Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn - một tấm gương lớn suốt đời học và làm theo Bác
Cao Thanh Huyền
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Quốc Hoàn không chỉ là nhà lãnh đạo, nhà hoạt động thực tiễn cách mạng mà còn có những đóng góp to lớn trong xây dựng và phát triển lực lượng công an nhân dân Việt Nam lớn mạnh. Ông được Đảng và Bác Hồ giành cho sự tín nhiệm cao và giao trách nhiệm xây dựng lực lượng công an nhân dân làm nòng cốt bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân. Đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn noi theo Bác, nỗ lực học tập, phấn đấu để phục vụ nhân dân.
Đồng chí Trần Quốc Hoàn tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/01/1916, trong một gia đình nghèo ở một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa - xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia hoạt động yêu nước từ khi còn niên thiếu. Năm 18 tuổi ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1934) và từ đó ông cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Trải qua những năm tháng hoạt động sôi nổi trong cuộc kháng chiến cam go chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công phụ trách công an. Ngày 15/8/1952, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 27-NQ/NS điều đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng bộ Hà Nội lên làm Giám đốc Nha Công an thay đồng chí Lê Giản. Tháng 9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 113/SL bổ nhiệm đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức vụ Giám đốc Nha Công an Trung ương. Tháng 2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL đổi Nha Công an Trung ương thành Thứ Bộ Công an, bổ nhiệm đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 8 năm 1953 quyết định đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an và cử đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an cho đến năm 1980. Như vậy, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có gần 30 năm công tác trong ngành công an và 28 năm là Bộ trưởng Bộ Công an. Kể từ khi được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công lãnh đạo ngành công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã nỗ lực trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo những lời dạy của Bác Hồ. Ông đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng Công an nhân dân Việt Nam vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, vị Bộ trưởng đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, vừa là người đi đầu trong việc vận dụng, làm theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng và phát triển lực lượng công an nhân dân, vừa là người hoạt động thực tiễn sôi nổi. Cuộc đời hoạt động của ông đã nêu tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm chính, về phẩm chất đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; tác phong lối sống giản dị, gần gũi quần chúng; tận tụy trong công tác, mưu trí, dũng cảm; cống hiến hết sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng trân trọng ghi nhận: “Trong những năm hoạt động bí mật cũng như lúc bị địch bắt, tra tấn, tù đày, đồng chí đã luôn nêu cao tinh thần kiên định, vững vàng và chí khí của người chiến sĩ cộng sản kiên cường vượt qua mọi gian nguy, thử thách”(1).
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo, xây dựng, giáo dục và rèn luyện lực lượng Công an nhân dân trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt. “Công an Việt Nam phải là Công an nhân dân” chính là điểm mấu chốt trong quan điểm của Người về lực lượng công an. Khi nói chuyện tại trường Trung cấp Công an khóa II, năm 1951, Người khẳng định: “Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”(2). Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã chỉ rõ Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Đặc biệt, Bác còn dành sự quan tâm đến việc rèn luyện tư cách đạo đức của người công an nhân dân. Người đã dành riêng cho lực lượng công an những lời căn dặn về Tư cách người Công an cách mệnh là:
“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”(3).
Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công an nhân dân đã trở thành di sản tinh thần thiêng liêng, là nền tảng lý luận, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng công an nhân dân Việt Nam.
Học tập và làm theo lời căn dặn của Bác Hồ, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, trở thành công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và sự tin cậy của nhân dân. Ông luôn quán triệt và tuân thủ đúng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các bài phát biểu cũng như trong chỉ đạo thực tiễn, ông đã nhiều lần nhấn mạnh “khâu then chốt là phải xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ”(4), giáo dục cán bộ, chiến sĩ làm đúng theo 6 điều Bác Hồ dạy về tư cách người công an cách mệnh. Ông nêu rõ: “Muốn xây dựng lực lượng tốt, cần phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ mà Đảng giao cho công an, chẳng những phải thấy rõ tình hình và yêu cầu trước mắt mà còn phải tính đến yêu cầu của tương lai, phải xuất phát từ tình hình, kinh nghiệm của ta và phải suy nghĩ tiếp thu kinh nghiệm của các nước anh em, phải nhận thức được đường lối và yêu cầu cơ bản, lâu dài cũng như giải quyết tốt những vấn đề cụ thể trước mắt; phải quán triệt nhiệm vụ của ngành, tính chất cuộc đấu tranh, yêu cầu và đường lối giai cấp trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân”(5).
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người công an cách mệnh, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ công an “phải thật sự là người đày tớ trung thành, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng nhân dân”(6). Đồng chí còn nêu rõ đạo đức cách mạng đối với lực lượng công an nhân dân là: “Xả thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng; trong công tác thì quyết tâm vượt khó khăn; trong chiến đấu với địch thì dũng cảm, mưu trí; trong quan điểm phục vụ thì phấn đấu theo hoài bão và lý tưởng cao đẹp là thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mọi cán bộ, chiến sĩ, lấy sự nghiệp của Đảng làm mục tiêu phấn đấu của toàn lực lượng Công an nhân dân”(7). Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công an có đủ đức và tài bởi: “Đối tượng đấu tranh của công an có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, có phương tiện khoa học - kỹ thuật hiện đại. Do đó, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn luôn tích cực học tập, bồi dưỡng cho mình những kiến thức nghiệp vụ, khoa học, kỹ thuật, để có đủ khả năng theo kịp với yêu cầu công tác, làm tốt nhiệm vụ được phân công”(8). Có thể khẳng định, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã “luôn luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng để xây dựng công an nhân trở thành một lực lượng vũ trang cách mạng tin cậy, tuyệt đối trung thành của Đảng và nhân dân”(9).
Mặc dù bị nhiều bệnh nặng, nhưng đối với công việc, đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn chu đáo, cần mẫn, trừ khi phải nghỉ theo ý kiến của bác sĩ. Khoảng 10 hôm trước Tết Tân Sửu (năm 1961) vì công việc quá dồn dập, đêm nào Bộ trưởng cũng phải thức rất khuya. Do làm việc căng thẳng nên huyết áp của ông tăng nhanh và nhịp tim không được bình thường. Bác sĩ khám và đề nghị Bộ trưởng nên nghỉ từ 7 đến 10 ngày trước Tết để điều trị, có thể tại nhà hoặc lên khu nhà nghỉ của Văn phòng Trung ương tại Nghi Tàm. Do được nghỉ ngơi nên sức khỏe của Bộ trưởng có phần tốt hơn. Sáng mùng Một Tết Tân Sửu năm đó, Bác Hồ đã đến thăm và chúc Tết gia đình Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Bác nói: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc cụ, chú Hoàn, cô Toàn, ba cháu và các cô chú khỏe, làm việc tốt. Riêng ba cháu ngoan ngoãn, học giỏi”. Những ngày cuối hè năm 1962, do thời tiết khắc nghiệt, sức khỏe của Bộ trưởng có phần giảm sút. Bác sĩ Nhữ Thế Bảo khám bệnh cho ông đã khẩn thiết đề nghị ông phải đi nghỉ một thời gian, ít nhất là hai tuần thì việc điều trị mới có kết quả. Ngay buổi chiều hôm đó, Bác Hồ đã đến hỏi thăm sức khỏe đồng chí Trần Quốc Hoàn. Mùa thu năm 1963, thời tiết thay đổi thất thường, căn bệnh loạn nhịp tim của ông lại tái phát. Bác sĩ Nhữ Thế Bảo đề nghị hai điều: Một, Bộ trưởng không nên nghỉ ở tầng hai mà chuyển xuống tầng dưới để không phải lên xuống cầu thang nhiều lần ảnh hưởng tới việc bảo vệ tim. Hai, Bộ trưởng nên đi nghỉ từ một đến hai tuần. Bác Hồ đã đến thăm Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và ân cần hỏi thăm ông: “Hôm nay chú đỡ mệt chưa? Bác sĩ Bảo nói chú có dấu hiệu loạn nhịp tim. Chú phải tự giữ lấy sức khỏe của mình, không được làm việc trong lúc sức khỏe không bình thường như các lần trước. Chú nên đi nghỉ thêm, nếu có các việc cần, chú cứ giao lại cho chú Thân giải quyết, để yên tâm điều trị”.
Sau đó Bác giục Bộ trưởng vào nhà nghỉ ngơi.
Đối với công tác bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan đầu não Trung ương, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn giành sự quan tâm đặc biệt với những chỉ đạo toàn diện và sâu sắc. Trong suốt quãng thời gian từ năm 1954 đến năm 1969, kể cả những năm Mỹ leo thang bắn phá ác liệt ra miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ở và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch tại Thủ đô Hà Nội, nhiệm vụ trọng tâm số một của lực lượng cảnh vệ lúc này là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp nghe báo cáo của các đồng chí lãnh đạo Cục Cảnh vệ về công tác bảo vệ Bác tại nơi ở và làm việc của Người trong Khu Phủ Chủ tịch, nhất là trước các chuyến bảo vệ Bác đi thăm các địa phương. Ông thường cho ý kiến chỉ đạo cụ thể và thiết thực từ cách bố trí lực lượng và phương án bảo vệ, cách xử trí các tình huống bất trắc có thể xảy ra... Có nhiều cuộc bảo vệ Bác Hồ đi thăm cơ sở ở Hà Nội và các địa phương, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp đi cùng như chuyến bảo vệ Bác Hồ đi thăm Khu gang thép Thái Nguyên (năm 1958); Bác đi bỏ phiếu tại hòm phiếu Nhà thuyền, Hồ Tây, Hà Nội (tháng 4/1968); Bác tham gia Tết trồng cây trên đồi xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội mùng Một tết năm 1969... Đối với nhiệm vụ của công tác cảnh vệ, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ “Chỉ được phép làm tốt, chỉ được phép hoàn thành”. Kể từ ngày 24/8/1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh nặng, ông cũng thường xuyên túc trực bên Bác.
Đồng chí Trần Quốc Hoàn là một chiến sĩ cách mạng trung kiên, tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, một Bộ trưởng suốt đời tận tụy cống hiến cho sự nghiệp an ninh Tổ quốc. Ông đã dành hết tâm huyết, trí lực và tài năng đóng góp xây dựng lực lượng công an nhân dân Việt Nam. Đồng chí là người con ưu tú của dân tộc, một trong những học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, Nhà nước. Với gần 60 năm hoạt động cách mạng, hơn 30 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 năm tham gia Bộ Chính trị, 28 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an đồng chí đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Chú thích:
1. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ tang đồng chí Trần Quốc Hoàn, ngày 7/9/1986.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 7, tr. 269.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 5, tr.498-499.
4. Trần Quốc Hoàn: Một số vấn đề xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Nxb. CAND, H.2004, tr.77.
5. Những kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Nxb. CAND, H.2004, tr.33-34.
6. Trần Quốc Hoàn: Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, Nxb. CTQGST, H.2016, tr.131.
7. Trần Quốc Hoàn: Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, Nxb. CTQGST, H.2016, tr.33.
8. Trần Quốc Hoàn: Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, Nxb. CTQGST, H.2016, tr.442.
9. Trần Quốc Hoàn: Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, Nxb. CTQGST, H.2016, tr.175.