slider
Phát triển kinh tế số

Hội nghị chính trị đặc biệt - Hội nghị Diên Hồng trong thời đại Hồ Chí Minh

26 Tháng 06 Năm 2024 / 223 lượt xem

Nguyễn Thị Thu Hằng

Phòng Hành chính, Tổng hợp

1. Hội nghị chính trị đặc biệt tháng 3/1964 được tổ chức vào thời điểm đặc biệt - vừa tròn 10 năm từ khi hòa bình được lập lại. Trong thời gian ấy (1954-1964), trong nước và thế giới đều diễn ra nhiều biến đổi to lớn.

Sau hội nghị Giơnevơ 1954, nhân dân cả nước chưa thể “an cư lạc nghiệp”, xây dựng cuộc đời mới vì đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phá hoại Hiệp định, chia cắt nước ta, gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc ở miền Nam. Đồng bào miền Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng. Đồng bào miền Bắc vì máu chảy ruột mềm, cũng không một giờ phút nào không nhớ đến miền Nam anh dũng “đi trước về sau” trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Giai đoạn 10 năm 1954-1964, là 10 năm vừa đấu tranh vừa xây dựng, nhân dân hai miền đã vượt qua muôn vàn khó khăn và giành được nhiều thắng lợi to lớn. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền nhân dân, 17 triệu đồng bào miền Bắc đoàn kết, xây dựng đất nước, xây dựng đời sống mới, tăng cường lực lượng về mọi mặt. “Những thành tích to lớn của miền Bắc ngày càng tỏ rõ chế độ xã hội chủ nghĩa là rất tốt đẹp và đang cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam”(1). Trong khi đó với miền Nam anh hùng, “đó là 10 năm đấu tranh oanh liệt, 10 năm thắng lợi vẻ vang”(2). Xứng danh Thành đồng của Tổ quốc, lực lượng yêu nước miền Nam đã vượt mọi gian khổ khó khăn, càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng.

Về phía đế quốc Mỹ, sau hội nghị Giơnevơ, Mỹ mau chóng hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Chúng tưởng rằng có thể “bình định” miền Nam trong thời gian ngắn và ráo riết chuẩn bị “Bắc tiến” nhưng “kết quả là chúng càng đánh càng thua, càng thua càng bí”(3).

Trước tình thế đế quốc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam và ráo riết chuẩn bị kế hoạch đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, căn cứ Điều 67 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt.

Hội nghị chính trị đặc biệt họp trong hai ngày 27-28/3/1964, tại hội trường Ba Đình, Hà Nội, biểu thị quyết tâm của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dự hội nghị có hơn 300 đại biểu, gồm những cán bộ lão thành, những nhà hoạt động chính trị, những người tiêu biểu cho các giới, các ngành, những anh hùng và chiến sĩ thi đua, những người trí thức tiến bộ và những nhân sĩ yêu nước... 2. Tại Hội nghị chính trị đặc biệt, trong ngày khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày một bản báo cáo dài với các nội dung quan trọng: đánh giá những chuyển biến to lớn của miền Bắc trong 10 năm đã qua và những thắng lợi vẻ vang của đồng bào miền Nam, vạch rõ âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, khẳng định quyết tâm và nhiệm vụ của nhân dân cả nước trong công cuộc vừa xây dựng vừa đấutranh bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam. Tại hội nghị, Người đã kêu gọi đồng bào miền Bắc ra sức thi đua: “Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”(4).

Trong bản báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác họa bức tranh toàn diện về thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự lớn mạnh của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam. Hiện thực đời sống, hiện thực cách mạng được Người nhắc đến trong dạng thức vừa cụ thể vừa khái quát. Ở đó, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam không đơn độc, chúng ta có sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, có sự ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới, của nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trong xu thế đang lên của các nước xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định miền Bắc xã hội chủ nghĩa ngày càng đổi mới, ngày càng lớn mạnh là một việc đáng tự hào, phấn khởi của cả dân tộc ta, từ Bắc đến Nam, cũng là điều vui mừng chung của anh em bầu bạn ta khắp thế giới. Chiến tranh xâm lược đã làm cho nền kinh tế kiệt quệ và để lại một cảnh tượng hoang tàn, xơ xác nhưng nhân dân miền Bắc vốn đã anh dũng trong kháng chiến lại anh dũng vượt mọi khó khăn, xây dựng lại đời sống ngày càng tiến bộ. Những bước tiến bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc chính là thành quả của tất cả các giai cấp, thành phần trong xã hội, không phân biệt già trẻ, gái trai.

Đối với đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ chiến tranh xâm lược phi nghĩa ở miền Nam nhất định sẽ thất bại, Mỹ và tay sai đã đến bước đường cùng. Từ những lập luận chắc chắn, Người đi đến khẳng định dứt khoát: “Nếu chúng liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại”(5). Lời khẳng định mạnh mẽ của Người gợi liên tưởng đến lời dặn “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” cuối tháng 7/1945; nhớ đến lời quyết tâm “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do độc lập” vừa giành được năm 1945; nhớ đến Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946. Lời của Người hôm nay là lời của núi sông, lời của ngàn xưa cũng là lời của mai sau. Năm 1284, để thống nhất ý chí, tập hợp sức mạnh toàn dân, triều đình nhà Trần đã mời các vị bô lão đại diện nhân dân các làng xã về dựhội nghị đặc biệt tại cung Diên Hồng.

Tại hội nghị Diên Hồng, các vị bô lão được nghe thông báo tin tức quân giặc đã áp sát biên giới phía Bắc nước ta. Khi được nhà vua hỏi kế sách, các bô lão muôn người cùng hô một tiếng “Đánh!”. Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ toàn thư quyển 5 viết: “Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”(6).

Hai tiếng Diên Hồng đã đi vào lịch sử đánh giặc giữ nước, trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết thống nhất mỗi khi đất nước đứng trước họa xâm lăng. Tinh thần của hội nghị Diên Hồng cách đó nhiều thế kỷ lại sống dậy nhiệt thành, mạnh mẽ trong không khí những ngày đánh Mỹ của thời đại Hồ Chí Minh.

Tâm điểm của Hội nghị chính trị đặc biệt là báo cáo được Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại hội nghị. Đây là bản báo cáo dài với những số liệu tổng kết sinh động, phong phú trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa…, cùng với sự so sánh, phân tích, đánh giá và vạch rõ nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bản cáo cáo thể hiện sự trăn trở, suy ngẫm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước bước chuyển biến mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Theo lời kể của đồng chí Cù Văn Chước, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong 11 năm sống và làm việc tại Nhà sàn, lúc hòa bình hay trong khói lửa chiến tranh, Bác luôn giữ nề nếp, đúng giờ, khoa học, tự tại và ngăn nắp. Chỉ duy nhất một lần Bác không nghỉ trưa để hoàn thành nội dung báo cáo đọc tại Hội nghị chính trị đặc biệt(7). Tại Hội nghị, khi nói đến những chiến công và khổ đau đồng bào miền Nam phải gánh chịu, Bác không khỏi xúc động. Nhà báo Phan Quang kể lại: “Lần ấy, tôi được tham gia Hội nghị, cùng một số nhà báo và văn nghệ sĩ ngồi ở mấy hàng ghế phía bên phải hội trường Ba Đình, khá gần Đoàn Chủ tịch. Tôi nhìn thấy rõ hai hàng nước mắt chảy xuống má Bác Hồ. Người rút chiếc khăn tay trong túi áo ra lau và nghẹn ngào hồi lâu chưa nói tiếp được. Cả hội trường đầy ắp người cùng im phăng phắc, mọi người cố nén xúc động. Giáo sư Nguyễn Xiển, Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, người điều hành phiên họp sáng hôm ấy đứng lên thay mặt Đoàn Chủ tịch xin phép Chủ tịch Hồ Chí Minh, đề nghị toàn thể Hội nghị nghỉ giải lao tại chỗ vài phút. Giáo sư chúc Chủ tịch nước mạnh khỏe. Sau mấy phút xúc động, nét mặt Bác trở lại thanh thản như phong cách thường lệ của Người”(8).

Nhớ về kỷ niệm Hội nghị chính trị đặc biệt, Anh hùng lao động Nguyễn Thị Thạc kể lại: “...tôi được đi dự và ngồi ở ghế Đoàn Chủ tịch. Lúc vào hội ý thì chưa thấy Bác. Bỗng có người đi từ đằng sau tới, vỗ nhẹ vào đầu tôi và Anh hùng Nguyễn Thị Chiên. Chúng tôi quay lại, thấy Bác, tất cả đứng dậy reo lên: “Chào Bác ạ! Chào Bác ạ...”.

Trong Hội nghị, tôi được thay mặt các đại biểu đọc quyết tâm thư gửi lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch. Vì đã xem đi xem lại nhiều lần, gần như học thuộc nên tôi đọc rất trôi chảy. Đọc xong cả hội trường vỗ tay. Một đồng chí cán bộ cao cấp ngồi trên ghế Đoàn Chủ tịch hỏi: - Các đồng chí đại biểu có ý kiến gì bổ sung vào bản quyết tâm thư không?

Không ai có ý kiến gì. Bác ngồi trên ghế Đoàn Chủ tịch giơ tay xin phát biểu. Bác nói: - Nội dung trong bản quyết tâm thư, Bác đồng ý cả. Nhưng câu đầu ghi: Kính gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch thì Bác đề nghị sửa là “Kính gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ” các đồng chí có đồng ý không?

Cả hội trường đồng thanh: “Đồng ý ạ”, “Đồng ý ạ” và tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt. Lúc giải lao, tôi và chị Phạm Thị Vách tha thẩn ra ngoài hành lang ngắm những chậu hoa đẹp. Bác vời chúng tôi và trao cho mỗi chị em một bó hoa thật đẹp mà các đoàn vừa tặng Bác”(9).

Trong hai ngày diễn ra Hội nghị chính trị đặc biệt đã có 40 ý kiến phát biểu của các cán bộ lão thành và đại biểu tham dự. Ngày 28/3/1964, phát biểu bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá các ý kiến “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”, Người đề nghị các cụ và các đồng chí đem tinh thần nhất trí, ý chí cách mạng và lòng tin tưởng quyết tâm của tất cả đại biểu dự Hội nghị đến nhân dân cả nước “biến thành một sức mạnh vĩ đại, một sức phấn khởi mới, hăng hái tiến lên!”(10). 3. Hội nghị chính trị đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì là một sự kiện quan trọng trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hội nghị chính là minh chứng hùng hồn cho sự đồng lòng nhất trí về chính trị tư tưởng của toàn dân tộctrong bước phát triển mới của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam.

Các văn kiện của Hội nghị chính trị đặc biệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến Quốc hội. Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội diễn ra từ ngày 29/3-4/4/1964, đã nghiên cứu thảo luận báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị chính trị đặc biệt và quyết nghị nhất trí thông qua năm nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra cho nhân dân ta trong thời gian trước mắt. Ngày 18/4/1964, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 77-CT/TW phát động và hướng dẫn tổ chức cao trào thi đua làm theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi người làm việc bằng hai, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam”.

Trong khi nhân dân hai miền tích cực thi đua lao động sản xuất và chiến đấu thì để cứu vãn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không quân và hải quân nhằm ngăn chặn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Quyết liệt đánh phá hậu phương miền Bắc, đế quốc Mỹ tin là sẽ bẻ gãy được ý chí và quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Nhưng Mỹ đã không hiểu rằng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là khát vọng nung nấu của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể dân tộc Việt Nam. Hưởng ứng lời phát động của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”, với tinh thần Gánh cả non sông vượt dặm dài/ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai, hậu phương miền Bắc thi đua tạo nên sức mạnh tổng lực tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong khi đó, nhân dân miền Nam ngày đêm vững vàng tay súng, kiên cường đấu tranh giải phóng dân tộc Hăm lăm năm chẳng rời tay súng/ Đi trước về sau, đã dạn dày.

Trong không khí những ngày đánh Mỹ dâng cao, dù là miền Bắc hay ở phương Nam, muôn người như một, sắt son chí khí đấu tranh với khát vọng độc lập dân tộc, với hoài bão thống nhất non sông. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị chínhtrị đặc biệt tháng 3/1964: “Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi.

Mọi người chúng ta, bất kỳ ai, làm việc gì, ở cương vị nào, đều phải là những chiến sĩ dũng cảm của sự nghiệp vẻ vang ấy”(11) đã trở thành lời hiệu triệu thiêng liêng của núi sông. Theo Người, toàn thể dân tộc Việt Nam tiến lên, quyết giành lấy những mùa xuân, mà ở đó độc lập – tự do – hạnh phúc là mùa xuân tươi đẹp nhất: “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”(12).

Chú thích:

1, 2, 3, 4, 5, 10, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, t.14, tr.272-273, 278, 279, 278, 279, 288, 286.

6 . https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i_ngh%E1%BB%8B_Di%C3%AAn_H%E1%BB%93ng

7. Theo tư liệu tại tọa đàm “65 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch”, tháng 5/2023.

8. https://nhandan.vn/nhung-thong-diep-truong-ton-tu-hoi-nghi-dien-hong-post663221.html

9. Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định, https://tuyengiaonamdinh. vn/nhung-ky-niem-duoc-gap-bac-ho/toi-duoc-gap-bac-nhieu-lan-255903

12. Thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)