slider
Phát triển kinh tế số

65 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải, Hải Phòng, (31/3/1959 - 31/3/2024)

02 Tháng 07 Năm 2024 / 431 lượt xem

Nguyễn Thị Thanh Huyền

Phòng Hành chính, Tổng hợp

Cát Bà là một hòn đảo lớn, rộng chừng 345km2 thuộc huyện đảo Cát Hải, cách nội thành Hải Phòng 60km đường biển. Huyện Cát Hải ngày nay vốn là một đơn vị hành chính được thành lập vào loại xưa nhất của thành phố Hải Phòng. Theo các sách địa chí, huyện Cát Hải ngày nay là huyện Ân Phong.

Đến thời Lê thế kỉ XV đổi thành Chi Phong, sau là Hoa Phong thuộc Phủ Hải Đông. Thời thuộc Pháp, huyện Cát Hải - Cát Bà thuộc tỉnh Quảng Yên (nay là thị xã Quảng Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh). Đến năm 1956 Chính phủ quyết định sát nhập Cát Hải và Cát Bà (lúc này đang là thị xã) vào thành phố Hải Phòng. Đến năm 1977, hai huyện hợp nhất mang tên Cát Hải gồm 10 xã và 02 thị trấn (Cát Hải, Cát Bà).

Cầu tầu Cát Bà (nay là cảng Cá Cát Bà) là bến cảng duy nhất của Đảo Cát Bà, nằm ở phía đông nam đảo, là giao điểm giữa xóm Đông, Gốc Mít, Cầu Dài. Cầu tầu Cát Bà khi ấy là nơi cập bến cho các loại tầu đánh cá và các loại tầu khác khi vào đảo. Mỗi chiều người dân Cát Bà đều mong ngóng tiếng tù và quen thuộc của những đoàn thuyền đánh cá trở về.

Một niềm vinh dự lớn lao đã đến với cán bộ và nhân dân huyện đảo nơi đây được đón Bác Hồ - lãnh tụ kính yêu của dân tộc về thăm cuối tháng 3 năm 1959. Đối với người dân chài, Cảng cá Cát Bà mãi là một dấu ấn lịch sử về tình yêu thương của Người đối với ngư dân nơi đây. Từ đó, ngày Bác Hồ về thăm đã trở thành ngày hội thiêng liêng của làng cá Cát Hải và được lấy làm ngày truyền thống của ngành thủy sản Việt Nam.

Ngày 31/3/1959, trong chuyến thăm và kiểm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội sau hòa bình lập lại ở miền Bắc và tại một số đảo thuộc vùng Đông Bắc, Bác Hồ đã về thăm cán bộ, nhân dân huyện đảo Cát Hải, Cát Bà.

Hôm ấy, tàu chở Bác vào cảng.  Một đoàn thuyền đi đánh cá đêm về vừa cập bến, cá trắng đầy khoang. Bác dừng lại giơ tay chào bà con rồi quay lại bảo đồng chí Bí thư Huyện ủy Cát Bà đi sau:

“…- Trời sa mù thường hay lắm cá. - Vâng ạ. - Mùa này thường nhiều cá đẻ phải không chú? - Vâng ạ. - Ở đây đã có thuyền lắp máy để đánh cá chưa? - Dạ thưa Bác, chưa có ạ.

Bác nói: - Rồi đây phải đưa máy móc vào nghề cá. Đảng và Chính phủ sẽ giúp đỡ bà con sắm thêm thuyền lưới tốt hơn...”(1).

Được tin Bác đến thăm, bà con bỏ cả hàng hóa chạy ra đón Bác. Hàng ngàn cặp mắt vui sướng hướng lên phía Bác, đón nghe từng lời dạy bảo ân cần của Bác.

Nói chuyện với nhân dân trên đảo, Bác căn dặn: Cát Hải, Cát Bà là vị trí tiền tuyến Tổ quốc nên toàn thể đồng bào phải quyết tâm xây dựng, bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Đối với công nhân, Bác dặn: “Tiền đồ của cá nhân không thể tách rời tiền đồ của Tổ quốc, của nhân dân, của giai cấp, của cách mạng, của Đảng. Nếu muốn tách rời tiền đồ của nhân dân thì chỉ có cách nhảy xuống biển, như người thủy thủ muốn rời khỏi con tầu. Đối với ngư dân, Bác khuyên: “Ngư dân phải khỏe mạnh hơn nữa mới đi được biển…, nghề cá ở đảo rồi đây phải đưa máy móc vào. Đảng và chính phủ sẽ giúp đỡ bà con sắm thuyền lưới tốt hơn để phát triển sản xuất”(2). Đối với chiến sĩ, Bác nhắn nhủ thông qua đồng chí cán bộ huyện đội: “Chú chuyển lời Bác thăm hỏi sức khỏe anh em cán bộ chiến sĩ trong đơn vị ở đây”(3). Trước khi rời đảo, Bác căn dặn chung toàn Đảng bộ và nhân dân huyện đảo: “Miền Bắc nước ta đã giải phóng. Rừng vàng, biển bạc của ta, do dân ta làm chủ. Tất cả đồng bào phải thi đua tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm chỉ học tập, xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa tốt hơn…”(4).

Nói chuyện, chào hỏi bà con xong, Bác lại xuống tàu đi thăm tiếp một làng nổi trên biển Cát Hải. Hầu hết các gia đình đánh cá ở đây đều sống trên thuyền. Chiều hôm đó, nước ròng, mọi người mời Bác xuống một chiếc thuyền nhỏ để vào bờ, nhưng Bác bảo để Bác đi thăm một vài gia đình sống trên thuyền. Bác bước lên một chiếc thuyền có cả cụ già, cháu nhỏ. Nhận ra Bác Hồ, cả nhà nghẹn ngào, xúc động, không ngăn được nước mắt, không ngờ vị lãnh tụ lại đến thăm chiếc thuyền nhỏ của mình ở làng chài xa xôi này. Bác cũng xúc động khi thấy cả gia đình sống trên chiếc thuyền cũ, trong thuyền không có tiện nghi gì đáng giá. Bác hỏi chuyện cụ già, cháu nhỏ, rồi góp ý với cán bộ: “Bà con ta bám biển đánh cá là tốt, nhưng nên giúp đỡ nhau làm nhà trên đất liền, để các cụ già, cháu nhỏ có chỗ nghỉ ngơi, học hành, người ốm được chữa bệnh…”(5). Sau đó, Bác vào bến thăm các nhà dân, tìm hiểu đời sống của ngư dân. Tại một gia đình đánh cá ở đầu xóm, người lớn đi vắng cả, chỉ có một em gái nhỏ đang ngồi nấu cơm, Bác hỏi em nhỏ: - Bố mẹ cháu đi đâu?

Em bé đứng dậy, lễ phép thưa: - Bố cháu đi đánh cá, mẹ cháu ra chợ ạ.

Em bé ngước nhìn ảnh Bác Hồ treo trên vách rồi nhìn Bác, lại nhìn tấm ảnh, rồi lại quay nhìn Bác. Chợt mắt em sáng lên, em chạy lại gần Bác và reo lên: - Bác Hồ!

Đồng chí Bí thư Huyện ủy nói: - Bác Hồ tới thăm gia đình cháu đó!

Bác ôm lấy em nhỏ, chỉ bếp lửa, quay lại nói với một đồng chí đi theo: - Nồi cơm đang sôi, chú ra ghế giúp cháu bé kẻo khê.

Bác vừa cho em nhỏ kẹo vừa hỏi: - Cháu mấy tuổi? - Thưa Bác, cháu lên tám ạ. Bác mỉm cười khen: - Tám tuổi mà đã thổi được cơm giúp đỡ cha mẹ là ngoan.

Một thanh niên mình trần, da lấm tấm nước biển bước nhanh vào nhà.

Thuyền anh vừa đến bến, nghe bà con nói Bác Hồ tới thăm gia đình anh, anh chạy vội về. Thấy Bác, anh đứng lại chào: - Kính Bác ạ.

Rồi anh định với lấy cái áo treo trên vách mặc vào người.

Bác biết ý, nắm lấy vai anh ngăn lại: - Chú cứ đứng đây! - Bác ngắm khổ người vạm vỡ của anh thanh niên - Dân đánh cá phải mạnh khoẻ như chú hoặc hơn nữa mới được. Chú vào hợp tác xã có thấy dễ chịu hơn làm ăn riêng lẻ không? - Dạ thưa Bác, vào hợp tác xã dễ chịu hơn ở ngoài ạ. - Dễ chịu thế nào, chú nói nghe thử?

- Thưa Bác, bây giờ đi đánh cá có đoàn, có đội, gặp nguy hiểm có sức mà chống đỡ. Ngày nào cũng có cơm ăn no, vợ chồng con cái được học hành… Bác gật đầu, rồi cúi xuống hỏi em bé: - Cháu học lớp mấy rồi? - Cháu học lớp hai ạ.

Bác tỏ vẻ hài lòng và bảo đồng chí đi theo lấy cho cháu một tờ Báo ảnh Việt Nam còn thơm mùi giấy và mực in, Bác đã đem từ Hà Nội ra đảo với ý định làm quà cho bà con ngoài này.

Bác vỗ vai anh thanh niên: - Thôi chú sửa soạn ăn cơm kẻo đói.  Những chuyến sau đi biển cố đánh cho thật nhiều cá.

Những lời động viên kịp thời của Bác có một ý nghĩa thật lớn lao, sự lan tỏa mạnh mẽ đến diệu kỳ và đã trở thành nguồn sức mạnh động viên nhân dân huyện đảo phấn đấu xây dựng quê hương.

Trong kháng chiến chống Mỹ, bằng truyền thống của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của quân dân trên đảo đã đoàn kết một lòng, tổ chức đánh giặc gần 600 trận lớn nhỏ, bắn cháy tàu chiến, bắn rơi máy bay và bắt sống giặc lái Mỹ. Những chiến cônggắn liền với những tên tuổi như: Ngô Xuân Tòng đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội tiêu diệt máy bay địch; Đoàn Hải Sầm cùng đồng đội bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên ở Hải Phòng; Vũ Bá Phiệt kiên cường bám giữ trận địa trên núi cao… Chiến công nối tiếp chiến công, lớp lớp thanh niên huyện đảo đã nô nức lên đường bằng tinh thần những người con của biển cả và sức mạnh truyền thống nghìn năm lịch sử của cha ông như anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Đức Thái, Ủy viên Ban thường vụ Huyện đoàn liệt sĩ Bùi Văn Quang, liệt sĩ Hoàng Văn Hạnh, liệt sĩ Phạm Xuân Ba... trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Trong 2 cuộc kháng chiến, Cát Hải, Cát Bà đã có trên 2000 thanh niên ra trận, có 368 người đã anh dũng hi sinh và 160 người đã để lại một phần xương máu của mình ngoài chiến trường vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước.

Với những chiến công ấy, Đảng và Nhà nước đã tặng cho huyện 8 chữ vàng: “Hà Sen anh dũng - Đôn Lương kiên cường”, cùng 1914 Huân chương, Huy chương các loại, 11 bà mẹ đã vinh dự được nhận danh hiệu cao quý - Mẹ Việt Nam anh hùng; 1.023 gia đình được Hội đồng Chính phủ tặng “Bảng vàng danh dự” và “Bảng gia đình vẻ vang”. Sau chiến tranh, huyện đảo cùng thành phố Hải Phòng và cả nước bước vào thời kỳ khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế.

Từ một huyện đảo xa đất liền chỉ có cát biển và sỏi đá, nghèo nàn, lạc hậu, nhiều khó khăn chồng chất sau những năm tháng chiến tranh cùng những biến động của lịch sử, các thế hệ lãnh đạo Đảng bộ huyện Cát Hải đã tiếp nối truyền thống, lãnh đạo nhân dân toàn huyện xây dựng huyện đảo theo hướng khai thác tối đa tiềm năng sinh thái rừng - biển - đảo, từng bước hình thành các ngành kinh tế chủ đạo là: Cảng biển - xuất nhập khẩu, Công nghiệp - công nghệ cao và Du lịch dịch vụ. Trong đó, du lịch - dịch vụ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2020, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010-2020) của Thủ tướng Chính phủ, huyện Cát Hải là huyện đầu tiên của thành phố Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2023, thu cân đối ngân sách địa phương ước đạt gần 725 tỷ đồng, giá trị sản xuất ước đạt hơn 9,6 nghìn tỷ đồng. Huyện đã hoàn thành xây dựng 5 xã nông thôn mới nâng cao tại khu vực đảo Cát Bà. Lượt khách du lịch ước đạt hơn 3 triệu lượt khách. Đặc biệt, một sự kiện nổi bật trở thành dấu ấn đối với Cát Hải là Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thiên thế giới vào ngày 16/9/2023. Đây cũng là di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam. Điều này không chỉ mở ra những cơ hội mới cho ngành du lịch địa phương nói riêng mà còn góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước nói chung. Đây cũng là dịp biểu dương sức mạnh của truyền thống, sức mạnh của sự đoàn kết, sức mạnh trí tuệ và sự năng động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cát Hải trên con đường nêu cao quyết tâm trở thành “Đảo thông minh”, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tài liệu tham khảo

  1. Cổng thông tin đối ngoại đa ngôn ngữ Thành phố Hải Phòng.

2, 3, 4, 5. Nguồn: Website Viện Nghiên cứu hải sản, 03/04/2013.

6. Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Hoàng Giai, Nxb. Thanh niên, H.1999, tr.122-124.

7. Cổng thông tin điện tử huyện Cát Hải: http://www.haiphong.gov.vn:8888/Portal/Detail.aspx?Organization=HCH&MenuID=5203&ContentID=148761

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)