“Cả thế giới chỉ có vị tướng quân gái như vậy”
Cao Thanh Huyền
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Lịch sử đấu tranh cách mạng của phụ nữ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh đã xuất hiện rất nhiều cá nhân anh hùng, những con người tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong đó không thể không nhắc đến người con ưu tú của quê hương đồng khởi Bến Tre, vị nữ tướng tài danh - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định (1920 - 1992). Sinh ra và lớn lên ở một miền quê giàu truyền thống yêu nước, năm 1936, khi vừa tròn 16 tuổi đồng chí tham gia hoạt động cách mạng. Năm 18 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó, Nguyễn Thị Định cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, đóng góp vẻ vang cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Năm 1939, bà kết hôn với người đồng chí cùng hoạt động cách mạng là ông Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre. Cuộc sống vợ chồng không được bao lâu thì chồng bà bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh. Nợ nước thù nhà càng nung nấu thêm ý chí cách mạng. Nén đau thương, bà tự nhủ: Phải sống để nuôi con và trả thù cho chồng, cho các đồng chí. Năm 1940, bà bị thực dân Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá (Phước Long, Bình Phước). Bị giam cầm ở nơi rừng thiêng, nước độc và bị tra tấn dã man, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, bà đã vượt qua, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Không chỉ vậy, bà còn tìm mọi cách tuyên truyền, giác ngộ những người bạn tù, khích lệ động viên họ hăng hái đấu tranh. Ra tù và trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Tháng 3/1946, tuy còn trẻ tuổi nhưng ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại nhiều mưu trí nên đồng chí Nguyễn Thị Định được Tỉnh ủy Bến Tre cử đi trong phái đoàn ra Thủ đô Hà Nội báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tình hình sau Hiệp định Sơ bộ 6/3 và xin chi viện cho Nam Bộ. Trong đoàn có anh Đào Văn Trường - Tư lệnh Quân khu VIII, anh Ca Văn Thỉnh và bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.
Trong hồi ký của mình, Nguyễn Thị Định đã ghi lại: Đoàn vừa đến Hà Nội hôm trước thì hôm sau được Bác Hồ đến thăm. Bác đến rất đột ngột. Chúng tôi không ngờ được gặp Bác quá sớm, ngoài điều mong ước tha thiết của mình. Chiều tháng Năm. Nắng hè rực rỡ. Chúng tôi đang ngồi chuyện trò thân mật tại nhà anh Đặng Thai Mai, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thì nghe tiếng ô tô đậu trước cổng. Một ông già phúc hậu, người dong dỏng cao, thoăn thoắt bước vào. Đúng là Bác rồi! Giống hệt như trong ảnh mà tôi đã thấy. Tôi đứng im nhìn Bác. Lần đầu tiên gặp Bác một cách rất bất ngờ, tất cả chúng tôi đều hết sức cảm động bởi đôi mắt của Bác, đôi mắt sáng ngời, đầy chí kiên quyết, nhưng đồng thời cũng thân thương trìu mến, hiền hậu vô biên. Bác ung dung, tươi vui trong bộ ka-ki giản dị. Bác cười niềm nở và bắt tay từng người rồi ngồi bên cạnh tôi. Bác hỏi thăm sức khỏe từng đồng chí trong đoàn. Bác ưu tiên cho phụ nữ trong đoàn nói trước: “Cô nói cho Bác nghe tình hình nhân dân, bộ đội ta ở Nam Bộ bây giờ thiếu thốn những gì? Các cô, các chú muốn yêu cầu, đề nghị gì?”. Tôi cảm động luống cuống đứng lên. Bao nhiêu điều chuẩn bị mong gặp Bác để báo cáo, chạy đâu mất ráo. Bác cười, hỏi tôi: “Thiếu súng đạn lắm phải không? Các cô các chú muốn xin bao nhiêu khẩu mang về?” Thật là kỳ diệu. Bác đã nói đúng điều quan trọng nhứt mà các đồng chí lãnh đạo ở Nam Bộ đã dặn đi dặn lại mãi trước khi chúng tôi đi. Tôi sung sướng báo cáo với Bác: “Dạ thưa Bác, nhiều lắm”. Bác nói: “Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi vào Nam. Nhưng nước ta còn nghèo, các cô các chú về, phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng của nó dùng thì cái vốn đó mới nhiều”(1). Lần đi này bà Định được gặp Bác Hồ, được ăn cơm và nói chuyện miền Nam với Bác. Bác đã hỏi han từng người trong đoàn, tình hình và đời sống đồng bào và khen ngợi Nam bộ có sáng kiến mở con đường vận chuyển trên biển. Người căn dặn: “Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định thuộc về dân tộc ta”(2).
Lần thứ hai đoàn đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bắc Bộ Phủ, Bác vẫn đón tiếp đoàn thân mật như người trong gia đình. Ít ngày sau, đoàn lại được vinh dự thay mặt cho Nam Bộ đang chiến đấu đến chúc mừng lễ kỉ niệm sinh nhật Bác đầu tiên. Bà Định kể tiếp: Trìu mến nhìn chúng tôi, Bác nói: Tôi xin cảm ơn các cô, các chú Nam Bộ. Thật ra các báo ở Thủ đô trong dịp này đã làm to ngày sinh của tôi. Hiện nay nước ta đang có nhiều khó khăn. Giọng Bác càng xúc động: “Các cô, các chú về báo cáo với nhân dân miền Nam thân yêu rằng: Lòng già Hồ, lòng nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào miền Nam ruột thịt”(3). Nói rồi Bác khóc. Cảm động trước tấm lòng của Bác đối với đồng bào Nam Bộ, đoàn đại biểu cũng khóc.
Theo ý Bác, bà Định cùng một số thành viên được dự lớp học nghị quyết của Trung ương về tình hình nhiệm vụ mới. Sau một thời gian làm việc ở Thủ đô Hà Nội, Nguyễn Thị Định “một mình nhận súng, tiền và tài liệu của Trung ương mang về Nam Bộ”. Nhiệm vụ của cấp trên giao thật khó khăn nhưng rất vẻ vang. Bằng lòng quả cảm, trí thông minh, bà đã khéo léo đưa 12 tấn vũ khí từ miền Bắc vào tận chiến trường Nam Bộ đang thiếu súng đạn, rất cần sự chi viện của Trung ương. Thuyền ra đi trong dông bão, phải vượt qua bao nhiêu đồn bốt trong vùng kiểm soát gắt gao của địch, song bà quyết tâm: “Phải mang bằng được số vũ khí của Chính phủ, của Bác về tới Nam Bộ, dù có chết cũng không để vũ khí rơi vào tay quân địch”(4). Đồng chí Trần Văn Trà lúc đó là Khu trưởng Khu 8 đã đến tận rừng Thạnh Phú (Bến Tre) nhận tất cả số vũ khí vô cùng quý báu của Bác và Chính phủ gửi cho Nam Bộ làm cho quân dân miền Nam càng nức lòng chiến đấu, quyết tâm giành thắng lợi. Đây là món quà chi viện vô cùng quý giá, rất đúng lúc của Trung ương, của Bác gửi cho quân và dân Nam Bộ lần đầu tiên được đưa đến tận tay chiến sỹ. Đó là mệnh lệnh của Tổ quốc, là “gươm báu trao tay” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, linh hồn kháng chiến toàn dân. Chuyến vận chuyển vũ khí khó khăn, nguy nan cuối cùng cũng đã về đích an toàn, mở ra con đường huyền thoại trên biển tạo tiền đề cho sự hình thành “đường Hồ Chí Minh trên biển” oai hùng và huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bến Tre, bà Định nếm đủ mùi gian khổ, nhiều lần suýt chết, nhưng mỗi lần nhớ đến hình ảnh Bác Hồ kính yêu, bà lại can đảm vượt qua mọi thử thách gian lao, vận dụng lời Bác dạy một cách hiệu quả ở chiến trường miền Nam.
Thời kì kháng chiến chống Mỹ, mặc dù chính quyền Mỹ - Diệm thi hành chính sách đàn áp man rợ như Luật 10/59, chính sách tố cộng, diệt cộng... nhằm đè bẹp tinh thần, ý chí đấu tranh của nhân dân miền Nam. Cán bộ kháng chiến bị đặt ngoài vòng pháp luật, máy chém lê khắp nơi, nhà tù mọc lên khắp miền Nam. Song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là từ khi Nghị quyết 15 (tháng 1/1959) ra đời thổi bùng phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Bộ, trong đó tiêu biểu là phong trào Đồng khởi ở tỉnh Bến Tre. Cuối năm 1959, nhận nhiệm vụ từ Khu ủy về thực hiện Nghị quyết 15 là kết hợp đấu tranh chính trị với võ trang, bà Định đã tổ chức Hội nghị thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre để báo cáo nhưng lúc đó Bí thư Tỉnh ủy đi công tác. Lo ngại nếu chờ đủ thành phần thì sẽ lỡ thời cơ nên trên cương vị lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, bà đã quyết định thực hiện kế hoạch Đồng Khởi với tâm thế “nếu làm sai mình xin chịu kỷ luật, nếu làm đúng thì lấy thắng lợi bước đầu phát triển lên”. Với sự quyết đoán kịp thời ấy bà đã lãnh đạo phong trào Đồng Khởi giành thắng lợi. Cũng từ thực tế phong trào Đồng khởi, một lực lượng đấu tranh mới được bà Ba Định “khai sinh” đó là “đội quân tóc dài”. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Thị Định, họ tổ chức thành đội ngũ quy củ, tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù, đòi chấm dứt càn quét, sát hại nhân dân. Kết quả, trước sự đấu tranh mạnh mẽ của lực lượng kháng chiến, Mỹ - Diệm buộc phải chấp nhận những yêu sách của nhân dân tỉnh Bến Tre. Cuộc đấu tranh chính trị giành thắng lợi, đội quân tóc dài được biết đến trong phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, nhanh chóng lan rộng ra toàn miền, trở thành mũi tiến công sắc bén chống lại chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Uy tín của bà Định một lần nữa được khẳng định, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước bất khuất của phụ nữ Việt Nam. Thượng tướng Trần Văn Trà đã nói về bà với lòng khâm phục và kính nể: Chị Ba Định là người trực tiếp nhận nhiệm vụ của cấp trên, trực tiếp chỉ đạo triển khai tiến hành cuộc Đồng khởi ở Bến Tre. Khi nghiên cứu cụ thể và có hệ thống về cuộc Đồng khởi nổi tiếng này, tôi không khỏi ngạc nhiên về tài tổ chức, huy động lực lượng, về trình độ vạch kế hoạch và triển khai thực hiện, về nghệ thuật lãnh đạo và ứng phó với tình hình. Rõ ràng qua phong trào này nổi bật lên tài thao lược, ý chí cao, nghệ thuật điều hành của người chỉ huy đội quân tóc dài: vừa hình thành tổ chức, vừa tác chiến ngay tại chiến trường vô cùng phức tạp. Từ phong trào Đồng khởi đã khai sinh “đội quân tóc dài” với thủ lĩnh là bà Nguyễn Thị Định và tên tuổi của bà đã gắn liền phương thức đánh địch bằng “Ba mũi giáp công”: Chính trị kết hợp với vũ trang và binh vận. “Đội quân tóc dài” không một tấc sắt trong tay nhưng đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù, làm lung lay thành trì cai trị. “Đội quân tóc dài” cũng chính là tên gọi mà Bác Hồ đã dùng để gọi tên đội quân đặc biệt này.
Tháng 5/1961, bà Nguyễn Thị Định được bầu vào Khu ủy viên Khu 8, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Khu 8. Năm 1965, khi bà Định đang là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã mời bà sang Bộ Tư lệnh Miền, giao nhiệm vụ: Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định rút chị lên làm Phó Tư lệnh các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ngoài công tác chung, Bộ Tư lệnh phân công chị theo dõi chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị. Bà ngỡ ngàng trước trọng trách được giao, vừa thấy tự hào, vừa lo lắng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói: Cuộc chiến tranh nhân dân của ta là cuộc chiến tranh không có trận tuyến, phải đánh giặc bằng quân sự và bằng chính trị. Do nhu cầu của chiến lược, Bộ Tư lệnh Miền phải có một đồng chí biết rành về chỉ huy lực lượng đấu tranh chính trị trực diện. Chị cứ mạnh dạn nhận nhiệm vụ, cần gì chúng tôi sẽ hỗ trợ. Bà thao thức suốt mấy đêm không ngủ. Bà tự nhủ đã nhận nhiệm vụ thì phải ráng hết sức, phải học, vừa làm vừa học. Bà chợt nhớ lời dạy của Bác Hồ cách đó 20 năm, trong chuyến ra miền Bắc xin Trung ương hỗ trợ vũ khí đánh Pháp. Với tinh thần nghiêm túc, giữa rừng sâu, bà lao vào học lý luận, nghiên cứu khoa học quân sự. Và từ đó, sự có mặt của Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định trong Bộ Tư lệnh Miền đã góp phần làm cho cái nhìn của lãnh đạo, chỉ huy toàn diện, thấu đáo hơn từ cuộc chiến tranh nhân dân.
Bà Định thường không mặc quân phục, không mang quân hàm dù phòng quân trang đo may cho bà những bộ quân phục rất đẹp để tiếp khách quốc tế (trong vùng căn cứ, thỉnh thoảng cũng có đoàn khách nước ngoài, nhà báo, nhà văn... đến thăm, bày tỏ lòng ngưỡng mộ và chia sẻ khó khăn với Trung ương Cục trong kháng chiến chống Mỹ). Trang phục mà bà thường mặc vẫn là bộ quần áo bà ba đen, đôi khi màu cỏ úa, màu kem nhạt; khăn rằn quấn cổ, nón lá, đi dép râu, vai đeo túi để sẵn sàng lấy ra cây kim, sợi chỉ vá áo cho bộ đội, lấy viên thuốc, miếng đường cho chiến sĩ nào đó lên cơn sốt... Nơi nào có “chị Ba”, nơi đó cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện. Trong rừng sâu, bà biết cách chế biến bột mì thành món bánh bao tuyệt hảo. Bà đồng cam cộng khổ với chiến sĩ, tập đi xe đạp băng qua đường rừng dài hun hút để ra mặt trận. Bà Định đã giữ cương vị này trong suốt 10 năm, từ năm 1965 - 1975. Đó cũng là 10 năm khốc liệt của cuộc chiến đấu ở miền Nam. Tất cả các tướng lĩnh đương thời vẫn còn nhớ, vẫn viết những hồi ức về những ngày khói lửa ấy, đặc biệt là những quyết định sáng suốt trên chiến trường của vị Phó Tư lệnh đã giúp giảm thiểu tối đa mất mát, hy sinh. Năm 1965, khi đánh giá về bà Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Phó tổng tư lệnh quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”(5). “Trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó Tổng Tư lệnh như ở miền Nam nước ta”(6). Đây dường như là một lời tiên tri, khi đến năm 1974, bà Ba Định chính thức được phong quân hàm Thiếu tướng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự có mặt của bà trong Bộ Chỉ huy Miền Nam đã góp phần đưa cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mùa xuân 1975, trong 5 cánh quân rầm rập tiến về giải phóng Sài Gòn, có nữ tướng Nguyễn Thị Định trong vai trò Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng.
Suốt cả cuộc đời mình, không bao giờ bà Nguyễn Thị Định quên phút giây đầu tiên được gặp Bác Hồ vào tháng 5/1946 khi Người hỏi thăm tình hình Nam Bộ, hỏi chuyện từng người và căn dặn bà Định: “Cô ở ngoài này học tập một thời gian rồi lại về tiếp tục kháng chiến với bà con. Người cách mạng phải học suốt đời, học lý luận, học quần chúng, học thực tế. Người không học thì như đi ban đêm không có đèn, không có gậy, dễ vấp té”. Năm 1968, Bác Hồ đã gửi tặng chiếc lược làm bằng mảnh xác máy bay giặc Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc cho bà. Chiếc lược đơn sơ khắc dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” tươi nét trên mặt kim loại trắng. Mỗi khi cầm lược chải tóc, bà càng nghĩ đến Bác, nhớ những điều Bác dạy. Cuối năm 1968, Bác Hồ gửi tặng bà chiếc huy hiệu có hình ảnh của Người. Vinh dự và cảm động biết bao khi đeo huy hiệu Bác lên ngực áo, bên trái tim mình. “Khi đeo huy hiệu Bác Hồ trên ngực, tôi (Nguyễn Thị Định) thấy như lúc nào cũng có Bác ở bên mình. Bác luôn nhắc nhở, động viên tôi. Nhớ hồi kháng chiến chín năm, tôi đã giữ chiếc huy hiệu Bác Hồ như giữ niềm tin sâu sắc. Những lúc không đeo lên ngực thì tôi gói chiếc huy hiệu vào một mảnh lụa và cất kỹ trong người, đi đâu tôi cũng mang theo. Chính chiếc huy hiệu ấy đã giúp tôi làm tốt công tác vận động quần chúng. Mỗi khi đến nơi nào là tôi đưa chiếc huy hiệu ấy cho mọi người xem để thuyết phục và cổ vũ họ làm những việc ích nước lợi dân, làm theo lời dạy của Bác Hồ. Chiếc huy hiệu bà con chuyền tay nhau một cách trân trọng. Bà con càng thêm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Tuy ở xa Bác, bao giờ tôi cũng cảm thấy rất gần Người. Những năm chống Mỹ, tôi có tấm hình Bác bọc giấy bóng cẩn thận, luôn luôn để trước mặt nơi tôi làm việc. Những lần đi công tác, tôi không quên mang ảnh Bác theo bên mình”(7). Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trải qua nhiều đắng cay, khi bị bắt bớ tù đày, lúc gặp phong ba bão táp, bà luôn kiên trì vững bước, tiến lên đi theo con đường của Bác Hồ kính yêu. Nhân ngày sinh nhật lần thứ 79 của Bác, bà Định có gửi tặng Bác Hồ một chiếc khăn rằn mà các cô gái Nam Bộ hay mang trên cổ. Nhận được quà, Bác ướm thử khăn vào cổ và nói: “Phụ nữ thường hiếu thảo và tình nghĩa thế đó”. Người nhìn dòng chữ thêu chỉ đỏ: “Kính dâng Bác Hồ - 19/5/1969”, nói vui: “Chắc cô Định chẳng thêu đẹp như thế này?”. Từ Bến Tre, đọc được tin này trên báo Nhân dân, bà Ba Định và các chị em xúc động ứa nước mắt. Và bà không ngờ đó cũng là lần cuối cùng được gửi quà mừng sinh nhật Bác Hồ. Trong những ngày tang lễ Bác, người phụ nữ mặc áo bà ba đen, cổ quàng chiếc khăn rằn từng chỉ huy hàng trăm trận đánh, lẫm liệt, oai phong, từng làm quân thù khiếp đảm là thế mà hôm ấy, trong giờ phút đau thương mất mát của toàn Đảng, toàn dân đã tuôn trào dòng lệ khi đứng trước anh linh của vị lãnh tụ kính yêu.
Từ sau ngày đất nước thống nhất, bà Định giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau: Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IV,V,VI), Đại biểu Quốc hội (khóa VI, VII, VIII), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba. Dù ở cương vị nào bà cũng có nhiều đóng góp to lớn đối với Đảng và đất nước. Cuộc đời và cống hiến của nữ tướng Nguyễn Thị Định là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Một vị tướng từ lòng dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và sống mãi trong lòng nhân dân. Bà “Ba Định” là người phụ nữ tiêu biểu nhất, xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Chú thích:
1. Nguyễn Thị Định, Nữ tướng anh hùng, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.44,45.
2. Nước non bừng sáng, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1975, tr.33.
3. Nước non bừng sáng, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1975, tr.33.
4. Nước non bừng sáng, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1975, tr.34.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.172.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.752.
7. Nước non bừng sáng, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1975, tr.38, 39.