ATK Thái Nguyên - Sứ mệnh lịch sử
ThS. Phan Thị Hoài
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Cách đây tròn 75 năm, trong những ngày toàn thể dân tộc ta đang sục sôi khí thế toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 20/5/1947, Người đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc, Thái Nguyên (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá). Như vậy, cùng với Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên trở thành một bộ phận của căn cứ địa Việt Bắc oai hùng, trở thành ATK đảm bảo cho cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng trên cả nước.
1. ATK Thái Nguyên - Địa bàn chiến lược
Thái Nguyên vừa ở vị trí tiếp nối giữa vùng châu thổ sông Hồng với miền núi phía Bắc vừa ở vào vị trí trung tâm căn cứ địa Việt Bắc. Núi non hiểm trở, có nhiều hang động cùng với những dải rừng rậm liên hoàn, địa thế của núi rừng trùng điệp, suối đan cài sông là nơi đảm bảo bí mật, che giấu lực lượng, dễ ẩn náu và di chuyển đối với ta, nhưng sẽ là trở ngại lớn với quân Pháp khi tác chiến chính quy, cơ động phương tiện và lực lượng. Chính điều này đã tạo ra cái thế “tiến có thể đánh, lùi có thể giữ” của Thái Nguyên. Từ đây có thể tiến công địch ở những nơi khác, khi thắng thế có thể tiến về đồng bằng châu thổ sông Hồng, khi lui lại có thể dựa vào rừng đại ngàn Định Hóa đứng chân an toàn.
Hệ thống đường mòn cho người đi bộ chằng chịt, ngang dọc khắp huyện tỏa đi các tỉnh khác trong căn cứ địa Việt Bắc thuận lợi cho việc tiếp tế, đảm bảo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ mau chóng đến các địa phương. Từ những con đường xuyên sơn này, chúng ta có thể dễ dàng luồn rừng vượt qua Đại Từ, dựa vào sườn núi Tam Đảo tiến về Sơn Tây, Hòa Bình, lên Tây Bắc, vào khu 4 (cũ) hoặc tạt xuống đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Từ đây men theo các triền núi ngược qua Bắc Kạn, Cao Bằng thông ra biên giới Việt -Trung đảm bảo giao lưu quốc tế. Nhờ đó, hình thành nên thế chân kiềng với nhiều lợi thế, thuận tiện cho việc thay đổi nơi ở, nơi làm việc, chặng đường di chuyển lại không quá xa, luôn đảm bảo kịp thời cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quân dân ta trong cuộc kháng chiến.
Mảnh đất Thái Nguyên hội tụ những điều kiện bảo đảm bí mật, an toàn, dễ cơ động, và quan trọng hơn là đồng bào nơi đây giàu truyền thống cách mạng, với những cơ sở vững chắc và phong trào quần chúng vững mạnh. ATK Thái Nguyên là địa bàn của nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy khác nhau về ngôn ngữ nhưng lòng yêu nước đã gắn kết họ thành một khối đoàn kết thống nhất. Đặc biệt là khi được Đảng tuyên truyền, giác ngộ thì truyền thống ấy được nhân lên gấp bội. Trải qua cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám năm1945, đồng bào nơi đây đã được giác ngộ chính trị sâu sắc, một lòng gắn bó với Đảng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng. Ngay từ khi còn ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có sự quan tâm đặc biệt đến phong trào cách mạng ở Thái Nguyên, thấy rõ Thái Nguyên là nơi hội tụ đủ những điều kiện cần thiết của một căn cứ địa cách mạng ở buổi ban đầu. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta... Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”(1).
Như vậy, địa hình, địa thế hiểm yếu, cùng với cơ sở cách mạng ra đời sớm và phát triển vững chắc là những cơ sở rất cơ bản giúp cho Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Thái Nguyên cùng Tuyên Quang, Bắc Kạn làm địa bàn xây dựng ATK Trung ương. Cách mạng Tháng Tám thành công, thực dân Pháp càng lúc càng lộ rõ âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Với nhãn quan sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức được ngày trở lại Việt Bắc có thể tới gần, cần phải củng cố ngay cái nôi của cách mạng, bởi: Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ thị cho đồng chí Phạm Văn Đồng và một số đồng chí khác ở lại Việt Bắc, giúp đồng bào các dân tộc xây dựng đời sống mới, qua đó củng cố căn cứ địa cách mạng, làm hậu phương cho kháng chiến nếu chiến tranh xảy ra. Cuối tháng 10/1946, sau khi từ Pháp trở về, Người lại phái đồng chí Nguyễn Lương Bằng -Trưởng ban Ban tài chính Trung ương Đảng trở lại Việt Bắc chuẩn bị các mặt cho kháng chiến, đặc biệt là vận chuyển hàng ngàn tấn muối từ Nam Định lên chiến khu. Một số địa điểm thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Nam Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô.
Đầu tháng 11/1946, theo chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Trần Đăng Ninh tổ chức Đội công tác đặc biệt thành phần gồm đại biểu của các ngành: Quân sự, công an, cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ... lấy bí danh là Trung đội 13 đi nghiên cứu kế hoạch hành quân đảm bảo tuyệt đối bí mật an toàn cho các cơ quan Trung ương từ Hà Nội lên Việt Bắc. Giữa tháng 12/1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt đã lần lượt lên vùng Việt Bắc làm nhiệm vụ. Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, đội quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng ATK của Trung ương. Ngày 20/5/1947, sau một hành trình dài bí mật và đầy gian nan, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến ATK Định Hóa. Từ đây, “Thủ đô gió ngàn” bắt đầu trọng trách lớn lao của mình.
2. ATK Thái Nguyên - Nơi ra đời những quyết sách lịch sử
ATK Thái Nguyên được Trung ương Đảng coi trọng đặc biệt, bởi nơi đây tập trung nhiều cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ. nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quân đội, Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Văn Tiến Dũng.. Từ ATK Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có những quyết sách lịch sử đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Thái Nguyên
là Thủ đô của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến được quyết định ở đây. Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ lãnh đạo toàn quốc thực hiện”(2).
Cuối năm 1947, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cam go hơn, thực dân Pháp huy động hơn 1 vạn quân chính quy mạo hiểm tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta để sớm kết thúc chiến tranh. Tối ngày 07/10/1947, tại lán Khau Tý đơn sơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội ý với các đồng chí Thường vụ Trung ương, nhận định rõ tình hình và âm mưu của địch. Ngày 8/10, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích và toàn thể đồng bào ta ra sức tiêu diệt địch, đánh bại cuộc hành quân của chúng. Cùng ngày, Bộ Tổng chỉ huy ra nhật lệnh cho bộ đội và dân quân chiến đấu phá tan cuộc tiến công mùa Đông của địch, ra quân lệnh diệt địch, bảo vệ căn cứ kháng chiến. Ngày 14/10/1947, tại Phụng Hiệp (nay thuộc xã Điềm Mặc), Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh thông qua Chỉ thị “Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp”, vạch rõ thực lực của địch, chỉ ra phương hướng hành động cụ thể cho quân, dân Việt Bắc và cả nước. Với đường lối đúng đắn, kịp thời cùng sự chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta, đến cuối tháng 12/1947, toàn bộ quân Pháp phải rút khỏi Thái Nguyên. ATK được giữ vững, tiếp tục được củng cố và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng đưa cuộc kháng chiến sang một giai đoạn mới.
Cũng trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến gian nan và đầy vẻ vang ấy, mảnh đất này đã chứng kiến một sự kiện đáng nhớ của quân đội nhân dân Việt Nam đó là Lễ sắc phong quân hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và phong quân hàm cho một số tướng lĩnh quân đội vào ngày 28/5/1948. Tiếp theo bước trưởng thành, tiến lên chính quy của Quân đội ta, các đại đoàn chủ lực của quân đội lần lượt ra đời như: Đại đoàn 308 - Đại đoàn quân tiên phong, đại đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên của Quân đội; Trung đoàn 174; Trung đoàn Sông Lô; Trung đoàn pháo phòng không 367... được thành lập trên cơ sở các quyết định từ Tổng hành dinh đóng ở Định Hóa. Rõ ràng, trong lịch sử vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng có những mốc son là các sự kiện rất quan trọng diễn ra tại ATK Thái Nguyên.
Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiếp tục chuyển biến theo hướng có lợi cho ta, lực lượng vũ trang chính quy không ngừng lớn mạnh. Trước tình hình đó, tháng 6/1950, tại ATK Định Hóa, Ban Thường vụ Trung ương
Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông (mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II). Tại cuộc họp quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: Chiến dịch này chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại. Sau đó, Người đích thân ra mặt trận chỉ đạo Chiến dịch. Chỉ sau gần 1 tháng quân ta tiến công, bao vây và truy kích chiến dịch đại thắng. Khu vực biên giới với gần 40 vạn dân được giải phóng, căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.
Trước những biến chuyển nhanh của tình hình chiến sự trên các mặt trận, cuối tháng 9/1953, tại Tỉn Keo (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Bộ Chính trị họp bàn và xác định chủ trương chiến lược trong Đông - Xuân 1953-1954; ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954. Đến ngày 01/01/1954, cũng tại Tỉn Keo, Bộ Chính trị đã chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc quyết chiến với kẻ thù. Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu. Và quân, dân ta dưới sự chỉ huy của vị tướng tài ba đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến gian nan, trường kỳ và vô cùng anh dũng của dân tộc.
Cùng với những quyết sách tạo ra các bước ngoặt trên mặt trận quân sự để cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, tại ATK Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng để lãnh đạo công cuộc kháng chiến: Ngày 6/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58/SL, đặt 3 loại huân chương: Sao vàng, Hồ Chí Minh, Độc lập để tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân; hoặc các nhân vật người nước ngoài có công với nước Việt Nam. Ngày 19/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 206/SL thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao. Từ tháng 2 đến ngày 07/9/1948, Người viết bài, ký sắc lệnh, gửi thư, trả lời phỏng vấn của báo chí, ra Lời kêu gọi gửi nhân dân cả nước và toàn thể các tướng sĩ nhân dịp 1.000 ngày kháng chiến (ngày 10/6), Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (ngày 11/6)...
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tại ATK Định Hóa, Trung ương Đảng, Chính phủ và nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ chính quyền các cấp. Người luôn căn dặn nhắc nhở cán bộ đảng viên phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Nơi đây Người đã viết tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” mà cho đến nay, những quan điểm, tư tưởng của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ta và đội ngũ cán bộ, đảng
viên thấm nhuần sâu sắc trong mọi giai đoạn phát triển của Đảng, của dân tộc.
3. ATK Thái Nguyên - nơi đặt nền móng và mở rộng mặt trận ngoại giao trong vòng vây của kẻ thù
Trong tình thế cách mạng bị bao vây bốn phía, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam gặp vô vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao nhằm “phá vây”, mở rộng quan hệ quốc tế. Đóng vai trò Thủ đô kháng chiến của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ATK Thái Nguyên là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ đã có các hoạt động ngoại giao như: Tháng 5/1947, tại thị xã Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp Paul Mus, đại diện của Chính phủ Pháp trao tối hậu thư đòi giải giáp quân đội. Năm 1948, tại xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của Chu Ân Lai bàn về việc phối hợp chiến đấu giúp đỡ nhau giữa quân đội cách mạng hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Tháng 4/1949, lãnh đạo phong trào du kích Quảng Tây, Trung Quốc đề nghị quân đội Việt Nam tiếp tục chiến đấu, giúp đỡ quân Giải phóng Trung Quốc giải phóng khu Ung - Long - Khâm. Tại ATK Định Hóa, đồng chí Lêô Phighe, Nghị sĩ Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, một người nhiệt huyết ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp, làm việc và đi thăm nhiều cơ quan, đơn vị ở ATK Định Hóa. Nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế, các đoàn cố vấn Trung Quốc, đoàn điện ảnh Liên Xô và nhà đạo diễn nổi tiếng Roman Cacmen... cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại ATK Định Hoá. “Các đồng chí lãnh đạo Đảng bạn như Chủ tịch Xuvanuvông, đồng chí Cayxỏn, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đồng chí Sơn Ngọc Minh, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia... trong thời kì kháng chiến chống Pháp đã ở và làm việc nhiều ngày trên đất Đại Từ.”(3).
Tháng 1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi thăm Trung Quốc và Liên Xô. Từ đó, mở ra một thế phát triển mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Trung Quốc, Liên Xô và một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cử một số cán bộ sang Việt Nam, thường xuyên làm việc tại ATK Định Hóa, giúp đỡ chính phủ ta về chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính.
Trải qua 7 phiên họp toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn rất căng thẳng và phức tạp, nhưng với tinh thần chủ động và cố gắng của Chính phủ ta, ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết. Âm mưu phá hoại Hội nghị Genève của đế quốc Mỹ và bọn hiếu chiến Pháp hòng kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược Đông Dương đã thất bại. Thành công của Hội nghị Genève năm 1954 đã được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là nhân dân các nước Đông Nam Á, nhiệt liệt hoan nghênh và coi đó như thắng lợi của chính mình.
Ngày 1/9/1954, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội), huyện Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Đây là Lễ nhận quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, nhà nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng trong mối quan hệ lâu đời giữa hai nước, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, tạo thuận lợi cho quan hệ hai nước phát triển về mọi mặt. Có thể khẳng định rằng, Lễ trình Quốc thư ở huyện Đại Từ là một trong những mốc son đầu tiên của ngành Ngoại giao Việt Nam.
4. Thái Nguyên làm theo lời Bác, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển
Trên các chặng đường quan trọng của cách mạng Việt Nam, Thái Nguyên - “Thủ đô gió ngàn” đã hoàn thành trọng trách vẻ vang, bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong lòng nhân dân cả nước, những địa danh thân thuộc như: Tỉn Keo, Khuôn Tát, Nà Mòn, Khau Tý... đã trở thành những địa danh thiêng liêng, nơi khắc ghi những mốc son chói lọi, mãi mãi đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc.
Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Thái Nguyên luôn tự hào có được những tháng năm gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, có được sự thương yêu và quan tâm hết mực của Người. Ngày 01/01/1964, trong lần về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tại sân vận động thành phố Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tỉnh ta sẵn có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hoá, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có đức tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”(4).
Thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Người, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, nêu cao quyết tâm chính trị, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện. Diện mạo từ đô thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc; phong trào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được thực hiện tốt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng. Đặc biệt, trong thời gian qua, cùng với nỗ lực chung của cả nước, Thái Nguyên đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh; sự đoàn kết, đồng lòng ủng hộ của nhân dân trong cuộc chiến chống lại đại dịch covid-19 và hiện nay đang nỗ lực tiếp tục vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, chăm lo đời sống của nhân dân phù hợp với tình hình mới. Điều đó cho chúng ta thêm phấn khởi và niềm tin vững chắc về tương lai phát triển tươi sáng của tỉnh Thái Nguyên.
Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng, ý chí, khát vọng đổi mới và phát triển trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; củng cố, tăng cường hơn nữa niềm tin, sự gắn bó mật thiết của nhân dân đối với Đảng; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, xây dựng thế trận lòng dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; xác định mục tiêu, xây dựng chiến lược sớm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh phát triển ở phía Bắc; đồng tâm, đoàn kết xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, thỏa lòng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.
Chú thích:
1. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.38, 39.
2. Tham luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “ATK Định Hóa, trung tâm của Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp” tại Hội thảo khoa học Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc (1947-1954).
3. Võ Nguyên Giáp: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hoá trong căn cứ địa Việt Bắc (1947-1954). Kỷ yếu Hội thảo khoa học, xuất bản 1997, tr.8, 10.
4. Hồ Chí Minh: Biên niên sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1993, tập 2, tr.267.