Câu chuyện của người kiểm nghiệm thức ăn phục vụ Bác Hồ
Nguyễn Thị Thu
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu
Vào 8 giờ ngày 17/6/2022, bà Lưu Thị Tính đã nhận lời nói chuyện, chia sẻ những hồi ức, kỉ niệm về Bác Hồ với các cán bộ Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu (Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) tại nhà riêng ở số 42, ngõ 13, Khuất Duy Tiến, Hà Nội. Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng bà Tính vẫn minh mẫn kể lại những câu chuyện trong thời gian bà làm công tác kiểm nghiệm thức ăn, phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1965 cho đến khi Người qua đời.
Bà Lưu Thị Tính sinh năm 1938 tại Quất Động, Thường Tín, Hà Nội. Bà thoát li gia đình từ tháng 8/1956, công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và đảm nhận các vị trí: chước nghiệp hóa, xã hội hóa, bảo vệ địa điểm, bảo vệ tiếp cạn... trong thời gian 10 năm (từ năm 1956 đến năm 1965). Sau đó bà được cử đi học và về làm việc tại Phòng Kỹ thuật Bảo vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Nhiệm vụ chính của bà khi công tác tại Phòng Kỹ thuật Bảo vệ là kiểm nghiệm thức ăn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khác. Năm 1975, bà chuyển về công tác tại Cục Tình báo, Bộ Công an cho đến khi nghỉ hưu.
Về quy trình hàng ngày lấy thức ăn để kiểm nghiệm, bà Tính kể: “Thức ăn được kiểm nghiệm vòng 1 tại Tông Đản (thường là thực phẩm tươi sống, chưa qua chế biến trước khi đưa vào trong Khu Phủ Chủ tịch). Phòng của tôi kiểm nghiệm thức ăn vòng 2 cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng. Riêng tôi được trực tiếp vào bếp ăn của Bác (bếp A) để lấy mẫu thức ăn về thử nghiệm. Nếu có bất thường gì sẽ gọi điện thông báo cho các đồng chí nấu bếp.
Một ngày 3 lần tôi vào bếp lấy mẫu thức ăn để kiểm nghiệm trước mỗi bữa ăn. Khoảng 5 giờ sáng tôi đã vào nhà Bếp trong Khu Phủ Chủ tịch lấy mẫu thức ăn bữa sáng để thử. Sau đó, tôi đến lấy mẫu thức ăn của bác Tôn Đức Thắng. Buổi sáng, Bác Hồ thường ăn xôi, phở, bánh đa, bánh mì, bánh bao... Món Bác hay ăn là phở bò với thịt thái mỏng. Tôi nhắc các đồng chí nấu ăn lưu ý thịt bò phải xào chín để tránh bị sán, đảm bảo sức khỏe cho Bác. Việc kiểm nghiệm bữa ăn trưa và tối thì làm trước khi Bác ăn theo phương pháp cấp tốc (vô cơ, hữu cơ) để phát hiện chất độc bay hơi như ở trong măng, sắn, rau diếp cá, đây là những chất độc phá vỡ đường máu, nên phải chế biến cẩn thận hoặc hạn chế cho Bác ăn, măng phải luộc đi luộc lại. Hai bữa chính, Bác thường ăn cơm bình thường như bao người dân Việt Nam. Bữa ăn của Bác rất giản dị, đạm bạc. Bác thích nhất ăn rau muống luộc chấm tương Nam
Đàn, cá bống kho. Bác còn thích ăn đậu phụ luộc chấm tương.
Bên cạnh đó, thi thoảng Bác tiếp khách bên Phủ Chủ tịch, hay khi Bác đi công tác xa, chúng tôi cũng phải đi theo để bảo đảm an toàn bữa ăn cho Bác. Khi đi cùng phải mang đồ dùng đi để kiểm nghiệm thức ăn phục vụ Người. Có lần, 5 giờ sáng được cơ quan thông báo Bác đi công tác, phải đi theo Bác.
Dụng cụ thử mẫu hình tam giác, cho thức ăn vào đó và đun lên, cho mẫu đồng ở trên và tờ giấy trên cùng, nếu mẫu đồng biến đổi đen hoặc tờ giấy đổi màu là có chất độc, phải kịp thời báo cáo lên cấp trên.
Ngoài ra, tôi còn phải kiểm nghiệm vệ sinh xung quanh nhà bếp. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Nhà bếp là nơi rất nghiêm ngặt không ai được ra vào tùy tiện, hàng ngày bên cạnh kiểm nghiệm thức ăn, tôi còn kiểm nghiệm mâm bát, quần áo, môi trường, nước dùng, dao thớt, bàn ghế... Đồ dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh để riêng trong một tủ lưới có phủ khăn trắng chống bụi. Mọi thứ đồ dùng trong bếp phải thật sạch sẽ, an toàn vệ sinh và ngăn nắp, từ nền nhà, các cửa lưới, cửa chớp, tủ lưới, xoong nồi; mâm bát, đũa, cốc, chén nhúng nước sôi trước khi dùng...”
Cũng theo lời kể của bà Tính: Việc kiểm nghiệm thức ăn phục vụ Bác và các đồng chí lãnh đạo gồm có cả đồ sống và đồ chín như thịt bò lấy mẫu sống, thịt đông, xương hầm... lấy mẫu chín. Thời gian kiểm nghiệm thức ăn vào trước bữa ăn khoảng 30 phút, nếu có vấn đề gì lập tức báo cáo lại, dừng món ăn có chất gây hại và dùng món khác thay thế. Rất may trong suốt quá trình công tác, phục vụ bữa ăn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chưa hôm nào Người gặp vấn đề gì về đường tiêu hóa và cũng chưa phải gọi điện thông báo cho các đồng chí nấu bếp trong Khu Phủ Chủ tịch về việc dừng bữa ăn nào.
Để làm rõ thêm lời kể của bà Tính về công tác kiểm nghiệm thức ăn phục vụ Bác Hồ, chúng tôi có thông tin từ ông Đặng Văn Lơ - đầu bếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1960 đến năm 1969 như sau: “Tiêu chuẩn đầu tiên khi nấu ăn cho các lãnh đạo là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi ngày vào sáng, trưa, chiều, trước giờ ăn 1 tiếng, đều có người từ Cục Cảnh vệ lấy mẫu đem về kiểm nghiệm, nếu không vấn đề gì thì thôi, nếu có họ sẽ gọi điện sang báo ngay. Do đó, để đảm bảo vệ sinh, tất cả thực phẩm tươi sống như gà, cá,. đều do các ông tự giết mổ, không có thứ gì mổ sẵn ở ngoài.
Ngoài thức ăn, còn kiểm nghiệm về móng tay, quần áo và con người; kiểm nghiệm môi trường xung quanh, xem các cửa, bàn ghế có sạch không. Do vậy, đồ dùng tiếp khách thì nhiều, đồ dùng của Bác có ít, những dụng cụ này đều được ông Lơ đánh rửa sạch. Bàn được lau trắng bong, từ mặt bếp đến nồi xoong, bát đĩa đều sạch sẽ. Mâm cơm bê lên có đĩa đậy, có khăn trắng phủ. Nếu trời mưa gió thì phải có nilon trắng phủ trên thức ăn để đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. Trước khi bày thức ăn, bát đũa được nhúng nước sôi và lau bằng khăn sạch. Mâm cơm ăn xong được mang xuống bếp dọn rửa và để riêng ở một tủ để tránh ruồi, tránh ô nhiễm. Bếp giữ rất nghiêm ngặt, không ai ngoài hai người tổ bếp được ra vào, nhân viên phục vụ, kể cả hai ông, đều không ăn ở đó mà ăn cơm bếp tập thể. Do tuân thủ đúng nguyên tắc nên trong bao năm làm việc, chưa bao giờ các ông bị Cục Cảnh vệ gọi điện. Đó là điều ông Lơ rất lấy làm tự hào”(1).
Trong những ngày tháng cuối đời của Bác, bà Tính vẫn vào bếp A để lấy mẫu thức ăn phục vụ Bác, kể cả những hôm địch ném bom, hoặc Bác mệt nhiều thì đầu bếp vẫn nấu ăn bên bếp A rồi mang thức ăn sang bên Nhà sàn hay nhà H67. Nhà bếp B chủ yếu dùng phục vụ bữa ăn nhẹ cho các đồng chí trong Bộ Chính trị khi họp bàn với Bác và các y bác sĩ chăm sóc cho Bác những ngày Người lâm bệnh nặng tại Nhà H67.
Bà Tính kể: “Ba tuần trước khi mất, Bác chỉ ăn được chút cháo loãng, ít súp hoặc sữa chứ Người không ăn được cơm hay những món ăn như ngày thường khi còn khỏe nữa. Việc ăn uống trong những ngày cuối đời của Người phải tuyệt đối giữ bí mật. Bà Bích Thuận, vợ ông Lê Văn Lương - lãnh đạo Phòng tôi còn dặn không được nói với bất kỳ ai, kể cả ông Cẩn (là chồng bà Tính). Khi lấy mẫu thức ăn những ngày Bác ốm mệt, tôi rất buồn vì tôi đã biết tình hình sức khỏe của Người qua những mẫu kiểm nghiệm mỗi bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, vì đây là nhiệm vụ tuyệt đối bí mật nên tôi không chia sẻ với bất kỳ ai”.
Trong thời gian phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Tính rất nhớ những kỷ niệm khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhớ có lần Người nói “các cháu chỉ có hai tai, hai mắt, Bác có dân bảo vệ Bác”. Có năm 30 Tết, Bác dự ăn cơm tất niên với anh em phục vụ trong Khu Phủ Chủ tịch, mọi người phân công bà Tính nấu cơm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Vũ Kỳ còn nói đùa rằng: “Cô nấu cơm cho Bác Hồ đó nhé, đừng để Bác ăn cơm sống”.
Một món quà quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bà Tính làm quà cưới mà đến giờ bà vẫn nhớ như in là đôi hài nhung màu đen, đế màu trắng. Sau này bà mới biết, đó chính là quà của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh để giữ ấm đôi chân trong mùa đông. Bà cất để dành món quà quý giá Bác tặng chứ không đi, nhưng do chiến tranh, phải sơ tán, chuyển nhà, bà không giữ được đôi hài đó.
Bằng tình cảm và tấm lòng kính yêu vô hạn với Bác, trong những năm được phục vụ Bác, bà Lưu Thị Tính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không nề hà khó khăn vất vả, đảm bảo an toàn tuyệt đối các bữa ăn của Người. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi, bà đã vô cùng xúc động, thương nhớ Người. Kỷ niệm về những năm tháng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh được bà Lưu Thị Tính hết sức trân trọng. Bà luôn coi nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe cho Người là niềm vinh dự lớn lao, là quãng thời gian khó quên trong cuộc đời mình.
Chú thích:
1. Thông tin tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 62, 6/2021.