slider
Phát triển kinh tế số

Sự quan tâm chỉ đạo của Bác Hồ đối với chiến sĩ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

04 Tháng 07 Năm 2024 / 1111 lượt xem

ThS. Lê Thị Cẩm Tú

Phòng Bảo quản, Môi trường Di tích

Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã lùi vào lịch sử vừa tròn 70 năm, song mỗi khi nhắc đến Điện Biên Phủ, đến Việt Nam, thế giới không khỏi ngỡ ngàng bởi Điện Biên Phủ - một vùng núi rừng Tây Bắc của Việt Nam bỗng trở thành cái tên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với nhân dân ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm. Chiến thắng đó đã đưa Việt Nam - Hồ Chí Minh trở thành thiên sử ca huyền thoại trong lịch sử thế giới đương đại.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan những toan tính quân sự cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Genève công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm của dân tộc Việt Nam.

Để chuẩn bị cho kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa nhiều cuộc họp nhằm nhận định, đánh giá diễn biến tình hình đồng thời vạch ra đường lối, chủ trương đánh giặc. Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng phê chuẩn phương án tác chiến do Tổng quân ủy trình bày với các hướng tấn công chiến lược.

Về phía địch, trong Đông Xuân 1953-1954, Tướng Nava được Chính phủ Pháp cử làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, mang theo “Kế hoạch quân sự Na-va”. Nava coi Điện Biên Phủ như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt các Đại đoàn quân chủ lực của Tướng Võ Nguyên Giáp.

Thực hiện mưu kế chiến lược “Căng địch ra mà đánh - Trói địch lại mà diệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cuộc tiến quân lên Tây Bắc, ta buộc địch phải vội vã ném những đơn vị tinh nhuệ nhất của chúng xuống Điện Biên Phủ, xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh để rồi bị giam chân, cô lập trong một lòng chảo trên chiến trường rừng núi, địa hình và thời tiết đều không thuận lợi. Như vậy, là ta đã chủ động tạo ra thời cơ và mau lẹ nắm lấy thời cơ, buộc chủ lực địch phải chấp nhận quyết chiến sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu, trên một chiến trường bất lợi cho chúng. Ngày 23/11/1953, Bác dặn dò cán bộ trước khi lên đường ra mặt trận: “Vì tình hình địch còn có thể thay đổi, nên phải luôn nắm vững phương châm chỉ đạo tác chiến mà Bộ Chính trị đã đề ra: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”(1).

Ngày 06/12/1953, Bác chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, nghe Tổng quân ủy báo cáo kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng Tư lệnh Bộ chỉ huy kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận.

Trong thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 22/12/1953, Bác nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đốivới trong nước mà còn cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(2). Cũng nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân, Bác trao cho mỗi đại đoàn, mỗi quân khu một lá cờ Quyết chiến, quyết thắng làm giải thưởng. Lá cờ Bác tặng đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong chiến dịch, thành động lực cho toàn quân đi chiến dịch.

Ngày 01/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Khuổi Tát chào Bác trước khi trước khi đi chiến dịch.

Bác hỏi: “Chú đi xa vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thưa với Bác: “Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Bác nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”(3). Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lấy lời căn dặn của Bác làm kim chỉ nam hành động.

Ngày 26/01/1954, Đại tướng đã có một quyết định táo bạo và khó khăn trong cuộc đời binh nghiệp của mình khi quyết định chuyển phương án tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ đánh nhanh thắng nhanh sang “đánh chắc tiến chắc” và các đơn vị tùy điều kiện cụ thể mà sử dụng binh lực tiêu diệt, tự giải quyết hậu cần...

Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã đặc biệt chăm lo giáo dục tinh thần quyết tâm chiến đấu cho bộ đội.

Ngày 13/3/1954, kịp thời cổ vũ, động viên và tiếp thêm sức mạnh cho quân ta quyết đánh thắng địch ngay ở trận mở đầu, Bác viết: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to”(4). Thư của Bác như tiếng kèn xung trận tạo nên khí thế vô cùng phấn khởi tràn ngập khắp các chiến hào trận địa, các đơn vị quyết tâm thi đua lập công mừng sinh nhật Bác. Trong quá trình mở đường thắng lợi, để biểu dương cán bộ, chiến sỹ toàn quân Bác trao tặng tấm áo lụa cho đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung - đội trưởng Đội công binh 83 đạt thành tích xuất sắc phá bom khai thông tuyến đường vào trận địa. Đồng chí Xuyên Khung đã mặc tấm áo Bác tặng chỉ huy đội công binh đào hoàn thành đường hầm ngầm đưa khối bộc phá 01 tấn công vào cứ điểm Đồi A1 tiêu diệt hầm ngầm cố thủ của địch góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch. Bác còn viết thư, gửi điện căn dặn, động viên bộ đội, dân công.

Quan tâm đến sức khỏe các chiến sĩ khi bị thương, ngày 22/3/1954, Bác cử bác sĩ Vũ Đình Tụng và giáo sư Tôn Thất Tùng trực tiếp ra mặt trận phục vụ chiến dịch.

Sau thắng lợi của hai trận mở màn chiến dịch ở Him Lam, Độc Lập và đập tan đợt phản kích hòng chiếm lại các cứ điểm này của địch, Bác và Trung ương Đảng đã điện khen ngợi, động viên, cổ vũ và căn dặn cán bộ và chiến sỹ mặt trận, trong đó có đoạn: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”(5).

Trong suốt thời gian diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 13/3 đến 07/5/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ mà trên khắp các mặt trận nhằm phục vụ cho thắng lợi Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ân cần dạy bảo cán bộ chiến sỹ ta những vấn đề rộng lớn, nói lên những chân lý lớn nhất của thời đại, những quan điểm cơ bản về chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, mà còn động viên, chỉ bảo cán bộ, chiến sỹ trong từng chiến dịch, từng trận đánh, từng việc làm và cách cư xử cụ thể.

Ngày 07/5/1954, quân đội ta tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tin vui ấy đã truyền khắp nơi trên cả nước và quốc tế, ngay ngày 8/5/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi quân dân ta tại Điện Biên Phủ. Bác viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời ngợi khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợituy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn...”(6). Bác thăm hỏi thương binh và quyết định thưởng cho tất cả bộ đội tham gia chiến dịch huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ.

Bác còn sáng tác bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”(7), chào mừng chiến thắng vĩ đại, ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân dân ta và bài thơ “Nava Chinh phụ ngâm” để tống tiễn Nava: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/Khiến Nava nhiều nỗi truân chuyên/Thua to ở trận Điện Biên/ Vì ai kế hoạch mà nên nỗi này/Cút về Tây tấm lòng xấu hổ/Xấu hổ nay biết đổ ai đây?”(8).   

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một số chiến sĩ tiêu biểu đại diện cho các Đại đoàn đã được Bộ Chỉ huy mặt trận cử về báo cáo thành tích lên Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp các đồng chí đại diện cho chiến sĩ toàn quân đến chúc mừng sinh nhật Bác. Để chúc mừng những chiến công hiển hách của các chiến sĩ Điện Biên, trong cuộc gặp đoàn cán bộ chiến sĩ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng phần thưởng biểu dương.

Người nói: “Hôm nay, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ trao cho các chiến sĩ lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ Huân chương Chiến công. Riêng Bác còn tặng thêm mỗi cháu một ngôi sao đỏ và một tấm Huy hiệu”. Trong tâm trí các chiến sĩ Điện Biên lúc ấy, họ không bao giờ quên những lời dặn dò của Bác, đặc biệt là bữa cơm thân mật với Bác. Trong bữa cơm, Bác nói vui: “Đây là bữa cơm riêng Bác mời các cháu, chứ không phải Nhà nước mời đâu. Toàn cây nhà lá vườn cả, nhưng các cháu phải ăn no. Các cháu ăn nhiều. Bác sẽ vui, sẽ khỏe”. Một bữa cơm đơn giản, không sơn hào hải vị nhưng cũng khiến các chiến sĩ xúc động nhớ mãi không quên. Bởi họ đã cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc Bác dành cho(9).  Trên cương vị là Chủ tịch nước Bác bận rất nhiều công việc, song lúc nào Bác cũng theo dõi sát sao tình hình chiến sự ở Điện Biên Phủ. Dù là trước giờ xuất trận hay khi đã ca khúc khải hoàn, cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận vẫn luôn cảm nhận lúc nào cũng có Bác ở bên cạnh. Những bức thư, điện, lời hỏi thăm là món quà tinhthần vô giá, đó là nguồn cổ vũ to lớn tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ Điện Biên – những người đang ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” vượt qua mọi gian khổ, chiến đấu anh dũng, lập nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Điện Biên hôm nay vết tích chiến tranh đã được hàn gắn, đồng ruộng tươi tốt, mùa màng bội thu…như càng tô thắm thêm ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn còn mãi với lịch sử hào hùng của dân tộc.

Chú thích:

  1. Chuyên trang Di tích chiến trường Điện Biên Phủ, truy cập 20/5/2013.
  2. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H.2007, t.5, tr.403.
  3. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H. 2007, t.5, tr.416.
  4. Bác Hồ với Điện Biên Phủ, Nxb. Quân Đội nhân dân, HN. 2004, tr.13.
  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.8, tr.434.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)