm. Cuối tháng 4/1954, ta đã xây dựng xong một hệ thống loa truyền thanh chung quanh tập đoàn cứ điểm, thường xuyên tác động vào tư tưởng binh lính địch. Anh em còn có sáng kiến làm những bè chở biểu ngữ địch vận, tranh cổ động, thả trôi theo dòng sông Nậm Rốm để những hình ảnh này đập vào mắt quân địch.
Thứ ba, thường xuyên làm tốt công tác thi đua, khen thưởng.
Ngay từ giữa năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc nhằm kêu gọi toàn dân tích cực thi đua diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, diệt giặc ngoại xâm. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, phong trào thi đua lập công, thưởng phạt kịp thời luôn được chú trọng, phát huy được chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong tiến công tiêu diệt địch. Trên thực tế, trong Chiến dịch có những trường hợp tác chiến gặp khó khăn, cấp ủy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp đã tăng cường công tác động viên tư tưởng chính trị gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua. Đơn cử như, để khắc phục những khó khăn sau khi kết thúc đợt tấn công thứ hai, cách tốt nhất là tìm ra phương án tác chiến tối ưu, với sự cố gắng cao nhất về mọi mặt, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm càng sớm, càng đúng lúc càng tốt. Con đường chắc chắn, dẫn tới chiến thắng là nhanh chóng siết chặt vòng vây lửa, đưa trận địa chiến hào vào sát khu trung tâm tập đoàn cứ điểm. Cùng với sự hoạt động mạnh mẽ và có hiệu quả của pháo cao xạ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đẩy mạnh phong trào “săn Tây bắn tỉa”, đẩy mạnh tiêu diệt địch bằng nhiều hình thức. Đích thân Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi “Thư kêu gọi các chiến sĩ Điện Biên Phủ đẩy mạnh cuộc thi đua đánh tỉa quân địch”. Đáp lại lời kêu gọi của Tổng tư lệnh, bộ đội ta nêu cao khẩu hiệu: “Một viên đạn một tên địch, một viên đạn mấy tên địch, kiên nhẫn, tích cực, nhằm đúng mục tiêu, hễ bắn là trúng”. Phong trào “săn Tây, bắn tỉa” lan rộng khắp mặt trận, từ các chiến sĩ súng trường, súng máy đến các khẩu đội súng cối, sơn pháo, rất nhiều chiến sĩ thiện xạ xuất hiện và trở thành phong trào thi đua giữa các đơn vị, các chiến sĩ với nhau. Báo Quân đội Nhân dân xuất bản trong thời gian này có đưa tin nhiều tấm gương cá nhân và đơn vị tiêu diệt được nhiều Tây, còn đưa ra kinh nghiệm đối với người chiến sĩ thiện xạ. Con số địch bị diệt trong thời gian này bằng bắn tỉa rất đáng kể. Chỉ trong vòng mười ngày, các chiến sĩ bắn tỉa của 312 diệt 110 tên địch, ngang với số quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu trong một trận công kiên.
Sau khi kết thúc Chiến dịch, theo Chỉ thị của Đảng ủy Chiến dịch, các đơn vị tiến hành công tác bình công khen thưởng với tinh thần “dân chủ, khách quan, khen thưởng đúng đối tượng và đúng thành tích”. Thông qua công tác bình công khen thưởng tuyên dương những đồng chí có thành tích, đồng thời cũng chỉ rõ những mặt chưa đạt được để mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phấn đấu.
Đặc biệt, 5 cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được vinh dự thay mặt cho các chiến sĩ toàn quân đến chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác thay mặt Đảng và Chính phủ trao cho các chiến sĩ Điện Biên Huân chương Chiến công. Riêng Bác còn tặng thêm mỗi người một ngôi sao đỏ và một tấm Huy hiệu. 70 năm đã trôi qua, những bài học được đúc kết từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt là bài học về công tác tư tưởng vẫn vẹn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cần được chắt lọc, vận dụng vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới hiện nay. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, lãnh đạo các cấp phải tích cực đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị phù hợp với từng đối tượng. Chú trọng phổ biến, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; những vấn đề thời sự nổi bật trong nước và quốc tế; kết quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng…; tích cực đấu tranh với những nhận thức hạn chế, biểu hiện tiêu cực, sai trái, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, cổ động; khắc phục tình trạng thông tin một chiều, áp đặt, thiếu tính thuyết phục; kết hợp nhiều cách làm mới, nâng cao chất lượng, sáng tạo về cả nội dung lẫn hình thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, cổ động; tăng tính hấp dẫn; thực hiện tốt thông báo thời sự, nói chuyện, kể chuyện, tọa đàm, trao đổi kết hợp trình chiếu, chiếu phim và các phương tiện kỹ thuật khác... Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, về công tác thi đua, khen thưởng và các phong trào thi đua, về bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến; làm cho thi đua trở thành việc làm thường xuyên của mỗi người, mỗi tổ chức với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Qua đó, đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành biện pháp công tác đảng, công tác chính trị, nghệ thuật vận động, tổ chức phong trào hành động cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.8, tr.433. 2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, Tạp chí Cộng sản, số ra ngày 7/5/2009.
3. Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc vàng lịch sử chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.847.
4. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, tr.14. 5. https://btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn/ portal/pages/2017/Phong-trao-San-Tay-ban-tiafnd07jczr5i1.aspx